Mỹ đang đóng vai của “lính cứu hỏa” toàn cầu.
Báo China Daily nhìn nhận cuộc xung đột Ukraine
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Ba Lan và Đức là hai nước đi đầu trong việc thúc đẩy cuộc “cách mạng Maiden”, còn mỗi tuần, Mỹ chi 20 triệu USD cho các lực lượng biểu tình. Kết quả là, các lực lượng nổi dậy đường phố ở Kiev, bị chi phối các phân tử thuộc lực lượng phát xít mới, đã lật đổ Viktor Yanukovych.
Coi như phía phương Tây ghi được một bàn thắng trước khung thành nước Nga. Nhưng, việc thỏa thuận ngày 21/2 giữa ông Viktor Yanukovych và phe đối lậpUkraine bị xé bỏ đã mang lại một cơ hội hiếm có cho nước Nga. Moskva đưa quân vào Crimea kiểm soát vùng lãnh thổ này không mất một viên đạn. Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea tuyên bố sáp nhập vào Nga và tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 để lấy ý kiến về hai việc: Hoặc sáp nhập vào nước Nga, hoặc thành một nước cộng hòa tự trị trong khuôn khổ Ukraine nhưng với nhiều quyền hạn hơn, kể cả chính sách đối ngoại riêng. Đây là một đòn phản pháo mạnh tay của ông Putin. Trước đây, bất kỳ nhà lãnh đạo địa phương nào ở Ukraine dự định trưng cầu dân ý về quyền tự trị đều bị Kiev đàn áp. Nay Thủ tướng Crimea tuyên bố: “Hội đồng Tối cao các nghị sĩ của Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 và không ai có thể hủy bỏ sự kiện này”.
Trong khi đó, ngày 8/3, gần 3.000 người tập trung biểu tình tại trung tâm thành phố Donetsk đòi tiến hành trưng cầu ý dân về qui chế của vùng Donbass. Hơn 2.000 người đã tụ tập tại quảng trường Tự do ở Kharkov, yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân về qui chế của tỉnh này.
Như vậy, nước Nga có những con bài thương lượng không nhỏ. Nên Moskva chưa vội chấp nhận đề nghị của Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với Kiev. Các lá bài tủ có thể sẽ được giữ đến sau cuộc trưng cầu dân ý của Crimea ngày 16/3 hoặc sau bầu cử tổng thống Ukraine ngày 25/5. Đối với việc sáp nhập Crimea, Nga có thể đang tính 2 phương án: Bước I sẽ đồng ý sáp nhập thành phố hải cảng quân sự Sevastopol vào Nga như một thực thể liên bang riêng rẽ. Bước II, tính tới việc Crimea trở lại mái nhà xưa như một chủ thể vào một thời điểm nào cho thích hợp.
Ukraine sẽ sớm ký kết gia nhập EU, nhưng có gia nhập NATO hay không thì còn phụ thuộc vào quyết định giữa người Crimea và người Nga. Nước Nga cũng có thể ủng hộ các cuộc đòi tự trị của các tỉnh miền Đông Ukraine. Các tỉnh này có thể khuấy đảo nội chiến. Trước các triển vọng đó, phương Tây không dễ để Ukraine gia nhập NATO.
Dù sao, nước Nga cũng ghi được một bàn gỡ hòa trước khung thành phương Tây. Điều này diễn ra khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ chạy đôn chạy đáo, còn phía Nga “lấy tĩnh chế động”.
Nước Mỹ và các nước EU từ lâu theo đuổi quá trình “Đông tiến” để kiềm chế Nga. Nước Nga chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực “Tây tiến” để mở rộng khu đệm an ninh ở biên giới phía Tây. Sau khi Liên Xô sụp đổ, phương Tây đã đẩy biên giới NATO vào gần sát biên giới Nga. Cuộc chiến tranh Grudia 2008 là đòn phản kích đầu tiên của nước Nga để chặn “Tây tiến”.
Cuộc xung đột Ukraine là đòn phản kích thứ hai. Nó là cuộc va chạm chiến lược có thể dẫn tới điều chỉnh bản đồ châu Âu hậu Chiến tranh lạnh. Nhưng chưa hết, một cuộc chiến tranh lạnh đã bắt đầu khởi động, nếu thành cao trào, hãy khoan đề cập sự được - mất đối với Nga và EU, sẽ tác động đến hai khu vực mà Mỹ đang có tranh chấp chiến lược: châu Á và Trung Đông.
Tại châu Á, ngày 8/3, Ngoại trưởng Trung Quốc cao giọng: “Không có chỗ cho sự thỏa hiệp trong các vấn đề lãnh thổ và lịch sử" với Nhật Bản; Trung Quốc sẽ “không bao giờ chấp nhận những đòi hỏi vô lý của các nước nhỏ hơn” (ám chỉ các nước Đông Nam Á); “sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ thuộc về Trung Quốc" (!)...
Tại Trung Đông, ông Assad đã không bỏ lỡ cơ hội bất đồng Mỹ-Nga để làm suy yếu phe đối lập, nhằm gạt bỏ trở ngại cho việc tái cử một nhiệm kỳ tổng thống Syria 7 năm nữa. Iran cũng là nước hưởng lợi, có thể trì hoãn cuộc đàm phán hạt nhân 5+1 - nếu như vậy sẽ làm tiêu tan một dự án quan trọng của chính quyền Obama.
Cuộc đối đầu xung quanh vấn đề Ukraine còn dài dài. Tình hình diễn biến nhanh và phức tạp trong một bài toán tổng hợp. Trong khi Ukraine được Mỹ rót cho 1 tỷ USD; EU rót cho 15 tỷ, bên này địa cầu, Philippines tuyên bố chưa vội vã thỏa hiệp về một hiệp định cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện hải - không quân tại nước này. Manila có lý khi cho rằng Mỹ không thể coi trọng kiềm chế Nga hơn kiềm chế Trung Quốc; vì vậy Mỹ cần trả giá cao hơn cho một thỏa thuận liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông và Đông Á./.
Người Bình Luận
ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment