Năm 2002, sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 16 xác định, 20 năm tiếp theo là Đại thời cơ chiến lược cho Trung Quốc phát triển. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 tác động tiêu cực đến Trung Quốc, thu hẹp thị trường xuất khẩu của nước này.
Mỹ lại chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang châu Á, với chính sách “xoay trục”. Bắc Kinh xác định, cần chủ động kéo dài thời cơ chiến lược. Cuộc đối đầu giữa Nga với EU/Mỹ trong vấn đề Ukraine có thể tạo thuận lợi lớn cho Trung Quốc tiếp tục kéo dài thời cơ chiến lược, vừa phát triển kinh tế, ổn định nội bộ, vừa mở rộng bành trướng và thực hiện bá quyền nước lớn tại châu Á.Vào lúc khởi đầu của cuộc khủng hoảng Ukraine, lập trường Trung Quốc thể hiện tính mập mờ hai mặt. Đúng như Đặng Tiểu Bình chỉ ra trong 24 chữ vàng, trong đó “Lặng lẽ quan sát; giữ vững trận địa; bình tĩnh ứng phó; giấu mình chờ thời”. Bây giờ không còn là lúc phải giấu mình chờ thời như trước, nhưng đứng trước cuộc đối đầu đang đến gần giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, Bắc Kinh giữ thái độ thận trọng. Nga là đối tác chiến lược toàn diện mà Trung Quốc cần tranh thủ lôi kéo. Nhân dịp này, báo chí Trung Quốc tiếp tục đề cao mối quan hệ với Nga đã tiến đến một "đỉnh cao lịch sử" với một độ cao mới trong sự tin tưởng chính trị song phương, nhằm lôi kéo Nga vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình. Mỹ vừa là đối tác chiến lược liên quan lợi ích kinh tế rộng lớn, vừa là đối thủ trong cuộc đấu tranh địa chính trị trước hết ở châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc có nhu cầu chiến lược phá thế kiềm chế mà Mỹ đang thiết lập và làm suy yếu sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á, đẩy lùi hải quân Mỹ ra khỏi các vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Một tranh áp phích tại Simferopol, thủ phủ Crimea, khi ngày 16/3 đến gần: Tổng thống Nga Putin chìa bàn tay giúp đỡ người Crimea
Đứng đầu trong những mâu thuẫn mà Bắc Kinh phải giải quyết là việc Trung Quốc từ lâu phản đối sự can thiệp bên ngoài vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Bắc Kinh cũng lo lắng tác động từ Ukraine tới quá trình đòi ly khai, độc lập ở các địa phương tự trị của nước này.Cho nên, các tuyên bố chính thức của Bắc Kinh bày tỏ ủng hộ Nga một cách có chọn lọc, như việc khẳng định rằng hành động can thiệp của Nga vì lợi ích quốc gia là điều chấp nhận được. Trung Quốc không thể chỉ trích hành động của Nga đồng nghĩa với việc chống lại đồng minh gần gũi nhất của mình. Nhưng nếu ủng hộ canh bạc Crimea của Tổng thống Putin có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến các tuyên bố tôn trọng chủ quyền quốc gia, chống can thiệp nước ngoài và làm phật lòng Ukraine và phương Tây một cách không cần thiết.Mặt khác, Trung Quốc có nhiều quyền lợi ở Ukraine và phương Tây. Vì vậy, Trung Quốc giữ thái độ trung dung, lợi dụng mâu thuẫn các bên để theo đuổi các mục tiêu chính trị, kinh tế và lãnh thổ của minh. Thời báo Hoàn Cầu ngày 4/3 đăng bài xã luận với tiêu đề "Trung Quốc cần phải trở thành nhà trung gian hòa giải trong vấn đề Ukraine".Ở một phương diện khác, hành động quyết đoán của ông Putin tại Ukraine có thể khích lệ các phần tử cứng rắn trong quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ trở nên quyết đoán hơn trong các tuyên bố chủ quyền biển đảo của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc sẽ tận dụng sự sao nhãng của Mỹ để thúc đẩy các nỗ lực gây sức ép lên các nước láng giềng. Điều này đã thể hiện rõ trong cuộc họp báo của Ngoại trưởng Vương Nghị bên lề Lưỡng Hội ngày 8/3, trong đó thể hiện lập trường cứng rắn: “Sẽ không có không gian cho sự thỏa hiệp” với Nhật Bản (trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku) và Trung Quốc sẽ “không bao giờ chấp nhận những đòi hỏi vô lý của các nước nhỏ hơn” (ám chỉ là các nước Đông Nam Á); “sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ thuộc về Trung Quốc"...Trung Quốc đã tăng cường áp lực đối với Philippines, Việt Nam cũng như những hành động mới đây nhất của Trung Quốc nhằm kiểm soát hàng không và đánh cá trong các không gian rộng lớn trên không và trên biển ở phía Đông và phía Nam Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc sẽ ít ngần ngại triển khai lực lượng cách biên giới của mình 1.800 km như cuộc tập trận hải quân ngày 26/1/2014 gần bãi cạn James nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.Một khi phương Tây phát động cấm vận (dự kiến bắt đầu ngày 17/3) nếu Moskva không lùi bước tại Crimea, nước Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa và thị trường Trung Quốc. Nếu chiến tranh lạnh đẩy lên ở mức cao, để tranh thủ lôi kéo Trung Quốc, không loại trừ khả năng Nga có thể từ bỏ lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp Trung-Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để theo đuổi một lập trường có lợi hơn cho Trung Quốc.Trong trường hợp Mỹ vừa tiếp tục “xoay trục” sang châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc, vừa chiến tranh lạnh ở châu Âu chống Nga, một liên minh chống Mỹ giữa Nga và Trung Quốc sẽ là một cơn ác mộng đối với Mỹ. Chí ít vào lúc này, Trung Quốc cứ việc “tọa sơn quan hổ đấu”./.
Người Bình Luận - ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment