Việc Nhật Bản quyết định cho phép phòng vệ tập thể là một phần của những thay đổi nhanh chóng cán cân sức mạnh ở châu Á, khi Trung Quốc đang hiện thực hóa yêu sách với một phần lớn lãnh hải ở Biển Đông và Hoa Đông, hai tuyến hàng hải chiến lược của khu vực.
Quân đội Nhật được phép dừng các tàu trên biển để kiểm tra, nếu nghi ngờ các tàu đó mang theo vũ khí có thể tấn công Mỹ ở khu vực gần Nhật Bản. Ảnh: Freewebs
Kazuhisa Kawakami, chuyên gia chính trị tại Đại học Meiji Gakuin, Tokyo đánh giá: "Áp lực gia tăng từ Trung Quốc đã làm thay đổi cuộc tranh luận chính trị trong nội bộ Nhật Bản".
Áp lực từ Trung Quốc ở đây chính là sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc đang gây ra thách thức đối với vị trí thống trị của Mỹ và các đồng minh, trong đó có Nhật Bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả cuối cùng của cuộc tranh luận này là quyết định diễn giải lại Hiến pháp của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, cho phép quân đội nước này tham chiến để bảo vệ đồng minh.
"Tình hình thế giới xung quanh Nhật đang ngày càng trở nên gay go. Để chuẩn bị cho mỗi viễn cảnh có khả năng xảy ra, cần phải có các biện pháp lập pháp liền mạch để chúng ta có thể bảo vệ cuộc sống và hòa bình của người dân", Wall Street Journal dẫn lời ông Abe cho hay.
Một trong những thay đổi cơ bản là quân đội Nhật được phép dừng các tàu qua lại trên biển gần nước này để kiểm tra, khi họ tin rằng những tàu đó mang theo vũ khí tới một nước thứ ba để tấn công tàu của Mỹ, tức là chiến sự có nguy cơ tràn vào Nhật.
Trong khi Thủ tướng Nhật Abe nhấn mạnh về quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, với thay đổi chính sách quân sự này, một số nhà phân tích cho rằng chính sách mới cũng cho phép Nhật tìm kiếm liên minh quân sự dễ dàng hơn với Philippines và một số nước khác cùng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Hồi cuối tháng 5, tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Thủ tướng Nhật cũng công khai công bố nước này sẽ ủng hộ tối đa cho Đông Nam Á nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu tại Học viện Quốc phòng Australia, đánh giá sự "hỗ trợ tối đa" của Nhật dành cho các nước ASEAN không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tàu tuần tra, mà có thể báo hiệu vai trò lớn hơn của Tuần duyên, thậm chí là của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Hai lực lượng này sẽ hỗ trợ các nước ASEAN, trong đó có Philippines và Việt Nam, xây dựng năng lực và huấn luyện.
"Nhật đang trải qua thời phục hưng về an ninh. Điều đáng chú ý là không phải mọi điều đang thay đổi mà là chúng thay đổi theo cách ít phô trương", Andrew L. Oros, giám đốc khoa Nghiên cứu quốc tế tại trường Washington ở Chestertown, Maryland, Mỹ, nhận xét.
Nhắc lại tuyên bố của ông Abe tại Shangri-la, Zack Cooper, chuyên gia tại trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS), Mỹ, nhận định trên tờDW của Đức rằng, việc Nhật tuyên bố ủng hộ tối đa Đông Nam Á, sẽ được hiện thực hóa nhờ chính sách nới lỏng hạn chế quân sự.
Cùng với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc đều bị Trung Quốc gây áp lực vì có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trong nhiều tháng và nhiều năm nay.
Tại Biển Đông, Trung Quốc yêu sách chủ quyền gần bao trọn khu vực này, xâm phạm các vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Tại Hoa Đông, Trung Quốc tranh chấp với Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và với Hàn Quốc ở một dải đá ngầm. Trung Quốc cũng tuyên bố rằng bang Arunachal Pradesh mà hiện Ấn Độ quản lý là của mình.
Richard J. Samuels, giám đốc trung tâm Nghiên cứu quốc tế tại viện Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ nhận định: "Động thái của Nhật cho thấy nước này cùng các nước khác phải nghĩ đến an ninh của chính mình một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết. Vừa duy trì liên minh với Mỹ, các nước vừa tìm cách vươn ra hợp tác với nhau theo những phương cách mới".
Trước những viễn cảnh không lấy gì làm thích thú này. Trung Quốc đã lên án gay gắt ngay khi Nhật Bản thông qua việc diễn giải lại Hiến pháp, nới lỏng hạn chế quân sự. Thậm chí, trên Russia Today, nhà bình luận Conn Hallinan của tờ Foreign Policy còn cảnh báo biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hiện trở thành khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới khi Nhật diễn giải lại Hiến pháp.
Nhà báo Shannon Tiezzi của The Diplmat dự đoán, Trung Quốc có thể sử dụng chiến thuật hai mặt với Nhật. Một mặt Trung Quốc thể hiện sự phản đối kịch liệt với chính quyền của ông Abe, lên án là kẻ gây rối ở khu vực. Mặt khác, Trung Quốc vẫn thể hiện thiện chí hợp tác với các chính trị gia và doanh nhân Nhật, đối đãi đặc biệt với những người phản đối chính sách nới lỏng quân sự của ông Abe.
Bằng cách này, Trung Quốc cố gắng vượt lên trước ông Abe khi tác động trực tiếp vào số đông người dân Nhật Bản. Mặc dù cuộc điều tra mới đây cho thấy có đến 90% người Nhật có ấn tượng xấu với Trung Quốc, nhưng điều đó dường như không ngăn Bắc Kinh thử dấn lên.
Khánh Lynh - VnExpress
Comments[ 0 ]
Post a Comment