Nâng cấp tăng, thiết giáp cho Hải quân đánh bộ
Monday, May 27, 2013
Mặc dù ra đời từ thập kỷ 1950 - 1960 nhưng xe tăng PT-76 và xe bọc thép BTR-60 vẫn là xương sống của Hải quân đánh bộ.
Trong điều kiện không tăng ngân sách mua sắm mới tăng, thiết giáp, việc nâng cấp, hiện đại hóa hai loại xe này là hướng đi tiết kiệm và đáp ứng được yêu cầu sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới.
BTR-60 trong biên chế Hải quân đánh bộ hiện nay.
Công ty Muromteplovoz (Nga) đã đưa ra gói nâng cấp BTR-60 tập trung cải tiến hỏa lực và khả năng cơ động. Việc nâng cấp được thực hiện trên khung thân biến thể BTR-60PB (ra đời năm 1966). Theo đó, các kỹ sư Muromteplovoz thay thế tháp pháo cũ (trang bị súng máy 14,5mm và 7,62mm) bằng tháp pháo mới MB-2 lắp pháo tự động 2A42 cỡ 30mm, súng máy PKTM 7,62mm cùng súng phóng lựu tự động AGS-17 30mm lắp ở phía trái tháp pháo. BTR-60PB lắp hệ thống tên lửa đối không tầm ngắn 9K35M3-K Strela-10M3-K.
BTR-60 PB
Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn các loại pháo tự động khác (2A72 30mm, GSh-23 23mm, GSh-30 30mm), hoặc trang bị tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển, tổ hợp tên lửa phòng không.
Điểm thứ hai trong chương trình nâng cấp, tăng tính cơ động của xe. Trước đây, BTR-60PB lắp đặt hai động cơ xăng GAZ-49B 90 mã lực cho phép đạt tốc độ 80km/h, tầm hoạt động 500km. Động cơ xăng khá tốn nhiên liệu, tính tiết kiệm chưa cao.
Ảnh 3D BTR-60 PB
Vì vậy, BTR-60PB nâng cấp sẽ trang bị động cơ diesel YaMZ-236A 195 mã lực, cho phép đạt tốc độ 80km/h, tầm hoạt động tăng lên 800km. Muromteplovoz cũng cải tiến hộp số và hệ thống phanh trên xe.
Sau khi nâng cấp, BTR-60PB tăng trọng lượng từ 10 lên 13 tấn. Hỏa lực và tính cơ động được tăng cao hơn rất nhiều. Hỏa lực pháo có uy lực mạnh hơn, tầm bắn lớn hơn, có thể tiêu diệt xe bọc thép hạng nhẹ, bắn hạ mục tiêu bay thấp. Về tính cơ động, BTR-60PB “nguyên thủy” mất 83s mới tăng tốc từ 0-60km/h, còn khi nâng cấp xe chỉ mất 63s.
Gói nâng cấp này được ứng dụng cho dòng xe bọc thép trinh sát BRDM-2. Tương tự, xe sẽ thay động cơ và hệ thống hỏa lực. BRDM-2 được lắp một tháp pháo MA8 với súng máy hạng nặng 14,5mm, súng máy 7,62mm và súng phóng lựu AGS-17 30mm.
Ở Việt Nam, xe tăng PT-76 được sử dụng như lực lượng yểm trợ hỏa lực chủ yếu cho Lực lượng Hải quân đánh bộ. Để đáp ứng tình hình mới, các kỹ sư và các nhà thiết kế xe tăng của Nga đề xuất giải pháp "đặc biệt" để hiện đại hóa PT-76 bằng việc trang bị pháo bắn nhanh, tên lửa chống tăng có điều khiển, động cơ mạnh, khả năng tác chiến ban đêm và khả năng chống bắn tỉa...
Xe tăng lội nước PT-76 trong biên chế Hải quân đánh bộ hiện nay
Nếu ở biến thể ban đầu, kíp chiến đấu của PT-76 có ba người, lãnh các vai trò kiêm nhiệm, xe tăng bị hạn chế về khả năng nhìn đêm thì ở biến thể nâng cấp xe được và trang bị khí tài trinh sát ảnh nhiệt, giúp quan sát quan sát toàn cảnh trong điều kiện cả ngày lẫn đêm.
PT-76 Việt Nam đang đổ bộ
Ngoài ra, bằng việc thay thế tháp pháo 76,2mm cũ bằng pháo tự động 57mm AY220M có tốc độ bắn cao, 4 ống phóng tên lửa chống tăng (ATGM) Kornet và một súng máy phòng không 12,7mm, cùng với súng phóng lựu tự động 30mm AG-30, kíp xe đã giảm xuống chỉ còn 2 người (lái xe và pháo thủ).
PT-76 với tháp pháo 57 mm
Với hệ thống theo dõi mục tiêu mới MSA, xe tăng sẽ tự động phát hiện và tăng cường khả năng theo dõi mục tiêu lên từ 4 – 6 lần, và hệ thống sẽ tự động dẫn hướng cho tên lửa chống tăng Kornet (AT-14) tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao.
Do xe tăng PT-76 được thiết kế để lội nước và chủ yếu được Hải quân đánh bộ sử dụng, vì vậy trọng lượng của xe khá nhẹ, chỉ khoảng 14 tấn, đồng nghĩa với việc đó là giáp bảo vệ của xe tăng cũng rất mỏng, dày khoảng 20mm. Vì vậy, việc chống lại các tay súng bắn tỉa hạng nặng, có khả năng xuyên giáp và phá hủy thiết bị là bài toán quan trọng của các nhà thiết kế.
Nhận thức được điểm yếu chết người này, các kỹ sư Nga đưa ra giải pháp độc đáo để bảo vệ kíp xe mà không cần tăng cường vỏ giáp dẫn đến tăng trọng tải, giảm sức cơ động của xe. Họ đã trang bị hệ thống Antisnaypera nhằm cảnh báo, phát hiện các thiết bị quang học gắn trên các khẩu súng bắn tỉa. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho kíp xe biết khu vực họ đang hoạt động có sự xuất hiện của các tay súng bắn tỉa để đối phó.
PT-76 với các modul nâng cấp
Về hỏa lực, PT-76 nâng cấp sử dụng pháo 57mm AY220M có tốc độ bắn cực nhanh, 120 phát/phút. Pháo sử dụng đạn nổ mảnh và cả đạn xuyên giáp.
Khi sử dụng đạn xuyên giáp, thậm chí xe tăng PT-76 có thể tự tin tham gia tấn công các xe tăng chủ lực ở khoảng cách 1 km, và tấn công mục tiêu là xe bọc thép BMP, binh lính đối phương ở khoảng cách 2,5 km. Trong trường hợp đặc biệt, pháo AY220M còn có thể sử dụng để tham gia tác chiến phòng không.
Hỏa lực đáng kể khác của xe là tên lửa chống tăng Kornet (có biến thể xuất khẩu là Kornet-E), có thể tấn công phá hủy các mục tiêu trên mặt đất và cả các mục tiêu trên không như trực thăng ở khoảng cách 4 km, tầm tiêu diệt xe tăng là 5 km với khả năng xuyên giáp sau giáp ERA là 1.200mm.
Ngoài ra, Súng phóng lựu tự động AG-30 30mm sẽ tăng cường hiệu quả đáng kể trong việc tấn công bộ binh của đối phương.
Để tăng cường khả năng cơ động và hiệu suất, động cơ của xe tăng cũng được thay thế bằng một động cơ mới, có công suất 420 mã lực (lớn hơn công suất động cơ ban đầu, 240 mã lực), vì vậy vận tốc của xe tăng được nâng đáng kể, giúp xe vượt qua các chướng ngại vật và di chuyển với tốc độ dưới nước là 14 km/h.
Khung gầm của xe tăng PT-76 cũng được gia cố sức chịu đựng các loại mìn chống tăng.
Một lựa chọn khá phổ biến để tăng cường khả năng phòng thủ đó là tháp pháo mới của xe tăng PT-76 sẽ được lắp các ống phóng lựu đạn khói để có thể gây "mù" đối với đối phương.
Với số lượng biên chế khá nhiều của xe tăng PT-76 trong Hải quân Việt Nam, việc lựa chọn nâng cấp để có thể thích ứng với chiến trường tác chiến hiện đại sẽ là một lựa chọn hợp lý.
Người TQ nâng cấp Type-63 (vốn được thiết kế dựa trên thiết kế của PT-76) thành Type-63A: Đó là khả năng bơi tốc độ cao tốt, đặc biệt là bơi biển, khoảng cách bơi là hơn 10 km, tốc độ bơi đạt đến gần 30km/h và có khả năng vừa bơi vừa bắn chính xác với hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) tiên tiến và điều đặc biệt là TQ chọn dùng pháo 105mm để làm hỏa lực chính kết hợp với ATGM.
Xe tăng lội nước Type-63A của Trung Quốc
Người TQ chọn như vậy vì pháo 105mm đủ lớn để bắn hạ xe tăng cũng như công sự đối phương. TQ cải tiến Type-63 thành Type-63A để phục vụ cho tác chiến của Hải quân Lục chiến. Khả năng bơi biển được nâng cao đáng kể.
Tường Bách - Người Đưa Tin
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Sao không mua các hệ thống khí tài, ra đa, v,v... còn thân xe thì sản xuất ở VN?
ReplyDeleteĐây cũng là phương án mà các bác nhà ta đã và đang tính.
Delete