Việt Nam có thể biến hai đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân - Nhật Bản và Nga – thành hai đối tác. Đầu tháng 5, Hiệp định Nga-Nhật về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình sẽ đi vào hiệu lực.
Theo thỏa thuận này, hai bên có thể thực hiện các dự án chung ở những nước thứ ba. Bây giờ Nhật Bản “tạm dừng hoạt động nguyên tử” trên thị trường nội địa, vì thế các dự án nước ngoài có ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với nước này. Ở đây nói cả về Việt Nam, nước đang thực hiện chương trình đầy kỳ vọng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Theo kế hoạch, đến năm 2030, Việt Nam sẽ vận hành 13 tổ máy điện hạt nhân. Nga sẽ xây dựng hai tổ máy hạt nhân đến năm 2020-2021, còn Nhật Bản thì sẽ xây dựng thêm hai tổ máy vào những năm 2021-2022.
Nga đang hoàn thành các công việc tại địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Nhật Bản đang chuẩn bị nghiên cứu khả thi và chuẩn bị bản thiết kế của nhà máy điện hạt nhân tương lai.
Thị trường năng lượng nguyên tử của Việt Nam tạo khả năng để Nga và Nhật Bản thiết lập sự hợp tác trong hai lĩnh vực quan trọng này. Chuyên viên Anton Khlopkov, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và An ninh, nói như sau:
“Có chú ý đến việc Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, và nguồn nhân lực của ngành hạt nhân bị hạn chế, Nga và Nhật Bản có thể thống nhất nỗ lực trong việc đào tạo chuyên viên Việt Nam vì hai nước này đã tích lũy những kinh nghiệm phong phú trong ngành này. Ngoài ra, Việt Nam còn phải giải quyết một nhiệm vụ lớn – thành lập cơ sở pháp lý cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình. Rõ ràng là, trong qúa trình chuẩn bị các dự luật không thể thiếu những kinh nghiệm của Nga và Nhật Bản. Không có nhiều thời gian trước ngày đưa vào vận hành các tổ máy hạt nhân đầu tiên. Vì vậy, Việt Nam nên gia tăng qúa trình đào tạo chuyên viên và thành lập cơ sở pháp lý”.
Quan hệ giữa các chuyên viên năng lượng hạt nhân của Nga và Nhật Bản tại Việt Nam đã là không dễ dàng. “Rosatom” đã đến Việt Nam vào năm 2009, khi thị trường ở nước này thuộc về Nhật Bản. Các chuyên viên Nhật Bản là những người đầu tiên hưởng ứng ý định của Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân.
Trước hết phải có quyết định chính trị của ban lãnh đạo Việt Nam. Sau đó hoạt động tích cực của “Rosatom” đã mang lại kết quả: tháng 10 năm 2010, Nga và Việt Nam đã ký kết thỏa thuận liên chính phủ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Việt Nam đã giới thiệu với “Rosatom” 6 địa điểm để xây dựng cơ sở năng lượng hạt nhân do phía Nhật Bản lựa chọn trong năm 2006. Nhưng, các địa điểm đó không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vì tiêu chuẩn của Nga là nghiêm ngặt hơn so với Nhật Bản.
Nhật Bản xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở những khu vực có nguy cơ xẩy ra động đất và sóng thần, vì họ hy vọng rằng, thiết bị kỹ thuật đáng tin cậy sẽ bảo đảm an toàn cho chúng. Tuy nhiên, điều này dẫn đến rủi ro lớn. Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa với bảy tổ máy đã được xây dựng trong khu vực có nguy cơ địa chấn cao, sát gần chỗ đứt gãy hoạt tính. Nhà máy đã đứng vững được trong thời gian trận động đất mạnh năm 2007, nhưng cơ sở hạ tầng xung quanh nhà máy đã bị hư hại. Kết quả là, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất và đắt tiền nhất trên thế giới vẫn đang hoạt động trong chế độ thử nghiệm.
Uy tín của Nhật Bản tại Việt Nam đã là rất cao, vì thế trong thời gian dài không ai để ý đến thực tiễn đó. Các chuyên gia Nga mất cả một năm để chứng minh rằng, không được xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên các địa điểm do Nhật Bản lựa chọn. Và chỉ sau thảm kịch “Fukushima” vào tháng 3 năm 2011, Việt Nam đã chú ý lắng nghe luận cứ của Nga. Và sau khi các chuyên viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA xác nhận ưu thế của các tiêu chuẩn an toàn Nga trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thì phía Việt Nam đã lấy các tiêu chuẩn đó làm cơ sở cho dự án xây dựng trạm hạt nhân. Theo lời ông Sergey Boyarkin, Giám đốc chương trình kỹ thuật của “Rosatom”, hiện nay Nhật Bản cũng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia Nga khi lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang chú ý theo dõi quá trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Các nước này cũng có kế hoạch phát triển ngành năng lượng hạt nhân. Và những người thành công tại Việt Nam sẽ nhận được chìa khóa vàng mở cửa vào thị trường Đông Nam Á.
Theo Đài Tiếng Nói Nước Nga
Comments[ 0 ]
Post a Comment