Bài phân tích thời sự của ký giả Conn Hallinan đăng trên tạp chí của Foreign Policy in Focus, một tổ chức khảo cứu về chính sách đối ngoại ở thủ đô Washington nhắc lại một bài báo của Tạp chí Time hồi tháng 3 năm 1990, có tựa đề là “Sóng gợn trên mặt hồ Mỹ,” không phải là cái hồ Fort Lewis ở tiểu bang Washington, mà ám chỉ Thái Bình Dương, vùng nước rộng lớn nhất hành tinh, bao bọc gần phân nửa nhân loại và ba nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụm từ đó cũng không phải do báo Time đặt ra, mà thường được cho là của tướng Douglas McArthur, tư lệnh Hoa Kỳ ở châu Á Thái Bình Dương trong thời thế chiến thứ hai, nhưng việc tạp chí này dùng lại cụm từ đó phản ánh hơn 100 năm chính sách của Mỹ trong khu vực bao la này.
Theo bài viết, khu vực Châu Á-Thái bình dương là nơi diễn ra ít nhất 5 cuộc tranh chấp trong lịch sử, Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, Chiến tranh Philippines-Hoa Kỳ, Đệ nhị Thế Chiến, Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam, và hiện giờ Washington đã triển khai hơn 320,000 quân trong khu vực, tính cả 60% lực lượng hải quân Mỹ.
Quốc kỳ Mỹ đang tung bay trên các cơ sở quân sự Mỹ tại Nhật bản, Philippine, Nam Triều Tiên, Malaysia, Thái Lan, Quần đảo Marshall, và các hải đảo Guam và Wake.
Bài báo nói rằng trong bối cảnh Bắc Kinh đang củng cố lực lượng và có thái độ cứng rắn khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, và tranh chấp với Nhật Bản để đòi chủ quyền đảo Senkaku- mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư đài, Washington đang tăng cường nỗ lực để thành lập một liên minh để kiềm hãm Trung Quốc.
Bài phân tích thời sự nói rằng tình trạng bế tắc trong Biển Đông đã cho Hoa Kỳ một cơ hội để can thiệp trong tư cách là một nước trung gian độc lập, một vị thế gây quan ngại sâu xa ở Bắc Kinh.
Trung Quốc đã đáp ứng bằng cách tăng cường các hoạt động tuần tiễu Biển Đông, và ngay cả phá hoại các hoạt động dò tìm dầu khí của Việt Nam và Ấn Độ gần quần đảo Hoàng Sa.
New Delhi, vốn đang trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh, đe dọa sẽ gửi các tàu hải quân tới khu vực.
Tác giả cho rằng cuộc khủng hoảng tại Biển Đông có thể được giải quyết, với một số điều kiện.
Thứ nhất, Trung Quốc phải lùi bước vì đòi hỏi chủ quyền hiện nay của nước này vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển.
Thứ hai, ASEAN và Bắc Kinh phải đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử trong Biển Đông (COC), nhưng đề nghị Washington nên đứng ngoài cuộc tranh chấp.
Bài báo kết luận rằng cách thức chính phủ của Tổng Thống Obama đáp ứng trước các vấn đề tranh chấp biển đảo tại khu vực Châu Á-Thái bình dương sẽ quyết định liệu vùng biển Thái Bình có xứng đáng với tên gọi của nó hay không, hay một lần nữa lại trở thành địa điểm xảy ra chiến tranh và thảm họa.
Nguồn: Foreign Policy, Time
Comments[ 0 ]
Post a Comment