Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. “Chiếc bẫy” chiến lược hay tiềm lực phát triển?
Friday, May 3, 2013
Trung Quốc và mười nước ASEAN vốn có mối quan hệ lâu dài. Vậy ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc dự định phát triển các liên lạc ra sao? Những trọng tâm chính trị, quân sự và kinh tế như thế nào sẽ chiếm ưu thế trong chính sách tại khu vực? Mức độ tác động của "các vấn đề biển đảo" trên biển Đông vào quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN?
Sự phân cực của ASEAN. "Bạn bè" và "kẻ thù" của Trung Quốc trong nhóm mười nước
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là "lát cắt" khu vực đầy thú vị. Xét về địa chính trị, ASEAN luôn chịu sức ép của người hàng xóm cận kề là Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng lớn từ "đối tác" từ xa là Hoa Kỳ. Tổ chức ASEAN đang nỗ lực chứng tỏ tính độc lập và phát triển tự chủ, duy trì cam kết về "đa nguyên nội bộ", đồng thời tôn trọng bất cứ sự lựa chọn ý thức hệ và kinh tế của các nước thành viên. Tuy nhiên, khó nói rằng giữa Trung Quốc và ASEAN tồn tại sự hài hòa.
Các tranh chấp biển đảo trong khu vực đang tạo nên bối cảnh chính trị tiêu cực cho quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Trong khi ấy, các chủ đề cơ bản của chính sách khu vực mà Trung Quốc theo đuổi ở Đông Nam Á, bao gồm hội nhập qui mô (ASEAN+Trung Quốc, Khu vực Mậu dịch tự do), dự án Tiểu vùng sông Mekong, các dự án thương mại và đầu tư lại ngày một bị đẩy lùi.
Tất nhiên, Trung Quốc cũng như các nước đối thủ đều có lỗi gây nên những căng thẳng khu vực. Như một số chuyên gia phương Tây ghi nhận, đối với các nước ASEAN xung đột lãnh thổ là phản ứng tự vệ và cảm tính của các tầng lớp lãnh đạo Đông Nam Á, nảy sinh trước nguy cơ bành trướng từ Trung Quốc.
Cần thừa nhận rằng, đây là phản ứng của một số quốc gia ASEAN chứ không phải từ "tất cả các tầng lớp cầm quyền". Sự phân cực chính trị diễn ra trong khu vực dưới những yếu tố áp lực là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Một bên, thái cực chống Trung Quốc là các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Trong dự báo năm 2013, cơ quan phân tích Stratfor có uy tín đã gọi Việt Nam và Philippines là những "đối thủ nhất quán” của Trung Quốc, ngày một tích cực “ủng hộ sự hiện diện kinh tế và quân sự của Mỹ." Đây là một dự báo không khó diễn ra.
Mặt khác, các nước Campuchia, Thái Lan, Lào và Myanmar thuộc về nhóm thân Trung Quốc. Indonesia và Singapore chưa công khai bày tỏ sự thù địch hay trung hòa, nhưng xét về phương diện chính trị họ gần giống các đối thủ của Trung Quốc.
Trong dự báo năm 2013, giới chuyên gia đặc biệt lưu ý đến Myanmar. Xu hướng nhận định của các phân tích gia có xu hướng tin rằng người Mỹ sẽ dần dần lấn át ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc ở đất nước này. Các ý kiến đã không loại trừ khả năng kịch phát đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ở Myamar, hay phát sinh những "căng thẳng sắc tộc” dọc biên giới Trung Quốc và Myanmar.
Cơ sở chỗ dựa vào những "người anh cả" của hai nhóm "thân Trung Quốc" cũng như "thân Hoa Kỳ" đều là những mô típ kinh tế và chính trị. Cán cân các mô típ lại là một vấn đề khác. Nhưng chắc chắn, trong các triển vọng ngắn hạn và trung hạn, sự phân cực của khu vực ASEAN sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tình hình ở Đông Nam Á.
Những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong vùng biển Nam Hoa
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á trở thành bản chất chính trị mới, làm nảy sinh làn sóng phản ứng của khu vực. Ban lãnh đạo Trung Quốc nhiệm kỳ trước của nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có thể đã không đánh giá đúng mức độ phản ứng.
Giáo sư Tương Lan Hân, Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) nhận định rằng, Bắc Kinh đã thực hiện sai lầm chiến thuật khi tuyên bố sự hiện diện "các lợi ích cốt lõi ở biển Hoa Nam." Theo chuyên gia, điều này cho phép các đối thủ diễn giải phát biểu của giới chính khách Trung Quốc như sự kỳ vọng lập toàn quyền kiểm soát biển Hoa Nam, biểu lộ "sự bành trướng... xuống phía Nam theo hướng ASEAN." Như vậy theo giáo sư Tương Lan Hân, ông Tập Cận Bình vô tình trở thành "con tin" chính sách khu vực của ông Hồ Cẩm Đào ở Đông Nam Á.
Một số ý kiến thậm chí đã đề cập tới "chiếc bẫy" mà dường như tân lãnh đạo Trung Quốc đã mắc phải. Để duy trì tính thừa kế, ông Tập phải tiếp tục "đường lối cứng rắn” về biển đảo của ông Hồ Cẩm Đào ở biển Hoa Nam, ngẫu nhiên làm tăng thêm tâm lý bài Trung Quốc ở một số nước ASEAN.
Khó thể chỉ ra sự hiện diện của "chiếc bẫy", nhưng một số sự kiện trực tiếp phản ánh đường lối cứng rắn mà ông Tương Lan Hân nhắc đến. Như chúng ta biết, ông Tập Cận Bình công bố Trung Quốc sẵn sàng với "cuộc chiến cục bộ" và sự cần thiết của "lực lượng hải quân hùng mạnh", một điều gián tiếp xác nhận luận đề "những lợi ích cốt lõi của quốc gia" ở Đông Nam Á.
Cũng không nên bỏ qua tuyên bố chính thức của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi đầu năm 2012. Theo bà Clinton, Hoa Kỳ cũng sở hữu "lợi ích quốc gia quan trọng" trong khu vực (biển Nam Hoa) và "mong rằng mọi kỳ vọng khai thác tiềm năng sẽ đều tôn trọng quyền tự do hàng hải, thực hiện giải quyết các tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế. "
Trung Quốc - ASEAN. Liệu Trung Quốc có phương án mới?
Nói cách khác, đối với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc vấn đề không phải "đi lùi lại" trong giải quyết biển đảo, mà hợp lý chuyển hướng tranh chấp sang bình diện mới. Trung Quốc phải nỗ lực xây dựng môi trường chính trị và thể chế đáp ứng sự phát triển song song hai đường đua. Đó là thảo luận những bất đồng về vấn đề lãnh thổ và thúc đẩy hệ thống hợp tác của định dạng Trung Quốc - ASEAN.
Như đã rõ, xung đột trên biển Hoa Nam /biển Đông/ tồn tại đã nửa thế kỷ nay. Đã từng diễn ra những tình huống bi kịch vào nhiều thời điểm khác nhau, ví dụ, xung đột vũ trang Trung-Việt ở quần đảo Trường Sa năm 1974. Tuy nhiên, chưa bao giờ các tranh chấp dẫn đến nỗ lực kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Quốc tế hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển.
Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012 ở Campuchia, các phái đoàn Philippines và Việt Nam đã nỗ lực đưa luận điểm "sự xâm lược của Trung Quốc” vào dự thảo tuyên bố chung. Nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh và một số quốc gia khác quyết định chặn đề xuất này. Lần đầu tiên suốt 45 năm hoạt động, ASEAN đã không thông qua được tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao. Nguyên nhân chính là bất đồng quan điểm về vấn đề đường lối của Trung Quốc ở khu vực.
Đường đua quan trọng cơ bản thứ hai đối với Trung Quốc đòi hỏi Bắc Kinh vận dụng mọi nỗ lực thúc đẩy như “luồng chiến lược chủ lực” trong chính sách ở Đông Nam Á. Đó là phát triển các dự án hội nhập kinh tế với ASEAN, hỗ trợ cơ chế và thể chế đối thoại.
Bên cạnh những công cụ chính trị và kinh tế, chính phủ Trung Quốc có cơ hội sử dụng ảnh hưởng của cộng đồng Hoa kiều. Cộng đồng người Hoa ở các nước ASEAN lên đến 25 triệu người, trong đó có 7,3 triệu ở Indonesia, 5,7 triệu ở Thái Lan (chiếm 10% dân số), v.v…
Đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ, ASEAN ngày càng giống miếng bánh hấp dẫn về cả kinh tế, quân sự, lẫn chính trị. Tất nhiên Bắc Kinh và Washington khó thể thâu tóm toàn bộ khu vực cả mười quốc gia. Những tiềm năng kỹ thuật cũng như chính trị để thực hiện điều này đều vắng bóng trong tương lai gần.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia không bỏ qua triển vọng Trung Quốc bành chướng Đông Nam Á. Ví dụ, giáo sư Nga D. Mosyakov, một chuyên gia khu vực, đã viết về điều này.
Sự căng thẳng tình hình ở Đông Nam Á làm suy yếu an ninh chung tại khu vực, không khỏi ảnh hưởng đến chính sách của Nga tại đây. Nga cần giữ khoảng cách trong các vấn đề biển đảo của Trung Quốc vì lợi ích quốc gia, nhưng đồng thời phải duy trì các "ô cửa" và "điểm nhấn" ở ASEAN, ví dụ như Việt Nam và một số nước khác, bất kể họ thuộc nhóm nào, thân Trung Quốc hay bài Trung Quốc.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment