Tàu Kilo Việt Nam "vượt trội" đối thủ những gì?
Wednesday, May 22, 2013
Tàu Kilo Việt Nam có nhiều tính năng vượt trội: Hệ thống dẫn đường và điều hướng quán tính mới, kính tiềm vọng có thiết bị đo xa laser, thiết bị quan sát ban đêm, tên lửa Club-S hạm đối đất, tên lửa phòng không...
Ngày 03.01.2013 chiếc tàu ngầm diesel – điện lớp Kilo mang tên Hà Nội thuộc dự án 06361, số hiệu nhà máy là 01339, đã vượt qua các cuộc thử nghiệm của nhà máy và hiện đang đậu tạm thời tại Hải cảng Svetlyi gần Kaliningrad, tàu đã được thử nghiệm cấp nhà máy từ 03.12.2012, trong giai đoạn sắp tới sẽ được sử dụng để huấn luyện và đào tạo thủy thủ đoàn. Tàu ngầm Hà Nội sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào tháng 8.2013.
Tàu ngầm Hà Nội HQ182 №01339 dự án.06361ngày đầu tiên với thủy thủ đoàn Việt Nam trên biển Ban tích.
Ngày 27.4 tàu ngầm diesel-điện của dự án 06.361 HQ-183 "Hồ Chí Minh" rời khỏi vùng nước của nhà máy đóng tàu "Admiralty Shipyards". Chiếc tàu ngầm thứ 2 theo đơn đặt hàng của Hải Quân Việt Nam (số hiệu nhà máy là 01340) được đưa lên ụ đóng tầu vào ngày 28.09.2011 và hạ thủy vào ngày 28.12.2012. Sau khi khừ từ tàu ngầm diesel – điện lớp Kilo sẽ bước vào đợt thử nghiệm cấp nhà máy trên biển Ban tích, cùng với tàu ngầm Hà Nội HQ-182 (số hiệu nhà máy №01339).
Tính đến thời điểm 01.04.2013, chương trình đóng 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo dự án 636 cho Hải quân Việt Nam đang thực hiện đúng tiến độ, chiếc đầu tiên sẽ được giao cho Việt Nam vào năm 2013. Về nội dung này, theo "RIA Novosti" tại triển lãm LIMA-2013 Tổng Giám đốc điều hành của Trung tâm thiết kế kỹ thuật quốc gia CDB ME "Rubin" ông Igor Villeneuve đã tuyên bố. Theo lời ông, "để hỗ trợ các hoạt động của tàu ngầm ở Việt Nam, Liên bang Nga và Việt Nam sẽ xây dựng một trung tâm đào tạo và huấn luyện các thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhiệm vụ đào tạo thủy thủ đoàn,".
Ngày 30.04.2013, Hải quân Việt Nam đã đặt hàng một công ty sản xuất tại Petersburg trang thiết bị huấn luyện, mô phỏng các tình huống khẩn cấp của tàu ngầm ngoài biển khơi. Theo tin tức trên Cổng thông tin điện tử Hải quân, tổng giám đốc công ty “Aqua-Service” ông Sergei Shevardyak, hiện đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, tổ hợp huấn luyện giảng dạy và đào tạo sẽ được giao theo đơn đặt hàng cuối năm 2013.
Tổ hợp huấn luyện mô phỏng Nga cũng phải... thèm
Tổ hợp huấn luyện mô phỏng "Hephaistos" được thiết kế theo yếu tố tình huống trong các buồng dạng containers, các buồng tình huống sẽ tạo ra tình huống mô phỏng khẩn cấp đối với tàu ngầm và các giải pháp cứu hộ. Tổ hợp "Hephaistos" đã gây được sự quan tâm rất lớn của các bạn hàng nước ngoài khi tham gia hội thảo quốc tế chuyên đề “sống sót ngoài biển khơi” được tiến hành vào giữa tháng tư tại St Petersburg. Theo thông báo từ Việt Nam vào ngày 26.04. Tổng Giám đốc công ty sản xuất "Aqua-Servis" Alexander Shevardyak, trong tám tháng, Hải quân Việt Nam sẽ nhận được tổ hợp huấn luyện và đào tạo hiện đại nhất hiện nay.
Từ nay đến cuối năm, Nga sẽ bàn giao cho Việt Nam tổ hợp đào tạo - huấn luyện thủy thủ tàu ngầm kỹ thuật số để đào tạo các thủy thủy cho lớp tàu ngầm “Vacsavanka”. Hiện nay trung tâm huấn luyện đang được xây dựng tại quân cảng Cam Ranh – Việt Nam. Một trong những hệ thống của tổ hợp đã được chuyển đến Việt Nam vào tháng 4.2013. Theo những người tham gia vào dự án này, trung tâm sẽ được hình thành từ hai tòa nhà building. Trong một tòa nhà sẽ là mô phỏng toàn bộ tàu ngầm dự án 6361, được hình thành từ 30 tổ hợp mô phỏng, liên kết với nhau bằng hệ thống mạng. Các mô phỏng này thể hiện chính xác các vị trí công tác của thủy thủ đoàn trên tàu ngầm, chỉ khác một điều là các thông số kỹ thuật như: độ sâu, tốc độ, mục tiêu thực sẽ được thay thế bằng các thông số ảo, được cung cấp bằng phần mềm mô phỏng của các siêu máy tính hiện đại.
Ở tòa nhà thứ hai sẽ là hệ thống mô phỏng khả năng xảy ra tình huống và các giải pháp phải thực hiện trong tàu ngầm để cứu hộ trong tình trạng khẩn cấp. Các tình huống diễn ra rất đa dạng, có thể là hoạt động trong điều kiện bốc khói cháy nổ, dập tắt những đám cháy bằng các phương tiện, dụng cụ và trang bị khác nhau, cũng như thoát hiểm qua ống phóng ngư lôi trong trường hợp khẩn cấp. Để mô phỏng tình huống thực tế đã xây dựng một bể bơi hoàn chỉnh với hệ thống máy phóng ngư lôi 533 mm và mô phỏng tăng cường áp lực nước. Các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam sẽ phải học tập phương pháp tự cứu hộ ra khỏi tàu ngầm dưới sự chỉ đạo của các huấn luyện viên.
Phó Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị, đại úy hải quân cấp 1 dự bị động viên ông Sivkov Constantine nói với tờ "Izvestiya - Tin tức" Hải quân Nga không có một tổ hợp nào tương tự như vậy.
Tuy nhiên, tập đoàn Nghiên cứu và phát triển công nghệ tự động hóa hàng hải NGO "Aurora", nơi đã phát triển trung tâm đào tạo này đã nói với phóng viên với tờ "Izvestiya -Tin tức" về việc đã giới thiệu sản phẩm nguyên mẫu của mình cho Tư lệnh Hải quân Liên bang Nga, ông Viktor Chirkov và Tư lệnh trưởng lực lượng Hải quân cũng mong muốn có được một tổ hợp huấn luyện đào tạo tương tự cho thủy thủ tàu ngầm của Nga. Tuy nhiên, theo đại diện công ty, quyết định đặt hàng hệ thống mô phỏng này vẫn chưa được đưa ra.
Ngày 16.05.2013, tàu Kilo thứ 3 của Hải quân Việt Nam mang tên Hải Phòng, số hiệu HQ – 184 đang được lắp đặt các trang thiết bị tại xưởng đóng tàu của tập đoàn đóng tàu "Admiralty Shipyards " trong thời gian tới, dự kiến khoảng tháng 8 năm nay, tàu sẽ được hạ thủy.
Hai tàu ngầm đầu tiên - Hà Nội (HQ - 182) và Hồ Chí Minh (HQ - 183) - hiện đang trải qua thử nghiệm trên biển và thử nghiệm kiểm tra tĩnh tại cơ sở sản xuất. Hai tàu ngầm trên sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào cuối năm 2013.
Dự án 636M là dự án tàu ngầm thuộc thế hệ thứ ba của tàu ngầm diesel-điện. Tàu được thiết kế bởi Trung tâm thiết kế kỹ thuật biển CDB ME "Rubin" St Petersburg và là một phiên bản cải tiến của tàu ngầm mang tên "Varshavyanka" - tàu ngầm diesel-điện dự án 877 "Paltus", được chế tạo những năm 80 của thế kỷ 20 với số lượng lớn cho Hải quân Liên bang Xô Viết và xuất khẩu sang 7 quốc gia thế giới. Tổng cộng năm 2012 đã đóng được cho Hải quân Nga và xuất khẩu hơn 70 tàu ngầm thiết kế 877/636 của tất cả các biến thể.
Tàu ngầm lớp Liko dự án 636M trong quá trình hoàn thiện tại xưởng đóng tàu.
Tầu ngầm Kilo dự án 636М (06361) – chiều dài 73,8 m, đường kính vỏ ngoài chịu lực – 9,9 m. Lượng giãn nước khi lặn - 3100 tấn, khi nổi trên mặt nước: 2350 tấn, tỷ lệ lượng nổi: 32%, tốc độ hải trình nổi: 11 knots, tốc độ hải hành tối đa ngầm: 20 knots, tiết kiệm: 3 knots với biển động cấp 5, dự trữ hải trình với lượng dầu tăng cường: 7.500 hải lý với điều kiện chạy ở chế độ tiềm vọng động cơ diesel sử dụng ống thông khí, 400 hải lý ở chế độ sử dụng điện ắc quy, tốc độ 3 knots. Độ sâu tiềm vọng: 17,5 m với biển động cấp 5, độ sâu hoạt động hiệu quả: 250 m, độ sâu cực đại chịu nén: 300 m, dự trữ hành trình: 45 ngày.
'Nanh vuốt' mới của tàu Kilo Việt Nam
Vũ khí trang bị của tàu ngầm lớp Kilo 636M: 6 ống phóng ngư lôi 533 mm với số lượng 18 đạn ngư lôi 53-65К, hoặc ТESТ-71МE (4 ngư lôi), hoặc 24 thủy lôi. Phương án dành cho Hải quân Việt Nam được lắp đặt tên lửa hành trình tầm xa Club – S, có thể tấn công các mục tiêu trên mặt nước hoặc trên cạn. 6 tên lửa Strela -3, Strela – 3M hoặc Igla-1 9m313 thực hiện nhiệm vụ phòng không mặt biển cho các tàu ngầm Việt Nam.
Buồng ngư lôi – tên lửa của tàu ngầm Kilo.
Ngư lôi 53-65К: Cỡ đạn: 533.4 mm, Chiều dài: 7945 – 8125 mm, khối lượng 2025 / 2100 kg, đầu đạn: 500 kg; thuốc nổ TNT: 305.6 kg; hải trình: 19 km ( với tốc độ 43 knots); Tốc độ 44-45 knots; độ sâu hoạt động 12 m. Động cơ tua-bin nhiệt ô xy hóa khử 2ТF công suất 550 kW, sử dụng nhiên liệu dầu hỏa, chất ô xy hóa, nước biển.
Ngư lôi được lắp đặt đầu tự dẫn thủy siêu âm với hệ thống định hướng trục dọc theo vệt nước lằn tàu. Đầu kích nổ điện từ trường phi tiếp xúc.
Lắp đặt ngư lôi 53 – 65K trên tàu ngầm lớp Kilo.
Ngư lôi chống ngầm TEST-71ME (4 đạn trên tàu ngầm lớp 636M/06361 Việt Nam điều khiển từ xa bằng điện và đầu đạn tự dẫn. Chiều dài 7900 mm; khối lượng 1.750 kg; Khối lượng đầu nổ 205 kg; Tầm bắn hiệu quả: 15 km (40 knots), 25 km (35 knots); Tốc độ tối đa: 35 knots; độ sâu hiệu quả 400m.
Ngư lôi sử dụng động cơ điện trục quay rotor quay chân vịt, nguồn điện là các bình ắc quy. Ngư lôi được điều khiển cho đến khi đầu tự dẫn phát hiện và khóa mục tiêu, điều khiển ngư lôi thông qua 2 cuộn cáp điện, một cuộn nằm trên tàu ngầm, một cuộn trên ngư lôi. Ngư lôi sử dụng đầu tự dẫn thủy âm "Sapphire", tầm phát hiện mục tiêu là 800 m, nếu lắp thiết bị tự dẫn thủy âm Keramitda thì đàu tự dẫn có thể phát hiện mục tiêu và bám ở tầm xa 1500 m. Ngư lôi được lắp đặt đầu kích nổ thủy âm – từ trường phi tiếp xúc.
Ngư lôi chống ngầm có điều khiển TEST-71ME.
Tên lửa chống tàu Club – S Tổ hợp tên lửa chống tàu Club-S có chức năng tiêu diệt các chiến hạm nổi của đối phương. Theo thông tin từ phía Nga, tên lửa Club -S trên tàu Kilo Việt Nam còn có khả năng tấn công hạm đối đất, có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền như kho tàng, sân bay, bến cảng, trung tâm chỉ huy của đối phương trong mọi tình huống chiến trường, mọi điều kiện địch tác chiến điện tử và tác động của các vụ nổ.
Trong biên chế của hệ thống tên lửa Club – S bao gồm các tên lửa hành trình tấn công thuộc tổ hợp (Club-S), được lắp đặt trong các tàu ngầm lớp Kilo 06361. Tổ hợp khí tài điều khiển đa dụng cho tất cả các loại tên lửa thuộc lớp Club, ống phóng tên lửa – sử dụng ống phóng ngư lôi 533 mm. Đồng thời là trạm kỹ thuật tên lửa trên căn cứ, đảm nhiệm nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng tên lửa và niêm cất trong điều kiện thời bình.
Tên lửa chống tàu và mục tiêu mặt đất Club - S.
Tên lửa Club – S trong phòng Ngư lôi – Tên lửa.
Tên lửa chống tàu nổi ЗМ-54E thuộc tổ hợp (Club-S) được lắp đặt dưới tàu ngầm lớp 636M – 06361 Việt Nam được sử dụng để tấn công tất cả các chiến hạm nổi các loại ( tuần dương, khu trục, hộ vệ tên lửa, tàu vận tải, xuồng cao tốc phóng tên lửa…) tàu ngầm có thể tác chiến với tên lửa độc lập hoặc trong đội hình của một đơn vị hỗn hợp các chiến hạm khác nhau.
Tên lửa 3M-54E được lắp đặt đầu tự dẫn ARS-54 (Công ty cổ phần "Radar MMS", thành phố St. Petersburg) với tầm hoạt động gần 60 km, có chiều dài 70 cm, đường kính 42 cm và nặng 40 kg, có khả năng chống nhiễu rất cao và có thể hoạt động trong trường hợp biển động cấp 5-6. Tên lửa bao gồm có động cơ phóng tăng tốc, động cơ hành trình cận âm độ cao thấp và đầu đạn nổ tách thân bay khi bay gần mục tiêu với tốc độ siêu âm làm động năng xuyên phá thân vỏ tàu.
Sơ đồ tác chiến chống mục tiêu trên bờ biển của tên lửa Club-S.
Tên lửa 3М-54Э/ТЭ có chiều dài là: 8,220/8,916, đường kính: 0, 533/0, 645 m, tầm bắn: 200 km, độ cao hành trình: 10- 20 m, độ cao tiếp cận mục tiêu: nhỏ hơn 10m, vận tốc cực đại 0,6 – 0,8 M, Khối lượng tên lửa: 2300/1951kg, đầu đạn: 200 kg, hệ thống điều khiển và tự dẫn: đạo hàng quán tính và đầu dẫn chủ động
Trang thiết bị điện tử: CICS (Hệ thống quản lý và xử lý thông tin điều hành tác chiến) "Lama-EKM" / "Uzel" được nâng cấp, phát triển và chế tạo bởi tập đoàn NGO "Aurora", "Oceanpribor" và "Granit-electronic". Bàn tích hợp điều khiển và quản lý tự động hệ thống thông tin từ xa (AIUS) sử dụng hai kênh độc lập quản lý và xử lý thông tin, mỗi kênh được kết nối với một máy tính riêng biệt, màn hình hiển thị và các phương tiện cá nhân cập nhật thông tin. Hệ thống đảm bảo:
- Điều khiển và quản lý các hoạt động của tổ hợp sonar;
- Điều khiển và quản lý các hoạt động của tổ hợp radar;
- Việc thu thập, xử lý và hiển thị thông tin từ sonar, radar và hệ thống dẫn đường quán tính;
- Xác đinh tọa độ và thông số hoạt động của mục tiêu, xác định phần tử bắn đối với tên lửa hành trình và ngư lôi;
- Phân tích tình hình môi trường thủy âm nhằm đánh giá tầm xa phát hiện mục tiêu của tàu ngầm, từ kết quả nhận được tính toán độ sâu hoạt động của tàu ngầm;
- Tính toán quỹ đạo cơ động của tàu ngầm;
- Tính toán và đưa ra thông báo sử dụng vũ khí trên tàu;
- Điều khiển đồng bộ với chương trình của hệ thống điều khiển phần cứng và phần mềm vòng lặp hệ thống Lama – EKM, thực hiện phóng tên lửa КР Club-S; phóng ngư lôi có điều khiển và đầu đạn tự dẫn.
- Đảm nhiệm các hoạt động huấn luyện, thực hành bắn đạn điện tử;
- Báo cáo bằng văn bản kết quả hoàn thành nhiệm vụ, kiểm soát và đánh giá tình trạng hệ thống;
Thiết bị sonar : MGK-400EM "Rubicon-M", được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu và thiết kế CRI "Morphyspribor" (thành phố St. Petersburg) khả năng phát hiện tàu ngầm trên khoảng cách 16-20 km (SM), chiến hạm nổi 60-80 km, tầm xa theo dõi mục tiêu trong khoảng 16 – 20 km, tầm xa trao đổi thông tin liên lạc với tàu ngầm 20-25 km, chiến hạm nổi 60-80 km. Sonar quét mìn MG-519E "Harp-E" (phạm vi phát hiện thấp nhất là 1.500 m)
Tổ hợp ra dar "Tobol" sử dụng radar quét 360 độ MRK-50E "Cascade" BRICK PULP
Thiết bị thủy âm: đài radar thủy âm МRP-25E BRICK GROUP radar phát hiện vệt nước lằn tàu "Rамcа" SNOOP TRAY-2, đài phát hiện sóng âm radio "Cypress" hệ thống tự động trả lời phân biệt địch ta IFF "Chrome-M". Các thiết bị điện tử đều được thực hiện trên hạ tầng công nghệ kỹ thuật số mới nhất.
Các đài sử dụng ăn ten kéo theo tàu trên tần số KV và SV.
Sơ đồ cắt bổ của tàu ngầm lớp Kilo 636M.
Dài hơn, chạy êm hơn, 'mắt' tinh hơn
Tàu ngầm diesel lớp Kilo dự án 636 là nguyên mẫu tàu ngầm xuất khẩu được nâng cấp và hiện đại hóa từ thiết kế của nguyên mẫu tàu dự án 877, được chế tạo dành cho Hải quân Liên bang Nga. Tàu dự án 636M thuộc thế hệ thứ hai của tàu ngầm xuất khẩu cho các nước đồng minh lớp Kilo (Improved Kilo) và có rất nhiều điểm khác nhau với nguyên mẫu xuất khẩu ban đầu (dự án 877EКМ): 36 đơn vị trang thiết bị được thay thế, nâng cấp và đổi mới, bao gồm hiện đại hóa đài sonar, các thiết bị như hệ thống các máy biến điện, quạt gió, động cơ điện chính quay trục chân vịt, động cơ diesel trạm nguồn, động cơ chạy tốc độ tiết kiệm và hàng loạt các thiết bị khác.
Tất cả các thiết bị đã nêu trên được nâng cấp sao cho có độ rung thấp nhất, do đó giảm tiếng ồn ở mức tối thiểu, lắp đặt các hệ thống giảm rung mới, tăng cường công suất máy. Chính vì vậy, tàu ngầm lớp Kilo dự án 636 có tốc độ tối đa khi bơi ngầm là 20 knots và độ ồn rất thấp. Như vậy, tàu ngầm dự án 636 thế hệ mới đã vượt các tàu ngầm dự án 877EKM rất nhiều về thông số kỹ thuật. Đồng thời, chiều dài của tàu ngầm dự án 636 tăng thêm 1,2m đã làm tăng lượng giãn nước thân tàu. Cấu trúc thiết kế tàu, bố trí vũ khí trang bị, các bộ phận tàu ngầm Project 877 EKM và 636 tương tự như nhau.
Tàu ngầm dự án 636М – là lớp tàu ngầm nâng cấp và hiện đại hóa của dự án 636. Trên tàu ngầm dự án 636M đã có những thay đổi đáng kể. Hệ thống trang thiết bị trên tàu được bổ sung thêm các thiết bị hiện đại như: Hệ thống dẫn đường và điều hướng quán tính, kính tiềm vọng có thiết bị đo xa laser, và lắp đặt tăng cường kênh truyền hình và thiết bị quan sát ban đêm. Ăng-ten thông tin liên lạc kéo theo tàu chạy trên tần số HF và VLF. Tàu có khả năng phóng các tên lửa hành trình lớp Club-S qua ống phóng ngư lôi 533mm khi đang lặn ngầm. Dự án cải tiến mới nhất của 636 M là dự án 06361 dành cho các tàu ngầm của Hải quân Việt Nam và 06363 dành cho Hải quân Nga.
Hệ thống tên lửa "Club-S" được thiết kế và sản xuất bởi Trung tâm Thiết kế thử nghiệm OKB "Innovator" (thành phố Ekaterinburg). Thử nghiệm đầu tiên của tên lửa chống tàu (ASM) được tiến hành từ tàu ngầm hạt nhân (APL) trong Hạm đội Biển Bắc tháng 03.2000, lần phóng thứ hai - tháng 06.2000 từ tàu ngầm động cơ diesel (DPL) lớp Kilo dự án 877 của Hạm đội Baltic. Cả hai lần phóng đạn đều thành công.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát và động viên thủy thủ đoàn tàu ngầm Kilo đầu tiên của hải quân Việt Nam mang tên Hà Nội trong chuyến thăm Nga vừa qua.
Từ lịch trình thực hiện kế hoạch đóng tàu dành cho Việt Nam, có thể thấy, không chậm hơn năm 2016, Hải quân Việt Nam sẽ có một lực lượng tàu ngầm hùng mạnh cùng với căn cứ hậu cần, kỹ thuật và trung tâm đào tạo hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo.
Theo Trịnh Thái Bằng - Tiền phong/Kỹ thuật Quân đội Liên Bang Nga
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment