Sự kiện giàn khoan HD-981 của Trung Quốc tiến hành khoan thăm dò trên thềm lục địa của Việt Nam có một cái... lợi. Vì hai sự kiện ngắn ngủi gần như liền kề nhau là Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạ thế và việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ tới biển Việt Nam dường như đã đánh thức tinh thần dân tộc và tình đoàn kết của người Việt Nam - vốn đang bị che khuất bởi chia rẽ nội bộ và cơm áo gạo tiền.
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Khác với Ucraina vốn là một phần của nước Nga xưa cũ và khác với Crum bản chất là của Nga, Việt Nam chưa bao giờ là của Trung Quốc.
Dòng chảy hàng nghìn năm lịch sử chỉ cho thấy một sự thật, Việt Nam luôn là mảnh đất mà các triều đại Trung Quốc xưa và chính thể hiện tại của Trung Quốc thèm muốn.
Trung Hoa cổ luôn cần Việt Nam bởi đó là cánh cửa mở vào bán đảo Trung Ấn rộng lớn và màu mỡ. Trung Quốc hiện đại cần Việt Nam vì đó là lối an toàn khả dĩ duy nhất cho họ đi ra đại dương và đáy biển thì luôn đầy dầu mỏ.
Trung Quốc luôn cần Việt Nam bởi thực tế của lịch sử là, dân tộc Trung Hoa luôn tìm mọi cách mở rộng biên giới của mình, và thường là họ đạt được mục đích ấy.
Sự "thành công" ấy, được gọi chủ nghĩa Đại Hán - thứ chủ nghĩa kệch cỡm và thô bạo - đến mức họ mặc nhiên coi, là nơi nào xuất hiện người Trung Quốc, thì ở đó là biên giới của Trung Quốc. Với đất nước này, khái niệm địa lý về biên giới quốc gia không có giá trị. Mà chỉ có khái niệm láng giềng phụ thuộc và thuần phục họ đến đâu.
Trong 5000 lịch sử, đất nước Trung Hoa dẫu có đôi lần bị đánh bại bởi các dân tộc mà họ gọi là mọi rợ vào thời Nguyên và Thanh. Nhưng ngay sau khi thần dân hóa các dân tộc Trung Hoa, thì kẻ chiến thắng dần bị chinh phục bởi nền văn hóa của kẻ chiến bại. Đất đai của những kẻ bị đồng hóa, cũng lại là lãnh thổ của Trung Quốc, hoặc chịu ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc.
Suốt chiều dài dằng dặc hàng nghìn năm ấy, Việt Nam là vùng đất chưa bao giờ người Trung Quốc thu phục được, mà lại luôn là nơi làm các triều đại Trung Hoa thua trận trong tủi hổ, bẽ bàng nhất.
Cho đến thời hiện đại, mấy chục năm bị xâu xé bởi các quốc gia khác cũng chưa kịp định hình cho người Trung Quốc sự thấu hiểu và cảm thông với những quốc gia dân tộc bị mất chủ quyền. Thay vào đó, họ tận dụng tối đa cơ hội để trục lợi trên sự tồn vong của dân tộc khác.
Cao Ly - sau vài năm chiến tranh - đã chia đôi bởi hiệp định được giật dây bởi Trung Quốc và Mỹ. Nam Hàn thoát khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và Triều Tiên được Trung Quốc "che chở" như thế nào giờ ai cũng rõ.
Campuchia với PolPot được Trung Quốc ủng hộ, giúp đỡ bằng nạn diệt chủng, giờ tiếp tục đang nhận những đồng "đô la Trung Quốc" viện trợ để mơ giấc mơ độc lập chủ quyền, và dâng những vùng đất tốt nhất, những ngành kinh tế tiềm năng nhất của họ cho những ông chủ Trung Quốc.
Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Mông Cổ, Nội Mông... phải giữ gìn sự hữu hảo bang giao với Trung Quốc với sự nhượng bộ bằng hàng chục nghìn km2 đất đai, và mở cửa nền kinh tế tối đa cho người Trung Quốc.
Và Việt Nam - quốc gia mà Trung Hoa luôn muốn biến thành lãnh thổ của họ - giành lại chính quyền cho mình năm 1945, đã vô cùng sung sướng khi lần đầu tiên sau hàng nghìn năm bị coi là phiên thuộc, được người Trung Quốc gọi là bạn.
Tâm lý cảnh giác có tính di truyền với Trung Quốc của người Việt đã mềm đi, với sự chia sẻ của Trung Quốc trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc với Pháp và Mỹ.
Tình bang giao hữu hảo Việt Nam - Trung Quốc, với các thế hệ lãnh tụ của Trung Quốc, là thứ hàng hóa có giá trị, đến mức có thể được đem bán với giá cao. Vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Trung Quốc lấy quốc gia của những người mà họ gọi là "anh em" ra mặc cả với Mỹ. Khi đã bán xong, thì chỉ vài ngày trước khi người Việt tự xử lý được những vấn đề của quốc gia mình, Trung Quốc xua quân chiếm luôn quần đảo Hoàng Sa của "anh em".
Sự hữu hảo Việt - Trung, ngay từ đầu, đã là kiểu quan hệ lừa đảo.
Trung Quốc cần Việt Nam chiến đấu không phải cho độc lập của Việt Nam, mà là cần Việt Nam trở thành phên dậu phía Nam của Trung Quốc. Khi Việt Nam làm được điều ấy, là lúc Trung Quốc quay ra cướp đất của anh em.
Suốt thời gian 40 năm sau sự kiện cướp đất ấy, Trung Quốc "hữu hảo" với láng giềng Việt Nam bằng cách kích động cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phát động chiến tranh biên giới phía Bắc, cả hai đều kéo dài gần 10 năm. Nhờ hai cuộc chiến ấy, Trung Quốc thực tế đã làm người Việt Nam kiệt sức, không thể thu hồi được các quần đảo đã bị ăn cướp.
Và giờ thì Trung Quốc kéo giàn khoan cắm trên thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đâu chỉ cần dầu từ vùng biển ấy. Cái mà người Trung Quốc cần, là một lý do để tàu chiến của họ có thể thoải mái rẽ nước trên biển của người anh em, với lý do bảo vệ giàn khoan.
Cái nữa mà người Trung Quốc cần, là cộng đồng các quốc gia láng giềng trên biển và đất liền phải chấp nhận sự thật là họ không thể làm gì được khi người Trung Quốc đã muốn.
Với người Trung Quốc, đó là một đòn dằn mặt những anh hàng xóm nhỏ bé nhưng lại cứ muốn bằng vai với họ.
Chủ nghĩa Đại Hán không coi ai là bằng hữu. Khắp gầm trời này và từ cả nghìn năm lịch sử, chỉ có hoàng đế Trung Quốc nhận mình là ... Thiên tử.
Vậy thì Việt Nam có cần Trung Quốc ? Từ lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ cần Trung Quốc. Nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn đang tìm cách tránh ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Vì nếu năm 2001, Việt Nam mới nhập siêu từ Trung Quốc 210 triệu USD, thì đến cuối năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới hơn 36,9 tỉ USD.
Áp lực từ 36,9 tỉ USD nhập siêu này lớn hơn, hay là từ giàn khoan HD-981 Trung Quốc "cắm" ngoài biển Việt Nam kia lớn hơn ? Điều gì sẽ xảy ra ở Việt Nam, nếu Trung Quốc "đóng băng" quan hệ thương mại ?
Nhiều năm, Việt Nam đã nỗ lực thoát phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách gia tăng tỷ lệ nhập khẩu từ các quốc gia khác. Trong 4 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 45,74 tỉ USD và nhập khẩu gần 45,1 tỉ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc dù giảm về tỷ lệ, nhưng vẫn chiếm gần 27,5%.
Sẽ phải mất vài năm nữa, Việt Nam mới cân bằng được tỷ lệ này.
Nhưng nếu người Trung Quốc tin cách làm ấy sẽ đảm bảo họ giữ được những phần biển ăn cướp, thì họ lại nhầm, như tổ tiên họ đã nhầm trong quan hệ với người Việt, từ hàng nghìn năm qua.
Khi nào người Trung Quốc còn áp dụng chủ nghĩa Đại Hán của họ trong quan hệ với láng giềng, khi ấy họ không thể có được những người bạn.
Quốc Dũng - Quốc Phòng An Ninh
Comments[ 0 ]
Post a Comment