Tranh chấp lãnh thổ và chiêu bài triều cống
Tuesday, May 28, 2013
Cho đến nay, yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với Nhật Bản vẫn chỉ dừng ở những khối đá hoang. Và chừng đó thôi cũng đủ tạo căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Ảnh minh họa: John Shakespeare
Và điệp khúc mới của những con người có ảnh hưởng tại Trung Quốc cũng đang góp phần làm gia tăng những rủi ro trong khu vực. Họ cho rằng Nhật Bản không có quyền đối với một trong những hòn đảo lớn nhất của nước này, đảo Okinawa, với số dân 1,4 triệu người và có những căn cứ quân sự thuộc dạng lớn nhất của Mỹ.
Okinawa từng là một vương quốc độc lập trong suốt nhiều thế kỷ. Nhật Bản chiếm lĩnh đảo này vào năm 1872, mặc dù sự cai trị của họ bị gián đoạn khi Mỹ tiếp quản đảo này vào thời Đại chiến thế giới thứ hai trước khi trao trả lại cho Nhật Bản vào năm 1972. Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo cho tới năm 1970, và ngay cả từ khi đó, vấn đề cũng hầu như không được đề cập gì đến.
Nhưng rồi đột nhiên nó trở thành vấn đề nóng bỏng. Trong khi Bắc Kinh không chính thức tuyên bố đảo đó thuộc Trung Quốc, luận điệu mới này vẫn đang được thúc đẩy hoặc chấp nhận bởi một số quan chức trong hệ thống Trung Quốc.
Một tướng nổi tiếng trong quân đội Trung Quốc PLA nổi tiếng với những lời lẽ táo bạo, mới đây phát biểu rằng đảo không thể thuộc về Nhật Bản vì những người chủ thời xa xưa của hòn đảo vẫn từng cống nạp cho Trung Quốc cách đây 500 năm, trước khi nó bị người Nhật thôn tính.
Rõ ràng, điều này có hàm ý rất đáng báo động. Danh sách các quốc gia cống nạp cho Trung Quốc thời xưa dài không kể hết, bao gồm Myanmar và Campuchia, Triều Tiên và Malaysia, thậm chỉ cả Italia và Anh.
"Điều này có thể mở ra một thời kỳ bất ổn cho cả thế giới", giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia về Trung Quốc và thế giới tại ĐH Quốc gia Australia, Geremie Barme, nhận xét. "Và mọi vấn đề lãnh thổ khác cũng sẽ được đem ra bới móc. Câu chuyện sẽ dừng lại ở đâu? Chẳng ai biết'".
Thiếu tướng La Viện phát biểu trước cơ quan báo chí Trung Quốc rằng nhóm đảo Ryukyu, trong đó Okinawa là đảo lớn nhất, bắt đầu triều cống cho Trung Quốc từ năm 1372, triều đại nhà Minh.
Ông nói, người bản địa trên đảo có mối quan hệ về dân tộc và văn hóa gần gũi với Trung Quốc hơn với Nhật Bản, mà lãnh đạo của họ là chư hầu của triều đình Trung Hoa.
Ông nói: "Bây giờ chưa bàn các đảo này có thuộc về Trung Quốc hay không, nhưng họ chắc chắn là nước triều cống Trung Quốc. Tôi không nói tất cả các nước triều cống trước đây đều thuộc về Trung Quốc nhưng chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng Ryukyus không phải là của Nhật Bản".
Nhưng vị tướng họ La nổi tiếng là người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa quá khích, vậy nên điều này có nghĩa gì không?
Viên tướng này không phải là người duy nhất có những lời lẽ bình luận như trên. Phát ngôn của ông được đưa ra theo sau một bài viết dài của hai học giả Trung Quốc xuất bản trước đó một tuần. "Có lẽ đã đến lúc xem xét lại vấn đề lịch sử chưa giải quyết của quần đảo Ryukyu", hai nhà nghiên cứu Trương Hải Bằng (Zhang Haipeng) và Lý Quốc Cường (Li Guoqiang) viết.
Bài báo có sức nặng bởi vì các tác giả đến từ cơ quan nghiên cứu nhà nước hàng đầu của Trung Quốc, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Và nó được xuất bản bởi cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo. Hơn nữa, khi phóng viên đưa vấn đề này ra trước phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), thì bà chỉ trả lời lịch sử Okinawa và quần đảo Ryukyu "từ lâu đã thú hút sự quan tâm trong giới học thuật".
Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bài viết này. Có lúc, người dân ở cả đảo chính của Nhật Bản cũng cống nạp cho đại đế Trung Hoa.
"Theo logic của tướng La Viện", Chris Nelson, biên tập viên tờ Nelson Report (Washington), một nhật báo về các vấn đề chính sách châu Á, viết, thì trong bài luận tiếp theo, ông ta sẽ đòi chủ quyền đổi với cả các đảo chính của Nhật Bản.
Có lẽ ngay cả những người hài hước trong các cán bộ PLA cũng thấy có chút gì đó hơi quá. Nhưng giả sử cứ như ông La nói, thì chúng ta cần lưu ý rằng mỏ neo của tàu Trung Quốc, cách đây chừng 1.000-1.500 năm đã từng được phát hiện ngoài khơi Thái Bình Dương của Mexico, vậy tại sao yêu sách của họ dừng lại ở Nhật Bản?
Australia trong nhiều thế kỷ trước khi người châu Âu khám phá không cống nạp cho đế quốc Trung Hoa, nhưng khi chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu trước Quốc hội Australia hồi năm 2003, ông đã chỉ ra: "Từ những năm 1420, các hạm đội tàu viễn dương của Triều đại nhà Minh Trung Quốc đã đi tới bờ biển Australia. Trong nhiều thế kỷ, người Trung Quốc đi thuyền qua những vùng biển lớn và ổn định sinh sống tại nơi gọi là Đất phương nam, mà ngày nay chính là Australia. Họ mang văn hóa Trung Quốc đến vùng đấy này và sinh sống hòa hợp với người dân bản địa, đóng góp một phần đáng tự hào vào nền kinh tế, xã hội và đa dạng văn hóa của Australia".
Đây là chuyện có thật. Nó đã được xác minh bởi các bằng chứng khảo cổ về các chuyến đi của thủy thủ Trung Quốc từ thời trước Thuyền trưởng James Cook cả nửa thiên niên kỷ.
Nếu những người dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc có thể nghĩ ra những luận điệu về chủ quyền lãnh thổ dựa trên nền tảng giao thoa văn hóa và quan hệ chính thức cách đây hàng mấy trăm năm, trước khi hầu hết các quốc gia nhà nước hiện nay tồn tại, vậy họ, Barme đặt câu hỏi, sẽ dừng lại ở đâu trong các luận điệu chủ quyền của mình?
Giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không công khai ủng hộ lí lẽ táo bạo này. Nhưng họ cũng không phủ nhận nó. Câu hỏi là, tại sao nó lại được thúc đẩy và chấp nhận bởi giới lãnh đạo, thậm chí có thể mặc nhiên xác nhận, và tại sao lại là hiện nay?
"Từ quan điểm của Trung Quốc, đảo Okinawa chẳng khác nào bức Vạn lý trường thành trên biển", chuyên gia về hải đảo của ĐH Quốc gia Australia Gavan McCormack, nói, "có khả năng tiềm tàng ngăn cản hoạt động tiếp cận hải quân tới Thái Bình Dương". Vậy nên nó có tầm quan trọng chiến lược đối với bản thân Trung Quốc.
Nhưng một chuyên gia về chính trị cấp cao Trung Quốc, Willy Lam, của Đại học Trung Hoa Hồng Kông, nói, đó chính là đòn "chiến tranh tâm lý" nhằm gây áp lực buộc Nhật Bản phải nhượng bộ trong các yêu sách chủ quyền đối với lãnh thổ nhỏ hơn thuộc chuỗi đảo hoang Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Và tại sao lại là hiện nay? Sức mạnh đang lên của đã kết hợp với thái độ quả quyết mạnh mẽ duy trì luận điệu của mình đối với một số tranh chấp lâu nay vẫn ngủ yên.
Barme nói. "Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có quan điểm khá chắn chắn và đó không phải là những gì phương Tây muốn thấy. Một số người cho rằng Trung Quốc đã ẩn mình quá lâu và chưa thể hiện xứng đáng với hình ảnh của mình. Trong cách nhìn của người Trung Quốc, thì điều đó không có gì thái quá, và Tập Cận Bình tin tưởng Trung Quốc là một cường quốc lớn trên thế giới và phải làm sao xứng với hình ảnh của một cường quốc. Tôi nghĩ thế giới sẽ phải chấp nhận một thời kỳ khó khăn sắp tới".
Trâm Anh (Theo Smh.com)
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment