Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm”, trong đó nhấn mạnh nỗ lực tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một động thái cho thấy quyết tâm “xoay trục” sang khu vực của chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma (Barack Obama)...
Hàng không mẫu hạm USS George Washington thuộc Hạm đội 7
Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Lợi ích không ngừng bị thách thức
Báo cáo đánh giá, quan hệ kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân giữa Mỹ và các nước châu Á - Thái Bình Dương không ngừng phát triển mạnh mẽ và khu vực này ngày càng đóng vai trò trung tâm đối với thương mại, chính trị và an ninh toàn cầu. Mặc dù một cấu trúc an ninh đa phương- trong đó ASEAN và các nước khác như Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hợp tác với nhau trên nhiều khía cạnh từ cứu trợ nhân đạo, an ninh biển cho tới chống khủng bố-đang dần phát huy vai trò giúp quản lý căng thẳng và ngăn ngừa xung đột, thế nhưng nguy cơ bùng phát xung đột vẫn gia tăng. Mỹ cho rằng, trong khi các quốc gia trong khu vực tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự, thông qua việc chi mạnh tay cho ngân sách quốc phòng thì những căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, vấn đề bán đảo Triều Tiên vẫn hiển hiện, và cũng là mối đe dọa trực tiếp với Oa-sinh-tơn.
Đối với Trung Đông, báo cáo cho rằng, những xung đột sắc tộc, tôn giáo, trong đó phải kể đến sự chia rẽ giữa người Hồi giáo dòng Xăn-ni và Si-ai, vẫn còn tiếp diễn. Lầu Năm Góc cũng bày tỏ quan ngại chương trình hạt nhân vốn gây tranh cãi của I-ran sẽ tiếp tục đe dọa an ninh của các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực.
Trong khi đó, báo cáo nhận định, những biến động chính trị-xã hội tại châu Phi đi kèm với các cuộc biểu tình, tấn công khủng bố có thể là những thách thức nghiêm trọng với lợi ích của Mỹ.
Oa-sinh-tơn khẳng định, châu Âu tiếp tục là đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ trong sự nghiệp duy trì an ninh toàn cầu. Mỹ cũng khẳng định, hiện vẫn còn tồn tại nhiều thách thức về an ninh và các cuộc xung đột chưa được giải quyết tại khu vực này như vùng Ban-căng chẳng hạn, và Mỹ có những lợi ích lâu dài trong việc duy trì an ninh, thịnh vượng tại châu Âu. Mỹ tuyên bố sẵn sàng hợp tác an ninh với Nga, trong đó có việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề Xy-ri, I-ran, Áp-ga-ni-xtan hậu 2014 “khi lợi ích được cân bằng”.
3 trụ cột chiến lược
Được xây dựng trên cơ sở chiến lược quốc phòng hồi năm 2012, bên cạnh bối cảnh an ninh thế giới trong tình hình mới sẽ tác động đến lợi ích của Mỹ, báo cáo chú trọng đến 3 trụ cột có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau trong chiến lược quốc phòng của Oa-sinh-tơn.
Thứ nhất là phòng vệ đất nước. Báo cáo cho biết, trong bối cảnh các mối đe dọa tới lợi ích của Mỹ ngày càng gia tăng, việc duy trì năng lực ngăn ngừa và đánh bại các cuộc tấn công vào lãnh thổ Mỹ là ưu tiên số một, trong đó bảo vệ an toàn cho công dân Mỹ là nhiệm vụ cơ bản nhất. Oa-sinh-tơn cho rằng, những tiến bộ và sự phổ biến của công nghệ tên lửa trên thế giới hay tính phức tạp và tần suất gia tăng các cuộc tấn công mạng chính là thách thức quân đội Mỹ phải đối mặt. Bên cạnh những mối đe dọa liên quan đến công nghệ cao, quân đội Mỹ cũng phải tiếp tục sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công trực tiếp trên không và trên biển. Vì vậy, Lầu Năm Góc xác định: “Các hoạt động của Bộ Quốc phòng nhằm phòng vệ đất nước không dừng lại ở biên giới quốc gia mà chúng tôi sẽ hợp tác với các cơ quan liên ngành và đối tác quốc tế để giải quyết tận gốc, trong đó có xây dựng năng lực cho quân đội đồng minh và đối tác, duy trì nỗ lực toàn cầu trong việc phát hiện, ngăn chặn và đánh bại các âm mưu khủng bố”.
Thứ hai là kiến tạo an ninh toàn cầu. Báo cáo khẳng định sự can dự vào vấn đề an ninh toàn cầu là điều cơ bản đối với “vai trò lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của Mỹ”. Oa-sinh-tơn khẳng định lợi ích của Mỹ gắn liền với hòa bình và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, Lầu Năm Góc cam kết quyết tâm theo đuổi chiến lược tái cân bằng tại khu vực này nhằm bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định trong khu vực. Theo đó, Oa-sinh-tơn sẽ nỗ lực tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh với các đồng minh như Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-líp-pin và Thái Lan, làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng với các đối tác chủ chốt trong khu vực như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a... Oa-sinh-tơn sẽ chú trọng tăng cường năng lực cho các đối tác trong việc giải quyết các thách thức nổi lên trong khu vực như phòng thủ tên lửa, an ninh mạng, an ninh biển, cứu trợ thảm họa thiên tai. Theo kế hoạch trên, Lầu Năm Góc sẽ bố trí 60% số tàu ngầm hạt nhân của mình tại Thái Bình Dương trước năm 2020 và tăng cường sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại Nhật Bản.
Thứ ba là tìm kiếm chiến thắng. Báo cáo khẳng định: “Khả năng ngăn ngừa các hành động xâm lược tại một hay nhiều chiến trường, kiên quyết đánh bại kẻ thù đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định và là điều căn bản của Mỹ với vai trò của một cường quốc toàn cầu”. Để làm được điều này, quân đội Mỹ không chỉ đầu tư vào vũ khí khí tài mà còn tiếp tục phát triển các học thuyết chiến tranh nhằm đánh bại chiến lược của kẻ thù. Mỹ cũng tiếp tục hiện đại hóa năng lực phòng thủ trong đó có việc triển khai các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại, máy bay chiến đấu thế hệ 5…
LÂM TOÀN - QĐND
Comments[ 0 ]
Post a Comment