Vì sao Trung Quốc chấp nhận đàm phán với ASEAN về COC?
Thursday, July 4, 2013
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei, với một trong những trọng tâm là vấn đề Biển Đông và Bộ Quy tắc ứng xử (COC), diễn ra trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông ngày càng căng thẳng và có dấu hiệu leo thang khó kiểm soát. Trước thềm hội nghị người ta lại nghe thấy những lời cảnh báo, đe dọa cứng rắn từ phía Trung Quốc đến Philippines xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông…
Nhưng, điều bất ngờ xảy ra là Trung Quốc, nhân tố quan trọng quyết định thành, bại của bất cứ hội nghị cấp nào bàn về hòa bình trên Biển Đông, đã tỏ ra thiện chí. Trung Quốc đã chấp nhận đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào tháng 9/2013 tại Trung Quốc.
Sự kiện này, Trung Quốc nói những lời "có cánh”, các nước trong ASEAN tán dương và ngay cả Philippines, quốc gia mới bị Trung Quốc ban cho bản luận tội gồm 7 tội còn “chưa ráo mực” cũng “mát lòng”.
Tuy nhiên, “tại sao?” là câu hỏi mà giới phân tích thời cuộc đặt ra sau quyết định này của Trung Quốc.
Trung Quốc sử dụng “Pause” trong cuộc chơi trên Biển Đông?
Thông thường khi cuộc chơi (games) diễn biến ngày càng mau lẹ, có nguy cơ nằm ngoài sự phán đoán, ngoài tầm kiểm soát mà chưa có khả năng và cách thức đối phó, nếu tiếp tục thì thất bại là chắc chắn, thì lúc đó người chơi sử dụng nút Pause (tạm dừng) để dừng cuộc chơi để có thời gian suy nghĩ, tính toán…
Có thể nói “cuộc chơi trên Biển Đông” được các nhà chiến lược Trung Quốc, từ thế hệ lãnh đạo này đến thế hệ lãnh đạo khác chuyển tiếp một cách nhất quán. Chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” được các nhà chiến lược vạch ra trên cơ sở dựa vào sức mạnh của quốc gia theo phương châm cậy mạnh, hiếp đáp với các quốc gia nhỏ yếu quanh khu vực Biển Đông-ASEAN.
Đó là sự lấy lòng ASEAN, ký DOC… trong giai đoạn trước năm 2005, khi Trung Quốc đang buộc phải thực hiện sách lược “giấu mình chờ thời” để trỗi dậy. Khi trỗi dậy, đặc biệt từ năm 2009 trở lại đây, với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ, và bắt đầu hung hăng, ngang ngược, đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt Biển Đông.
Tuy nhiên, dường như Trung Quốc mới chỉ tính tới nước đi của mình mà không để ý đến nước đi của đối phương, ỉ vào sức mạnh của mình mà quên mất rằng đó chỉ là “sức mạnh đơn phương” và khi phải đối đầu với “sức mạnh đa phương” sẽ không dễ chiến thắng.
ASEAN tăng cường tiềm lực quốc phòng để tự vệ
Rõ ràng khi Trung Quốc cậy mạnh đe dọa dùng vũ lực trên Biển Đông thì các quốc gia ven biển tất yếu phải tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ chủ quyền.
Trung Quốc chưa phải là số 1 của thế giới nên vũ khí, trang bị chiến tranh của Trung Quốc xét về độ tin cậy, tiên tiến và hiện đại không vượt trội, thậm chí có mặt thua kém vũ khí trang bị mà các nước ASEAN mua sắm.
Tấn công vào một trong các nước đó thì giá phải trả quá lớn, có thể sa lầy. Nhưng dù sao về mặt quân sự đơn phương, đây không phải là vấn đề lớn, đáng lo ngại của Trung Quốc.
Với Philippines, hình ảnh Nhật Bản ngày xưa không đáng ngại bằng Trung Quốc hiện tại. Sự hình thành liên minh quân sự Nhật Bản-Philippines sẽ phụ thuộc vào nhân tố Trung Quốc.
Xu hướng đối ngoại, ASEAN đã lựa chọn
Nếu như từ năm 2012 trở về trước, trong nội bộ các nước ASEAN có thể vẫn còn phải băn khoăn về sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, thì sau cú “tàn phá” ASEAN mang tên Trung Quốc hồi tháng 7/2012, khi lần đầu tiên sau hơn 45 năm ra đời, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN không ra nổi một thông cáo chung, ASEAN như bị xúc phạm và thái độ đối với Trung Quốc hoàn toàn thay đổi.
Những nhà quan sát sự kiện ASEAN lúc đó đã nhận định rằng “Trung Quốc đã thắng về chiến thuật nhưng thất bại về chiến lược”. Nhận định đó đến bây giờ thực tế chứng minh là đúng.
Đúng bởi vì năm 2012, Trung Quốc đã thành công khi ngăn cản ASEAN ra một thông cáo chung về tình hình Biển Đông, nhưng năm nay thì không thể, không những thế Trung Quốc buộc phải chấp nhận đàm phán với ASEAN (đa phương) về COC.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Lòng tin chiến lược của ASEAN với Trung Quốc và qua đó là sự lựa chọn của ASEAN, mà trong đó Trung Quốc không phải là tối ưu, mới là thất bại mang tính chiến lược của Trung Quốc:
Như vậy, Mỹ và Trung Quốc đã làm cho ASEAN lựa chọn và chia rẻ, nhưng hành động của Trung Quốc có thể khiến phần còn lại của ASEAN rơi vào vòng tay kẻ khác đang giang rộng chờ đợi.
Sự trở lại của Mỹ với Châu Á-TBD trong chiến lược kiềm chế sự thách thức của Trung Quốc được thể hiện bằng việc củng cố các liên minh hiện có, xây dựng liên minh mới…nhằm tạo ra một vành đai chiến lược bao vây Trung Quốc từ ngay chuỗi đảo thứ nhất.
Quá tin vào "sức mạnh đơn phương”, cậy mạnh, nên trong mắt Trung Quốc chỉ có Mỹ mới là đối thủ, Trung Quốc coi thường tất cả, ngay Nhật Bản, Trung Quốc cũng đánh giá chỉ là một “con gà” mà có thể “giết” bất cứ lúc nào để “dọa khỉ (Mỹ)” mà thôi.
Vì thế, trên biển Hoa Đông, Trung Quốc đẩy tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bùng lên dữ dội nhằm khẳng định sức mạnh, uy thế, bản lĩnh của mình. Rốt cuộc Nhật Bản phải tái vũ trang để đối đầu và Trung Quốc đã vấp phải một sức mạnh không dễ vượt qua…
Trong bối cảnh khu vực có 2 yếu tố lớn tác động như trên, bất kỳ sự lựa chọn nào của bất kỳ quốc gia nào trong ASEAN với Nhật Bản hay Mỹ đều “đơm hoa” và luôn là “kết trái đắng” cho Trung Quốc.
Hãy xem quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines. Nếu như Trung Quốc dấn thêm một bước nữa để “nuốt” tiếp Bãi Cỏ May thì chưa biết chừng không những Philippines mở cảng Subic cho Mỹ, Nhật Bản mà còn liên minh quân sự với Nhật Bản. Vì vậy, vấn đề của Trung Quốc lúc này không phải là Philippines mà là Mỹ và Nhật Bản.
Tại thời điểm này, Trung Quốc dù tốn bao công sức phô trương sức mạnh, dọa dẫm… đã phải cay đắng nhận ra rằng, Biển Đông đã được quốc tế hóa sâu sắc. Biển Đông không phải là nơi mà Trung Quốc dễ dàng “trùm chăn” các nước nhỏ, yếu để ra đòn. Nếu cứ tiếp tục thực hiện mưu đồ chiến lược của mình, Trung Quốc sẽ bị cô lập hoàn toàn và có nguy cơ một mình chống lại cả Châu Á-TBD. Chắc chắn không có một ban lãnh đạo đất nước nào muốn như vậy cả.
Vì vậy, Trung Quốc buộc phải chủ động “tạm dừng cuộc chơi” bằng cách chấp nhận đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để có thời gian nghiên cứu đối phó.
Tiếp theo sẽ như thế nào?
Trung Quốc chấp nhận đàm phán với ASEAN về COC, nhưng vấn đề quan tâm nhất của ASEAN là COC có được ký kết, thông qua hay không mới quan trọng. Chấp nhận đàm phán là Trung Quốc chấp nhận từ bỏ quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông chỉ bằng đàm phán song phương, nhưng chấp nhận COC hay không lại phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nếu ký kết và tuân thủ COC, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực lớn của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã tác oai tác quái lâu nay. Vì thế, Biển Đông dường như vẫn là một chiến trường nóng bỏng, ngày càng chật chội với đủ loại vũ khí của tất cả các nước liên quan.
Lê Ngọc Thống - ĐVO
Tags:
Biển Đông
Bài phân tích của anh thật sâu sắc, cách viết của anh đọc là biết ngay là anh rồi !
ReplyDelete