Ngày 29.7, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, chuẩn đô đốc Samuel Locklear cho biết đã có 18 nước, trong đó có Việt Nam, nhận lời tham gia cuộc diễn tập chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Fortune Guard 2014 ở Hawaii từ 4 - 7.8.2014.
Tàu hậu cần USNS Henry J. Kaiser (trái) trong một cuộc diễn tập quân sự của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương - Ảnh: Hải quân Mỹ
Việt Nam đã tham gia Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt (PSI, ra đời từ năm 2003) ngày 21.5.2014. Đến nay số nước tham gia PSI lên đến 104.
Cuộc diễn tập này nằm trong khuôn khổ PSI, do Mỹ làm nước chủ nhà, sẽ bao gồm các hoạt động hội thảo, tác nghiệp tại cảng và thực hành giám sát, diễn tập trên biển ngăn chặn và kiểm tra tàu thuyền nghi chuyên chở vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Mỹ đã mời 35 nước tham gia, trong đó có Trung Quốc, và đến nay đã có 18 nước xác nhận tham dự gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Malaysia, Việt Nam, Canada, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.
Đây là cuộc diễn tập đầu tiên do Mỹ tổ chức tại Thái Bình Dương về chủ đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Và các năm sắp tới, diễn tập sẽ do 5 nước tổ chức: New Zealand, Úc, Singapore, Nhật, Hàn Quốc.
Theo các quan chức Mỹ, những nỗ lực để bí mật vận chuyển vũ khí hủy diệt hàng loạt nay đã trở nên tinh vi hơn, thường chia nhỏ các loại vũ khí thành từng phần rời để ngụy trang tốt hơn trong việc vận chuyển và giao hàng. Một số dạng vũ khí loại này nay tồn tại ở hình thức sử dụng kép (dùng cho dân sự lẫn quân sự), và đây là một cách mà các quốc gia có thể phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các mặt hàng sử dụng kép này rất khó để theo dõi và chứng minh mục đích dùng làm vũ khí.
Việc vận chuyển vũ khí dạng này không còn chủ yếu qua đường biển như trước mà nay thông qua vận chuyển bằng đường hàng không và đường bộ, do vậy việc phát hiện trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Các cuộc diễn tập như Fortune Guard 2014 này cung cấp một diễn đàn cho các nước để chứng minh ý định hành động và tăng cường khả năng cùng năng lực của mình, chia sẻ các chiến thuật tốt nhất chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo các quan chức quốc phòng Mỹ.
Fortune Guard cũng tập trung vào nhận biết các mặt hàng sử dụng kép và phương thức vận chuyển đa dạng của chúng.
“Quân đội có thể đóng vai trò một phần trong toàn bộ nỗ lực của chính phủ, nhưng cũng cần đến các ngành ngoại giao, hải quan, biên phòng cùng phối hợp ngăn chặn", vị nữ quan chức quốc phòng nay nói.
Tàu hậu cần USNS Henry J. Kaiser (phải) sẽ đóng vai trò tàu tình nghi chở vũ khí hủy diệt hàng loạt tại cuộc diễn tập Fortune Guard 2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Trong buổi tác nghiệp diễn tập trên biển, các nước tham dự sẽ hoạt động trên tàu hậu cần của Mỹ, chiếc USNS Henry J. Kaiser đóng vai trò là tàu tình nghi chở vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhật và Hàn Quốc sẽ cung cấp tàu chiến làm tàu giám sát kiểm tra cùng nhân viên của tàu tình nghi, Úc sẽ cung cấp nhân viên kiểm tra tàu.
Cuộc diễn tập còn có các hội thảo báo cáo về phân biệt nhận dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt, quan hệ giữa PSI với Liên Hiệp Quốc (Canada báo cáo), Na Uy nói về bài học đưa vũ khí hóa học khỏi Syria...
Báo Thanh Niên
Comments[ 0 ]
Post a Comment