Chào Mừng Kỷ Niệm Lần Thứ 38 Đất Nước Hòa Bình & Thống Nhất
Saturday, May 11, 2013
Daniel Ellsberg (trước micro) và Anthony Russo (mang kính)
“Nếu những sự kiện có thật được biết sớm hơn thì chiến tranh [của Mỹ ở Việt Nam] có thể đã chấm dứt từ lâu rồi và hàng trăm nghìn người Mỹ và Việt Nam có thể tránh được những cái chết vô ích. Đó là bài học lớn của Tài liệu Lầu Năm Góc”.
Thượng nghị sĩ MIKE GRAVEL
“Mang nó về đi !”
Vào mùa hè 1967, Mỹ có hơn 450.000 lính viễn chinh đang tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Mỗi ngày, hàng chục máy bay Mỹ dội bom xuống miền Bắc. Tuy đã tiêu tốn 110 tỉ đôla và có hơn 10 vạn lính bị thương hay bỏ mạng tại đây, nhưng nước giàu mạnh nhất thế giới này vẫn không đè bẹp được ý chí chiến đấu “vì Độc lập, vì Tự do” của dân tộc Việt Nam. Robert McNamara - Bộ trưởng Quốc phòng dưới hai đời tổng thống Kennedy và Johnson - thừa nhận: “Chúng ta đã thất bại” (We had failed) và tự đặt hàng loạt câu hỏi: “Tại sao lại thất bại như thế ? Có thể ngăn ngừa trước thất bại ấy chăng ? Có thể rút ra những bài học gì từ kinh nghiệm của chúng ta để giúp những người khác tránh được những thất bại tương tự ?” (1).
Để trả lời những câu hỏi ấy, McNamara giao cho McNaughton (trợ lý bộ trưởng Quốc phòng) và phụ tá của ông này là Morton Halperin sưu tầm những tài liệu gốc từ 1945 trở đi của Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác như Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Cục Tình báo trung ương CIA, Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân CJS... để biên soạn công trình “Lịch sử quá trình Mỹ đề ra các quyết định về chính sách đối với Việt Nam” (History of United States Decision-Making Process on Vietnam Policy).
Một nhóm nghiên cứu được thành lập, do Leslie H. Gelb, một viên chức của Bộ Quốc phòng, làm trưởng nhóm, gồm 36 nhà nghiên cứu (hai phần ba số này từng tham chiến hay làm việc tại miền Nam Việt Nam).
Từ ngày 17.6.1967, nhóm bắt tay vào việc thu thập và phân tích các tài liệu. Vì công trình này - về sau được biết đến dưới cái tên “Tài liệu Lầu Năm Góc” (TLLNG)(The Pentagon Papers) - là tài liệu tham khảo nội bộ dành riêng cho những quan chức cao cấp nhất đang chỉ huy chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nên McNamara nhắc nhở các nhà nghiên cứu phải khách quan và cho phép họ không ghi tên mình dưới các bài viết để họ có thể tự do đưa ra các nhận định mà không sợ cấp trên có thành kiến.
Ngày 15.1.1969, tức 5 ngày trước khi Nixon thay Johnson làm chủ Nhà Trắng, TLLNG hoàn tất sau 1 năm rưỡi biên soạn. Đây là một công trình khá đồ sộ, chia làm 47 tập, gồm khoảng 2 triệu rưỡi từ, dày hơn 7.000 trang (hơn 4.000 trang tài liệu gốc và gần 3.000 trang phân tích của các nhà nghiên cứu).
TLLNG chứa đựng nhiều sự kiện mà vào thời điểm ấy đa số người Mỹ chưa biết. Chẳng hạn:
- Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, tổng thống Truman viện trợ để thực dân Pháp tiến hành chiến tranh tái chiếm Đông Dương làm thuộc địa; từ năm 1950, Truman gửi cố vấn quân sự sang Đông Dương, đưa nước Mỹ dính líu trực tiếp vào cuộc chiến này.
- Từ năm 1954 trở đi, chính phủ Eisenhower duy trì một chính phủ thân Mỹ ở miền Nam (Việt Nam), bất chấp điều khoản về tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam như Hiệp định Genève qui định.
- Tổng thống Kennedy tăng thêm số cố vấn quân sự Mỹ, mở rộng can thiệp vào Việt Nam.
- Dưới thời tổng thống Johnson, nước Mỹ ngày càng lún sâu vào chiến tranh Việt Nam, trực tiếp tham chiến ở miền Nam, ném bom phá hoại miền Bắc v.v...
TLLNG chỉ được in 15 bộ, tất cả được bảo quản theo chế độ tài liệu tối mật (top secret), chỉ những người có phận sự mới được đọc. 15 bộ này được phân phối theo danh sách do chính Melvin Laird, Bộ trưởng Quốc phòng của chính phủ Nixon, duyệt gồm các tổng thống Johnson, Nixon, một vài quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
McNamara lúc đó đã chuyển sang làm chủ tịch Ngân hàng thế giới, nhưng cũng được tặng 1 bộ vì chính ông là người có sáng kiến biên soạn công trình này. Khi Leslie H. Gelb đem TLLNG đến tặng, McNamara không giở ra xem, chỉ nhìn thoáng qua, rồi lạnh lùng bảo : “Mang nó về đi” (Take them back). Phản ứng của ông chủ cũ của Lầu Năm Góc cho thấy tâm trạng chán chường không muốn dính dáng tới cuộc chiến tranh từng một thời được mệnh danh là “chiến tranh của McNamara”(McNamara’s War).
Từ diều hâu trở thành bồ câu
RAND là một tổ chức tư vấn (think tank) tư nhân thành lập năm 1948, chuyên nghiên cứu, phân tích các đề tài thuộc nhiều lãnh vực khác nhau theo yêu cầu của khách hàng nhằm đề xuất những khuyến cáo và giải pháp. Có 5 nhà nghiên cứu của RAND (Gus Shubertm Melvin Gurtov, William Simons, Hans Heymann và Daniel Ellsberg) được mời tham gia biên soạn TLLNG nên RAND được giữ 2 bộ TLLNG.
Daniel Ellsberg (tên thường gọi là Dan), đổ Tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Harvard năm 1962, từng làm trợ lý đặc biệt cho John McNaughton (1964), làm chuyên viên cao cấp của Bộ Ngoại giao tại Toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn (1965-1967). Theo lời Dan kể lại, lúc đó, “tôi vẫn còn là một chiến sĩ trong cuộc chiến tranh lạnh đang đi tìm những bài học từ kinh nghiệm của chúng ta ở Việt Nam có thể giúp Mỹ đánh bại các cuộc nổi dậy của Cộng sản ở những nơi khác trên thế giới” (2).
Tuy nhiên, qua tiếp xúc với các tài liệu gốc, Dan phát hiện ra một sự thật : “Bảy nghìn trang tài liệu là bằng chứng của sự nói dối của bốn vị tổng thống [Truman, Eisenhower, Kennedy và Johnson] và chính quyền của họ trong hơn 23 năm qua [1945-1968] để che giấu những kế hoạch và hành động giết người hàng loạt ” (3). Khi tâm sự với nhà báo Tom Oliphant, Dan bày tỏ sự hối hận: “Tôi đã tham gia một âm mưu tội ác nhằm tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược” (4).
Nixon (làm tổng thống từ 20-1-1969) đang đi theo vết xe đổ của các người tiền nhiệm. Dan nói : “Cách duy nhất để thay đổi hành động của một tổng thống là gây sức ép đối với ông ta từ bên ngoài, từ Quốc hội và từ công chúng” (5) nên “tôi quyết định không che giấu [TLLNG] nữa. Bằng cách này hay bằng cách khác, tôi sẽ tiết lộ nó” (6).
Từ 1.10.1969, hằng đêm, Dan tự tay sao chụp TLLNG trên một máy photocopy cũ kỹ, với sự giúp đỡ của người bạn cùng chí hướng Anthony Russo và đứa con trai 14 tuổi Robert B. Ellsberg. Công việc được tiến hành một cách bí mật tuyệt đối để không bị phát hiện. Việc sao chụp hơn 7.000 trang này đã tiêu tốn “toàn bộ số tiền để dành khoảng 3 hay 4.000 đôla” của Dan (7).
Sau khi sao chụp xong, Dan đưa TLLNG cho một số thượng nghị sĩ có lập trường chống chiến tranh, đề nghị họ công bố trước Quốc hội, nhưng J. W. Fulbright và G. McGovern viện lí do này lí do khác để từ chối. Chỉ có Mike Gravel nhận lời. Đêm 29.6.1971, ông đã đọc TLLNG trong một cuộc họp ở Thượng viện, sau đó phân phát cho các nhà báo. Tháng 8-1971, ông cho xuất bản TLLNG gồm 4 tập với 2.900 trang.
Bịt miệng báo chí
Trước đó, từ tháng 2.1971, Dan đã bí mật trao TLLNG cho báo The New York Times (NYT). Sau một thời gian chuẩn bị, tờ NYT bắt đầu công bố TLLNG trên trang nhất số ra ngày 13.6.1971 kèm theo bài bình luận nhan đề “Bản nghiên cứu của Lầu Năm Góc chỉ ra ba thập niên dính líu ngày càng tăng của Mỹ” (Pentagon Study Traces Three Decades of Growing US Involvement ).
Việc tiết lộ TLLNG như quả bom nổ tung giữa lòng nước Mỹ. Trong khi dân chúng náo nức tìm đọc những thông tin mật thì Nixon vô cùng tức tối. Phản ứng đầu tiên của ông là “chụp mũ Cộng sản” cho người tiết lộ. Ông viết: “Chúng tôi nhận được một báo cáo theo đó Toà Đại sứ Liên Xô ở Washington đã nhận được một bản sao TLLNG trước khi nó được báo NYT công bố” (8). Với kiểu cáo buộc này, Dan sẽ khó thoát khỏi tội làm gián điệp cho Liên Xô, “kẻ thù số 1” của Mỹ lúc đó.
Nixon chỉ thị cho Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell xử lý vụ này.
Ngày 15.6, Mitchell gửi điện cho Ban biên tập báo NYT yêu cầu ngưng ngay việc công bố TLLNG và giao nộp bản sao cho Bộ Quốc phòng. Ban biên tập từ chối.
Chiều cùng ngày, Mitchell nhờ Toà án liên bang can thiệp. Toà án liên bang đề nghị báo NYT tạm ngưng công bố, chờ phán quyết của Toà.
Ngày 19.6, căn cứ vào Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ về quyền tự do ngôn luận, Toà án liên bang kết luận: báo chí có quyền đăng tải TLLNG.
Chính phủ Mỹ chống án lên Toà thượng thẩm. Toà thượng thẩm huỷ bỏ kết luận của Toà án liên bang.
Đến lượt tờ NYT kháng cáo lên Toà án tối cao.
Ngày 30.6, 6 trong tổng số 9 thẩm phán của Toà án tối cao bỏ phiếu cho phép báo chí tiếp tục công bố TLLNG. Đây là một thắng lợi của quyền tự do báo chí trước chiêu bài “bảo vệ an ninh quốc gia” của chính phủ Mỹ.
Trước đó, từ 18.6, tờ The Washington Post đã nhập cuộc trước khi có phán quyết của Toà án liên bang. Mười bảy tờ báo khác cũng tham gia. Đài truyền hình dành 15 phút trong tổng số 30 phút của chương trình thời sự trong nước hằng đêm để nói về TLLNG. Trong thời gian ấy, ở đâu trên nước Mỹ cũng nghe người dân xôn xao bàn tán về đề tài nóng bỏng này.
Việc đăng tải TLLNG kèm theo lời bình luận mở ra một trang mới trong lịch sử báo chí Mỹ: từ nay, nhiệm vụ hàng đầu của nhà báo là dám nói lên sự thật, kể cả vạch trần những sai trái của chính phủ, chứ không chỉ tường thuật những gì các chính khách nói và làm.
Ngay trong tháng 7.1971, tờ NYT xuất bản TLLNG thành sách, dày 678 trang, gồm một số tài liệu gốc quan trọng và 10 bài phân tích của các nhà báo Neil Sheehan, Hedrick Smith, Kenworthy và Fox Butterfield.
“Cuộc săn người lớn nhất”
Không chỉ tìm cách bịt miệng báo chí, tổng thống Nixon còn quyết tâm trửng phạt người mà Henry Kissinger (cố vấn an ninh quốc gia của Nixon) gọi là “người nguy hiểm nhất nước Mỹ” (the most dangerous man in America).
Nixon đã dùng lời lẽ không mấy thanh tao mỗi khi nói về Dan:
Hãy tống thằng chó đẻ ấy vào tù” (Let’s get the son-of-a-bitch into jail ) (chỉ thị cho John Mitchell ngày 13-6) (9)
“Ý của tôi là truy tố mấy tên khốn chết tiệt đã trao tài liệu cho bọn nhà báo” ( My view is to prosecute the goddamn pricks that gave it to ‘em ) (nói với John Ehrlichman, cố vấn đối ngoại của tổng thống, ngày 14.6) (10).
“Anh có thể đưa thằng chó đẻ Ellsberg ra xét xử trước toà ngay lập tức được không?” (Can you haul in that son-of-a-bitch Ellsberg right away ? ) (nói với Mitchell, ngày 15.6) (11).
“Tại sao FBI (Cơ quan điều tra liên bang) chưa tóm được hắn và tống hắn vào tù?” ( Why doesn’t the FBI pick him up, throw him in the can ?) (nói với Haldeman, chánh văn phòng Phủ tổng thống, ngày 17.6) (12).
v.v.
Dan phải liên tục thay đổi chỗ ở. Báo chí mô tả cuộc truy lùng Dan là “cuộc săn người lớn nhất của FBI” (the largest FBI manhunt) (13).
Tuy phải lẩn trốn, Dan vẫn giữ liên lạc với báo, đài. Ngày 21.6, phát biểu trên tuần báo Newsweek, Dan nhận định: TLLNG là “điểm xuất phát tốt để thực sự hiểu được cuộc chiến tranh (của Mỹ ở Việt Nam), là tài liệu về phía Mỹ tương đương với những tài liệu về tội ác chiến tranh (của Đức Quốc xã) tại (Toà án quốc tế) Nuremberg” (14). Hai ngày sau, Dan xuất hiện trên Đài truyền hình CBS để trả lời cuộc phỏng vấn của nhà báo Walter Cronkite.
Sáng 28.6, Dan ra trình diện theo lệnh Toà án liên bang. Trước các nhà báo và bạn bè, Dan tuyên bố: “Với tư cách là một công dân có trách nhiệm, tôi cảm thấy không thể cộng tác (với chính phủ Mỹ) lâu hơn nữa trong việc che giấu thông tin đối với công chúng... Đối với tôi, (việc tiết lộ TLLNG) là một hành động của hy vọng và tin tưởng. Tôi hy vọng rằng sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi cuộc chiến tranh này. Tôi tin tưởng rằng người Mỹ một khi được thông tin sẽ buộc những quan chức của họ ngừng nói dối và (lính) Mỹ ở Đông Dương ngừng giết người và ngừng chết chóc” (15).
Hôm đó, Dan được tại ngoại hậu tra sau khi nộp 50 vạn đô-la tiền bảo lãnh. Tranh thủ thời gian được tự do tạm, Dan công bố thêm 500 trang tài liệu mật của chính phủ Nixon (được các báo The Washington Post và The Washington Star đăng từ 25.4.1972), viết cuốn Papers on the War (Tài liệu về chiến tranh) do nhà xuất bản Simon and Schuster ở New York ấn hành trong năm 1972.
Tháng 5.1972, Toà án tối cao mở phiên toà xét xử Dan và Anthony Russo tại Los Angeles. Dan bị chính phủ Nixon cáo buộc 12 tội (trong đó có tội làm gián điệp, tội ăn cắp tài sản của chính phủ, tội phổ biến tài liệu mật cho những người không được phép biết v.v.) với mức án tổng cộng lên tới 115 năm tù. Phiên toà kéo dài suốt một năm trời.
Trước đó, ngày 17.7.1971, Nixon chỉ thị cho Ehrlichman thành lập Đơn vị điều tra đặc biệt (Special Investigative Unit, viết tắt SIU) để đối phó với vụ rò rỉ TLLNG.
Ngày 17.6.1972, giữa lúc cuộc vận động tranh cử tổng thống đang sôi nổi, cảnh sát bắt quả tang 5 thành viên của nhóm SIU đột nhập vào trụ sở Uỷ ban toàn quốc của Đảng Dân chủ (đặt tại toà nhà Watergate ở thủ đô Washington) để ăn cắp tài liệu. Ngay lập tức, Nixon - ứng cử viên của Đảng Cộng hoà - tuyên bố Nhà Trắng không liên can. Ngày 23.6, Nixon ra lệnh cho FBI ngưng điều tra vụ Watergate. Mặt khác, ông bí mật trích từ quỹ vận động tranh cử của ông 7 vạn rưỡi đôla chi cho Howard Hunt (một thành viên của SIU) để anh này không tiết lộ “những chuyện bẩn thỉu mà anh ta đã làm cho Nhà Trắng” (16).
Tuy nhiên, qua các cuộc thẩm vấn, các thành viên của SIU, rồi các trợ lý và cố vấn của Nixon dần dần khai nhận SIU không chỉ đột nhập vào toà nhà Watergate mà trước đó còn lẻn vào văn phòng bác sĩ Lewis Fielding ở Beverly Hills để lấy cắp hồ sơ bệnh lý của Dan nhằm bêu riếu Dan mắc bệnh tâm thần. SIU còn làm nhiều chuyện phi pháp khác như nghe lén điện thoại của Dan, cho người tấn công Dan khi Dan phát biểu tại cuộc biểu tình phản chiến tổ chức ngày 3.5.1972 trước trụ sở Quốc hội v.v.
Trong bối cảnh đó, ngày 11.5.1973, Toà án tối cao ra phán quyết bác đơn kiện của chính phủ, tuyên bố Dan và Russo vô tội.
Ngược lại, những việc làm sai trái của Nixon và thuộc hạ trong vụ TLLNG và vụ Watergate dẫn đến việc hàng loạt quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ bị đưa ra toà: Mitchell, Haldeman, Ehrlichman bị kết án từ 30 tháng đến 8 năm tù giam. Bản thân Nixon cũng bị cáo buộc nhiều tội: lạm dụng chức quyền, khai man, cản trở công lý... Trước nguy cơ bị Quốc hội luận tội, Nixon xin từ chức (9.8.1974), trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử nước Mỹ làm như vậy.
Vì sự thật và hoà bình
Không ai hiểu con hơn cha. Trong cuộc phỏng vấn của báo Detroit News, cụ Harry Ellsberg nhận xét về con trai của mình: “Daniel đã từ bỏ tất cả để dâng hiến đời mình cho việc chấm dứt cuộc tàn sát điên khùng ấy (chỉ chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam)... Anh ấy đã trao tài liệu (của Lầu Năm Góc) cho báo chí... thế là anh ấy đã có thể cứu được mạng sống của một số thanh niên (Mỹ) bị (chính phủ) gửi sang (chiến trường Việt Nam)” (17).
Hơn 3 thập niên sau, tháng 12.2006, Dan được tặng Giải thưởng Right Livehoodvì đã “đặt Hoà bình và Sự thật lên trước hết, bất chấp nguy hiểm đáng kể cho bản thân, dâng hiến đời mình cho phong trào giải thoát thế giới khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân” .
Những người Việt Nam yêu chuộng Độc lập và Hoà bình không bao giờ quên vụ tiết lộ TLLNG của Dan. Trong dịp trở lại Việt Nam tháng 3.2006, Dan được trao kỷ niệm chương “Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc” .
(1) Robert S. McNamara, In Retrospect - The Tragedy and Lessons of Vietnam, Nxb Times Books, New York, 1995, tr. 280.
(2), (3), (4), (5), (6), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17) Daniel Ellsberg,Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Nxb Penguin Books, New York, 2003, tr. 198, 370, 289, 276, 432, 423, 426, 394, 391, 408, 457, 398.
(7) Michael Maclear, Vietnam: The Ten Thousand Day War, Nxb Thames Methuen, London, 1984, tr. 410.
(8) Richard Nixon, Mémoires (bản dịch tiếng Pháp), Nxb Stanké, Paris, 1987, tr. 372.
SACHHIEM.NET
Tags:
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment