Dân Chủ Và Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa
Wednesday, March 19, 2014
LTS: Có nhiều vấn đề không dễ giải quyết được chỉ vì những người tham dự chưa hề thông qua một số định nghĩa, hoặc mỗi người có một hiểu biết khác nhau về một từ ngữ. Một khi có những sự hiểu khác nhau về một số từ ngữ, cuộc tranh luận không bao giờ đi đến kết quả nào cả, vì đó là trạng thái "ông nói gà, bà nói vịt". Ấy là chưa kể đến trạng thái "dị ứng", hay là "kỳ thị ngôn ngữ" khiến cho một bên không muốn nghe một số từ ngữ. Đó là tình trạng chưa tri kỷ mà cũng không chịu tri bỉ, nhưng lúc nào cũng muốn "bách chiến bách thắng!" Chúng tôi muốn nói đến những người thích tuyên bố "Dân Chủ", và những người có tật ghét cay ghét đắng những từ ngữ "Xã Hội Chủ Nghĩa". Trong tinh thần cởi mở, chúng tôi không ngại đăng lại bài viết sau đây để những bạn đọc có thêm cơ hội tìm hiểu về những từ ngữ khô khan nhưng được nhắc đến nhiều nhất, vì cả hai lý do: ưa và không ưa. (SH)
Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc (1958) và dạy: "Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, người chủ tương lai của nước nhà... Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống nhân dân".
Tại sao khác với các bài trước tôi luôn chọn vấn đề kinh tế chính trị để viết thì lần này tôi lại chọn vấn đề là dân chủ?
Vì dân chủ là một điều luôn gây bức bối trong chính xã hội hiện nay, ở đâu tôi cũng thấy người ta bàn về dân chủ, từ bà hàng nước, cho đến mấy ông chính trị thông tấn xã vỉa hè, từ ông nông dân cho đến tiến sĩ, đều nói về dân chủ. Thậm chí quốc hội còn đang bàn tán về dự luật biểu tình với những ý kiến, có những ý kiến cho rằng luật biểu tình mới là dân chủ, có ý kiến cho rằng có luật biểu tình không có nghĩa là có dân chủ. Rồi đến cả những tiếng nói trên thế giới, như từ những thế lực phản động cũng nói dân chủ, rồi cả Mỹ và các nước Tây Âu đều nói về dân chủ ở Việt Nam.
Tôi nghe không ít những lời bàn ra tán vào rằng Việt Nam cần phải đa đảng mới là dân chủ, độc đảng là độc tài là độc quyền. Dân chủ, dường như 2 chữ này đang ngày càng thấm vào nước miếng của bao nhiêu người. Tại sao tôi lại nói là nước miếng mà không phải là máu, vì bản thân khi hô hào dân chủ, liệu họ có hiểu dân chủ là gì không vậy? Có lẽ chỉ dừng lại ở nào là đa nguyên đa đảng, là luật biểu tình, nếu có hơn một chút thì nói là tự do báo chí, tự do ngôn luận. Vậy thế nào là tự do báo chí, tự do ngôn luận, có ai có thể nói rõ ràng hơn không, rồi tự do giáo dục, rồi nguyên lý 80-20 (một trong những hệ quả của nguyên lý 80-20 cho rằng 20% dân số nắm 80% đã là công bằng) khi chấp nhận rằng sự phân chia là mang tính công bằng sẵn rồi. Họ công kích chính rằng Marx đưa ra chuyên chính vô sản là không dân chủ, rằng Lenin thực hiện độc đảng là không tự do. Nghe có vẻ rất đúng nhỉ, nhưng liệu có chăng, hay nó chỉ là một cái áo đẹp bề ngoài mà bên trong là trống rỗng, nếu không muốn rỗng tuếch.
Có thể bài viết này là khá đụng chạm với nhiều người, nhưng tôi vẫn phải viết, vì có 1 nguyên tắc mà ta phải tuân theo, đó là kế thừa và phê phán.
Nguyên tắc này là thế nào: Kế thừa là nguyên nhân mà phê phán là hệ quả, có kế thừa thì mới có phê phán được. Trước khi bạn muốn phê phán một vấn đề gì không có nghĩa là bạn mở miệng là phê phán ngay, mà sự phê phán đó phải xuất phát từ chính việc bạn có hiểu vấn đề không. Bản thân Karl Marx là một con người như vậy, ông viết Tư Bản luận, phê phán chủ nghĩa tư bản không có nghĩa là ông chỉ phê phán, Marx chỉ phê phán các mâu thuẫn trong chủ nghĩa tư bản không có nghĩa Marx không biết chủ nghĩa Tư Bản mà bản thân do Marx biết quá rõ về chủ nghĩa tư bản.
Đến đây có thể bạn sẽ phê phán tôi chăng, chắc chắn có rất nhiều người muốn phê phán tôi. Được thôi tôi sẵn sàng nhưng trước khi bạn muốn phê phán bài viết này của tôi thì mời chính các bạn đọc hết toàn bộ những tài liệu tham khảo tôi trích dẫn dưới đây. Không chỉ đọc chay mà phải hiểu thật tường tận tất cả các tài liệu, vì sao tôi lại nói thế vì đó mới là kế thừa và phê phán. Tài liệu tham khảo cũng không có gì nhiều, khi phân tích bài này tôi chỉ vận dụng trong Tư bản luận tập 2 và tập 3. Phê phán triết học pháp quyền Hegels, Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản, Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Chống Duyring (các tác phẩm này viết bởi Karl Marx và Engels). Bên cạnh đó là Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, Bàn về Chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh. Nếu bạn không thể làm thì bạn hãy suy nghĩ kỹ trước khi phản biện, vì không bạn đang vi phạm nguyên tắc kế thừa và phê phán.
☭☭☭
1 - Bây giờ đến phần 2. Trước khi vào bài viết này tôi xin phép được nói đến văn hóa đọc sách của nhiều người trong chúng ta. Đó là khi đọc một tác phẩm, chúng ta thường có thói quen là cưỡi ngựa xem hoa, chúng ta mong muốn đọc nhiều đầu sách nhưng phải hiểu đó không phải là nghiên cứu, đó là xem tạp, có thể cái gì ta cũng biết nhưng chẳng có cái gì sâu sắc cả. Đó không chỉ là bệnh của riêng ai, mà là bệnh chung của chính chúng ta, là một bệnh nan y cần phải chữa, là một quốc bệnh. Bạn thử nghĩ xem nếu cái gì bạn cũng đọc, cũng xem qua một ít, cái gì bạn cũng nhận thông tin nhưng chẳng cái gì sâu sắc cả thì đầu bạn sẽ là cái gì. Đừng nhìn tôi mà nói rằng tôi dạy đời, tôi không dạy đời mà đây chính là kinh nghiệm thực tiễn của chính tôi. Tôi còn nhớ như in cái năm 16 tuổi khi tôi tranh luận với ông ngoại mình về Nho giáo và Khổng giáo, cụ đã từng phải mắng tôi mà nói rằng: “Đầu cháu giống như cái thùng cám lợn, vì sao nó là thùng cám lợn, vì cái gì cũng cho vào, cũng nhét vào và nấu lên một cách hổ lốn”. Nhưng đến giờ tôi hiểu hồi đó cụ nói đầu tôi là cái thùng cám lợn vẫn còn nhẹ, nếu nói thẳng thắn thì đầu tôi có lẽ phải là “cái thùng rác”, vì là “cái thùng rác” nên cái gì cũng cho vào, đồ ăn cũng có, đồ nhựa cũng có, đồ sắt cũng có, thậm chí và đồ phế thải như phân cũng có.
Đến năm 18 tuổi, khi phê phán Lenin thì lần thứ 2 tôi lại bị cụ mắng: “Cháu có biết Lenin nói gì không mà cháu phê phán, dù cháu có học thêm 50 năm nữa cũng không thể bằng Lenin” và đó là sự thật. Có người từng nói với tôi rằng đến một lúc nào nữa thì kiến thức của Marx cũng chỉ bằng 1 đứa trẻ lớp 7, vậy câu hỏi là bao lâu, hãy nhìn xem Khổng Tử đã mất khoảng 2500 năm rồi, nhưng đến tận bây giờ có một bậc Nho gia dám nhận mình hơn Khổng Tử, mình hiểu hết về Khổng Tử, đến Á Thánh như Mạnh Tử cả đời học Khổng cũng không dám nhận mình vượt thầy. Đức Phật nhập diệt đã gần 2600 năm, nhưng đến nay có một bậc cao tăng đại đức nào có thể nhận hiểu hết ý nghĩa của toàn bộ kinh điển của Đức Phật. Lại có người nói rằng tri thức Marx nhỏ hơn tri thức nhân loại nên phê Marx, vậy họ đã học hết tri thức của nhân loại chưa vậy?
Khi bạn phê phán mà không kế thừa tức là bạn đã làm cho chính bạn tụt lùi chứ không phải tôi làm bạn tụt lùi. Vì bạn quá tự mãn, bạn cho rằng bạn đã vượt qua tầm hiểu để phê phán, như vậy tri thức của bạn nó sẽ dừng lại ở cái mức mà bạn cho là bạn đã hiểu hết mà thực chất bạn không hề hiểu.
Mà nguyên nhân sự tụt lùi này ở đâu, đó chính là vì bạn đọc quá nhiều, bạn đọc không phải để hiểu mà chỉ để biết, vì thế bạn nghĩ bạn biết nhiều mà sinh ra sự tụt lùi. Vậy nên tôi bảo chính cái văn hóa đọc này đang là quốc bệnh, là căn bệnh với chúng ta vì nó ngăn ta tiếp cận với tri thức thực sự mà chỉ là sự tiếp cận với bề ngoài của tri thức.
2 - Căn bệnh thứ 2 khi nói đến văn hóa sách đó là việc đọc sách hời hợt, chúng ta thường thích đọc các sách tổng hợp, các sách giáo trình gọn nhẹ hơn nhiều so với nguyên bản. Một căn bệnh thường thấy ở đây chính là khi bạn đọc giáo trình, bạn nghĩ bạn đã hiểu hết về các tác giả trong giáo trình ư? Không. Bạn chỉ đang được nghe giới thiệu thôi, giới thiệu cũng giống như họ đang quảng cáo vậy, còn muốn biết thực trạng ra sao, bạn phải tiếp xúc với sản phẩm thật, và trong công cuộc nghiên cứu và đọc sách không gì khác hơn chính là nguyên bản. Tiếp cận với nguyên bản thì bạn mới có thể biết được rằng nó khác xa với giáo trình, bạn mới tiếp xúc thật với nguyên tác của tác giả. Giáo trình do người đọc nguyên tác viết lại nên dù bạn muốn hay không, nó vẫn mang tính chủ quan rất nhiều vì nó giới thiệu lại nguyên bản theo cách hiểu của tác giả giáo trình và bạn không có được hoàn cảnh khách quan nhất trong học thuật.
Vậy bạn làm sao có thể hiểu được nguyên tác, nguyên bản viết những gì? Tôi còn nhớ một lần đã đọc bài báo “Karl Marx dưới con mắt một trí thức Đông Âu – Kornai János”, tôi đọc bài này khi đang nghiên cứu đến cuốn Tư Bản tập 2. Điều làm tôi giật mình chính là ở trích dẫn sau tôi xin đưa nguyên lại: “Những nghi ngờ của tôi cũng nổi lên liên quan đến những luận đề lý thuyết mà Marx và các môn đồ của ông đã không bỏ qua, ngược lại được đưa ra sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi chỉ nêu một thí dụ, những khẳng định của Marx được trích dẫn nhiều lần về sự tích tụ nghèo khổ. Nói về “quy luật chung về sự tích tụ tư bản” Marx khẳng định: “Sự tích tụ của cải ở một cực, vì thế, đồng thời là sự tích tụ nghèo khổ, lao động thống khổ, nô lệ, ngu dốt, tàn bạo và sự thoái hóa đạo đức, ở cực bên kia…” (Tư bản luận, I, (1867) [1967] trang 645). Các môn đồ của Marx thường nói về sự nghèo khổ tương đối và tuyệt đối của giai cấp lao động – và điều này không mâu thuẫn với gợi ý của câu trên. Ngược với khẳng định này, không chỉ những cảm nhận hời hợt thu được qua các cuộc du ngoạn nước ngoài, mà tất cả các số liệu thống kê đáng tin cậy cũng chứng minh rằng mức sống trung bình của những người sống bằng sức lao động của mình ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển trong một thế kỷ đã tăng lên rất đáng kể. (Trong khi đó tất nhiên không thể chối cãi là ở đó sự nghèo khổ cũng chẳng biến mất đi). Đây không phải là một sự hiểu lầm nhỏ nhặt, không phải là một sự nhầm lẫn có thể dễ sửa. Luận đề tiên đoán sự bần cùng hóa của giai cấp vô sản có vai trò cốt yếu trong việc rút ra kết luận cuối cùng của dòng tư duy Marxian. Giả như đúng là sự bần cùng tăng liên tục, và trở thành hàng loạt, thì sự giận dữ của hàng triệu người đã quét sạch chủ nghĩa tư bản từ lâu rồi.”
Hay như một đoạn viết về tư tưởng của Marx được Kornai János trình bày tiếp như sau: “Có thể, trong thời của Marx cặp đối lập dân chủ – độc tài, nền độc tài của giai cấp tư sản hay của giai cấp vô sản mới chỉ có vẻ là cuộc đấu khẩu. Ngày nay trong con mắt của những người đã sống và đã sống sót dưới các chế độ chuyên quyền của Stalin, Mao, Rákosi và của những kẻ khác, thì các từ này có nghĩa khác. Ngày nay đã có thể thấy rằng sự khinh bỉ dân chủ trong các bài viết của Marx dường như đã chuẩn bị mặt bằng mà trên đó tòa nhà chuyên chế Leninist – Stalinist – Maoist được dựng lên, đã làm tê liệt sự kháng cự chống áp bức trong những tín đồ của tư tưởng Marxian.”
Bây giờ là ở một đoạn trích khác nữa trong bài: “Tôi đưa ra vài trích dẫn để hậu thuẫn cho những điều mà tôi nhắc đến ở trên đúng là các tư tưởng riêng của Marx (chứ không chỉ là các tư tưởng Marxian có lẽ do những môn đồ của ông đã pha loãng hay đã hiểu nhầm chúng). Tôi trích Tư bản luận: “Độc quyền tư bản trở thành xiềng xích của chính phương thức sản xuất đã nảy sinh và thịnh vượng với nó và dưới nó… Giờ tận số của sở hữu tư nhân tư bản đã điểm. Những kẻ chiếm đoạt bị tước đoạt.” (Capital Vol. 1 (1867) [1967], p. 763).
Hay một trích dẫn quan trọng khác: “… sự hỗn loạn liên tục và những biến động chu kỳ là những thứ đi cùng chí tử của sản xuất tư bản chủ nghĩa…” – Marx viết trong nghiên cứu về “Nội chiến ở Pháp”((1871) [1988], p.61). Và trong cùng đoạn văn vừa được trích dẫn có thể thay cụm từ kế hoạch chung các từ mà người ta hay nhắc đến: “… các hiệp hội hợp tác điều tiết nền sản xuất quốc dân theo một kế hoạch chung, đặt nền sản xuất ấy dưới sự điều khiển của mình…”
3 - Bây giờ chúng ta hãy so sánh các luận đề lý thuyết nêu trên với thực tế của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã hình thành ở Liên Xô và các nước cộng sản khác! Hai nét đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống hiện thực chính là cái Marx đã kỳ vọng và chỉ dẫn: “1) Đã tiến rất gần đến việc xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất (tuy những tàn tích què quặt, bị siết chặt của nó vẫn tồn tại đó đây), và thay vào đó sở hữu công, chủ yếu dưới dạng sở hữu nhà nước, trở nên áp đảo. 2) Đã tiến rất gần đến việc xóa bỏ hoàn toàn điều phối thị trường (tuy những tàn tích vẫn còn trong nền kinh tế đen và xám), và thay vào đó kế hoạch hóa tập trung, điều phối quan liêu, nền kinh tế chỉ huy trở nên áp đảo.”
Dừng lại ở 3 đoạn trích dẫn trên chúng ta sẽ thử đi ngoài chủ đề với một nghiên cứu nho nhỏ thôi. Tác giả chứng minh rằng tiên đoán về sự bần cùng của CNTB của Marx là sai: Vì đời sống công nhân không ngừng tăng lên thì ngay trong cuốn Tư Bản tập 1 quyển 2 trang 71 Karl Marx đã viết thế này: “Khối lượng tư liệu sinh hoạt, trong đó giá cả sức lao động được thực hiện, lại có thể trải qua những vận động độc lập. … Sẽ không đúng nếu nói rằng tiền công (đây là nói biểu hiện bằng tiền của nó) sẽ tăng lên, nếu nó có thể mua được nhiều sản phẩm rẻ hơn”. Trở lại với học thuyết giá trị lao động của nó Marx nhấn mạnh 1 điều là tiền công thể hiện qua giá trị, nếu giá trị của các tư liệu sinh hoạt rẻ đi do tăng năng suất lao động, thì đồng nghĩa với việc khối lượng tư liệu sinh hoạt sẽ tăng lên. Như vậy trong cuốn Tư Bản tập 2 Marx cũng đưa ra bảng dẫn chứng cho thấy sự tăng lên của đời sống công nhân Anh khi giá hàng hóa rẻ đi. Cái mà Kornai muốn nói là việc bạn mua thêm được nhiều hàng hóa do sản xuất càng phát triển, năng suất lao động càng tăng nhưng Kornai lại đánh đồng nó với việc tăng tiền công. Đây là một sự lừa lọc trong lập luận bởi về bản chất Marx đã bảo chính người công nhân tự tạo cho đời sống của mình tốt hơn bởi thông qua quá trình lao động sản xuất thì năng suất lao động càng tăng thì khối lượng tư liệu sinh hoạt càng tăng. Lấy ví dụ với 1 đồng tiền ổn định là vàng không có lạm phát, nếu 15 năm trước giá 1 dàn máy vi tính là 15 triệu tương ứng với 3 cây vàng thì bây giờ giá 1 dàn máy vi tính xịn hơn rất nhiều chỉ có giá tầm 4 – 5 triệu là 1 cây vàng. Như vậy việc đời sống tăng lên không liên quan đến việc tăng tiền công hay không mà nó do quá trình sản xuất phát triển. Bạn phải học thuyết giá trị của Marx là như vậy, bản thân chính Kornai cũng thẳng thắn thừa nhận việc mình bác bỏ học thuyết giá trị của Marx, đây là gì, là một sự lừa đảo trong học thuật để che mắt chúng ta.
Lại trở lại tiếp với tiền công, nếu những năm 1967-68, tổng thống Bill Clinton bảo rằng ông chỉ cần mỗi tuần 20 USD là có thể tiêu pha thoải mái, và mỗi tháng mẹ ông chỉ cần gửi ông 80 USD để ăn và ở thoải mái thì hiện nay các bạn đi du học đều biết tiền sinh hoạt phí của các bạn ở Mỹ mỗi tháng trung bình phải là 1000 USD để có thể tiêu pha thoải mái. Như vậy sau hơn 40 năm thì sự mất giá của tiền giấy đã là 10 lần tức 1000%. Vậy nếu những năm 1967-68, tiền công của người công nhân bậc thấp Mỹ là 500 USD/ tháng và năm 2011 tiền công của họ là tầm 4000 USD/ tháng (thu nhập bình quân đầu người của Mỹ là 48000 USD/ năm) thì một phép tính đơn giản bạn có thể thấy tiền công của họ thực chất giảm đi, vì nó phải tương ứng là 5000 USD/ tháng mới là không đổi theo sức mua. Đây là tiền công mà Marx nói đến, nhưng nếu làm phép tính quy đổi ra vàng là thứ tiền có giá trị thật, năm 1968 500 USD = 14,3 ounce vàng vì giá vàng là 35USD/ ounce thì đến năm 2011, giá vàng là 1500 USD/ ounce, vậy tiền công thực người công nhận nhận là bao nhiêu chỉ là 2,7 ounce vàng tức là chưa bằng 1/5 của năm 1968. Vậy tiền công tính theo giá trị của họ còn đang giảm đi, sự bần cùng hóa Marx nói là ở đây, có sai chăng?
4 - Đến với phê phán đoạn trích dẫn 2 về chế độ dân chủ tôi sẽ đi sâu vào trọng tâm bài hôm nay. Còn đoạn trích dẫn 3, các bạn hãy xem nhé: xóa bỏ sở hữu tư nhân. Marx đâu có nói đến xóa bỏ sở hữu tư nhân? Marx nói đến 2 loại sở hữu là sở hữu tư nhân và sở hữu tư bản tư nhân: sở hữu tư nhân là gì, là mỗi người có tư liệu sản xuất riêng và tự sản xuất; còn sở hữu tư bản tư nhân thì là gì: đó là tư liệu sản xuất chỉ tập trung trong tay 1 số nhà tư bản thôi, còn vô sản là giai cấp lao động làm thuê. 2 loại sở hữu này không đồng nhất với nhau mà thực chất còn đối lập hoàn toàn với nhau. Loại thứ 2 tiêu diệt chính loại thứ nhất thông qua độc quyền và cạnh tranh khi mà thợ thủ công nhỏ lẻ không thể cạnh tranh với các nhà máy, công trường sản xuất hàng loạt. Vậy sự tiêu diệt ở đây là gì, là ngay trong sở hữu tư nhân đã và đang bị chính sở hữu tư bản tư nhân tiêu diệt, cần gì phải đến chủ nghĩa cộng sản. Trong Tư Bản tập 1 quyển 2 trang 318 Marx viết: “Nhưng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định của bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên. Đó là sự phủ định cái phủ định. Sự phủ định này không khôi phục lại chế độ tư hữu, mà khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân trên cơ sở những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa: trên cơ sở sự hiệp tác và sự chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra. Dĩ nhiên việc biến chế độ tư hữu phân tán dựa trên cơ sở lao động của bản thân các cá nhân thành chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, là một quá trình lâu dài, gian khổ và đau đớn hơn nhiều so với việc biến chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thực tế đã dựa trên một quá trình sản xuất xã hội thành chế độ sở hữu xã hội. Ở kia là một số ít kẻ chiếm đoạt đi tước đoạt quần chúng nhân dân, còn ở đây thì quần chúng nhân dân đi tước đoạt một số ít những kẻ chiếm đoạt”.
Vậy bạn nhận thấy rõ ràng Marx có bảo thủ tiêu tư hữu tư nhân không? Không. Marx thậm chí còn bảo sẽ có sự khôi phục lại sở hữu cá nhân dựa trên cơ sở tự hợp tác với nhau và chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất – tất nhiên để lý giải vấn đề này thì còn cần một nghiên cứu khác nữa và sẽ viết trong một bài khác. Nhưng như vậy cụ thể ta có thể nhìn thấy 3 đoạn tôi trích ở trên thì đã có 2 đoạn mà Kornai đã và đang cố tình bẻ sai các học thuyết của Marx. Điều đáng buồn là những bài viết thế này đang qua tay một số tri thức của Việt Nam và được họ tuyên truyền với nhau như một nghiên cứu kinh điển về Marx.
Tại sao lại có nhận thức sai lầm như vậy? chính vì cái bệnh không bao giờ tìm hiểu nguyên bản mà chỉ thích học tóm tắt, đọc tóm tắt của chính chúng ta. Nếu so với việc nghiên cứu nguyên bản kỹ càng đòi hỏi bỏ thời gian và công sức thì việc đọc tóm tắt nhanh và dễ hơn rất nhiều, nó phù hợp với tính lười và háo danh của con người, vừa muốn thể hiện biết nhiều nhưng lại ngại bỏ công, bỏ sức ra nghiên cứu. Vậy có đáng chăng?
Mới đây tôi có nhận được 1 bài viết của 1 người tự nhận hiểu Marx và phê phán lại quá trình phân phối giá trị thặng dư của Marx thông qua sơ đồ kinh tế học hiện đại, tôi cũng đã viết phản biện và chỉ ra 5 – 6 điểm vô lý, mâu thuẫn với chính học thuyết của Marx. Có dịp tôi sẽ đưa lại lên đây để tham khảo và đối chiếu, nhưng không phải trong bài viết này. Và đến khi tìm hiểu thì biết người phê phán Marx kia chỉ biết Marx qua mấy cuốn sách tóm tắt thôi. Đó là một sự thật đáng buồn về chính tình trạng đọc sách hay văn hóa đọc của chính chúng ta, và càng đáng buồn hơn khi rất nhiều trí thức của Việt Nam lại chấp nhận và hưởng ứng cái văn hóa đọc thế này.
5 - Bây giờ trở về vấn đề dân chủ. Đây là bài đầu tiên tôi sẽ viết về một vấn đề liên quan đến 2 trụ cột chính trong hệ tư tưởng của Marx, đó là: chủ nghĩa xã hội khoa học và kinh tế chính trị. Chúng ta kêu gọi dân chủ, hô hào dân chủ nhưng liệu chúng ta có hiểu dân chủ là gì không vậy. Tôi thấy rằng rất nhiều người cho rằng dân chủ phải cho dân có quyền được nói, quyền được tự do cá nhân, quyền được bầu cử v…v… Lại có người cho rằng phải đa đảng để có thể được bầu cử chọn người lãnh đạo, tránh sự độc tài của độc đảng vì đa đảng sẽ có sự kiểm soát lẫn nhau, và đảng nào muốn được lãnh đạo thì phải được lòng quần chúng nhân dân.
Vậy quần chúng nhân dân là ai, là bộ phận nào, là chiếm đa số hay thiểu số? Ngay trong lập luận của bạn đã có 2 cái nhầm rất lớn, nếu hiểu đơn giản dân chủ là nhân dân làm chủ, làm chủ cái gì? Làm chủ chính hoàn cảnh sống của mình đó là dân chủ. Cái mà bạn nói chỉ là 1 trong 3 yếu tố tạo nên dân chủ, đó là dân quyền, không phải là dân chủ.
Một nền dân chủ thực sự là gì? Mượn tạm học thuyết tam dân của Tôn Dật Tiên tiên sinh thì chính là: dân tộc, dân quyền và dân sinh. Nhân dân phải được làm chủ trên cả 3 lĩnh vực này, đó mới là dân chủ, các bạn chỉ đứng ở 1 góc ngồi hô hào dân chủ vậy bạn hiểu dân chủ là thế nào. Nếu theo như triết học Marx thì sao? đối với Marx dân chủ đích thực là gì? Là con người ta làm chủ tư liệu sản xuất, có thể lao động sản xuất vật chất tự do trong khuôn khổ của xã hội, có thể làm chủ về thành quả lao động của mình, được quyền bình đẳng trong giáo dục và chính trị, y tế, con người làm chủ lao động chứ không phải làm nô lệ cho lao động thì đó mới là dân chủ nền dân chủ đích thực.
Marx khẳng định trong chủ nghĩa duy vật lịch sử mầm mống dân chủ đã có từ thời chiếm hữu nô lệ, đó chính là chế độ cộng hòa ở Hy Lạp và La Mã, nhưng chỉ là mầm mống, không phải là dân chủ. Vì sao? Vì vẫn có người nô lệ, họ không có quyền gì cả và trở thành kẻ phục dịch cho chủ nô, là nô lệ của lao động, nên nó không phải là dân chủ mà Marx nói tới. Marx cũng bảo chủ nghĩa tư bản vẫn chỉ là dân chủ tư sản, không phải là dân chủ đích thực vì sao, vì đại bộ phận giai cấp vô sản là nô lệ của tư bản và lao động (chú ý tư bản chứ không phải nhà tư bản, tư bản ở đây là một phạm trù kinh tế đối lập với lao động, một lực lượng xã hội), cái gì làm cho bạn mất dân chủ, chính là thất nghiệp. Bạn đi làm, bạn lo lắng đồng lương, bạn lo lắng công việc, vậy bạn có được dân chủ không, nếu theo chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn thì bạn đang mất đi dân sinh, vậy dân chủ cũng không có vì bạn thiếu mất một cái chân rồi.
Hãy nhìn sang thiên đường dân chủ mà các bạn hay nói là Mỹ xem, bạn lao động với cường độ cao, bạn lo lắng phá sản, bạn sợ mất việc, vì sao? vì mất việc đồng nghĩa với việc bạn mất nhà (chế độ tín dụng của Mỹ là chế độ cho vay tín chấp với các hợp đồng mua nhà lên đến 30-45 năm). Như vậy bạn phải có việc liên tục, làm việc không ngừng nghỉ cả một đời người vì chỉ cần bạn thất nghiệp thì sau một thời gian ngắn thì 2-3 tháng, dài thì một năm thì bạn đã bị chính ngân hàng tịch thu nhà rồi. Thế có gọi là dân chủ chăng? Các cụ đã từng nói: “An cư rồi mới lập nghiệp”, bây giờ đến an cư còn không có, nói chi lập nghiệp? Bạn đi khám y tế, bạn chịu phí giáo dục cao, bạn hàng ngày phải nơm nớp trông chờ vào bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội. Khi đang thất nghiệp, có phải dân chủ không? nền dân chủ thực sự không hề có.
Tôi từng thấy nhiều bạn phê phán Lybia mất dân chủ, cái tôi thấy đúng họ mất dân chủ thật mất đến cái mức mà họ có sở hữu nhà riêng, họ không lo thất nghiệp như Mỹ vì phúc lợi xã hội cao, họ có nền giáo dục và y tế công cho người nghèo, Lybia thất nghiệp cao đến mức họ phải sang Việt Nam để nhập khẩu thêm lao động nếu không thì thiếu lao động quá. Cái mất dân chủ của họ là đây chăng, mất dân chủ là thế chăng? Bạn nói dân chủ mà bạn không hiểu dân chủ là gì cả, bạn chỉ đang hiểu về 1 phần rất nhỏ của dân quyền, bạn cũng chẳng hiểu dân sinh là sao, dân tộc là gì, thì cũng giống như tôi vừa nói đấy thôi, về mặt này có dân chủ, về mặt khác không có dân chủ, nếu nói thế có khác chi một cái kiềng 3 chân mà thiếu đi 2 chân, vậy cái kiềng đó có đứng được không hỡi những người hô hào dân chủ tự do.
6 - Vào vấn đề chính ta có thể thấy một điều rất rõ ràng ở đây là sao trong dân chủ Marx không đề cập đến vấn đề dân tộc. Vì sao? Rất rõ ràng là trong điều kiện mà Marx nói đến là CNCS trên toàn thế giới thì làm gì có dân tộc nào đi áp bức dân tộc nào nữa, vì chung quy dân tộc xâm chiếm nhau là để áp bức bóc lột lẫn nhau, mọi cuộc xâm chiếm dân tộc đều thể hiện tính giai cấp rõ ràng ở đó. Vậy nên tự ngay trong CNCS thì các dân tộc đã là độc lập rồi, nên không phải Marx không biết mà là Marx không cảm thấy cần thiết đề cập đến trong phân tích về CNCS, dự báo hình thái xã hội tương lai, đó là cái cơ sở của Marx. Tuy nhiên dựa trên cơ sở này, cả Lenin lẫn Tôn Dật Tiên đều nhấn mạnh đến độc lập là đầu tiên. Vì sao? Vì các ông đang ở trong chính CNTB, không phải CNCS vậy nên nền độc lập quốc gia đã và luôn bị đe dọa bởi chính sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Với nước Nga, Lenin không thể làm gì khác là tổ chức hồng quân để chống lại xâm lược của nước khác, sau Stalin cũng vậy, đó là chống lại sự xâm lược của Hitler. Đối với thuộc địa thì luận cương dân tộc và thuộc địa của Lenin không gì khác đã đặt viên gạch đầu tiên cho chính nền dân chủ của các nước thuộc địa. Với Tôn Dật Tiên, ông đề xướng chủ nghĩa dân tộc, làm cho dân tộc trước tiên phải có sự độc lập về chính trị thì đó mới là bước đầu thực hiện dân chủ. Hồ Chí Minh cũng vậy, tiếp thu từ chính tư tưởng của 2 người đi trước trên, Bác không về làm quốc hội, không về đi tham gia nghị viện An Nam hay chính phủ vua Bảo Đại mà là làm cách mạng tháng 8 đầu tiên.
Vậy nên khi nói đến dân chủ mà bạn không có độc lập dân tộc thì bạn đã mất dân chủ rồi. Mỹ và NATO luôn miệng bảo mang dân chủ, tự do đến cho Lybia, và họ mang đến gì, mang đến chiến tranh và mang dến một chính quyền bù nhìn và một dân tộc mất độc lập, và mang đến các con tàu chở dầu tranh nhau vào khai thác kho dầu mở với năng suất 2 triệu thùng/ ngày của Lybia. Vậy Lybia được cái gì: được cái dân chủ hình thức, mất cái gì, mất cái dân chủ thực sự vì họ đã mất độc lập dân tộc thì còn nói gì đến cái gọi là dân chủ nữa.
Tôi thấy một quan điểm rất lạ ngay trong nhiều người Việt Nam: chúng ta đều biết Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng ta, chúng ta không cho phép nước ngoài công nhận là của họ, đó là đúng, họ không có quyền khai thác tài nguyên trên mảnh đất của ta khi chưa có sự cho phép của ta, đó là đúng và không thể phủ nhận. Nhưng ngay trong chúng ta lại ủng hộ việc Mỹ và NATO hàng ngày đi vào, tự do khai thác, tước đoạt hết nguồn cung dầu của chính Lybia, tài nguyên mà đáng lẽ nó thuộc về của dân tộc Lybia chỉ để đổi lấy cái danh tự do dân chủ ảo tưởng. Vậy mâu thuẫn chăng, hãy tự vấn lại chính lương tâm của mình xem nó có đúng không, vì một cái danh dân chủ ảo tưởng. Hãy nhớ rằng khi đã mất độc lập thì tiền đề dân chủ sẽ không bao giờ tồn tại vì điều cốt yếu bạn không thể làm chủ trên chính mảnh đất quê hương mình, tài sản của dân tộc bạn đang bị kẻ khác lấy đi hàng ngày, đó là dân chủ chăng. Không. Mà nó đưa ta quay về nô lệ và thuộc địa, ta phải đi lao động trên chính quê hương mình nhưng không được sở hữu của cải của dân tộc mình. Không có độc lập dân tộc thì không có dân chủ, đó là tất yếu, là chân lý không thể thay đổi được.
Biên niên sử của chiến tranh ở Trung Đông,
http://hackmageddon.com viết ngày 19 tháng 2, 2012
7 - Hãy trở lại với bài học Việt Nam xưa, Đảng và Bác mang lại độc lập cho dân tộc, mang lại một nước Việt Nam độc lập như hiện nay, trong khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa 2 tay dâng nước cho Mỹ, vậy đâu mới là người mang lại dân chủ cho chúng ta? Có thể Bác Hồ và Đảng chưa đem lại cho ta một nền dân chủ hoàn hảo như Marx nói, nhưng ít nhất đã có công đặt viên gạch đầu tiên cho dân chủ của Việt Nam. Vậy nên ngay trong quốc hiệu của nước ta đã có Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc. Độc lập là chủ nghĩa dân tộc, Tự Do là chủ nghĩa dân quyền, Hạnh Phúc là chủ nghĩa dân sinh, 3 cái chân đó tạo nên một nền dân chủ đích thực và trong đó đừng đầu tiên chính là Độc Lập. Có một số người hỏi tôi rằng có thể Việt Nam Cộng Hòa sẽ thành Hong Kong hay Singapore ở châu Á, vậy có nên chăng. Tôi nói thẳng Hong Kong và Singapore phát triển kinh tế rất tốt, nhưng họ có chấp nhận làm thuộc địa không, bạn hãy nhìn thật kỹ xem Singapore đang là nước độc lập hay thuộc địa, độc lập hoàn toàn. Còn Hong Kong họ phát triển hơn Trung Quốc đại lục rất nhiều, có người bảo là do công của người Anh, vậy tại sao Hong Kong lại trở về Trung Quốc, tại sao nhân dân Hong Kong không phản đối quyết định của Đặng Tiểu Bình năm 97, ngược lại họ lại rất vui mừng. Đó là một điều cho thấy, nếu không có điều kiện tiên quyết đầu tiên là dân tộc độc lập thì không bao giờ bạn có dân chủ. Những cái mà phương Tây bảo dân chủ hiện nay, dân chủ tư sản mà không gắn liền với độc lập dân tộc thì xét cho cùng Marx bảo nó chỉ là một sự giả tạo ở dân chủ thôi, mà đúng là sự giả tạo của dân chủ thật sự.
© Lê Quang Trung
Nguồn: http://www.doi-mat.vn/2014/03/dan-chu-va-dan-chu-XHCN.html#axzz2wJCvIOrQ
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment