Trong một bài viết mới đây nhằm mổ xẻ sức mạnh quân sự Trung Quốc, Ian Easton, cựu chuyên gia thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ, cho rằng lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có những con át chủ bài để đối địch với các cường quốc cũng như vài điểm yếu về thực lực.
Binh sĩ Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo ông Easton, tháng 4/2003, Hải quân Trung Quốc đã quyết định đưa một nhóm chuyên gia tàu ngầm tài năng nhất lên cùng một chiếc tàu để tham gia cuộc diễn tập sát hạch khả năng phối hợp. Kết quả là, chỉ sau vòng vài giờ đồng hồ rời cảng, chiếc tàu ngầm lớp Minh III, loại 035 đã bị chìm cùng toàn bộ thủy thủ đoàn.
Trung Quốc vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ thảm họa hàng hải ấy. Nước này hiện vẫn là thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an LHQ chưa từng tiến hành bất kỳ cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu nào bằng tàu ngầm tên lửa hạt nhân.
Trung Quốc cũng là thành viên duy nhất trong "Bộ Ngũ quyền lực" của LHQ chưa từng chế tạo và vận hành một tàu sân bay.
Mặc dù từng cho hạ thủy một tàu sân bay đồ sộ do Ukraina đóng, được tân trang lại vào tháng 9/2012 trong một buổi lễ trọng thể, có sự hiện diện của cả Chủ tịch Trung Quốc khi ấy Hồ Cẩm Đào và tất cả quan chức cấp cao, nhưng ngay sau đó, con tàu "khủng" đã phải quay trở về bến cảng sửa chữa quy mô lớn vì bị nghi ngờ trục trặc động cơ. Theo chuyên gia Easton, điều này là ví dụ cho thấy quân đội hiện đại hóa của Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được công nghệ của thế kỷ trước.
Trong thực tế, PLA vẫn đang huấn luyện diễn tập cự ly xa với vận tốc đo bằng độ nhanh của tàu hỏa chở hàng thế hệ mới khi vận chuyển xe tăng và súng. Việc điều động và chuyên chở binh lính phụ thuộc vào hệ thống đường sắt bị đánh giá có phần lạc hậu trong thời đại không vận toàn cầu. Cách làm của Trung Quốc vẫn như những gì từng diễn ra trong Thế chiến thứ nhất.
Ngoài ra, đội tên lửa chiến lược hùng mạnh của Trung Quốc, Lực lượng pháo binh số hai, vẫn sử dụng các đơn vị kỵ binh để tuần tra các căn cứ tên lửa nằm trải dài, vào sâu bên trong vùng nội địa rộng lớn của nước này. Lí do một phần là lực lượng này không có bất kỳ máy bay trực thăng nào.
Thứ cũng rất khan hiếm đối với quân đội Trung Quốc là máy bay quân sự cánh cố định hiện đại. Do đó, Không quân Trung Quốc tiếp tục sử dụng một loại máy bay do Liên Xô thiết kế từ những năm 1950, Tupolev Tu-16, làm phi cơ ném bom (nhiệm vụ theo thiết kế ban đầu), máy bay do thám trên chiến trường, máy bay chiến tranh điện tử, máy bay phát hiện mục tiêu và phương tiện tiếp nhiên liệu trên không.
Tương tự, quân đội Trung Quốc đang sử dụng máy bay vận tải hàng hóa quân sự Antonov An-12, do Liên Xô thiết kế, cho hàng loạt sứ mệnh tình báo điện tử, chống tàu ngầm, khảo sát địa chất và cảnh báo sớm trên không. PLA cũng có một phiên bản An-12 đặc biệt để vận chuyển gia súc, đưa cừu và dê tới những vùng đồng cỏ theo mùa ở xa.
Không chỉ có điểm yếu về "phần cứng" (trang thiết bị, vũ khí), theo ông Easton, PLA còn có "gót chân Asin" ở "phần mềm" (binh lính). Cựu chuyên gia của Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ lấy ví dụ, đa phần các phi công thuộc lực lượng Không quân PLA hiện có số giờ bay trung bình không đầy 10 giờ/tháng, thấp hơn các tiêu chuẩn trong khu vực.
Và mãi tới năm 2012, các binh sĩ này mới bắt đầu có khả năng tự lập kế hoạch bay để đệ trình lên cấp trên. Trước đó, các sĩ quan chỉ huy chịu trách nhiệm giao kế hoạch bay cho các phi công và thậm chí không cho phép họ tự điều khiển máy bay quân sự cất cánh từ đường băng.
Chuyên gia Easton nhận định, bất chấp các điểm yếu trên, quân đội Trung Quốc vẫn có những con "át chủ bài" để đem ra đối địch với các cường quốc khác, bao gồm cả Mỹ. Chẳng hạn, thay vì các khí tài quân sự thông thường, PLA đầu tư thâu tóm những vũ khí tấn công uy lực cực mạnh, đáng kể nhất là hơn 1.600 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa đạn đạo Ngưu Lang JL-2 với tầm bắn xa tới 14.000km, đủ để tấn công các thành phố khắp nước Mỹ.
Đội tàu ngầm gồm 69 chiếc của PLA hiện xếp thứ 3 trên thế giới về số lượng, giúp đáp ứng nhu cầu phòng thủ trên biển của Trung Quốc cũng như răn đe các nước trong khu vực, đặc biệt khi tranh chấp trên khu vực biển Hoa Đông và biển Đông đang ngày càng gia tăng.
Thêm vào đó, quân đội Trung Quốc hiện đã xây dựng được đội máy bay không người lái lớn thứ 2 trên thế giới cũng như sở hữu lực lượng chiến binh tấn công trong thế giới ảo đông đảo nhất thế giới. Phía Mỹ từng lên tiếng cáo buộc, các hacker nghi là của PLA đã thâm nhập và tấn công mạng máy tính của các cơ quan chính phủ Mỹ, kể cả Lầu Năm góc.
Với các kế hoạch đầu tư mạnh tay để hiện đại hóa đội quân gồm 2,3 triệu binh sĩ như hiện nay, đặc biệt là tăng 12,2% chi tiêu quốc phòng cho năm 2014, lên mức 131,5 tỷ USD như tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc dự kiến sẽ dần loại bỏ các "gót chân Asin" của PLA, đưa quân đội nước này trở thành một trong những lực lượng bất bại trên thế giới.
Tuấn Anh (theo The Diplomat, GFP) - VietNamNet
Comments[ 0 ]
Post a Comment