Tàu kiểm ngư Việt Nam ngày cuối cùng bị tàu Trung Quốc ép ra xa trước khi TQ rút giàn khoan HD 981 khỏi vùng biển VN. Ảnh từ Video clip của BBC
Những chuyển biến quan trọng:
Nhật Ký Biển Đông ba tuần lễ đầu của Tháng 7 ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:
-Voice of Russia ngày 1/7/2014: “Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố tại cuộc hội đàm với ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN là Nga hướng tới mục tiêu phát triển chiều sâu sự hợp tác với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.”
-BBC ngày 2/7/2014: “Chính phủ Việt Nam cho biết đã chuẩn bị cho 'tình huống xấu' với Trung Quốc, trong lúc ý kiến chuyên gia nói Bắc Kinh sẽ không chọn cách cắt giao thương (hiện khách du lịch Trung Quốc tạm ngưng tới Việt Nam). Với tình huống xấu xảy ra, hoạt động giao thương kinh tế thương mại với Trung Quốc đình trệ thì cần mở rộng thị trường, ông Nguyễn Văn Nên, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ, được báo Dân Trí dẫn lời nói trong cuộc họp chính phủ hôm 1/7.”
-RFI ngày 2/7/2014: “Là hai nước bị Trung Quốc chèn ép dữ dội nhất trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Philippines đang tăng tốc độ liên kết với nhau. Dấu hiệu mới nhất là chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, khởi sự từ hôm nay 02/07/2014”. Còn Tuổi Trẻ Online đưa tin, “Trong cuộc gặp gỡ với TT. Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Rosario cho rằng những hành động của Trung Quốc trên biển Đông vừa qua là nhằm phục vụ cho mục tiêu tuyên bố và hiện thực hóa “đường 9 đoạn” bất hợp pháp, mở rộng chủ quyền phi pháp của nước này trên thực tế. Bộ trưởng cho biết Philippines đã và tiếp tục phối hợp cùng cộng đồng quốc tế, có các biện pháp và hành động buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.”
-RFI ngày 3/7/2014: “Trung tuần tháng Sáu 2014, Lầu Năm Góc đã gởi 6 chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor, thuộc loại hàng đầu của Mỹ hiện nay, đến tham gia một cuộc tập trận chung với Malaysia. Theo nhật báo Mỹ Washington Times, ghi ngày 03/07/2014, động thái này là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ gởi đến Trung Quốc.”
-HANOI, Vietnam (AP) ngày 4/7/2014: “Việt Nam sẽ đóng thêm 32 tàu tuần duyên để tăng cường sức mạnh trên biển và khả năng giám sát giữa căng thẳng gia tăng vì tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với láng giềng Trung Quốc lớn hơn gấp bội. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng chính phủ sẽ chi tiêu 540 triệu đô-la cho việc đóng thêm tàu cảnh sát biển và kiểm ngư.”
-RFI ngày 4/7/2014: “Nhật Bản hôm nay 04/07/2014 kịch liệt phản đối ý định của hai lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc muốn sang năm cùng tổ chức kỷ niệm sự kiện 70 năm Nhật Bản bại trận năm 1945.”
-RFI ngày 5/7/2014: “Nhật báo Yomiuri Shimbun số ra ngày hôm nay, 05/07/2014, cho biết là Nhật Bản và Úc đang dự trù ký kết một hiệp định về việc hợp tác đối phó thiên tai và tập trận chung (Visiting Force Agreement) giữa quân đội hai nước. Nếu hiệp định VFA được ký kết giữa Tokyo và Canberra, lực lượng phòng vệ Nhật Bản, lực lượng Mỹ đóng tại Nhật và quân nhân Úc sẽ có thể mở các cuộc tập trận chung ở Nhật. Theo một nguồn tin chính phủ, sự hiện diện của quân đội Mỹ và Úc tại Nhật thông qua các hoạt động này sẽ là một yếu tố răn đe Trung Quốc.”
-RFI ngày 7/7/2014: “Bắc Kinh công kích Tokyo nhân chuyến viếng thăm của Thủ tướng Đức. Còn Tokyo, qua phát ngôn viên chính phủ, thẩm định là Trung Quốc đã sai lầm khi tìm cách biến lịch sử thành vấn đề quốc tế.” Cũng theo RFI, trong chuyến viếng thăm này, trao đổi mậu dịch là ưu tiên. Bà Merkel không đề cập tới vấn đề nhân quyền và trường hợp của Ô. Ngải Vị Vị. Volkswagen sẽ xây thêm hai nhà máy mới tại hai thành phố cảng biển Thanh Đảo và Thiên Tân. Một sự đầu tư trị giá 2 tỷ euro nhằm gia tăng mức bán tại thị trường ô-tô hàng đầu thế giới này. Ngành hàng không Châu Âu cũng sẽ hưởng được một phần chiếc bánh Trung Quốc: Airbus sẽ bán 100 chiếc trực thăng cho Trung Quốc với tổng trị giá 300 triệu euro.
-Thanh Niên Online ngày 7/7/2014 (trích Tin Nóng): “Về cầu hỏi của New York Times: Nếu có xung đột quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc thì ai sẽ chiếm ưu thế, Giáo Sư Goldstein nói Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế ở hầu hết các kịch bản (tình thế), nhưng Việt Nam sẽ gây tổn thất đáng kể cho hải quân và không quân Trung Quốc nhờ đã đầu tư khôn ngoan như đã nói ở trên. Khi báo New York Times hỏi khả năng Mỹ sẽ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam như gợi ý mới đây của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, GS. Goldstein nhận xét rằng Mỹ sẽ rất cẩn trọng trong việc xem xét bán vũ khí cho Việt Nam, vì doanh số bán hàng này có thể có một số giá trị răn đe nhỏ và mang tính biểu tượng, nhưng lại thúc đẩy khả năng leo thang hơn nữa căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra Mỹ cũng không muốn gây thêm bất lợi cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc vốn đã khá căng thẳng.” Như vậy việc cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thực chất có thể không phải là vấn đề nhân quyền mà Mỹ sợ gây thêm rắc rối với Trung Quốc.
-AFP ngày 8/7/2014: Một viên chức tháp tùng Ngọai Trưởng John Kerry trong chuyến thăm Bắc Kinh để bàn về những vấn đề gay go như căng thẳng ở Biển Đông, đánh cắp dữ kiện điện tử và thương mại đã tuyên bố, “Sự mù mờ liên kết với đường chín đọan (khiến cho tuyên bố chủ quyền) cần phải xét lại” (The ambiguity associated with the nine-dash line is problematic).
-BBC tiếng Việt ngày 8/7/2014: “Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói cánh cửa đối thoại luôn mở rộng với Trung Quốc, trong bình luận nhằm giảm nhẹ lo ngại về căng thẳng với Trung Quốc. Phát biểu tại Úc hôm 8/7, ông Abe nói quan hệ với Trung Quốc là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất của chúng tôi”.
-Tuổi Trẻ Online ngày 9/7/2014: “Đài truyền hình TV5 Philippines ngày 9/7/2104 cho biết Trung Quốc đã điều ba tàu ngầm năng lượng hạt nhân có khả năng mang tên lửa đạn đạo tới Biển Đông, Ngoài ba tàu ngầm này, Bắc Kinh gần đây cũng đã điều hai tàu trang bị tên lửa dẫn đường Giang Đảo Type 056 đến Hạm đội Nam Hải.”
-Thanh Niên Online ngày 9/7/2014: “Trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung ngày 9/7/2014 với sự tham dự của Ngọai Trưởng John Kerry, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Washington-Bắc Kinh tăng cường hợp tác, và cho rằng việc hai nước đối đầu sẽ dẫn đến thảm họa toàn cầu.”
-VOA tiếng Việt ngày 9/7/2014: “Các học giả Ba Lan tham dự cuộc hội thảo tại một đại học ở Warsaw xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và lên án những hành động gây hấn mới đây của Trung Quốc trong các vùng biển của Việt Nam.”
-RFI ngày 10/7/2014: “Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm nay 10/07/2014 nói rằng việc Úc siết chặt quan hệ với Nhật Bản không làm thiệt hại đến tình hữu nghị với Trung Quốc. Tuyên bố trên được đưa ra sau chuyến viếng thăm thành công và hiệu quả của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.” Điều này cho thấy các nước đang chuẩn bị chiến tranh nhưng vẫn hợp tác kinh tề, thương mại với kẻ thù. Không một quốc gia nào có thể từ chối chuyện làm ăn buôn bán với Hoa Lục, cho dù đó là Mỹ, Nga, Nhật Bản, Úc, Đức, Anh Quốc v.v…
-AFP ngày 10/7/2014: “Tập Đòan Wanda do người giàu nhất Trung Quốc kiểm sóat Wang Jialin sẽ xây một khu bao gồm một khách sạn năm sao và chung cư trị giá 900 triệu đô-la tại Chicago.” Nếu Mỹ tiếp tục làm ăn buôn bán lớn với Trung Quốc như thế này thi không thể có chuyện Mỹ-Trung Quốc đối đầu ở Biển Đông. Các nước nhỏ tự lo liệu lấy là vừa.
-Voice of Russia ngày 10/7/2014: “Người đứng đầu Văn phòng tổng thống Nga Sergei Ivanov cho rằng việc thành lập liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc là điều không thể. Hôm Thứ Năm, tại một cuộc họp báo ở thành phố Quý Dương, miền nam Trung Quốc, ông Ivanov lưu ý rằng Bắc Kinh nhất trí về việc này với phía Nga.”
-VOA ngày 10/7/2014: Theo báo The Finance Times “Mỹ đang đề ra những chiến thuật quân sự mới để răn đe âm mưu của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Những chiến thuật mới gồm sử dụng máy bay trinh thám và điều tàu hải quân tới gần các vùng biển có tranh chấp.”
-RFI ngày 10/7/2014: “Theo hãng AFP, trong buổi họp kín với phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã mạnh mẽ gây sức ép trên Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp biển đảo khi cảnh báo đối tác Trung Quốc là Washington không thể chấp nhận các mưu toan tạo ra một hiện trạng mới ở vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đây là hai nơi mà Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.”
-RFI ngày 14/7/2014: “Dù bị phía Trung Quốc nhiều lần từ chối, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào hôm nay, 14/07/2014 một lần nữa lại đề nghị tổ chức một cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Mười tới đây bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh.”
-AFP ngày 14/7/2014: Trong một cuộc thăm dò 11 nước Đông Nam Á của Pew Research Center có trụ sở tại Washington, DC, hầu hết người được hỏi đều lo ngại cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông sẽ dẫn tới đụng độ quân sự. Cũng theo bản báo cáo này, các nước như Nhật Bản, Phi Luật Tân, Việt Nam coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất. Trong khi đó, Trung Quốc, Mã Lai và Pakistan lại coi Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn nhất.
-Reuters (Beijing) ngày 15/7/2014: Sau khi Thứ Trưởng Ngọai Giao Michael Fuchs đặc trách Chiến Lược và Đa Phương tuyên bố, “Sự khiêu khích và hành động đơn phương của Trung Quốc đã khiến người ta đặt dấu hỏi về thiện chí tuân thủ luật pháp quốc tế của nước này.” Thì vào ngày Thứ Ba 15/7/2014 Trung Quốc “Yêu cầu Hoa Kỳ đứng ngòai cuộc tranh chấp ở Biển Đông để các quốc gia trong vùng tự giải quyết”.
-BBC tiếng Việt ngày 15/7/2014: “Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang được di dời khỏi vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, hãng tin nhà nước Trung Quốc thông báo và tin này đã được một quan chức cảnh sát biển Việt Nam xác nhận. Tân Hoa Xã dẫn thông cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) hôm thứ Ba ngày 15/7 cho biết họ chấm dứt hoạt động của giàn khoan với lý do là mùa mưa bão bắt đầu.”
Giàn khoan Trung Quốc HYDY-981 rút khỏi vùng biển VN 15 July 2014. Ảnh THX/ Tuổi Trẻ
-Blooberg News ngày 17/7/2014: “Căng thẳng Hoa-Nhật gia tăng khiến số lượng đầu tư giảm xuống gần phân nửa trong sáu tháng đầu của năm 2014.”
-18/7/2014: Tin 298 hành khách tử nạn khi chiếc Boeing 777 của Mã Lai rớt ở miền Đông Ukraine thuộc quyền kiểm sóat của lực lượng ly khai thân Nga đã làm lu mờ hầu hết các tin tức quốc tế quan trọng khác.
Nhận Định:
Sau khi Liên Bang Xô-viết xụp đổ, Hoa Kỳ trở thành siêu cường độc nhất, không một ai dám giỡn mặt, kể cả Nga. Hoa Kỳ muốn đem quân vào đâu, muốn đánh ai thì đánh, chẳng cần mạng lệnh của Liên Hiệp Quốc mà thiên hạ nín khe, chẳng hạn như hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Còn đối với cuộc chiến Libya, Hoa Kỳ thúc ép Liên Hiệp Quốc cho phép thành lập “Vủng Cấm Bay” (No FlyZone) rồi đem hàng không mẫu hạm trang bị hỏa tiễn hành trình Tomahawk cùng siêu pháo đài bay B-2 tiêu diệt Libya trong chớp nhoáng. Đối với cuộc khủng hoảng Syria, Hoa Kỳ chỉ dọa một cái, dù có Nga che chở, Syria cũng phải ríu ríu giao nạp toàn bộ kho vũ khí hóa học mà vẫn chưa yên thân. Còn đối với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh Ba Tư 2012, ngòai việc cấm vận gắt gao, Hoa Kỳ cho gửi ngay hai HKMH tối tân USS Enterprise chạy bằng năng luợng nguyên tử và USS Abraham Licoln cùng với một lô khu trục hạm tối tân tới Vịnh Ba Tư để răn đe... khiến Iran sợ quá phải ngồi vào bàn hội nghị thảo luận về chương trình hạt nhân.
Thế nhưng đối với Trung Quốc thì tình thế khác hẳn. Từ lúc Ô. Obama tuyên bố sách lược “Xoay Trục” (2009) tới nay đã 5 năm mà tình hình Biển Đông- dù cho Hoa Kỳ đã nhiều lần đe dọa, cảnh cáo mà Hoa Lục vẫn không hề nao núng. Tình hình từ căng thẳng đã trở nên nguy hiểm. Chưa thấy một nước nào trên hành tinh này dám thách thức Hoa Kỳ như vậy. Nguyên do:
1) Hoa Lục không phải là nước nhỏ và yếu đuối như Afghanistan, Iraq, Libya, Syria. Còn Iran tuy mạnh nhưng chưa có bom hoặc hỏa tiễn nguyên tử. Sức mạnh quân sự của Hoa Lục ngày hôm nay một tám một mười với Hoa Kỳ. Đối đầu với Mỹ, tuy khả năng tấn công còn hạn chế, nhưng khả năng phòng thủ và phản công của Hoa Lục thì thật đáng nể. Hoa Lục hiện thủ đắc:
-240 đầu đạn hạt nhân
-01 hàng không mẫu hạm
-69 tàu ngầm trong đó một số chạy bằng năng lượng nguyên tử.
-45 tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn đạn đạo.
-24 khu trục hạm trang bị hỏa tiễn đạn đạo
-1,170 máy bay tiêm kích và đánh chặn
-Đang thử nghiệm máy bay mém bom tàng hình không người lái J-20.
-Các lọai hỏa tiễn Đông Phong (DF):
-DF-5 với tầm bắn 12,000km có trang bị đầu đạn nguyên tử
-DF-3A tầm bắn 3,300km tức tới Đảo Guam
-DF-4 thiết kế để bắn tới Moscow và Guam
-DF-11 di động với tầm bắn 300 để phòng thủ bờ biển
-DF-15 tầm bắn 600km
-Hỏa tiễn DF-21 trang bị cho tàu ngầm
-DF-31 di động với tầm bắn 8,000km
-DF-41với tầm bắn 12,400km – 14,000km nói là có thể hủy diệt 10 thành phố của Hoa Kỳ
-2,255,000 quân hiện dịch
-2,300,000 quân trừ bị
2) Hoa Kỳ không thể dùng đòn cấm vận bởi vì nếu cấm vận Hoa Lục thì kinh tế tòan cầu suy sụp và nước Mỹ cũng chết theo. Không một ông tổng thống Mỹ nào dám nghĩ tới giải pháp ghê gớm này. Nếu muốn cấm vận Trung Quốc, Hoa Kỳ và đồng minh (như Liên Âu, Úc, Canada, Nhật Bản) phải từ từ không còn làm ăn buôn bán với Trung Quốc nữa cho đến khi giao dịch thương mại là Zero (ít ra 20 mươi năm) thì mới có thể nói tới chuyện cấm vận.
3) Cuộc chiến tranh với Hoa Lục, Mỹ không thể dừng lại ở chiến tranh quy ước mà sớm muộn cũng phải giải quyết bằng chiến tranh nguyên tử. Chính vì thế mà trong cuộc Đối Thọai Kinh Tế Chiến Lược Mỹ-Trung vừa qua Ô.Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng việc Hoa-Mỹ đối đầu sẽ dẫn đến thảm họa toàn cầu. Sau 70 năm, tính từ năm 1945 Hoa Kỳ không còn là một quốc gia thuần chủng như xưa mà thực sự là một quốc gia tạp chủng. Người Da Trắng dần dần trở thành thiểu số trên chính quê hương mình. Dường như lòng ái quốc, hy sinh, gắn bó với nơi mình sinh sống của một quốc gia thuần chủng cao hơn một quốc gia tạp chủng do di dân từ bốn phương quy tụ lại. Cho dù ba phần tư đất nước Trung Hoa bị hủy diệt bởi bom nguyên tử nhưng không biết người dân Hoa Kỳ ngày nay có sẵn sàng chấp nhận cảnh nhà tan của nát và bom nguyên tử tàn phá các thành phố như Los Angeles, San Francisco, Washington DC, New York… không?
4) Hiện nay cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Nga càng ngày càng gay gắt. Hoa Kỳ đã và đang dùng đòn cấm vận để bắt Nga “quỳ gối” tức tuân theo một “trật tự” hay nói khác đi một “bản đồ chính trị” nằm trong hệ thống hay sự thống trị của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên là Nga phản ứng quyết liệt dù có phải trả giá về kinh tế. Một trong những sách lược “cổ điển” muôn đời là muốn đánh kẻ thù thì “liên minh với kẻ thù của kẻ thù”. Mà kẻ thù của Mỹ ngày hôm nay không ai khác hơn là Hoa Lục. Vào ngày 21/5/2014 Nga- Trung Quốc đã ký ký thỏa hiệp khí đốt lịch sử 400 tỷ tại Thượng Hải để khởi đầu liên minh. Tờ Thanh Niên Online ngày 2/7/2014 đưa tin, “Tổng Thống Nga Putin ngày 1/7/2014 cho rằng liên minh giữa Nga và Trung Quốc có thể trở thành đối trọng với Mỹ nhằm thống lĩnh thế giới. Ông Putin cũng lên án Mỹ đã tái khởi động chính sách thời Chiến Tranh Lạnh nhằm kiềm chế Nga”. Ông Putin nói, “Hôm nay chúng ta có thể nói rằng sự liên kết vững chắc giữa Nga-Trung Quốc đã được hình thành trên trường quốc tế, hoạt động dựa trên nền tảng các quan điểm chung về vấn đề toàn cầu và các vấn đề khu vực”. (Tờ Moscow Times dẫn lời ông Putin phát biểu vào ngày 1/72014). Tuy nhiên đây không phải là một liên minh quân sự kiểu Mỹ-NATO như lời Ô. Putin giải thích nhưng nó là một liên minh về ngọai giao, chính trị và kinh tế. Điều này có nghĩa là Nga và Hoa Lục sẽ liên kết để phản đối hoặc ngăn chặn hoặc gây khó khăn cho những hành động của Mỹ nếu những điều đó đi ngược lại quyền lợi của Moscow hay Bắc Kinh.
Có hai phiếu “Veto” gần như đồng thuận chống Mỹ trong Hội Đồng Bảo An LHQ là điều vô cùng khó chịu cho Mỹ và Mỹ khó lòng xử dụng LHQ theo ý mình trong việc áp đặt vùng cấm bay, cấm vận hay can thiệp quân sự để bảo vệ lới ích của Hoa Kỳ trên quy mô tòan cầu. Việc Tân Hoa Xã ngày 21/7/2014 chỉ trích Hoa Kỳ và Tây Phương “hối hả” (rash) đổ lỗi cho Nga trong vụ máy bay Boeing MH17 của Mã Lai rớt ở Ukraine - chứng minh luận điểm ở trên.
Nếu ngày hôm nay hay ngày mai nổ ra một cuộc chiến tranh tổng lực giữa Hoa Kỳ và Hoa Lục để giành quyền thống trị Á Châu thì Nga sẽ đứng ngòai nhìn. Chắc chắn Hoa Kỳ không “ngu dại” tiêu diệt Hoa Lục để cùng chết theo (Mutual Vulnerability). Đây là thế kẹt chí tử của Mỹ khiến Mỹ không dám làm mạnh với Hoa Lục và đó cũng là lý do khiến Hoa Lục cứ lấn tới. Do đó, chuyện Hoa Kỳ thỏa hiệp với Hoa Lục để cùng tồn tại là chuyện “có thể” chứ không phải chuyện “không thể”. Do đó các nước nhỏ trong cuộc đối đầu với Hoa Lục phải lấy sức mình là chính. Liên kết quốc tế rộng rãi để …nếu “Anh Hai” có tháo chạy thì còn có “Anh Ba, AnhTư” đỡ đần. Chỉ nương tựa và tin tưởng vào “Anh Hai” không thôi…khi quốc hội “Anh Hai” nghỉ hè không chịu chi thêm viện trợ thì bỏ mạng.
5) Nhìn lại sức mạnh quân sự Trung Quốc trong bối cảnh công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 lúc đó Hoa Lục mỗi ngày pháo khoảng 5000 quả đạn đại bác vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ của Tưởng Giới Thạch. Ở thời kỳ này, Mỹ còn đang hăng say và hết lòng bảo vệ Tưởng Giới Thạch cho nên đã gửi tàu chiến áp sát bờ biển Trung Quốc 3 hải lý. Chu Ân Lai tức quá bèn ra quyết định mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý không ngòai mục đích đối phó với tàu chiến Mỹ. Lúc đó Hoa Lục chỉ phát triển bộ binh còn hải quân thì hầu như không có gì. Nhưng ngày nay Hoa Lục dần dần trở thành cường quốc hải quân. Với những tàu tiếp vận khổng lồ và nhất là các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Hải Quân Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tuần tra dài hạn khắp thế giới chứ không còn co cụm trong đất liền như thời Mao Trạch Đông.
Sự kiện Trung Quốc ngoài việc gửi 4 tàu chiến tham dự cuộc tập trận khổng lồ Vành Đai Thái Bình Dương RIMPAC mới đây, lại cho tàu do thám lảng vảng ngòai khơi Hạ Uy Di (Hawaii) mà không thông báo cho Hoa Kỳ biết…cho thấy Hải Quân Trung Quốc có thể tiếp cận bờ biển của Hoa Kỳ, điều mà trước đây chưa từng có. Dấu hiệu này cho thấy Hoa Lục đã có khả năng “phòng thủ từ xa” tức nếu Hoa Kỳ mở cuộc chiến tranh với Hoa Lục thì chiến tranh sẽ lan rộng ra các trạm không gian, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, trên không chứ không phải bom đạn chỉ trút lên đầu đại lục Trung Hoa là xong.
Việc Trung Quốc vừa rút giàn khoan Haijang 198 về Đảo Hải Nam khiến dấy lên nhiều phỏng đóan trong những ngày qua:
-Do thời tiết xấu, tránh bão?
-Do công việc thăm dò hoàn tất?
-Do áp lực từ phía Hoa Kỳ và dự luận thế giới?
-Việc Việt Nam cương quyết phản kháng sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc nhiều mặt. Hành động của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông khiến chiếc mặt nạ “trỗi dậy trong hòa bình” gần rớt xuống. Thôi thì tạm lùi bước để tiến hành “thương thảo” với Việt Nam chẳng mất gì mà chỉ lợi thêm: từ huề đến ăn. Chẳng khác nào chuyện một tên đến cướp đất nhà người ta, bị người ta kháng cự, sau một thời gian thấy không ăn được bèn rút lui rồi quay trở lại đề nghị “đàm phán” về chủ quyền của mảnh đất “có tranh chấp”.
Dù lý do gì đi nữa thì đây chỉ là một điểm nhỏ và không có dấu hiệu nào chứng tỏ Trung Quốc thay đổi tham vọng làm chủ Biển Đông theo con đường bá đạo. Qua biến cố giàn khoan Haiyang 981 nếu Việt Nam không phản ứng mạnh, chắc chắn Hoa Lục đã triển khai một giàn khoan tương tự tại Phi Luật Tân vì chính tổng thống Phi Luật Tân đã lên tiếng báo động. Chính vì điểm này mà Hoa Kỳ và quốc tế nhận thấy nếu các nước nhỏ đủ mạnh để chống lại Trung Quốc thì điều đó hữu hiệu hơn là Hoa Kỳ trực tiếp nhúng tay vào.
Nhưng làm thế nào để các nước nhỏ đủ mạnh đây? Đối với Phi Luật Tân thì khó quá. Không biết bao nhiêu năm nữa Phi Luật Tân mới có thể tự lực tự cường để đối phó với Trung Quốc. Chính vì thế mà Hoa Kỳ phải nhảy vào và thiết lập căn cứ quân sự. Đối với Việt Nam vì có biên giới với Trung Quốc và cùng chung ý thức hệ chính trị nên bài toán phức tạp hơn nhiều. Hiện nay Việt Nam theo sách lược ngọai giao “Không liên kết với nước thứ hai để chống lại một nước thứ ba.” Đây là sách lược ngọai giao trung lập.
Tại sao nói đây là chính sách ngọai giao trung lập? Bởi vì theo đúng văn bản thì:
-Việt Nam sẽ không không liên kết với Mỹ hoặc Nhật Bản hoặc Ấn Độ, hoặc Úc để chống Trung Quốc
-Và Việt Nam cũng sẽ không liên kết với Trung Quốc để chống Mỹ hay chống Nhật.
Với chính sách ngọai giao này. Nếu tôi là Mỹ thì tôi sẽ yên tâm vì Việt Nam sẽ không liên kết với Trung Quốc để chống tôi. Nếu tôi là Trung Quốc thì tôi cũng sẽ yên tâm vì Việt Nam sẽ không liên kết với Mỹ để chống tôi. Thế nhưng Bắc Kinh lại không suy nghĩ như vậy. Việc Việt Nam “hợp tác tòan diện” (Comprehensive Partnership) với Mỹ chính là cái gai đâm vào mắt Trung Quốc và họ coi việc hợp tác này là “chiến lược” của Việt Nam nhằm chống Trung Quốc. Điều này họ không công khai nói ra bởi vì bản thân họ cũng hợp tác chiến lược với Mỹ, nhưng họ “chửi thầm trong bụng” trong những phiên họp của chính trị bộ.
Kinh qua cuộc chiến tranh lạnh kéo dài từ 1945-1991 người ta thấy chỉ có Ấn Độ- tức một nước lớn mới có thể theo chính sách ngọai giao hoàn toàn trung lập. Ấn Độ không bao giờ cho phép ngọai bang đặt căn cứ quân sự trên đất nước mình. Còn một nước nhỏ như Việt Nam chẳng hạn thì nền ngọai giao độc lập, trung lập chỉ tồn tại được nếu như nó được sự hỗ trợ của các đại cường. Đó là sách lược ngoại giao đa phương. Nếu Việt Nam chỉ đứng một mình mà không hợp tác với Nga, Mỹ (ngày nay thêm Nhật Bản, Châu Âu) thì sẽ không thể đứng vững. Một nguyên tắc căn bản của ngọai giao trung lập là “không bênh ai chống ai” và “tứ hải giai huynh đệ " tức giao hảo với tất cả các quốc gia trên thế giới và “ngậm miệng” trong những vấn đề tế nhị của thế giới cũng giống như Thụy Sĩ không bao giờ can dự vào chuyện thế giới đầy “gió tanh mưa máu”.
Do đó sự hiện diện của Hoa Kỳ và Nga tại Biển Đông rất cần thiết cho sự an nguy và ổn định cho Việt Nam và Đông Nam Á. Còn vấn đề đòi lại Hoàng Sa có khi cả trăm năm nữa cũng chưa giải quyết xong. Mà ai đổ xương máu ra để giải quyết cho mình đây? Mỹ chăng? Giữ nguyên trạng Biển Đông theo như yêu cầu của Hoa Kỳ và toàn thế giới cũng đã là quý lắm rồi. Chính Ô. John Kerry cũng phải thú nhận rằng họat động ngọai giao của Mỹ thời Chiến Tranh Lạnh dễ hơn bây giờ. Tại sao bây giờ khó hơn? Xin thưa vì tình hình phức tạp hơn xưa.
Chuyến công du mới đây của Ô.Tập Cận Bình tới Nam Hàn - một đồng minh chí cốt của Mỹ và bà thủ tướng Đức Merkel tới Bắc Kinh…cả hai đều bàn chuyện làm ăn buôn bán lớn với Hoa Lục. Rồi Ô. Thủ Tướng Úc Abbott dù theo Mỹ và cho Mỹ đóng quân tại Darwin nhưng lúc nào cũng đề cao chuyện hợp tác thương mại với Hoa Lục…cho thấy tính cách phức tạp và nhức đầu của nền ngọai giao quốc tế hiện đại đúng như Ô. John Kerry nhận xét.
Do đó chúng ta không thể đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung hoặc xem phim “action” của Mỹ rồi đòi giải quyết một cách mộng mơ những vấn đề liên quan đến vận mệnh thế giới trong thời đại “Trỗi dậy trong hòa bình” của con cháu Tần Thủy Hoàng và Thành Cát Tư Hãn.
(California ngày 22/7/2014)
Comments[ 0 ]
Post a Comment