Washington sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Philippines hay Nhật Bản. Một cuộc tấn công vào Việt Nam cũng có thể dẫn đến những phản ứng tương tự.
Tàu chiến Mỹ. Hình minh họa.
Euro Asia Review ngày 21/7 đăng bài phân tích của Tiến sĩ Subhash Kapila, thành viên Nhóm phân tích Nam Á từ Ấn Độ bình luận, Biển Đông đã nổi lên như một điểm nóng trong khu vực và toàn cầu, gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định của khu vực Đông Thái Bình Dương rộng lớn. Những điều này phát sinh chủ yếu từ xu hướng của Bắc Kinh muốn dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Trung Quốc chiếm đóng (xâm lược) quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) còn chưa đủ, họ còn đánh chiếm 1 phần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) kết hợp với các hoạt động hàng hải và hải quân rộng lớn trên Biển Đông đang mở ra sự thống trị hàng hải của Bắc Kinh trên vùng biển này.
Sự kiện Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 với hạm đội tàu hộ tống lên cả trăm chiếc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5 và nỗ lực cải tạo bất hợp pháp để tạo ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa đã cho thấy, Trung Quốc đang triển khai một kế hoạch chiến lược chi tiết ở Biển Đông, trong đó chống leo thang xung đột hoặc giải quyết xung đột trên Biển Đông không phải mối bận tâm của họ.
Thủ đoạn chiếm đảo ở Biển Đông hiện nay dường như được Bắc Kinh thay thế bằng một chiến thuật mới để tạo ra các hòn đảo nhân tạo (bất hợp pháp) để không chỉ nhằm yêu sách một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn, mà còn bổ sung căn cứ mở rộng phạm vi kiểm soát quân sự lớn hơn đối với vùng biển chiến lược này.
Kế hoạch chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông cần phải được nhìn từ lăng kính Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự để hiện thực hóa đường lưỡi bò. Yêu sách (vô lý) hầu như bao gồm toàn bộ Biển Đông đã được tăng cường cùng với sự hoạt động mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông với cái cớ bảo vệ "lợi ích quốc gia cốt lõi". Hoạt động này thậm chí có thể đi đến chiến tranh.
Bắc Kinh tăng cường năng lực quân sự trên Biển Đông với mục tiêu hết sức rõ ràng, bao gồm thống trị toàn bộ Biển Đông và xem đó như một mục tiêu bắt buộc trong các chiến lược tấn công và phòng thủ của quân đội Trung Quốc. Kết thúc trò chơi này, Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành ao nhà của họ được gọi với mỹ từ "vùng nội thủy" hay "vùng nước lịch sử".
Trong nỗ lực thống trị toàn bộ Biển Đông, rất có khả năng Bắc Kinh sẽ tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông tương tự như đã làm ở Hoa Đông. Chiến lược (cuồng vọng) này của Bắc Kinh không chỉ giới hạn trong việc kiềm tỏa hoặc đánh bại Việt Nam và Philippines, mà còn nhằm đánh bại sự thống trị của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương.
Động thái hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề có lợi cho họ đã tạo ra sự mất niềm tin nghiêm trọng trong khu vực đối với Trung Quốc, làm suy giảm đáng kể đến hình ảnh chính trị của Bắc Kinh. Xét về tổng thể, có một mối quan ngại ngày càng tăng ở Đông Nam Á rằng Trung Quốc đang nổi lên như một mối đe dọa quân sự, kích thích một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, đặc biệt là tàu ngầm.
Những yếu tố này cho thấy Trung Quốc không phải là một bên liên quan lành tính, họ đang làm tổn hại đến an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như Đông Nam Á, không những thế nó còn tạo ra các tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu.
Cuồng vọng của Trung Quốc thống trị chiến lược toàn bộ Biển Đông cũng đẩy Trung Quốc và Mỹ vào thế so găng chiến lược ở Tây Thái Bình Dương. Trong khi phân cực chiến lược đối phó với tham vọng Trung Quốc đang bắt đầu hình thành ở châu Á.
Về phía Hoa Kỳ, quân đội Mỹ được cho là đã hoàn thành kế hoạch dự phòng để Washington sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Philippines hay Nhật Bản. Một cuộc tấn công vào Việt Nam cũng có thể dẫn đến những phản ứng tương tự của Mỹ.
Đối với Nhật Bản, chiến lược thống trị toàn bộ Biển Đông và Hoa Đông từ phía Trung Quốc có thể đẩy Nhật Bản vào thế phải trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia và sự sống còn của mình. Ấn Độ đã từng bị đẩy vào tình thế tương tự năm 1998 mặc dù họ đã tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân hòa bình đầu tiên của mình năm 1974.
Kết luận vấn đề, Tiến sĩ Subhash Kapila cho rằng, chính các hành động hung hăng khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đã biến vùng biển này thành một thùng thuốc súng, kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy. Bắc Kinh đang đánh bạc với nhận thức rằng sức mạnh của Mỹ đang suy giảm, còn Án Độ và Nhật Bản thì không thể kết hợp chiến lược với nhau, vì vậy Bắc Kinh có thể rảnh tay thống trị toàn bộ Biển Đông.
Trung Quốc dường như không biết gì về những bài học của thế kỷ 20 khi mà các thế lực bành trướng sử dụng sức mạnh quân sự hoặc đe dọa dùng vũ lực cố gắng phá vỡ sự cân bằng chiến lược, cuối cùng đều kết thúc trong sự ô nhục.
Hồng Thuỷ - GDVN
Comments[ 0 ]
Post a Comment