Từ người lính đầu tiên hy sinh trên quần đảo Trường Sa chính vào ngày nổ súng mở màn Chiến dịch giải phóng đảo, ngày 14/4/1975 đến những người lính ra đời năm 1975 cũng gửi tuổi hai mươi cùng sóng nước Trường Sa.
Viếng liệt sỹ đầu tiên hy sinh trên đảo năm 1975
Từ những người lính dũng cảm cứu xuồng hy sinh đến người lính hy sinh chỉ để cứu chiếc balô di vật của đồng đội đã hy sinh trước đó. Rồi người lính hy sinh đúng ngày lễ tình yêu khi chưa kịp yêu một người con gái. Câu chuyện về những liệt sĩ Trường Sa như những nốt trầm day dứt giữa đại dương xanh thẳm...
Liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa
Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc ngay từ những ngày đầu giải phóng đã thấm máu đào của các liệt sĩ. Ông Lại Văn Giang, Chính trị viên Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5, đơn vị tham gia giải phóng Trường Sa tháng 4/1975 kể lại:
“Khi chúng tôi ra giải phóng Trường Sa, tình thế rất khẩn trương, cấp trên chỉ đạo nếu chậm trễ nước ngoài có thể chiếm đảo từ quân đội Sài Gòn. Cuộc chiến đấu trên hai đảo Song Tử Tây và Nam Yết diễn ra rất gay go, quyết liệt. Tại đảo Song Tử Tây, nơi diễn ra trận đánh mở màn, đã có liệt sĩ đầu tiên và cũng là liệt sĩ duy nhất hy sinh khi giải phóng Trường Sa. Còn tại trận đánh đảo Nam Yết do tôi tham gia chỉ huy, sau khi ta nổ súng gần 40 phút địch mới đầu hàng, đã có 3 chiến sĩ bị thương”.Ðại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 hải quân, một người từng tham gia tiếp quản Trường Sa những ngày cuối tháng 4-1975 kể lại: Khi chúng tôi vào tiếp quản đảo Song Tử Tây, lên đảo, việc đầu tiên đoàn công tác làm là vào viếng ngôi mộ mới đắp của liệt sĩ Tống Văn Quang. Anh Quang là chiến sĩ đặc công hải quân của Ðoàn 126, quê tận tỉnh Cao Bằng, hy sinh ngày 14-4-1975. Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể, phóng viên Báo Quân đội nhân dân may mắn được ra Trường Sa theo đoàn phái viên của Bộ Tổng tham mưu vào tháng 5-1975 đã chụp lại được bức ảnh viếng mộ liệt sĩ Quang. Có lẽ đây cũng là những hình ảnh đầu tiên về các liệt sĩ Trường Sa, được chụp rất sớm và chân thực.
Hy sinh vì cứu balô của liệt sĩ
Trong tác phẩm “Ðảo chìm” của Trần Ðăng Khoa viết về Trường Sa của những năm đầu sau giải phóng, cũng khắc họa sâu đậm sự hy sinh của những người lính. Trong đó, đoạn kết của tác phẩm là sự hy sinh của người lính mang tên “Hai Ùm” chỉ vì trong dông bão, anh cố chèo xuồng vào đảo chỉ để cứu… chiếc balô của một người lính trẻ trước đó đã hy sinh. Vì lời hứa với đồng đội, Hai phải cố vào đảo để cứu chiếc balô có bộ quân phục của người lính đã hy sinh để mang về cho mẹ anh, người mẹ già mòn mỏi đợi chờ ở quê.
Sau này, nhà thơ Trần Ðăng Khoa kể lại, câu chuyện trên hoàn toàn có thật, nhân vật Hai “ùm” cũng là có thật. Anh tên thật là Phạm Văn Hai, quê ở Hà Nam. Khi Trần Ðăng Khoa lên đảo Thuyền Chài, Hai đã giao cái balô của Hai cho Khoa giữ. Có những chi tiết đọc thấy gai người, là thỉnh thoảng cái balô lại chao lắc trong gió và đôi đũa lại khua vào cái bát sắt leng keng. Và những lúc như thế, Hai thường lần dậy, đơm bát nước ngọt, là cái quý nhất đảo, đặt lên thành giường, rồi chắp tay vái lên nóc bạt. Sau này, cũng vì sợ mất cái ba lô này mà Hai trở lại đảo cứu cái balô. Vì đó là balô của người lính đã mất không còn hài cốt, nên có thể đưa bảo vật này cho mẹ Thiêm, an táng làm mộ gió để có chỗ cho bà mẹ còn thắp hương cho con.
Sau 1975, gần 40 năm giữ Trường Sa, có nhiều người lính đã hy sinh vì những tình huống như thế. Năm 1984, ca sĩ Anh Ðào ra Trường Sa. Tới đảo Trường Sa Lớn, cô lần đầu tiên thấy mộ của một số liệt sĩ, chưa đưa được về đất liền. Nhìn những ngôi mộ đơn sơ nằm giữa vạt hoa muống biển, nhiều khi bị sóng trùm lên, cô ca sĩ trẻ cứ ôm vai người bên cạnh mà khóc như mưa như gió.
Sau sự kiện xảy ra năm 1988 quân Trung Quốc tấn công và chiếm đóng trái phép một số đảo của ta, biển Trường Sa thêm một lần mặn như máu bởi sự hy sinh của nhiều liệt sĩ. Trung tá Ðỗ Xuân Vạn, Trợ lý chính sách Phòng Chính trị, Lữ đoàn 146 Hải quân còn khắc ghi mãi trong ký ức nỗi xót thương đồng đội. Giữa biển khơi mênh mông mịt mùng ngày ấy, cũng chẳng có hòm, ván, hương hoa; chỉ có túi nilon được gọi bằng từ chuyên môn là “túi bảo quản” để an táng các anh. Phải đến nhiều năm sau, anh Vạn cùng đồng đội mới ra Trường Sa đưa hài cốt đồng đội về đất liền. Khi đó vào khoảng năm 1992, các liệt sĩ được trở về đất mẹ, trong đó có cả những người đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như Trần Văn Phương…
Trung tá Nguyễn Ðức Cung, giáo viên Trường trung cấp Kỹ thuật Tăng - Thiết giáp từng là bộ đội Trường Sa những năm 90 của thế kỷ trước vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh những nấm mồ liệt sĩ Trường Sa. Ở Trường Sa, không phải đảo nào cũng có thể mai táng được liệt sĩ nên có khi liệt sĩ hy sinh ở các đảo khác phải đưa về những đảo như Trường Sa Lớn, Nam Yết, Trường Sa Ðông…mai táng. Năm ấy, khu mộ liệt sĩ oái oăm thay lại chắn ngang ngay đường cơ động của phân đội xe tăng. Nhiệm vụ huấn luyện, tác chiến thì khẩn trương, không thể không cho xe cơ động. Thế là không còn cách nào khác, anh em phân đội xe tăng vẫn phải cho xe cơ động đè qua những ngôi mộ liệt sĩ. Lần nào cũng vậy, trước lúc xe xuất kích, bộ đội xe tăng lại phải làm lễ tạ lỗi đồng đội…
Cũng theo lời kể của anh Nguyễn Ðức Cung, có năm trên đảo Sinh Tồn Ðông, phân đội công binh đang xây dựng đảo, anh em thức cả đêm xây dựng mệt nhoài vừa chợp mắt thì gặp tai nạn, hy sinh liền lúc mấy người. Ðể mai táng cho đồng đội, anh em trên đảo phải nuốt nước mắt phá cả nhà kho lấy gỗ làm ván đắp cho các anh.
Hy sinh đúng ngày lễ tình yêu
Ở Trường Sa, do điều kiện khó khăn và thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, các liệt sĩ hy sinh phải 7-8 năm mới được bốc cốt đưa về đất liền và được về với gia đình. Hiện trên quần đảo Trường Sa, có một số “nghĩa trang liệt sĩ” nhỏ, mỗi nơi vài ba ngôi mộ nằm rải rác trên các đảo Nam Yết, Trường Sa Ðông, Trường Sa Lớn. Các ngôi mộ thường được bốc cốt và đưa về đất liền an táng vào dịp 27-7 hằng năm.
Năm 1975, quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng. Trong số liệt sĩ hy sinh vì Trường Sa, có những người đã sinh ra năm ấy. Cách đây vài năm, chúng tôi tới thăm đảo Trường Sa Ðông và đã gặp trên nghĩa trang nhỏ nằm kề mép đảo hai liệt sĩ như thế. Ðó là các liệt sĩ: Nguyễn Văn Thi, sinh ngày 15-4-1975, hy sinh ngày 14-4-2001, quê quán: Hoàng Minh, Hoàng Hóa, Thanh Hóa; Liệt sĩ Vương Viết Mão, sinh ngày 3-9-1975, hy sinh ngày 17-1-2004, quê quán: Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An.
Nguyễn Văn Thi là một nhân viên báo vụ. Thời gian anh làm nhiệm vụ trên đảo, Trường Sa còn thiếu thốn hơn bây giờ rất nhiều. Những chiếc xuồng CQ để bộ đội tuần tra cũng chưa có, phải dùng xuồng kéo dây. Trong một lần dông bão, xuồng bị nước biển cuốn trôi, Thi đã lao ra cứu xuồng và hy sinh giữa dòng nước dữ. Thi hy sinh khi chỉ còn 13 tiếng nữa là bước sang sinh nhật tuổi 26 của anh.
Còn với liệt sĩ Vương Viết Mão, anh hy sinh khi chỉ còn 4 ngày nữa là đến tết Nguyên đán (ngày 17-1-2004 tức 26-12 âm lịch). Khi ấy, Mão mới cưới vợ được ít lâu thì lên đường làm nhiệm vụ, chưa kịp có con. Anh hy sinh đúng vào chiều 26 tết, chưa kịp cùng đồng đội mở những thùng quà tết đón mùa xuân ở Trường Sa Ðông. Mộ các anh nằm ngay đầu đảo Trường Sa Ðông, hướng ra biển khơi lộng gió. Nhìn những dòng chữ “sinh năm 1975”... mắt chúng tôi bất giác nhòe đi.
Trên đảo Nam Yết hiện nay, cũng có nghĩa trang liệt sĩ nhỏ với 4 ngôi mộ nằm dưới rặng dừa xanh ven bờ biển lộng gió. Trong số những chiến sĩ trẻ hy sinh, tôi nhớ mãi mộ “Binh nhì Nguyễn Hoàng Phương, sinh 24-4-1995, quê Cam Ðức, Cam Lâm, Khánh Hòa. Anh hy sinh ngày 14-2-2014 (tức ngày 15-1 năm Giáp Ngọ), đúng vào ngày lễ tình yêu, khi ở tuổi 19, hình như Phương chưa kịp yêu một người con gái…
Theo Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment