Chỉ trong vòng 30 phút, pháo binh ta đã bắn rơi hai chiếc máy bay thứ 61 và 62 là loại máy bay mới nhất của Đế quốc Mỹ định đến cứu nguy cho quân viễn chinh xâm lược Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ.
Trong câu chuyện với Đại tá Nguyễn Thế Trường, nguyên là Trung đội trưởng Pháo cao xạ thuộc Đại đội 817, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ông đã kể cho tôi rất nhiều về những kỷ niệm của ông những ngày tham gia chiến dịch. Một trong những kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ nhất chính là trận đánh tiêu diệt 2 chiếc máy bay cuối cùng trên bầu trời Điện Biên Phủ.
Máy bay Hellcat
Theo lời ông kể, sáng ngày 7-5-1954, đơn vị bố trí tại trận địa gần bản Hồng Líu, một bản nhỏ ở phía Đông-Nam Mường Thanh. Bầu trời hôm ấy trong veo, không một gợn mây, nắng dịu, gió nhẹ…8 giờ sáng, máy bay địch hoạt động mạnh. Điều làm bộ đội ta chú ý là có một loại máy bay khu trục kiểu lạ xuất hiện. Loại này khác hẳn với các loại Hellcat, Bearcat, Helldiver mà bộ đội pháo binh ta đã biết và bắn rơi. Loại này có thân dài, đầu cánh vuông thường bay ở độ cao hơn. Chúng bay từng tốp, hai hoặc bốn chiếc đến ném bom bắn phá xong lại bay về phía đông nam rồi dần dần mất hút…Trên mâm pháo, anh em đang bàn tán về loại máy bay lạ này thì Trung đoàn gọi điện xuống thông báo cho biết loại máy bay mới xuất hiện là loại khu trục chiến đấu F.4U của Hải quân Mỹ. Đặc điểm của loại máy bay này tầm hoạt động xa, có thiết bị ra-đa ở hai đầu cánh để có thể bay đêm và bay cả lúc thời tiết xấu, có sức cơ động cao, độ lượn vòng hẹp và góc bổ nhào lớn. Trung đoàn còn cho biết thêm, hôm nay là ngày cực kỳ nguy khốn của địch nên Mỹ mới cho loại máy bay này cất cánh từ tàu sân bay Carrier Arromanches (Tourane) đậu ở vịnh Bắc Bộ bay thẳng lên Điện Biên Phủ để cứu nguy trực tiếp cho quân Pháp. Trung đoàn trưởng cũng động viên đại đội 817 cố gắng bắn rơi bằng được loại máy bay này.
Máy bay F4U tham chiến và bị pháo binh ta bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ
Máy bay Helldriver
9 giờ sáng. Từ phía Đông - Nam, tiếng động cơ vọng đến nghe rõ dần. Bốn chiếc khu trục cánh vuông xuất hiện, bay theo hình chênh chếch bậc thang đang lao tới.Đại đội phó Lê Văn Dĩnh trực chỉ huy chiến đấu, với đôi mắt tinh tường, ước đoán độ cao chính xác cho thấy có thể “làm ăn” được, anh hạ lệnh cho toàn đơn vị về vị trí chiến đấu:- Số 4 trên không, ngắm chiếc đi đầu, tốc độ 120!Khẩu lệnh của Đại đội phó vừa dứt, bốn nòng pháo quay ngoắt về hướng đàn quạ sắt. Chúng giãn cự ly, chuyển thành đội hình hàng dọc chuẩn bị lượn vòng để oanh tạc vào một mục tiêu nào đó dưới đất. Toàn trận địa lúc này im phăng phắc, chỉ có nghe tiếng thông báo cự ly máy bay của chiến sĩ phụ trách máy đo xa- Ba ngàn tám...ba ngàn sáu...ba ngàn tư...ba ngàn hai...Một tiếng còi rít lên.Hàng loạt đạn đỏ rực vút lên trời cao. Chùm đạn đầu rất chụm nhưng vượt trước đầu máy bay một chút. Đại đội phó hiệu chỉnh ngay:- Tốc độ giảm 5!Chỉ sau một giây, cả bốn pháo thủ số 3 đều báo cáo “xong”.Tiếng còi chỉ huy bắn lại rít lên mở đầu cho loạt đạn thứ hai… Một trong bốn chiếc đã trúng đạn, loạng choạng tách khỏi đàn, khói đen và lửa đỏ bùng lên ở cả cánh, đuôi và bụng rồi cứ thế lao vào đầu xuống đất. Một cụm khói đen bốc lên cuồn cuộn như một đống rơm bị đốt cháy. Nó rơi cách cầu Mường Thanh chừng 3000 mét. Ba chiếc còn lại lảng dần và chuồn thẳng.
Máy bay Pháp bị bắn rơi trên chiến trường Điện Biên Phủ
Tiếng cười nói râm ran khắp trận địa. 5 phút sau, Tiểu đoàn trưởng Vũ Thanh Giang đã gọi điện xuống biểu dương đơn vị lần đầu tiên đã bắn rơi máy bay F.4U của địch. Các khẩu đội tranh thủ giữa hai đợt chiến đấu để sinh hoạt rút kinh nghiệm và sơ bộ thấy rằng cứ bình tĩnh, tự tin, thao tác chính xác, chỉ huy linh hoạt thì loại máy bay nào cũng có thể hạ được nếu chúng lọt vào tầm bắn của ta.
Một đơn vị súng phòng không của bộ đội ta tại Điện Biên Phủ
9 giờ 22 phút, từ phía Nam lại có hai chiếc F-4U khác xuất hiện. Đến gần đồi A1 chúng bắt đầu lượn vòng, liều lĩnh bổ nhào ngay xuống trận địa. Toàn Đại đội bình tĩnh theo lệnh của Đại đội phó lấy tốc độ, góc bổ nhào và thao tác rất khẩn trương. Ông Trường hồi tưởng: "Kinh nghiệm chiến đấu đã dạy chúng tôi là khi máy bay địch đã bồ nhào vào trận địa thì tuy phía ta rất nguy hiểm nhưng lại là thời cơ tốt nhất để tiêu diệt địch. Chỉ cần dũng cảm nhằm thẳng vào máy bay địch mà bắn thì nhất định sẽ hạ được chúng, vì toàn bộ chiếc máy bay lúc này chỉ còn là một vạch ngang không di động, dễ ngắm bắn hơn lúc nào hết.". Các khẩu đội tập trung cao độ, bám chặt lấy máy bay không để rời nửa vạch trong kính ngắm. Đến cự ly bắn thích hợp tiếng còi thay cho khẩu lệnh bắn lại rít lên mở đầu một đợt chiến đấu mới. Loạt đạn 37 ly như những cục than đỏ rực đuổi nhau vun vút bay lên. Quan sát thấy chùm đạn tốt, Đại đội phó lại cho bắn tiếp mấy điểm xạ dài nữa rất mãnh liệt. Chiếc máy bay F.4U lao xuống trước bị trúng đạn vào đầu và cánh, bốc cháy luôn.Chiếc thứ hai hoảng sợ không dám bổ nhào nữa, ngóc lên ngay và bay về hướng Hồng Cúm sau khi bắn vội vã một loạt đạn 20 ly xuống bên trái trận địa chừng ba chục mét. Chiếc bị trúng đạn cố lấy thăng bằng bay theo chiếc kia nhưng mỗi lúc vết cháy càng to hơn. Nó bay đến đâu, đường bay lại vạch thành một vệt khói đen trên nền trời xanh đến đó. Bay thêm một quãng nữa, 'con quạ sắt' cứ xuống thấp dần và rồi không ngóc lên được nữa. Toàn trận địa reo lên như sấm, vui sướng vì chiến công bất ngờ quá, giòn giã quá.9 giờ 45 phút, đài quan sát Trung đoàn chính thức thông báo chiếc F.4U thứ hai đã rơi ở phía nam Hồng Cúm 2km. Từ đó đến chiều, máy bay địch hoạt động thưa dần và tới khoảng hơn ba giờ thì vùng trời ở đây hầu như không còn chiếc nào cả. Tới 5 giờ 30 chiều, thì toàn bộ số quân lính địch còn lại ở khu trung tâm Mường Thanh đã phải kéo cờ trắng ra đầu hàng.Trong khí thế tưng bừng của niềm vui thắng trận, ông Trường và anh em chiến sĩ pháo binh cũng thấy tự hào vì đơn vị đã làm tốt nhiệm vụ “khoá sổ” ngày cuối cùng của chiến dịch. Chỉ trong vòng 30 phút, đã vinh dự bắn rơi hai chiếc máy bay thứ 61 và 62 của địch và lại là loại máy bay mới nhất của đế quốc Mỹ định đến cứu nguy cho quân viễn chinh xâm lược Pháp, góp phần vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cách đây vừa tròn 60 năm.(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Thế Trường, nguyên Trung đội trưởng Pháo cao xạ thuộc Đại đội 817, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367)
Lương Kiên Cường - Infornet
Comments[ 0 ]
Post a Comment