Việc Trung Quốc có những hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục bị dư luận quốc tế cũng như giới học giả của chính nước này lên tiếng phản đối.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất lớn phun vào tàu Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp
Hạ nghị sĩ E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga (Eni Faleomavaega) thuộc Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vừa kêu gọi hạ viện tiếp bước thượng viện để có tiếng nói mạnh mẽ buộc Trung Quốc chấm dứt các hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông. “Những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông là tín hiệu xấu cho khu vực và cả Mỹ, nhất là khi đây không còn là chuyện nội bộ hay chỉ của khu vực, mà là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng cả cộng đồng thế giới. Theo tôi, Trung Quốc đã buộc Mỹ không thể không lên tiếng. Một lần nữa, tôi kêu gọi Hạ viện Mỹ nhanh chóng có hành động tương tự như thượng viện nhằm bảo đảm Trung Quốc trở thành một đối tác đáng tôn trọng hơn và biết tuân thủ luật pháp cũng như các chuẩn mực quốc tế”, Hạ nghị sĩ E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga cảnh báo. Cũng theo ông E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đang hành xử “kém cỏi” và không chứng tỏ được vai trò của một nước lớn và đáng tin cậy.
Trong khi đó, cổng thông tin điện tử Hexun của Trung Quốc mới đây có bài viết nêu ý kiến cho rằng, hành động cố tình tạo ra căng thẳng ở Biển Đông hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Bên cạnh Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác thì các nước Đông Nam Á cũng đã có nhiều hành động biểu thị sự đoàn kết và ủng hộ Việt Nam kể từ sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bài viết lưu ý giới lãnh đạo Trung Quốc không thể đánh giá thấp khả năng huy động sức mạnh tổng lực của Việt Nam nếu chủ quyền quốc gia bị đe dọa. Bài viết cũng khẳng định rằng, việc gây sự trên Biển Đông của Trung Quốc là nước cờ sai lầm chiến lược.
Ngày 13-7, tướng H. Ca-li-xlơ (Herbert Carlisle), Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cảnh báo căng thẳng tại châu Á-Thái Bình Dương đang leo thang và “sơ suất” đang ngày càng dễ xảy ra. Japan Times dẫn lời ông H. Ca-li-xlơ phát biểu với phóng viên tại căn cứ không quân Yokota ở phía Tây thủ đô Tô-ki-ô của Nhật Bản, nhận định: “Căng thẳng đang dâng cao” trong khu vực khi Trung Quốc tăng cường đưa ra các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bình luận việc Trung Quốc biến "đường chín đoạn" thành mười đoạn ở Biển Đông, trong một bài viết trên tờ Diplomat, nhà nghiên cứu M. Pôn-man (Mina Pollmann), chuyên gia về chính trị-chính sách đối ngoại quốc tế tại Đại học Georgetown của Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng yêu sách mà họ gọi là "lợi ích cốt lõi" là một thủ đoạn lỗi thời, giật lùi thời đại. Theo chuyên gia này, ít nhất từ thế kỷ 17, nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau đã thực hiện khai phá, tuyên bố và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này không chỉ được ghi chép trong các tài liệu lịch sử mà còn có trong các văn bản hành chính của cơ quan quyền lực Nhà nước như chỉ dụ, mộc bản và sắc phong triều Nguyễn rất có giá trị pháp lý.
Yêu sách về "đường chín đoạn" của Trung Quốc cũng bị chính nhiều học giả nước này phản bác. Mới đây, học giả Lý Lệnh Hoa, cựu chuyên viên Trung tâm tin tức hải dương Trung Quốc, đăng trên trang cá nhân một bài viết mang tựa đề Tuổi thọ của "đường chín đoạn" còn được mấy ngày?, trong đó lên án thái độ của một số chuyên gia và báo chí Trung Quốc tỏ ra xem thường vụ Phi-líp-pin kiện nước này về yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Bài viết cho rằng, một khi Tòa án Quốc tế ra phán quyết "đường chín đoạn" vô hiệu lực và Trung Quốc có bác bỏ đi nữa thì phán quyết này vẫn sẽ được các nước ven Biển Đông và cộng đồng quốc tế thừa nhận. Một học giả khác là Uất Chí Vinh hiện là nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu phát triển hải dương Trung Quốc cũng thừa nhận, trong bài viết đăng trên tạp chí quốc tế Glocal Reporter là chủ trương của chính phủ Trung Quốc về cái gọi là “đường chín đoạn” không có cơ sở chắc chắn, không được giới học thuật đồng tình, ủng hộ và là nguyên nhân gây nên tranh chấp trên biển với các nước láng giềng.
HOÀNG VŨ-QĐND
sai lầm chiến lược hay không phải tùy thuộc vào diễn biến sẽ đi đến đâu, Mình kiên quyết và họ sợ mình thế nào. Bên cạnh đó cộng đồng quốc tế, pháp luật quốc tế bảo vệ mình tới nơi tới chốn không. Trung Quốc sai rồi nhưng liệu họ có chịu nghe và thực hiện.
ReplyDeletetin the gioi | tinthegioi
Trung Quốc đang thử phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, nhất là Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ tái cân bằng châu Á, nhưng chưa thể hiện những hành động mạnh mẽ.
ReplyDelete