Tây Âu có một tuần ngoại giao nước lớn nhộn nhịp dưới tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và Nga sáp nhập Crimea.
Từ ngày 22/3 đến 1/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một số nước Tây Âu và dự Hội nghị an ninh hạt nhân toàn cầu tại La Hay.
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Hà Lan, Chủ tịch Trung Quốc đã được nước chủ nhà rải thảm đỏ đón tiếp. Hai máy bay tiêm kích Ha Lan đã nghênh tiếp chiếc “China AirLine” chở đoàn Chủ tịch Trung Quốc khi nó bay vào không phận Hà Lan. Chủ tịch Trung Quốc và Phu nhân đã được Nhà Vua và Hoàng hậu Hà Lan ra tận sân bay đón tiếp. Về nghi lễ ngoại giao, đây là sự trọng vọng hiếm có.
Hà Lan được mệnh danh là một “Trung Quốc tại châu Âu” do hiện hữu nhiều dấu ấn văn hóa Trung Hoa và là “cửa ngõ vào châu Âu” của Trung Quốc. Thương mại song phương năm 2013 đạt 70 tỷ USD, trong 11 năm liền chiếm vị trí thứ hai sau Đức. Ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Hà Lan là đối tác hợp tác quan trọng của Trung Quốc tại châu Âu”. Hà Lan sẽ nhân dịp này làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình vào lúc các nước lớn đang bận rộn thiết kế các cuộc tập hợp lực lượng mới “hậu Crimea”.
Khi quan hệ kinh tế giữa EU và Nga xuống thấp, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ làm tăng cường các quan hệ kinh tế song phương giữa EU với Trung Quốc. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn hứ hai của EU, sau Mỹ. Theo Christian Lechervy, cố vấn các vấn đề chiến lược và châu Á của Tổng thống Pháp, “mục tiêu lớn của những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa các nhà lãnh đạo (Trung Quốc và Tây Âu) là làm sâu sắc hơn nữa cuộc đối thoại chính trị và mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế”. Kết quả chuyến đi sẽ thúc đẩy việc EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường.
Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng Crimea. Trung Quốc đã không bỏ lỡ một cơ hội lớn do việc nước Nga làm mất lòng châu Âu để thực hiện cuộc chinh phục EU. Và, châu Âu, sau cuộc phản kích của nước Nga ngay tại trung Âu làm mất mặt EU, đang tận dụng chuyến viếng thăm để “xả” mối hận trong lòng đối với Moskva.Ngoài ra còn nhằm lôi kéo Trung Quốc khi nước Nga đã tái xuất hiện như một cường quốc đầy tự tin 20 năm sau khi Liên Xô sụp đổ. Một trong những tác động đáng kể của mối quan hệ xấu đi giữa Nga và phương Tây là nó sẽ làm tăng tầm quan trọng của quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh. Nước Nga bị bao vây cấm vận sẽ trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Trong khi sự quật khởi của nước Nga phù hợp với ý đồ của Bắc Kinh thúc đẩy trật tự thế giới đa cực. Mối quan hệ Trung- Nga có xung lực mới, tạo đòn bẩy cho quan hệ giữa Trung Quốc với EU và cả với Mỹ nữa.
Sự sụp đổ đột ngột của Liên Xô đầu những năm 1990 dẫn tới tình trạng hỗn loạn của trật tự thế giới, làm cán cân quyền lực nghiêng về phía có lợi cho phương Tây. Một trong các mục tiêu chiến lược bao trùm của Bắc Kinh từ Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 16 (2002) là thúc đẩy sự hình thành trật tự thế giới đa cực, trong đó ngăn chặm bá quyền của Mỹ và tạo không gian cho Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, Trung Quốc sẽ từng bước thực hiện “học thuyết Monroroe” phiên bản Trung Quốc, như nước Mỹ từng đóng vai trò độc tôn tại Mỹ La tinh thông qua việc thực thi học thuyết này từ năm 1823.
Cùng thời gian này, Tổng thống Mỹ Barack Obama có các chặng dừng chân tại Bỉ, Hà Lan, Italy, Vatican và dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels. Tổng thống Mỹ sẽ ra sức lôi kéo Tây Âu vào cuộc “trừng phạt” nước Nga. Với một cục diện mới của thế giới “hậu Crimea” đang ló dạng, Mỹ cần củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương với vai trò lãnh đạo của Mỹ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nói: “Nếu có một chủ đề chung cho chuyến đi này thì đó là sức mạnh căn bản và tầm quan trọng của các liên minh và các quan hệ đối tác của chúng tôi. Tầm quan trọng chiến lược của nỗ lực này thực sự không hề được cường điệu. Từ châu Âu tới châu Á tới Trung Đông, chúng tôi cần phải dẫn dắt những liên minh mạnh thì mới thu được những tiến triển”.
Giữa lúc vị thế siêu cường của Mỹ bị suy yếu, nước Mỹ không thể cùng một lúc “xoay trục” tại ba hướng. Việc xoay trục sang châu Âu sẽ làm yếu sự xoay trục sang châu Á. Xoay trục sang châu Á cũng bị ảnh hưởng bởi việc xoay trục sang Trung Đông.
Ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị an ninh hạt nhân tại La Hay nhằm đấu tranh chống khủng bố hạt nhân song sẽ bị cuộc khủng hoảng Ukraine phủ bóng đen. Chủ tịch Trung Quốc dự kiến sẽ gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến công du, vốn sẽ kết thúc tại Bỉ vào ngày 1/4 tới thăm trụ sở EU. Ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ không phát biểu về vấn đề Ukraine nhằm duy trì vị trí “trung lập” linh hoạt có lợi nhất cho Trung Quốc.
Qua chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới 4 thủ đô Tây Âu, Trung Quốc đánh lá bài châu Âu. Còn châu Âu đánh lá bài Trung Quốc./.
Người Bình Luận - ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment