Những hành động gây hấn mới của Trung Quốc tại Biển Đông
Friday, May 31, 2013
Những tháng gần đây, Bắc Kinh đã triển khai một loạt “tấn công” tại Biển Đông trên bình diện quân sự, du lịch và ngoại giao.
Từ đầu tháng 5, Trung Quốc đã liên tiếp có nhiều hoạt động gây hấn nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông. Trung Quốc cho tàu hải giám kèm 32 tàu cá tiến thẳng vào quần đảo Trường Sa. Trung Quốc còn kéo giàn khoa Lệ Loan tương đương với tòa nhà 18 tầng nhằm mục đích thăm dò dầu khí trái phép tại khu vực nam Biển Đông.
Gây áp lực tối đa lên Philippines
Từ ngày 8 đến ngày 28/5, 1 tàu khu trục hải quân, 2 tàu Hải giám và 30 tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa do Philippines kiểm soát. Ngày 28/5, tàu khu trục và 30 tàu cá Trung Quốc đã rời Bãi Cỏ Mây tuy nhiên 2 chiếc tàu hải giám vẫn ở lại.
Trung Quốc định áp dụng “mô hình Scarborough” như hồi giữa năm 2012. Sau khi gây áp lực chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế, Trung Quốc vờ cho tàu rút đi để phía Philippines cũng rút tàu về, nhưng liền sau đó đã phái tàu Hải giám, Ngư chính cùng tàu cá kéo ra căng thừng, thả lưới chặn tàu thuyền Philippines quay trở lại đầm phá bãi cạn Scarborough. Từ đó đến nay, họ luôn luôn phái tàu Hải giám, Ngư chính án ngữ ngay cửa ngõ bãi cạn này. Coi như Trung Quốc đang kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough của Philippines.
Hành động của Trung Quốc khiến dư luận cho rằng, Trung Quốc sẽ không chỉ chiếm đoạt từng điểm đảo, bãi đá, rặng san hô trong quần đảo Trường Sa mà trong tương lai Bắc Kinh có thể có nhiều hành hoạt động liều lĩnh với quy mô lớn hơn trên Biển Đông.
Một động thái ngoại giao chưa từng có tiền lệ đã xảy ra hôm 26/4, Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lên tiếng công khai bằng tiếng Trung Quốc 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô nằm trong quần đảo Trường Sa hiện do Philippinese kiểm soát và đòi Manila “trả lại” 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô này cho Bắc Kinh.
Hạm đội tàu hải giám Trung Quốc hoạt động gây hấn ở Biển Đông
Trong khi đó, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, công du Đông Nam Á đưa ra những tuyên bố nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây ảo tưởng về thiện chí Trung Quốc và đổ lỗi cho một số nước gây phức tạp cho tình hình Biển Đông.
Có thể tiên lượng năm 2013, Trung Quốc sẽ gây áp lực tối đa đối với Philippines, trả đũa việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài Quốc tế về luật biển. Ban trọng tài đã được thành lập và đang thụ lý hồ sơ giải quyết vấn đề thủ tục trước khi tiến hành xem xét vụ án. Tuy ngoài miệng nói là vụ kiện này không có giá trị pháp lý đối với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc e ngại rằng một khi tòa Trọng tài ra phán quyết về tính phi pháp của đường lưỡi bò sẽ là một đòn mạnh giáng vào đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 13/5 đăng bài phân tích của La Viện, một Thiếu tướng nghỉ hưu nổi tiếng nói càn trên các diễn đàn quân sự và báo điện tử Trung Quốc.
Viên tướng này đe dọa, chỉ cần Philippines “khiêu khích” 1 lần, Trung Quốc sẽ đánh chiếm đảo, bãi đá hoặc rặng san hô và cứ như vậy, Bắc Kinh sẽ đánh chiếm 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô mà Philippines đồn trú ở quần đảo Trường Sa.
La Viện còn kêu gào giới chức Bắc Kinh nên lặp lại “mô hình Scarborough”, cho tàu cá đến các vùng biển tranh chấp khiêu khích với Philippines, chỉ cần Manila phái tàu chiến ra xua đuổi như từng diễn ra tại Scarborough tháng 4 năm ngoái, Bắc Kinh sẽ lập tức kéo Hải giám, Ngư chính, thậm chí là chiến hạm đến án ngữ và chiếm quyền kiểm soát điểm tranh chấp.
Ba hạm đội tập trận bắn đạn thật đối kháng
Trung tuần tháng 5, hải quân Trung Quốc đã cử 5 binh chủng chủ lực của cả 3 hạm đội Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải, gồm các loại tàu chiến, tàu ngầm, không quân trong hải quân, để chia thành 2 đội tập trận bắn đạn thật đối kháng trên Biển Đông. Trong đó có nội dung bắn tên lửa “hạ chiến hạm đối phương” trên Biển Đông.
Cuộc tập trận quy mô này kết thúc vào chiều ngày 24/5. Thời điểm mở màn cuộc tập trận có thể kể đến việc ngày 13/5 một biên đội tàu của hạm đội Đông Hải đi qua eo biển Bashi để tập kết với cụm tàu chiến của hai hạm đội khác tại một địa điểm ở Biển Đông.
Cuộc tập trận này có quy mô lớn đầu tiên kể từ năm 2010 khi Trung Quốc tiến hành cuộc diễn tập tương tự để phản ứng lại việc tàu sân bay USS George Washington của Mỹ tham gia tập trận chống tàu ngầm chung với hải quân Hàn Quốc tại Hoàng Hải.
Bày trò “Khảo sát thực địa” và khai thác phi pháp Hoàng Sa
Từ ngày 6-14/5, đoàn khảo sát tỉnh Hải Nam đã tiến hành khảo sát thực địa đối với vùng biển và bãi ngầm liên quan của “thành phố Tam Sa” nhằm tăng cường thúc đẩy tiếp tục xây dựng các hạng mục ở cứ điểm chiến lược này.
Đây là hoạt động khảo sát toàn diện lần đầu tiên do tỉnh Hải Nam tổ chức kể từ khi thành lập “thành phố Tam Sa”. Nhân viên khảo sát đã sử dụng tầu Ngư chính Trung Quốc 310 đi sâu vào vùng biển và các bãi đảo của Tam Sa, toàn bộ hành trình dài 2.270 hải lý.
Trọng điểm khảo sát còn nhằm vào các bãi ngầm Tăng Mẫu, Vĩnh Thử, Mỹ Tế, Chử Bích thuộc Trường Sa và tổ chức các hoạt động tuyên bố chủ quyền ở bãi Tăng Mẫu. Ngoài ra, đoàn khảo sát còn toạ đàm với các binh lính canh giữ đảo, các nhân viên của các xí nghiệp nghề cá, gặp gỡ ngư dân thôn Mỹ Tế.
Lần khảo sát này nằm trong ý đồ điều tra nghiên cứu thực địa để quy hoạch phát triển khu vực Tam Sa; điều tra tài nguyên hải dương, giám sát kiểm tra môi trường biển, thúc đẩy khai thác tài nguyên ở Trường Sa.
Về du lịch, truyền thông Trung Quốc ngày 28/4 đưa tin, tàu du lịch Coconut Princess (Gia Hương công chúa) của Công ty vận tải biển eo biển Hải Nam đã chở hơn 200 người Trung Quốc từ Hải Khẩu ra du lịch tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Chuyến du lịch diễn ra 4 ngày.
Kế hoạch cấp phép cho tàu du lịch tới Hoàng Sa được đưa ra sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng ở cái gọi là "thành phố Tam Sa" mới thành lập, cũng như việc bố trí một đơn vị quân đội đồn trú tại Hoàng Sa vào năm 2012.
Ngày 24/5 có 150 khách du lịch Trung Quốc đi tour tiếp theo, kéo dài 5 ngày. Mỗi tháng sẽ có từ 1-2 tour.
Năm 2013 sẽ trở thành năm quan trọng của “trận giao tranh” giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam trên Biển Đông trong khi, theo báo Văn Hối (HK), “Bắc Kinh đã bắt đầu những nước cờ lớn với thế tấn công liên tục, không ngừng” và trong năm 2013 Bắc Kinh có thể giành được nhiều “thành quả”. Ngoài khai thác Biển Đông, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh tranh chấp, tăng sức ép lên các nước liên quan chủ yếu, lựa chọn thời điểm bất ngờ chiếm đoạt các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa hòng mở rộng sự hiện diện trên Biển Đông. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa lường được những hệ quả chiến lược phải đối mặt./.
Hoài Nam - Toquoc
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment