Ngày 12-3, tại trụ sở Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban cho biết, hiện Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình và tích cực phối hợp với các nước thực hiện công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Ma-lai-xi-a, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ông khẳng định: “Mặc dù đã qua “giờ vàng”, nhưng với trách nhiệm trước cộng đồng, vì mục đích nhân đạo cao cả, Việt Nam vẫn quyết tâm rất cao thực hiện công tác tìm kiếm…”.
Chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT 777 của Quân chủng Hải quân chuẩn bị tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Trọng Thiết.
Trao đổi thông tin hằng ngày
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Vũ Thế Chiến cho biết, về hợp tác quốc tế trong công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Ma-lai-xi-a, hiện Việt Nam phối hợp với các nước chủ yếu dưới hình thức hiệp đồng thông qua thư điện tử và hệ thống vô tuyến điện, chia sẻ thông tin. Tổng cộng hiện nay có 9 nước tham gia phối hợp cùng với Việt Nam thực hiện công tác này. Trong số đó, riêng đối với Ma-lai-xi-a, hàng ngày, Tùy viên quân sự Đại sứ quán Ma-lai-xi-a tại Việt Nam đều tới Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn để thông báo tình hình tìm kiếm phía Ma-lai-xi-a, nắm bắt thông tin từ phía Việt Nam đã triển khai những gì. Sau đó hai bên cùng trao đổi kế hoạch triển khai tìm kiếm cho ngày hôm sau. Xin-ga-po cũng tích cực phối hợp, nắm bắt và trao đổi thông tin, đưa ra những nhận định và trao đổi định hướng tìm kiếm với Việt Nam.
Về phía Mỹ, ngoài việc thường xuyên gửi bản kế hoạch tìm kiếm cập nhật cho ngày hôm sau, thông báo vị trí tàu, máy bay của Mỹ sẽ tìm kiếm, phía Mỹ đã 4 lần cử các chuyên gia về khí tượng thủy văn, hàng không… sang Việt Nam để tư vấn trong công tác tìm kiếm. Đại tá Vũ Thế Chiến cho biết, giữa Việt Namvà các nước đều có những trao đổi vào cuối ngày để kịp thời nắm bắt tình hình và rút kinh nghiệm.
Đại tá Vũ Thế Chiến khẳng định, tất cả những thông tin được các nước bạn chia sẻ, Việt Nam đều rất trân trọng và xem xét nghiêm túc để phục vụ tốt nhất cho công tác tìm kiếm, cứu nạn. Tuy nhiên, hiện nay liên lạc giữa máy bay các nước với Việt Nam vì còn chưa tương thích hệ thống thông tin, nên việc chia sẻ dữ liệu, thông tin với nhau còn chưa được như mong muốn. Để khắc phục, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định đưa một tổ không lưu ra tàu trực chỉ huy ngoài biển trong chiến dịch tìm kiếm. Ngoài ra, hiện nay các nước đã thống nhất mọi liên lạc thực hiện trên tần số 7903; phía Việt Nam cũng có các chuyên gia nói tiếng Anh tốt nên tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin với các nước.
Đại tá Vũ Thế Chiến cho biết, các nước có công dân trên chiếc máy bay bị mất tích thường xuyên liên lạc với Việt Nam và yêu cầu cung cấp thông tin liên quan. Để đáp ứng việc giải đáp các liên lạc của các nước, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn đã tổ chức riêng một bộ phận trực hàng ngày để tiếp nhận thông tin và trả lời các yêu cầu của các nước.
Tìm kiếm phải bảo đảm bảo vệ chủ quyền
Đại tá Vũ Thế Chiến cũng cho biết thêm, Việt Nam đã tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các nước có liên quan tham gia công tác tìm kiếm, như cấp phép nhanh chóng nhất cho tàu và máy bay của các nước hoạt động trên lãnh hải và không phận Việt Nam mà nếu theo nguyên tắc, trình tự thủ tục sẽ mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, mọi hoạt động của các phương tiện tìm kiếm của các nước trên vùng biển đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam đều phải tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển của nước CHXHCN Việt Nam. Các phương tiện tham gia tìm kiếm của các nước đều được phía Việt Nam giám sát nhằm bảo đảm chủ quyền.
Về vấn đề này, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ đạo các lực lượng của Việt Nam phải làm chủ mọi công tác tìm kiếm trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, phải thường xuyên duy trì từ 2 đến 3 chiếc máy bay của Việt Nam để vừa tham gia công tác tìm kiếm, phát hiện dấu vết của chiếc máy bay bị nạn, vừa quan sát bảo vệ chủ quyền, nhằm bảo đảm các phương tiện của các nước chỉ tham gia công tác tìm kiếm, không được có các hành động khác.
Tại Trụ sở Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, trong nỗ lực chung tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn cùng các nước, Việt Nam đang tham gia 8/22 máy bay và 9/31 tàu, cho thấy sự tích cực của Việt Nam tham gia công tác tìm kiếm. Đại tá Vũ Thế Chiến cho biết, Trung Quốc và Ma-lai-xi-a đã cảm ơn sự nhanh nhạy, nhiệt tình giúp đỡ của Việt Nam và đề nghị phía Việt Nam tiếp tục hợp tác. Theo ông, đó cũng là thể hiện sự ghi nhận của thế giới đối với trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng.
Tinh thần trách nhiệm cao vì mục tiêu nhân đạo
Dư luận quốc tế cũng đánh giá cao những nỗ lực đi đầu của Việt Nam trong việc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200ER thực hiện chuyến bay mang mã hiệu MH370 của Hãng hàng không Ma-lai-xi-a bị mất tích ngày 8-3 vừa qua. Tờ “Thời báo Hoàn cầu” (Trung Quốc) ngày 11-3 đăng bài viết hoan nghênh và bày tỏ sự cảm ơn những nỗ lực cùng sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích. Trong đó khẳng định, nhiều nước đã và đang tích cực tham gia tìm kiếm, trong đó sự thể hiện tích cực của Việt Nam rất đáng được ghi nhận. Với sự phối hợp của phía Ma-lai-xi-a, Việt Nam ngay lập tức đã điều máy bay và tàu thuyền tiến hành tìm kiếm tại những vùng biển có liên quan. Theo bài báo, đợt tìm kiếm đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ lực lượng quân đội và Bộ Giao thông vận tải ViệtNam. Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Võ Văn Tuấn đã đích thân tham gia chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, đồng thời thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại đảo Phú Quốc, nơi rất gần khu vực nghi máy bay bị mất tích nhằm phục vụ tốt cho việc chỉ đạo công tác tìm kiếm. Việt Nam khẳng định sẵn sàng phối hợp với lực lượng cứu hộ các nước để đề ra phương án cứu hộ tốt nhất.
Bài báo trên tờ “Thời báo Hoàn cầu” cho rằng, việc Việt Nam cho phép tàu thuyền của Trung Quốc sau khi hoàn thành xong các thủ tục cần thiết được phép đi vào lãnh hải Việt Nam để triển khai công tác tìm kiếm đã tạo cơ hội quý giá cho việc tìm kiếm. Ngoài ra, việc Việt Nam đồng thời huy động không quân, hải quân và các lực lượng tinh nhuệ khác hợp tác chặt chẽ cùng các bên tham gia tìm kiếm quy mô lớn đã thực sự thể hiện thái độ chân thành và quyết tâm kiên định của Việt Nam trong công tác tìm kiếm cứu nạn, đồng thời là sự thể hiện sinh động tinh thần “một cộng đồng, một vận mệnh”. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam nên lấy đó làm cơ hội để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng xây dựng cơ chế hợp tác tin cậy trên biển, đẩy nhanh tiến trình hợp tác trên biển, tạo tiền đề cho cục diện hòa bình, ổn định của khu vực Biển Đông.
Đài BBC đánh giá, qua các nỗ lực tìm kiếm, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ cho quốc tế tinh thần trách nhiệm cao trước một vụ việc mang tính nhân đạo liên quan đến nhiều quốc gia. Hình ảnh các chuyến bay, chuyến tàu tìm kiếm của lực lượng hải quân và cảnh sát biển Việt Nam liên tục xuất hiện trên các báo Anh, trong đó nhấn mạnh Việt Nam đã hết sức nỗ lực dù không có công dân Việt Nam nào trên chuyến bay mất tích. Cũng qua những nỗ lực đó, Việt Nam đã chứng tỏ là nước chủ nhà ở một vùng biển quan trọng. Ngoài ra, việc Việt Nam cho phép tàu thuyền các nước đến hỗ trợ công tác tìm kiếm cũng làm nổi bật tính quốc tế của vùng biển Đông Nam Á.
Ma-lai-xi-a chuyển hướng tìm kiếm
Ngày 12-3, công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Ma-lai-xi-a đã được chuyển lên phía Tây Bắc, trong khu vực biển Andaman, Bắc đảo Xu-ma-tra (In-đô-nê-xi-a), rất xa so với lịch trình bay đã được hoạch định. Đây là lần thay đổi khu vực tìm kiếm mới nhất trong quá trình tìm kiếm đã kéo dài 5 ngày nay. Giám đốc Hãng hàng không dân dụng Ma-lai-xi-a Airlines A-da-ru-đin Áp-đun Ra-man (Azharuddin Abdul Rahman) không cho biết quyết định mở rộng khu vực tìm kiếm ra phía Tây Bắc lần này có dựa trên một cơ sở nào đó cho thấy chiếc máy bay mất tích có thể đang ở đây hay không.
Cùng ngày, theo AFP, Không quân Ma-lai-xi-a khẳng định không loại trừ khả năng chiếc máy bay đã thay đổi hành trình bay, song phủ nhận thông tin trước đó về việc ra-đa của quân đội đã phát hiện chiếc máy bay này trong vùng trời phía trên eo biển Ma-lắc-ca vào lúc 2 giờ 40 phút sáng 8-3, cách đường bay dự kiến hàng trăm ki-lô-mét.
MỸ HẠNH - QĐND
Comments[ 0 ]
Post a Comment