Trung Quốc chưa sẵn sàng làm một đối tác có trách nhiệm trong các hoạt động quân sự quốc tế với trò chơi hai mặt.
Sức mạnh đội tàu Trung Quốc tham gia RIMPAC
Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập trên biển có quy mô lớn nhất toàn cầu, “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC-2014) theo lời mời của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. RIMPAC diễn ra từ ngày 26/6 đến 1/8 với sự tham gia của 49 tàu mặt nước và 6 tàu ngầm đến từ 23 quốc gia.
Lực lượng được Bắc Kinh điều động đến tham gia cuộc diễn tập này chỉ đứng sau Mỹ: 1 tàu khu trục tên lửa, 1 tàu hộ vệ tên lửa, 1 tàu vận tải tổng hợp và 1 tàu bệnh viện, 2 trực thăng và 1.100 binh sĩ và thợ lặn.
Mỹ phải chăng đã tính sai nước cờ?
Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, RIMPAC được khởi xướng nhằm giúp Mỹ và lực lượng đồng minh đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô. Qua việc mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2014, Mỹ muốn loại bỏ quan niệm cho rằng Washington luôn theo đuổi mục tiêu “kiềm chế Trung Quốc”, điều vốn nổi lên từ RIMPAC 2008, trong đó Trung Quốc và Nga không được mời tham gia. Hải quân Mỹ cũng hi vọng tăng cường can dự với lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN).
Đã có nhiều sự cố xảy ra trên biển giữa lực lượng hai nước bất chấp việc hai bên đã ký kết Thỏa thuận tham vấn quân sự trên biển (MMCA) năm 1998. Điển hình là các sự kiện: Máy bay chiến đấu Trung Quốc va chạm máy bay do thám của Mỹ (năm 2001) trên vùng trời Biển Đông; tàu chiến Trung Quốc bao vây và quấy rối tàu thăm dò hải dương USS Impeccable của quân đội Mỹ (năm 2009) và vụ chiến hạm Trung Quốc “chạy cắt mặt” tàu chiến USS Cowpens của Mỹ ở Biển Đông (năm 2013).
Mỹ đang khuyến khích phía Trung Quốc minh bạch hơn về chi tiêu quốc phòng, các kế hoạch phát triển hải quân dài hạn, dự tính và chiến lược của Bắc Kinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông và biển Hoa Đông, những vùng biển đã xuất hiện nhiều dấu hiệu căng thẳng thời gian gần đây. Trên hết, Mỹ muốn thông qua diễn tập chung để thăm dò mức độ hiện đại hóa và thực chất khả năng tác chiến của hải quân Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, RIMPAC mở ra cơ hội phối hợp về quân sự giữa hai nước bên ngoài vùng biển của nước này. Trung Quốc cũng sẽ nâng cao vị thế của mình là một nước lớn trên biển. Thanh thế của Trung Quốc sẽ được “đánh bóng” nếu tàu và máy bay của họ thể hiện tốt dưới sự dõi theo sát sao của quốc tế. Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại một cuộc họp báo gần đây, cho rằng “sự tham gia của Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với lực lượng hải quân các nước đồng thời cải thiện khả năng chiến đấu nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng của nước này”.
Lực lượng hải quân Trung Quốc muốn có một vai trò đáng kể tại RIMPAC để phản ánh sự đóng góp to lớn của họ đối với cuộc tập trận và thể hiện nỗ lực của họ nhằm định hình lại quan hệ với Mỹ như một cường quốc cân bằng về sức mạnh.
Trung Quốc - “mối lo ngại kép”
Trước hành vi hiếu chiến của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng ở châu Á-Thái Bình Dương gần đây, hạ nghị sĩ J. Randy Forbes, thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, cảm thấy Washington cần thận trọng khi trao cho Trung Quốc cơ hội tham gia cuộc tập trận uy tín như RIMPAC.
Dana Rohrabacher, chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nhấn mạnh: “Tại sao chúng ta phải mời đối thủ tiềm năng tới để chứng kiến những điểm yếu?”.
Việc cho phép Trung Quốc tham gia RIMPAC sẽ đe dọa nền an ninh của Mỹ. Theo đánh giá của Rick Fisher, chuyên gia nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, RIMPAC sẽ tạo cơ hội cho quân đội Trung Quốc quan sát Hải quân Mỹ tương tác với các đồng minh thông qua các bài tập trận. Việc này sẽ mang tới lợi thế cho Bắc Kinh trong trường hợp xung đột quân sự xảy ra.
John Tkacik, cựu quan chức tình báo Bộ Ngoại giao Mỹ, nghi ngờ sự sáng suốt trong quyết định để Trung Quốc dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới. “Hành động này khiến tôi liên tưởng đến việc mời một con cáo đến dự hội thảo về bảo vệ chuồng gà”.
Các cuộc họp bàn về phạm vi tham gia của Trung Quốc tại RIMPAC giữa quan chức quân đội Mỹ, Lầu Năm Góc với Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ cũng đã phản ánh mối quan hệ biến động đầy phức tạp giữa hai “ông lớn” quân sự của thế giới. Đặc biệt khi RIMPAC có sự tham gia của Nhật Bản và Philippines, vốn có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời các câu hỏi về kế hoạch chi tiết tham gia RIMPAC. Nhưng nhiều nguồn tin cho biết, Trung Quốc không muốn chịu sự chỉ huy của Nhật Bản tại RIMPAC dù đô đốc người Nhật là phó chỉ huy cuộc diễn tập chung. Và Nhật Bản cũng là một thành viên lâu đời, có vai trò quan trọng hàng đầu trong RIMPAC.
Trước đó, Trung Quốc đã rút lại yêu cầu tham gia hoạt động diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, khi biết hoạt động này do một sỹ quan Nhật Bản chỉ đạo.
Phạm vi hoạt động của Trung Quốc tại RIMPAC cũng bị hạn chế và chỉ được tham dự một số cuộc diễn tập vì mục đích nhân đạo. Đại úy Darryn James, phát ngôn viên trưởng của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết “Trung Quốc yêu cầu được tham gia hoạt động đột kích tàu địch giả định, đòi hỏi có sự góp mặt của lính đặc công nhảy dù để binh sĩ của họ được thực chiến, nhưng chúng tôi từ chối”.
Trước đó, Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2000 (NDAA 2000) của Mỹ đã nêu ra 12 lĩnh vực hạn chế trong tương tác quân sự với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang hủy hoại lòng tin do việc hải quân nước này điều một tàu do thám điện tử hoạt động trong vùng biển cách xa ngoài khơi Quần đảo Hawaii. Đại úy Darryn James cho biết, hiện tại Hải quân Mỹ đang tiến hành theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của tàu do thám điện tử nói trên của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc có thể lợi dụng cuộc tập trận để tiến hành thu thập các thông tin tình báo quan trọng từ lực lượng tàu chiến quốc tế tham gia diễn tập chung.
Phía Mỹ đánh giá đây là hành động thiếu tôn trọng của Trung Quốc đối với 23 nước tham gia RIMPAC, cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng làm một đối tác có trách nhiệm trong các hoạt động quân sự quốc tế mà nước này tham gia. Và rất có thể đây là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng Hải quân Trung Quốc được mời tham gia vào hoạt động tập trận hải quân lớn nhất thế giới này./.
An Bình
Tổ Quốc (toquoc.gov.vn)
Comments[ 0 ]
Post a Comment