“Chiếc hộp Pandora” nguy hiểm
Monday, July 21, 2014
Tạp chí Foreign Affairs vừa đăng bài phân tích của các tác giả A. E-rích-xơn (A. Erickson) và A. Xtrên (A.Strange) vạch rõ các âm mưu của Trung Quốc khi thực hiện chiến lược mở rộng các bãi đá ở Biển Đông, trong đó nêu rõ các tác động tiêu cực của hoạt động này đối với trật tự an ninh ở khu vực. Chiến lược này của Trung Quốc được tác giả ám chỉ tương tự như hành động “mở hộp Pandora” trong thần thoại Hy Lạp kéo theo nhiều hệ lụy. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu với bạn đọc nội dung chính của bài viết.
Trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Bắc Kinh khăng khăng đưa ra các yêu sách chủ quyền mà về mặt pháp lý lẫn thực tế đều không thuộc về Trung Quốc. Ví dụ điển hình là nước này đang tiến hành một dự án cải tạo lớn trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã mở rộng bằng cách nạo vét đáy biển và sau đó đưa xuống các đường ống dẫn và xà lan. Trung Quốc đã xây dựng ở đây trạm thông tin liên lạc, các trạm ra-đa, lắp đặt các thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh…
Trên thực tế, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Gạc Ma, mà còn được thực hiện với quy mô nhỏ hơn ở những nơi khác thuộc quần đảo Trường Sa. Bất chấp những chỉ trích của giới truyền thông, bao gồm cả các phát biểu của chính các chuyên gia Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn nuôi kế hoạch tham vọng chiếm quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đã từ chối cung cấp các thông tin chi tiết, xác thực có thể giúp loại bỏ những suy đoán cũng như làm rõ mục đích và quy mô của các hoạt động mà Trung Quốc tiến hành tại đây.
Khi trả lời báo giới về việc cải tạo các bãi đá, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo (Trường Sa) bao gồm bãi đá (Gạc Ma) và vùng nước lân cận. Bất cứ công trình nào Trung Quốc xây dựng ở bãi đá (Gạc Ma) đều nằm trong vùng chủ quyền của Trung Quốc". Tuy nhiên, trên thực tế, bằng cách tạo ra hiện trạng mới, Bắc Kinh đang mở rộng lãnh thổ kiểm soát và đang làm thay đổi trật tự an ninh ở Biển Đông.
Mặc dù rất cẩn trọng trong việc đưa ra các tuyên bố chính thức của mình về hoạt động cải tạo ở Trường Sa, nhưng rõ ràng Bắc Kinh đã hành động từ lâu để củng cố và từng bước chiếm đóng các bãi đá mà nước này yêu sách chủ quyền. Từ nhiều năm trước, nước này còn tổ chức một cuộc triển lãm ảnh tại Bảo tàng Hải quân Thượng Hải, trong đó trưng bày cả những bức ảnh chụp các thiết bị chuyển đất và lèn đất cỡ nhỏ trên một trong những khu vực thuộc quần đảo Trường Sa.
Vậy việc Trung Quốc xây dựng các công trình quy mô lớn ở Trường Sa sẽ có những tác động ra sao? Một số nhà quan sát quốc tế tin rằng hành động của Trung Quốc là nhằm yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đối với các điểm được cải tạo. Tuy nhiên, điều này khó có thể trở thành hiện thực bởi điều 60 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) quy định rõ ràng các cấu trúc xây dựng nhân tạo không mang lại quy chế đảo và sự tồn tại của các công trình này không ảnh hưởng tới việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nhiều khả năng, hoạt động cải tạo này sẽ giúp Trung Quốc hỗ trợ các cơ sở hạ tầng dân sự, quân sự cố định và đa dạng hóa chiến lược yêu sách chủ quyền ở Trường Sa.
Mối quan ngại khác đối với hành động của Trung Quốc đó là việc thay đổi hiện trạng trên Biển Đông có thể thúc đẩy Trung Quốc công bố một hoặc nhiều hơn Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Tuy nhiên, nếu đó là mục tiêu tham vọng của Trung Quốc, thì có rất nhiều lý do để nước này nên kiềm chế.
Thứ nhất, việc này sẽ "chọc giận" nhiều nước láng giềng và các nước thành viên ASEAN, đồng thời Trung Quốc sẽ phải trả cái giá đắt hơn đó là làm xấu đi mối quan hệ vốn sẵn tồi tệ với Nhật Bản vì Trung Quốc đã tuyên bố ADIZ đầu tiên ở Biển Hoa Đông vào tháng 11 năm ngoái.
Thứ hai, việc tuyên bố ADIZ trên toàn bộ vùng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông có thể buộc Trung Quốc lần đầu tiên phải xác định các tọa độ địa lý chính xác của “Đường lưỡi bò”, hoặc ít nhất cũng phải đưa ra những giải thích rõ ràng hơn. Trung Quốc cũng sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn trước đòi hỏi phải nói rõ những cơ sở cho những yêu sách của mình mà nước này vẫn từ chối đưa ra, có lẽ cũng vì chẳng có cơ sở pháp lý nào phù hợp để giải thích cho những yêu sách này. Ngoài ra, việc tuyên bố ADIZ sẽ phơi bày khả năng hạn chế của Bắc Kinh trong việc giám sát phần cực Nam của nước này, nơi vượt xa tầm với của hệ thống ra-đa và sân bay lớn của Trung Quốc trong đất liền.
Cuối cùng, cũng là điều gây tranh cãi và đáng lo ngại nhất đó là dù ban đầu Trung Quốc có thể không muốn “bật nắp” “chiếc hộp Pandora”, nhưng hoạt động xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang ở vùng biển vốn sẵn tính nhạy cảm này. Trước nguy cơ bất ổn ở khu vực, cộng đồng quốc tế phải xem xét các tác động của việc Trung Quốc xây dựng đảo theo Luật Hàng hải quốc tế. Chiến lược của Bắc Kinh dù là nhằm tăng cường một phần sự hiện diện của mình hay thúc đẩy các yêu sách đều có thể gây ra những hệ lụy khó lường. Việc này có nguy cơ làm suy yếu vai trò điều tiết của các chuẩn mực và thỏa thuận quốc tế đang có hiện nay như Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
MAI NGUYÊN (giới thiệu)
QĐND
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment