Đời binh nghiệp của ông gắn liền với Trường Sa và sự nghiệp giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nghỉ cầm súng, ông tiếp tục cầm bút để nghiên cứu và đưa ra những cứ liệu lịch sử về chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Đại tá Trần Dực và những tư liệu ông dịch thuật phục vụ công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa
Tuổi đã gần 90 nhưng giọng đại tá Trần Dực vẫn sang sảng đọc cho tôi nghe những câu thơ ông viết về Trường Sa: Ơn tiên tổ mấy trăm năm gìn giữ/ Gió cát bão bùng chơ vơ đảo nhỏ/ Từng tấc, từng phân yêu quý thiêng liêng. Những câu trong bài thơ Trường Sa yêu thương này được ông sáng tác trong giai đoạn làm phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Thời ấy, ông ra Trường Sa rồi lại theo các chuyến tàu đi khắp các đảo trên nhiều vùng biển Tổ quốc. Khi trở thành một nhà nghiên cứu về Trường Sa, ông vẫn luôn tâm niệm chủ quyền ở quần đảo này là Từng tấc, từng phân yêu quý thiêng liêng.
Duyên nợ với biển đảo
Từ đầu những năm 1990, có một nhà nghiên cứu đã âm thầm sưu tầm, dịch những tài liệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa từ tiếng Pháp, tiếng Trung. Ông đã giúp Ban Biên giới Chính phủ làm dày kho sử liệu và có đủ bằng chứng để phản bác lại những luận điệu của Trung Quốc khi nói về 2 quần đảo này.
Nhiều tài liệu lưu trữ ở Ban Biên giới Chính phủ vẫn còn ghi rõ người dịch là tác giả Trần Chí Nhân. Nhà nghiên cứu ấy thật ra lại là một người tay ngang, nguyên sĩ quan cao cấp của Quân chủng Hải quân, người gắn bó sâu nặng với sự nghiệp giữ gìn biển đảo Tổ quốc - đại tá Trần Dực.
Đại tá Dực còn lưu giữ nhiều ký ức về Trường Sa gian khó nhưng sống động và một Trường Sa trong suốt chiều dài dựng nước, giữ nước. Sau khi Trường Sa được giải phóng vào tháng 4-1975, ông là người dẫn đầu đoàn công tác đầu tiên của Quân chủng Hải quân ra quần đảo này - ngày 7-11-1975. Đoàn công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, nắm tình hình tại các đảo mà ta đóng quân để đưa ra các đề xuất về bố trí lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chuyển tải, thay phiên tại các đảo.
“Chuyến tàu của chúng tôi xuất phát từ cảng Hải Phòng và đi qua các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, An Bang, sau đó về quân cảng Cam Ranh, tổng kết tại Lữ đoàn 126” - ông Dực nhớ lại. Vị đại tá được Quân chủng Hải quân đặt niềm tin, giao trọng trách nặng nề nghiên cứu bố trí phương án phòng thủ Trường Sa những ngày đầu ta giành lại chủ quyền ở quần đảo này là do suốt những năm 1960, ông đã quán xuyến công việc bố phòng hỏa lực để bảo vệ các đảo ở khu vực biển Đông Bắc.
Sau khi lo xong việc bố phòng hỏa lực ở các đảo Đông Bắc, tháng 11-1968, vị sĩ quan pháo binh từng có mặt ở chiến dịch Điện Biên Phủ được điều trở lại Bộ Tư lệnh Pháo binh mang đại pháo vào chiến trường Tây Nguyên đánh lớn. Đến năm 1975, khi Quân chủng Hải quân cần những người có kinhnghiệm về tái thiết đảo, bố phòng lực lượng bảo vệ, ông Dực lại có mặt. Ông được cử đi đào tạo ở Học viện Hải quân Leningrad - Liên Xô. Về nước, ông là một trong những chuyên gia đi biển hàng đầu của Quân chủng Hải quân. Được giao nhiệm vụ khảo sát thực địa ở tất cả các đảo của Việt Nam chứ không riêng gì Trường Sa nên không đảo nào của ta mà ông chưa đặt chân tới.
Bóc mẽ luận điệu của Trung Quốc
Năm 1990, đại tá Trần Dực nghỉ hưu sau những năm tháng tung hoành trên biển. Không còn là người chỉ huy của Bộ Tham mưu Hải quân nhưng ông không thôi nghĩ về Trường Sa. Cuộc đấu tranh vì chủ quyền biển đảo của ông chuyển sang giai đoạn mới. Ông dùng ngòi bút và những hiểu biết của mình để chứng minh Trường Sa và Hoàng Sa là một phần máu thịt Tổ quốc.
Từ năm 1988, khi Bắc Kinh bắt đầu chiếm một số đảo chìm của Việt Nam ở Trường Sa với sự kiện tấn công bãi đá Gạc Ma, đồng thời tung ra nhiều tài liệu nói về chủ quyền Trung Quốc trên quần đảo của ta, Ban Biên giới Chính phủ đã có chủ trương sưu tầm, nghiên cứu tài liệu để phản bác lại. Trưởng Ban Biên giới Chính phủ lúc này, ông Lê Minh Nghĩa, từng là bạn chiến đấu của đại tá Trần Dực thời 2 người ở Quân khu Việt Bắc. Biết ông Dực giỏi tiếng Pháp và tiếng Trung, ông Nghĩa đã trực tiếp gặp đồng đội cũ và đề nghị phối hợp với Ban Biên giới Chính phủ xây dựng hệ thống dữ liệu về bản đồ, tàng thư cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa.
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho, những năm thanh niên lại theo học trường Bưởi danh tiếng ở Hà Nội nên ông Dực đọc thông viết thạo cả tiếng Trung lẫn tiếng Pháp. Ông đã dịch và sưu tầm hơn 100 tài liệu, thư tịch cổ liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa. Đưa cho chúng tôi xem bài khảo cứu nhan đề Về bộ sưu tập sử liệu của Hàn Chấn Hoa - Vấn đề cần nghiên cứu xung quanh các địa danh Thất Châu Dương và Côn Lôn Sơn, Côn Lôn Dương, vị đại tá về hưu bảo: “Một số nhà nghiên cứu của Trung Quốc cố tình lập lờ, đánh tráo địa danh để kéo Trường Sa và Hoàng Sa về gần phía họ”. Với những phân tích hợp lý về địa lý học, tác giả Trần Chí Nhân, tức đại tá Trần Dực, đã bóc mẽ lập luận của nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Tuổi đã cao nhưng ông Dực vẫn miệt mài bên những trang tư liệu về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa sưu tầm được. “Từ thời các chúa Nguyễn, ta đã xây dựng đền chùa ở Hoàng Sa. Các chúa Nguyễn cũng cử đội Hoàng Sa ra quản lý đảo. Trong tư liệu của các thuyền trưởng viễn dương người châu Âu, các cha cố đạo cũng nói đến sự chiếm đóng của chúa Nguyễn ở đàng trong với Hoàng Sa từ lâu” - ông dẫn chứng.
Trăn trở với “đường lưỡi bò”
Lần giở những trang tư liệu cũ đã sưu tầm, những tấm bản đồ đã ố vàng nói rõ Trường Sa và Hoàng Sa là một phần không thể tách rời của dải đất hình chữ S, ông Trần Dực không quên đặt cạnh cuốn sách bìa đỏ là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. “Đó là luật chung cho tất cả các quốc gia trên thế giới khi có lợi ích trên biển. Cùng với lời dạy của tổ tiên căn dặn con cháu giữ gìn lãnh thổ, đó là kim chỉ nam hành động cho chúng ta” - ông nhấn mạnh.
Đại tá Trần Dực trích dẫn một đoạn trong cuốn Việt Nam sử lược: “Một hôm, được tin rằng người nhà Minh đem binh đi qua địa giới, vua Lê Thánh Tông liền cho người lên do thám thực hư. Ngài bảo với triều thần rằng: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại”. Ông tâm đắc: “Việt Nam sử lược viết vua Lê Thánh Tông có lòng vì nước như thế, cho nên dẫu Trung Quốc có ý muốn dòm ngó cũng không dám làm gì”.
Những năm tháng ở Trường Sa, vị đại tá hải quân nhiều lần đứng lặng nhìn biển để rồi chiêm nghiệm và tự động viên mình cũng như các chiến sĩ giữ đảo bằng những vần thơ: Có những đêm, biển giận/ Sóng gầm thét quanh mình/ Cười đôi chân vẫn quen thú tung hoành/ Nay ngày tháng chỉ đi quanh đảo nhỏ. Hay: Mùa lại mùa, gió Tây Nam, Đông Bắc/ Mưa nắng đại dương, càng tôi luyện tuổi xanh...
Là một quân nhân nhưng đại tá Trần Dực vẫn giữ thói quen ghi lại vần thơ mỗi lần đi qua các đảo. “Cảm xúc thơ trong tôi luôn bật ra tự nhiên khi đặt chân đến đảo” - ông thổ lộ. Với các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn… từng đi qua, ông đều có bài thơ tặng những địa danh này. Có khi ông làm thơ tặng các con tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ, tặng các chiến sĩ Lữ đoàn Hải quân 126 hay những cảm xúc bồi hồi khi nghe tin anh hùng hải quân Phan Vinh hy sinh…
Ở tuổi 90, ông vẫn thao thức về câu chuyện làm thế nào để giữ vững Trường Sa, lấy lại Hoàng Sa. “Tôi vẫn theo dõi tất cả động thái của Trung Quốc ở Trường Sa, Hoàng Sa từ nhiều năm qua và gần đây, khi họ có nhiều động thái hống hách và ngang ngược hơn. Rõ ràng tài nguyên trên biển Đông là rất lớn và Trung Quốc muốn độc chiếm nguồn tài nguyên giàu có này. Có thời Trung Quốc lại chơi chiêu bài gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác nhưng hiện nay, họ tỏ rõ ý đồ xấu với “đường lưỡi bò”. Hiện tại, trong số 101 đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa, chúng ta đang có 9 đảo nổi, 12 đảo chìm với 33 điểm đảo khác nhau nên phải giữ vững những gì mà mồ hôi, xương máu của bao thế hệ mới giành được” - ông trăn trở.
Việt Nam từng giúp Trung Quốc
Trong nhà đại tá Trần Dực vẫn còn lưu giữ bức ảnh ông và nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Lê Minh Nghĩa gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2004. Đó là lần 2 ông gặp Đại tướng để báo cáo về nghiên cứu quanh sự trợ giúp của Quân đội Nhân dân Việt Nam với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập vạn Đại sơn (năm 1949).
Ông Trần Dực (bên trái) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Lê Minh Nghĩa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Chiến dịch Thập vạn Đại sơn giải phóng các tỉnh miền Nam Trung Quốc được sự trợ giúp của quân đội ta cả về nhân lực lẫn vật lực. Vì vậy, tôi thường nói trong giai đoạn 2 nước đấu tranh giành độc lập, không chỉ Trung Quốc giúp Việt Nam mà chúng ta cũng từng giúp họ” - đại tá Trần Dực khẳng định.
Bài và ảnh: MẠNH DUY
Báo Lao Động
Comments[ 0 ]
Post a Comment