Chính sách của Nga đối với Ucraina hiện nay và chiến lược “Hướng đông” của Nga là hai đối sách có khởi nguồn và khởi điểm khác nhau, nhằm tới một mục đích duy nhất là củng cố và phục hồi lại sức mạnh Nga, lập lại đối trọng cân bằng vượt trội với Mỹ và phương Tây, sau khi LB Xô Viết sụp đổ.
Với Ucraina, từ nhiều năm qua, Nga đã dùng nhiều nỗ lực ngoại giao, ve vãn, vỗ về, o ép, can thiệp để lôi kéo Ucraina, trước hết vào liên minh Thuế quan, sau đó là nhà nước Á- Âu. Sự góp mặt của Ucraina vào Liên minh thuế quan là điều kiện quyết định để Nga có thể thu phục được hầu hết các nước thuộc LB Xô viết cũ ra nhập liên minh này làm cơ sở cho sự tái tạo một Liên bang Xô Viết với tên gọi mới là Liên minh Á - Âu. Song sự dùng dằng, cố tình “không chịu hiểu” của hai, ba đời Tổng thống Ucraina đã khiến Nga phải ra mặt và thể hiện nước cờ cuối cùng mà họ đang đi. Không dưới một lần, trong tất cả các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Ucraina, Nga đã đặt vấn đề ra nhập liên minh Thuế quan, nhưng họ đã nhận được sự từ chối hoặc các câu trả lời lấp lửng. Còn nhớ năm 2012, khi Ianukovich nài vãn Putin giảm giá gaz, Putin đã trả lời thẳng thừng: “Trước hết là Liên minh hải quan, sau đó là gaz”. Mọi chuyện lẽ ra đã kết thúc từ đó, nếu như Ianukovich tuyên bố ra nhập Liên minh thuế quan. Nhưng ông ta đã không làm như vậy mà âm thầm chuẩn bị một kế hoach liên kết với EU để mặc cả với Nga. Vào gần phút chót, khi kế hoạch này bị lộ ra, không thể chịu được tính cách lèo lá của Ianukovich, Nga đã quyết định đặt sợi dây thòng lọng lên cổ Ucraina. Nga bị buộc phải chuẩn bị một kế hoạch cứng rắn và cương quyết hơn.
Vấn đề đặt ra là tại sao Nga nhất quyết phải khuất phục được Ucraina để lập ra một liên minh mà trách nhiệm gánh vác của họ là nặng nhất và sẽ còn nặng hơn. Câu trả lời gần đầy đủ là: vấn đề lớn nhất của nước Nga hiện nay không phải là uy tín của Nga trên trường quốc tế, không phải là tiềm lực quốc phòng của họ, càng không phải bởi họ ngèo. Vấn đề lớn nhất của họ hiện nay là lòng dân, là ý chí dân tộc. Chỉ có đương đầu với Mỹ và phương Tây, giành lại Ucraina, tiến tới thành lập Liên minh Á- Âu, Nga mới có thể thoát khỏi căn bệnh hiện nay của họ. Nga đang phải chọn “liều thuốc đắng để” chữa căn bệnh trầm cảm của mình.
Crimea, như một sự kiện khởi đầu trong kế hoạch trên, đã cho kết quả tích cực- lâu lắm rồi, nước Nga mới có một hào khí phấn khích như hôm nay và người Nga mới lại đoàn kết như hôm nay. Sự phản ứng gay gắt và đồng loạt của phương Tây đối với Nga là lời giải đáp cho nỗi lo lắng của họ: một “Nhà nước Xô Viết mới” rất có thể sắp được tái tạo.
Nói về “Chiến lược Hướng Đông”của Nga. Đây là một chiến lược được đề cập tới kể từ khi Medvedev còn làm Tổng thống. Người ta nói Medvedev là tác giả của “bản thiết kế hướng Đông” này. Còn nhớ, Medvedev vào thời còn là Tổng thống Nga, chính ông đã là người vi hành khắp Viễn đông. Cũng chính ông là Tổng thống Nga đầu tiên đến thăm Kurin như là một hành động thị sát tiềm năng kinh tế ở khu vực này, kể từ sau chiên tranh thế giới thứ 2. Medvedev là người chỉ đạo thực hiện các công việc chuẩn bị cho diễn đàn châu Á- Thái bình dương tại Vladivostoc.Và cũng chính Medvedev là người đang hối thúc di chuyến các cơ quan nhà nước về Novosibirsk- thủ đô của vùng Xiberi. Medvedev chính là người đặt ra cho nước Nga nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là phải hiện đại hóa đất nước.
Quan điểm trên của Medvedev đã được Putin tán đồng, khi ông ta quay trở lại chức vụ Tổng thống và hiện thực hóa vào đường lối ưu tiên ngoại giao với phương đông, đặc biệt là với Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.
Để hiện đại hóa đất nước, người ta cần phải phát huy trước hết tiềm năng của đất nước (người Trung Quốc đã hiện đại hóa đất nước bằng cách sử dụng nguồn nhân lực dồi dào, phát triển gia công, biến đất nước thành công trường của thế giới; người Nhật hiện đại hóa nhờ giáo dục người dân của họ rằng: một đất nước rất nghèo về tài nguyên với các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như đất nước họ, chỉ có dựa vào ý chí và trí thông minh để phát triển công nghệ mà thôi). Đối với nước Nga, thế mạnh của họ là giàu nguyên liệu, nhiều đất đai, nhiều vũ khí, nhưng thế yếu của họ là rất thiếu nhân lực. Cùng với việc bán vũ khí và xuất khẩu nguyên vật liệu, những thứ chỉ đem lại tiền mà không đem lại hiện đại hóa cho đất nước, Nga đã thấy không thể chỉ khai thác tài nguyên để bán mà phải chế biến tài nguyên của mình để bán. Nhưng họ không thể chỉ có thể trông chờ vào nguồn nhân lực thiếu thốn trong nước của họ, càng không thể sử dụng nguồn nhân lực của châu Âu- những người đã quá quen với lối sống kiểu châu Âu. Thêm vào nữa, từ trước tới nay Phương Tây chủ yếu chỉ mua nguyên vật liệu, năng lượng của Nga để rồi Nga phải mua lại của phương Tây thượng vàng hạ cám (từ ô tô, máy bay đến hầu hết các sản phẩm tiêu dùng). Một thời gian dài Nga đã “phối hợp” với phương Tây bóp nghẹt đến phá sản nhiều ngành sản xuất trong nước của mình. Một lục địa châu Âu già cỗi, nhịp độ phát triển gần bằng không, lại luôn luôn bị Mỹ kèm cặp đã cho Nga hiểu rằng: nhu cầu của châu Âu từ Nga đã bão hòa và họ phải đi tìm một phương trời mới để có thể khai thác và phát huy tiềm năng của mình.
Vậy Nga cần phải làm gì để phát huy tiềm năng của mình và hiện đại hóa đất nước? Đánh giá đơn giản và thẳng thắn: Nga không chỉ giàu có mà rất giàu có, họ không thiếu một thứ gì, ngoại trừ thiếu nhân lực. Họ như một gã địa chủ có rất nhiều ruộng đất, nhưng lại phải đi mua gạo để ăn. Phương Đông, đất chật người đông, nơi có nguồn nhân lực dồi dào và rẻ mạt. Phương Đông phải trở thành khách hàng mua tài nguyên của Nga, chế biến tài nguyên của Nga và rồi tiêu thụ luôn sản phẩm của Nga. Đây chính là câu trả lời cho Chiến lược Hướng Đông để hiện đại hóa và phát huy sức mạnh của Nga. Nga không có tham vọng thôn tính và khống chế phương đông để thể hiện vai trò “người hùng” ở đó. Nga muốn Phương Đông trở thành một công xưởng của họ, để rồi tiêu thụ chính sản phẩm của họ. Đây chính là bản chất của “Chiến lược Hướng Đông” mà Nga đang phát động.
Trong kế hoạch hướng Đông, Nga cần và rất cần đến Trung Quốc. Một nước Nga giàu có nếu giữ được hòa khí với Trung Quốc, sử dụng được nguồn nhân lực vô tận của Trung Quốc để khai thác, chế biến tài nguyên của họ trên chính miền đất mênh mông của mình, hoặc ở ngay Trung Quốc, nước Nga sẽ thu được hiệu quả vô biên so với việc chỉ bán nguyên liệu cho Trung Quốc. Sẽ không lầm khi dự đoán rằng: thời gian tới Nga sẽ đề nghị với Trung Quốc hợp tác mở các nhà máy, xí nghiệp, nông trường, lâm trường chung để khai thác tiềm năng tài nguyên của họ, chế biến thành sản phẩm mà người sử dụng chính là người Trung Quốc.
Dù phương Tây thù hận Nga đến nhường nào, thì cuộc hôn nhân trên nền tảng khí đốt đã khiến họ đã quá phụ thuộc vào nhau để không thể có một cuộc ly hôn “cạn tàu ráo máng”. Phương Tây sẽ không bao giờ từ bỏ được khí đốt của Nga. Và vì vậy đừng nhầm tưởng ai đó sẽ mua được khí đốt của Nga với giá rẻ, kể cả vào lúc này. Chớ có đục nước béo cò!
Đối với Việt Nam, ngoài mục đích kinh tế, Nga còn có kì vọng vào khả năng quảng bá của Việt Nam ra ASEAN; Việt Nam, ngoài nguồn nhân lực không thua kém gì Trung Quốc về mặt chất lượng và giá cả, Việt Nam lại chưa từng và sẽ không bao giờ có xung khắc hay xung đột với Nga, cho nên có thể có được sự ưu ái nhất định trong các phi vụ hợp tác với họ. Tuy nhiên, Nga không chỉ chờ vào sự hợp tác mua bán với Việt Nam. Nga và Việt Nam không có nhiều thứ để mua và bán cho nhau ở quy mô lớn, ngoại trừ vũ khí. Cũng như với Trung Quốc, Việt Nam có thể hợp tác với Nga khai thác tài nguyên của họ, chế biến chúng thành sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm này ngay tại Việt Nam, chở về Nga hoặc xuất khẩu ra các nước Đông Nam Á.
Tóm lại, giải quyết xung đột hiện nay ở Ucraina và “Chiến lược hướng Đông” của Nga là hai đối sách độc lập, ý tưởng ra chúng và việc thực hiện chúng được xuất hiện và triển khai vào những thời điểm khác nhau... Hai hướng đi này, hành động thì độc lập, nhưng mục đích thì thống nhất: đó là thành lập (chính xác hơn là khôi phục) một nhà nước Liên minh rộng lớn, mạnh mẽ và bền vững.
Nga sẽ hoan nghênh các đối tác hợp tác ủng hộ cả hai hướng trên, hoặc chỉ một trong hai hướng trên. Và dù tình hình Ucraina có diễn ra như thế nào chăng nữa, Nga vẫn cần phải thực hiện Chiến lược hướng Đông. Bất kể ai đó ở phương Đông, có những đề xuất chủ động, trúng đích vào thời điểm này, chắc chắn sẽ dễ được chấp thuận với các điều kiện ưu đãi, mà không bị hiểu lầm rằng: mình đang là những kẻ cơ hội.
Phạm Đỗ Mai (Gừi từ Shochi)
ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment