Sự lo ngại chiến lược của các nước xung quanh Biển Đông tăng lên
Thursday, July 4, 2013
Hiện nay, tình hình Biển Đông đã có sự thay đổi phức tạp và sâu sắc, từ tranh chấp quyền lợi phát triển thành "đánh cờ" chiến lược trên biển.
Tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku
Tờ "Giải phóng quân" Trung Quốc ngày 2 tháng 7 đăng bài viết cho rằng, là cơ quan nghiên cứu cấp cao, Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc phòng, Viện khoa học quân sự, Quân đội Trung Quốc gần đây công bố "Đánh giá chiến lược 2012", giải thích các điểm nóng toàn cầu, gây chú ý cho dư luận.
Các trang mạng quân sự Trung Quốc rất tập trung quan tâm đến báo cáo này. Chủ biên báo cáo, ông Trần Châu đã trả lời phỏng vấn mạng quân sự Trung Quốc cho biết: "Việc làm này nhằm phục vụ cho xây dựng và thực hiện chính sách quốc phòng, phục vụ cho các quyết sách chiến lược quốc gia, phục vụ cho tăng cường hiểu biết và lòng tin trên quốc tế, để thế giới hiểu và nghe được tiếng nói của Trung Quốc".
Theo Trần Châu: "Chúng tôi cố gắng dùng đôi mắt quốc tế rộng mở hơn để nhìn thế giới, xem xét sự thay đổi của thế giới và sự thay đổi của môi trường an ninh quốc gia, đồng thời muốn gợi mở, dẫn dắt mọi người nhìn nhận tình hình quốc tế và vấn đề điểm nóng".
"Đây là tiêu chí cởi mở, minh bạch và tự tin hơn của Quân đội Trung Quốc".- báo chí TQ dẫn lời tuyên truyền của Trần Châu.
Mâu thuẫn Trung-Mỹ có sự thay đổi sâu sắc
Theo bài báo, lòng tin chiến lược và sự ổn định chiến lược của Trung-Mỹ đang trở thành "chong chóng đo chiều gió" sự thay đổi của cục diện thế giới. Mỹ tìm cách thúc đẩy tiến hành điều chỉnh chiến lược "tái cân bằng" châu Á-Thái Bình Dương, thiết kế chiến lược ngày càng rõ ràng.
Quan hệ-Trung tác động mạnh tới tình hình an ninh khu vực
Hiện nay, cùng với việc tăng cường quan hệ đồng minh truyền thống, Mỹ đang xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác mới. Liên tiếp tổ chức các cuộc diễn tập quân sự có tính chất "nhằm vào" tương đối mạnh, ý đồ "quản lý, kiểm soát" sự trỗi dậy của Trung Quốc rõ rệt hơn.
Nội hàm quan hệ Trung-Mỹ đang có sự biến đổi sâu sắc. Mâu thuẫn giữa Trung-Mỹ đã không phải là mâu thuẫn thông thường giữa nước đã mạnh với nước mới nổi, mà là mâu thuẫn mang tính cấu trúc kiểu mới. Sự điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ có tính chất nhằm vào Trung Quốc rất rõ ràng.
Nhưng, Trung-Mỹ vẫn tồn tại điều kiện cơ bản của xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Mỹ khó xây dựng được liên minh quốc tế tuyệt đối ngăn chặn Trung Quốc. Duy trì ổn định đại cục Trung-Mỹ là ước số chung lớn nhất của các nước trong khu vực. Năng lực ngăn chặn khủng hoảng và chiến tranh của Trung Quốc ngày càng tăng lên, có lợi cho ngăn chặn quan hệ hai nước Trung-Mỹ đi lệch khỏi quỹ đạo đúng đắn.
Tranh chấp đảo Senkaku có thể từ trên biển đến trên không
Cạnh tranh quyền lợi biển giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương ngày càng công khai hóa, các nước tới tấp tìm cách tranh đoạt vị thế, ưu thế trên biển. Các nước lớn châu Á-Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ dồn dập hoạch định chính sách từ tầm cao chiến lược, tham gia vào cuộc cạnh tranh quyền kiểm soát trên biển.
Các nước vừa và nhỏ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng coi cạnh tranh quyền lợi biển là cách xây dựng lại trật tự biển quốc tế, là thời cơ quan trọng để tái phân phối lợi ích biển. Lập trường của các nước trong phân định ranh giới, tranh chấp chủ quyền đảo, đá và vùng biển có xu hướng cứng rắn.
Máy bay chiến đấu F-15 Nhật Bản
Tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku là một vấn đề nan giải lớn nhạy cảm nhất, gai góc nhất trong tranh chấp quyền lợi biển Hoa Đông giữa Trung-Nhật, cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ổn định của tình hình biển Hoa Đông.
Tranh chấp này có liên quan đến Nhật Bản và Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan, các nhân tố rắc rối phức tạp, chế ước lẫn nhau.
Sau khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền, máy bay chiến đấu Nhật Bản đã nhiều lần cất cánh khẩn cấp bám theo, theo dõi máy bay hải giám Trung Quốc xâm phạm không phận đảo Senkaku, đối đầu giữa hai nước ở đảo Senkaku có thể từ trên biển mở rộng đến trên không, nguy cơ mất kiểm soát tăng lên. Tình hình này nếu tiếp tục phát triển, sẽ không chỉ đe dọa nghiêm trọng quan hệ Trung-Nhật, đồng thời sẽ còn đe dọa sự ổn định của khu vực.
Sự lo ngại chiến lược của các nước xung quanh Biển Đông tăng lên
Từ khi Trung Quốc tiến hành nhiệu hoạt động gây hấn trong tranh đoạt chủ quyền với các quốc gia láng giềng và khi Mỹ mạnh mẽ tuyên bố quay trở lại Đông Nam Á đến nay, tình hình ổn định tương đối của Biển Đông bị phá vỡ. Hiện nay, tình hình Biển Đông đã có sự thay đổi phức tạp và sâu sắc, từ tranh chấp quyền lợi phát triển thành "đánh cờ" (đấu đá) chiến lược trên biển.
Sự lo ngại chiến lược của một số nước xung quanh biển Đông tăng lên, trong thời gian tới mặc dù điều kiện xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn ở biển Đông còn chưa đủ, nhưng tranh chấp, xung đột có xu hướng thường xuyên, lâu dài, các sự kiện va chạm, xung đột sẽ nổ ra ở nhiều điểm, việc quản lý, kiểm soát thiếu hiệu quả có thể dẫn đến tình hình khủng hoảng to lớn.
Hải quân Trung Quốc đang dồn sức cho biển Đông: tập trung biên chế, ra sức luyện năng lực tác chiến.
Trần Châu cho rằng: Các nước trong khu vực mua sắm quy mô lớn trang bị tiên tiến, xu thế chạy đua vũ trang hải quân tăng lên. Các nước có quyền lợi ở biển Đông tới tấp đặt mua rất nhiều tàu chiến cỡ lớn như tàu tuần tra tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa, tàu đa năng, làm cho trang bị tàu chiến phát triển theo hướng trọng tải lớn, tốc độ nhanh, năng lực đột kích mạnh, cơ bản thực hiện theo hướng trang bị tên lửa và máy bay cho tàu chiến (tức tàu chiến cỡ lớn).
Hợp tác hạt nhân Mỹ-Hàn tiếp tục phát triển
Hiện nay, CHDCND Triều Tiên tiếp tục thúc đẩy thực hiện "chính trị lấy quân sự làm đầu", lập trường có xu hướng cứng rắn hơn với Hàn Quốc. Nhưng, CHDCND Triều Tiên cũng bắt đầu tìm cách cải thiện dân sinh, tìm tòi tư duy mới trong bảo vệ an ninh và phát triển.
Mỹ-Hàn sửa đổi "Bản ghi nhớ Tên lửa", tăng tầm phóng tên lửa đạn đạo cho Hàn Quốc. Hàn-Nhật thảo luận ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng, hợp tác quân sự ba bên Mỹ-Nhật-Hàn tiếp tục tăng cường. Mỹ-Hàn bắt đầu đàm phán sửa đổi "Hiệp định năng lượng nguyên tử", Hàn Quốc tìm cách có được quyền làm giàu uranium và hậu xử lý.
Theo bài báo, phải đặc biệt quan tâm tới sự phản ứng tiếp theo của hợp tác hạt nhân Mỹ-Hàn. "Hiệp định năng lượng nguyên tử" Mỹ-Hàn sắp đến hạn vào năm 2014, mặc dù trước đây truyền thông Mỹ cho biết, hai nước Mỹ-Hàn quyết định gia hạn hai năm "Hiệp định năng lượng nguyên tử", hai bên sẽ tiếp tục thỏa thuận, tìm được chính sách năng lượng hạt nhân mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Nhưng, phía Hàn Quốc gần đây tiết lộ, Mỹ hiện vẫn không muốn cho phép Hàn Quốc có quyền lợi làm giàu uranium thấp, đồng thời cho biết triển vọng thỏa thuận này ảm đạm.
Tên lửa Taepodong-2 CHDCND Triều Tiên, tầm phóng 6.700 km
Mặc dù hiện nay Mỹ không cho phép, nhưng không loại trừ trong tương lai Mỹ có khả năng thỏa hiệp với điều kiện Hàn Quốc mua vũ khí của Mỹ, ủng hộ chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Do làm giàu uranium và hậu xử lý là công nghệ cần có cho việc tinh chế nguyên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí, trong tình hình vấn đề hạt nhân Triều Tiên trì trệ, cho phép Hàn Quốc tiến hành làm giàu uranium và hậu xử lý, không chỉ sẽ gây khó khăn hơn cho giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mà còn có thể tác động tới an ninh khu vực phức tạp.
BÌNH ĐÔNG - Theo GDVN
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment