Tướng Trung Quốc: Phải đánh chiếm 8 đảo Philippines chốt ở Trường Sa
Monday, May 13, 2013
Viên tướng này đe dọa, chỉ cần Philippines “khiêu khích” 1 lần, Trung Quốc sẽ đánh chiếm 1 đảo, bãi đá hoặc rặng san hô và cứ như vậy, Bắc Kinh sẽ đánh chiếm 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô mà Philippines đồn trú (trái phép) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Vụ việc tàu Cảnh sát biển Philippines nổ súng vào một tàu cá Đài Loan hôm 9/5 đang được giới truyền thông và cánh học giả Trung Quốc khai thác tối đa nhằm “đục nước béo cò” trên Biển Đông, lấy cớ leo thang và cổ súy các hành động làm căng thẳng, phức tạp tình hình tranh chấp lãnh hải ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, 5 nước 6 bên tuyên bố chủ quyền).
Ngày 13/5 tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài phân tích của La Viện, một viên học giả đeo lon Thiếu tướng nổi tiếng “diều hâu” trên các diễn đàn quân sự và báo điện tử Trung Quốc kêu gào giới chức Bắc Kinh cần đánh chiếm các đảo Philippines chốt giữ (trái phép) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – PV) để “trả đũa” vụ bắn tàu cá Đài Loan.
Vụ nổ súng xảy ra trên eo biển Bashi giữa Philippines và Đài Loan, cách cực Nam đảo Đài Loan khoảng 164 hải lý, trong khi chỉ cách Philippines 60 hải lý. La Viện cho rằng vị trí xảy ra vụ nổ súng nằm hoàn toàn trong “vùng kinh tế đặc quyền” của Đài Loan nên tàu cá Đài Loan đánh bắt trong khu vực này là hợp pháp?!
La Viện, học giả Trung Quốc hiếu chiến mang lon Thiếu tướng quân đội
Sau khi cáo buộc Manila vi phạm luật pháp quốc tế trong vụ nổ súng trên, đồng thời còn “ngụy biện” không chịu xin lỗi và bồi thường cho gia đình ngư dân Đài Loan bị thiệt mạng, La Viện bắt đầu kêu gọi giới chức Đài Loan và Trung Quốc cùng “hợp tác” trên Biển Đông trên 4 lĩnh vực.
Về mặt pháp lý, La Viện cho rằng hai bờ eo biển nên cùng kiện Philippines, với ưu thế là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sẽ buộc “hung thủ” phải tự trói tay chịu phạt. Về mặt kinh tế, La Viện cho rằng đã đến lúc ngư dân Trung Quốc và ngư dân Đài Loan nên đàm phán hợp tác nghề cá (trên Biển Đông).
Hung hăng hơn, viên tướng “diều hâu” này còn đề xuất lực lượng Cảnh sát biển Đài Loan nên hợp tác với Hải giám/Ngư chính Trung Quốc, thậm chí khi cần thì hải quân hai bờ eo biển sẽ bắt tay phối hợp. Ông Viện cho rằng, khi kết hợp được “địa lợi” của Đài Loan và “thế lực” của Trung Quốc thì Philippines sẽ “lãnh đủ”.
Chốt lại bài phân tích trên Thời báo Hoàn Cầu, La Viện kêu gào giới chức Bắc Kinh nên lặp lại “mô hình Scarborough”, cho tàu cá đến các vùng biển tranh chấp khiêu khích với Philippines, chỉ cần Manila phái tàu chiến ra xua đuổi như những gì diễn ra tại Scarborough tháng 4 năm ngoái, Bắc Kinh sẽ lập tức kéo Hải giám, Ngư chính, thậm chí là chiến hạm đến án ngữ và chiếm quyền kiểm soát.
Viên tướng này đe dọa, chỉ cần Philippines “khiêu khích” 1 lần, Trung Quốc sẽ đánh chiếm 1 đảo, bãi đá hoặc rặng san hô và cứ như vậy, Bắc Kinh sẽ đánh chiếm 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô mà Philippines đồn trú (trái phép) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Đội 30 tàu cá Trung Quốc trong chuyến ra Trường Sa hồi tháng 7/2012.
Bài phân tích của La Viện cho thấy rõ âm mưu, ý đồ và tham vọng của giới chức Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, cho nên với bất cứ một vụ va chạm nhỏ nào trên Biển Đông cũng có thể bị giới chức Trung Quốc lợi dụng trắng trợn và kiếm cớ gây sự, đánh chiếm các điểm đảo, bãi ngầm, rặng san hô nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà hiện một số bên đang chiếm đóng trái phép.
Âm mưu, ý đồ, tham vọng cũng như những hành động của Trung Quốc không thể đánh lừa được công luận quốc tế cũng như người dân Trung Quốc dù có được ngụy trang bằng tên gọi nào đi chăng nữa. Nó đã đi ngược lại hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng, phức tạp tình hình và gây ra mối quan ngại đặc biệt trong khu vực.
Tuy nhiên trong bối cảnh thế giới đang ngày càng hội nhập sâu rộng, không phải giới chức Bắc Kinh cứ “thích làm gì thì làm”. Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới hiện nay, nơi giao thoa nhiều mối quan tâm và lợi ích chiến lược giữa các nước trong khu vực cũng như các cường quốc trên thế giới. Các nước sẽ không chịu ngồi yên để xem Trung Quốc tác oai tác quái như những gì viên học giả diều hâu này kêu gọi.
(BGD)
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment