Mặc dù có tham gia trong cuộc tập trận hải quân quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), Trung Quốc vẫn điều một tàu do thám đến vùng biển quốc tế ngoài khơi bang Hawaii (Mỹ) để theo dõi cuộc tập trận, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết hôm 19.7.
Tàu khu trục tên lửa Yueyang (Trung Quốc) rời đảo Hải Nam vào ngày 9.6 để đi tham dự tập trận RIMPAC tại Mỹ - Ảnh: Reuters
“Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang giám sát một tàu do thám Trung Quốc hoạt động gần Hawaii ngay bên ngoài lãnh hải Mỹ”, tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời đại tá Darryn James, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết.
“Chiếc tàu này không đi vào lãnh hải Mỹ và tuân thủ theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải. Nó không cản trở RIMPAC và chúng tôi không nghĩ nó sẽ làm vậy”, ông James nói.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc bên ngoài lãnh hải nước này đều tuân theo luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy tàu do thám Trung Quốc ở đây”, đại tá James cho biết. Đồng thời nói thêm rằng các nước tham gia RIMPAC khác không gửi tàu do thám để do thám cuộc tập trận như Trung Quốc. “Chúng tôi đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ thông tin tối quan trọng của chúng tôi”, ông James cho biết thêm.
Ông này cũng cho hay chiếc tàu do thám này giống với chiếc Trung Quốc đã gửi để theo dõi cuộc tập trận RIMPAC hồi năm 2012.
Tuy nhiên đại tá Mỹ đã từ chối cho biết vị trí chính xác của chiếc tàu, chỉ nói rằng nó xuất hiện trong khu vực sau khi RIMPAC chính thức bắt đầu hôm 26.6 và trước khi các tàu hải quân chuẩn bị ra khơi để bắt đầu tập trận hơn một tuần trước đây.
Được biết, cuộc tập trận dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 1.8, theo Wall Street Journal.
Hải quân Trung Quốc đã không hề thông báo cho phía Mỹ về việc sẽ gửi tàu do thám đến gần nơi tập trận, ông James nói, nhưng thừa nhận Trung Quốc cũng không bị buộc phải làm vậy vì chiếc tàu nằm trong vùng biển quốc tế.
RIMPAC tổ chức 2 năm một lần và là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới. Đợt tập trận năm 2014 có sự tham dự của 48 chiếc tàu, 6 tàu ngầm, 200 máy bay và 25.000 binh sĩ từ 22 quốc gia.
Trung Quốc đã gửi 4 tàu hải quân, 2 trực thăng và 1.100 binh sĩ. Đây là quốc gia gửi lực lượng tham gia với quy mô lớn thứ 2, sau Mỹ.
Hoàng Uy - Thanh Niên
Comments[ 0 ]
Post a Comment