Trung Quốc đang ráo riết cho ước vọng bá chủ toàn cầu, trên cả Mỹ về tiềm lực kinh tế và quân sự.
Có phải thế không và có được thế không. Đó là một câu hỏi về một Trung Quốc “vĩ đại” theo cách xưng của Trung Quốc và giấc mộng Trung Hoa.
Toàn nhân loại mẫn trí đang hỏi câu này: “có phải Trung Quốc đang duy trì danh xưng vĩ đại không?”. Hãy điền vào ô: nhất trí hoặc không nhất trí. Đa số sẽ điền vào ô thứ hai đầy nghi ngại.
Nghị ngại về dân số của Trung Quốc bây giờ là có thật. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc làm cho cái bụng to ra cộng với chính sách khuyến khích sinh đẻ, đứng từ góc độ đại lượng số học mà nói dân số Trung Quốc, trong tương lai không biết rồi sẽ tính theo cấp số nào thì sao không nghi ngại được. Đất rộng người đông là Trung Quốc hiện tại. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia đất chật người đông. Một tỷ lệ nghịch rất khó giải quyết. Nới rộng vành đai biên giới: đất liền, lãnh hải, không phận đã trở thành nhu cầu bản năng bức thiết giống như bản năng và tham vọng của các chủ đồn điền.
Trung Quốc có thể vượt lên tất cả các quốc gia về tiềm lực kinh tế, quân sự và có thể tự hào về văn minh Trung Hoa trong quá khứ. Nhưng Trung Hoa đương đại thì phải đối đầu với một câu hỏi lớn đó là văn hoá ứng xử với người ngoài, với các nước láng giềng, những người thiện chí. Không ai bỗng dưng gây sự với một người tốt, đó là chuẩn mực nhân cách và chừng mực của ứng xử văn hoá.
Bởi vì vĩ đại bao giờ cũng bao hàm ý nghĩa của ứng xử độ lượng, nhường nhịn, tha thứ ngay cả đối với người ứng xử chưa đúng với mình. Không thể nào xưng danh vĩ đại mà cố chấp, gây sự trước, bất chấp lẽ phải miễn là đạt được quyền lợi của bản thân.
Sự vĩ đại không phải chỉ được biểu đạt bằng chiều ngang, chiều rộng, cân nặng, số đông, lắm tiền nhiều của mà còn được hiển thị bởi chiều cao, chiều sâu văn hoá ứng xử trên bàn tiệc lịch lãm, sòng phẳng của thiết chế ngoại giao toàn cầu hôm nay.
Bởi thế Trung Quốc to lớn thì có nhưng vĩ đại thì chưa. To lớn thì rồi những khổng lồ thì hãy đợi.
Cần phải khoác lên nền kinh tế lớn, tiềm lực quân sự lớn một chiếc áo khoác văn hoá vừa với số đo kinh tế, quân sự, ngoại giao mới đủ tạm gọi là vĩ đại.
Vĩ đại mãi là ước mơ và cũng dễ là ác mộng của nhân loại bởi kích thước của sự vĩ đại là một kích thước khả biến của phương pháp so sánh và đối chiếu.
Trong tham vọng biến các nước Asean và các nước láng giềng thành bầy đàn cũng là lúc Trung Quốc tự coi mình là con hổ xám. Những con vật to lớn vẫn đi một mình trong các khu rừng già trống trải. Tuy nhiên, thế giới bây giờ đã đổi khác. Các điều luật quốc tế, thông lệ quốc tế, luật định của mỗi quốc gia đã được cài đặt chặt chẽ như những cái bẫy để chống lại sự săn mồi, lòng tham và cơn đói quá mức của những con thú.
Bắt nạt đã là những từ quá lỗi thời của nhân loại văn minh, nề nếp, trật tự ngay ngắn.
Dân tộc Việt đã chịu quá nhiều thương đau qua các cuộc chiến tranh xâm lược để tôi luyện một phẩm chất vừa ôn hoà vừa sẵn sàng tự vệ. Nhũn nhặn vừa là một lời đề nghị vừa là lời thỉnh cầu hoà bình. Dải lụa mềm có thể thắng được thanh gươm là có thật của thuyết bất cân xứng trong võ thuật Trung Hoa.
Nhũn nhặn cũng bởi vì dân tộc Việt thấm nhuần câu nói “máu là chi phí lớn nhất”.
Vì thế, làm sao Trung Quốc xứng với tên mỹ miều của mình (Trung tâm của Hoa hay Hoa giữa Trung tâm) là câu hỏi có thể vật vã nhất trong giấc mộng Trung Hoa.
To lớn nếu hiểu không khéo, theo nghĩa cổ của ngôn ngữ Trung Hoa thì lại thành xấu xa và độc ác.
Tiếng Anh cũng vậy (enormous có nghĩa là to lớn lại cũng có nghĩa là bỉ ổi).
Trong tiềm thức và lương tri của nhân loại luôn hiểu to lớn với cả hai nghĩa này mặc dù từ điển của họ không giải nghĩa như thế.
Đừng để nỗi buồn, nỗi buồn văn hoá ngoại giao mang tên Trung Quốc.
Mai Linh - Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment