Xuồng đệm khí có thể di chuyển tốc độ cao trên mặt sông, hồ, mặt đất, xoay vòng 360 độ một cách dễ dàng.
Hai chiếc xuồng đệm khí của Công binh Việt Nam.
Mới đây, Lữ đoàn 249 (Bộ tư lệnh Công binh) vừa đưa xuồng đệm khí, một loại khí tài mới vào huấn luyện cho các đối tượng trong đơn vị, phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ quân sự khác.
Xuồng đệm khí này do hãng Leoteric Hovercrast (Mỹ) sản xuất. Xuồng có cấu tạo gồm các hệ thống: động cơ, nâng, thổi khí, đẩy, điều khiển và nút bấm, cấp nhiên liệu và hệ thống bảo vệ động cơ, vỏ bọc thiết bị.
Hệ thống động cơ của xuồng gồm 3 động cơ 2 thì có công suất 100 CV và có mức tiêu thụ nhiên liệu 12 lít/giờ. Thùng cấp nhiên liệu chứa được 52 lít. Nhiên liệu sử dụng là xăng pha dầu nhờt với tỉ lệ 1 lít dầu nhờt/40 lít xăng. Nguồn điện dùng cho máy hoạt động là 2 bình điện loại 12v. Hệ thống máy sử dụng dung dịch làm mát.
Với hệ thống động cơ đó, xuồng có thể hoạt động liên tục trong 4,3 giờ. Tốc độ tối đa khi đi trên cạn vào khoảng 15km/giờ và dưới nước vào khoảng 62km/giờ. Xuồng có tải trọng khoảng 400kg và có thể chở theo được khoảng 7 người.
Khi di chuyển, xuồng đệm khí này có thể xoay vòng 360 độ hoặc di chuyển dọc, sang ngang khi cần thiết. Ưu điểm của loại xuồng này so với các loại xuồng chân vịt truyền thống là triển khai nhanh, điều khiển dễ dàng, có thể di chuyển dưới nước trong điều sóng to, gió lớn với tốc độ cao kể cả ở trên bờ và dưới nước.
Các chiến sĩ công binh lái xuồng đệm khí phi nước đại trên mặt hồ.
Xuồng đệm khí có nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Quạt nâng cung cấp khí cho váy (làm căng phồng) và duy trì áp lực đệm khí trong không gian được vây bởi váy khí. Bánh lái đặt ở phần đuôi xuồng đảm nhiệm việc điều khiển tàu. Váy đệm khí được gắn chặt với phần thân tàu, giúp duy trì đệm khí dưới xuồng. Chong chóng đẩy nằm ở phía xa đuôi tàu, đóng góp lực đẩy chính cho xuồng. Điểm đặc biệt của loại xuồng này là khi di chuyển, thân xuồng không chạm nước bởi nó tạo ra một lớp đệm khí. Với nguyên tắc hoạt động này, nó không chỉ chạy trên mặt sông, hồ, biển mà còn có thể... lướt nhẹ trên mặt đất. Loại xuồng này đặc biệt hiệu quả ở vùng có mớn nước nông hoặc bị rong rêu không sử dụng được loại xuồng chân vịt.
Xuồng đệm khí có thể chạy tốt trên mặt đất.
Xuồng đệm khí được sử dụng rộng rãi trong cứu hộ, thể thao dưới nước, hải quan, du lịch... tại nhiều nước trên thế giới. Hiện ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa thấy công bố nào về một thiết kế và quy trình công nghệ sản xuất hoàn chỉnh cũng như việc chế tạo và chạy thử liên quan đến tàu đệm khí.
Do đặc thù tàu có cỡ nhỏ, chạy nhanh nên được quan tâm nhiều trong cả quân sự lẫn dân sự. Loại hình tàu này có thể được ứng dụng cho các loại tàu tuần tra, bảo vệ, tàu thể thao, cứu nạn, tàu thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt của hải quân...
Trên thực tế, tại Việt Nam, xuồng và tàu đệm khí phù hợp cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật hàng không, công nghệ vật liệu, điều khiển tự động, kỹ thuật đo lường, trong hoạt động quân sự…
Đức Tâm - KienThuc.net.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment