Về ý tưởng cuộc đối thoại tay ba Ấn-Nhật-Việt
Thursday, April 17, 2014
Chiến lược hợp tác tay ba nổi lên gần đây nhằm thu hút ba nước tới một diễn đàn chung để đạt sự đồng thuận và hiểu biết chung về các vấn đề khu vực và toàn cầu. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện đã có nhiều tiến trình đối thoại tay ba, song tình trạng căng thẳng song phương và thái độ thù địch do lịch sử để lại vẫn tồn tại giữa các nước tham gia.
Các tiến trình đối thoại Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản, Ấn Độ-Nhật Bản- Mỹ, Ấn Độ-Nhật Bản-Australia nằm trong số những cuộc đối thoại tay ba ở một chừng mực nào đó đã có hữu ích. Tiến trình đối thoại tay ba mới đây nhất được Ấn Độ-Nhật Bản-Hàn Quốc khởi xướng, theo đó, Ấn Độ đã đăng cai vòng đối thoại đầu tiên, tiếp đến Nhật Bản đăng cai, là một tiến trình hữu ích nhằm tìm kiếm hòa bình. Tiến trình này bắt đầu ở cấp độ kênh II (Track II) hồi tháng 6/2012 sau một loạt cuộc họp giữa các nhà ngoại giao và viện sĩ của ba nước.
Những diễn biến mới đây tại châu Á đã gợi lên nhu cầu thăm dò một cuộc đối thoại tay ba tương tự hoặc theo cấp độ kênh II hoặc kênh 1,5 (Track 1.5) giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Điều lý tưởng là sáng kiến đầu tiên sẽ được tổ chức ở cấp độ Track II song do eo hẹp về tài chính nên bộ ngoại giao ba nước có thể cấp ngân sách để bắt đầu lộ trình ở Track 1,5. Vấn đề nổi lên là tại sao lại nên có cuộc đối thoại tay ba Ấn- Nhật-Việt? Câu trả lời không khó. Ba nước này có nhiều điểm chung trong quan điểm về an ninh khu vực. Thương mại hàng hải là cân nhắc quan trọng nhất đối với cả ba nước bởi phần lớn thương mại quốc tế hiện nay là trên biển; hợp tác hải quân giữa ba nước để bảo đảm an toàn giao thông liên lạc của các tuyến hàng hải là điều quan trọng nhất. Có nhiều điểm nóng tại khu vực châu Á, quan trọng nhất là quần đảo Trường Sa (Spartly) và cả toàn khu vực Biển Đông (South China Sea), nơi được cho có nhiều nguồn tài nguyên. Nhiều nước tranh chấp chủ quyền trên vùng biển này và đã xác định các vùng kinh tế đặc quyền.
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông đe dọa đến hòa bình và bình yên của khu vực. Xét trên khía cạnh nhu cầu tài nguyên để phát triển kinh tế của Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, việc thăm dò các nguồn tại Biển Đông trong khuôn khổ hợp tác là điều đáng ao ước. “Liên doanh hợp tác” này nằm trong phạm vi khu vực Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, song có vẻ Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn điều này xảy ra. Một tiến trình đối thoại tay ba giữa ba nước sẽ góp phần đáp ứng những mục tiêu chung của họ. Ngoài vấn đề an ninh hàng hải, có nhiều vấn đề an ninh không truyền thống khác có thể được thảo luận trong một diễn đàn như vậy. Những vấn đề như thay đổi khí hậu, nạn phá rừng, an ninh mạng, nguồn nước, tình trạng môi trường xuống cấp, v.v… là những lĩnh vực ảnh hưởng đến tất cả các nước và cần tìm bối cảnh chung để giải quyết.
Tại xuất phát điểm, ba cơ quan nghiên cứu của ba nước có thể được chỉ định tham gia đối thoại; các quan chức bộ Ngoại giao có thể được mời tham luận chính; các viện sĩ và chuyên gia phân tích an ninh từ các cơ quan nghiên cứu được chỉ định và cả ngoài những cơ quan này có thể tham gia tiến trình thảo luận kín nhằm tìm những vấn đề chung (common grounds). Cuối tiến trình thảo luận, họ có thể đưa ra những đề xuất để chính phủ có thể đưa vào chính sách. Điều gì làm nảy sinh ý tưởng đối thoại tay ba Ấn-Nhật- Việt?
Tầm quan trọng của Ấn Độ Dương
Theo Phó Đô đốc hải quân Nhật Bản Hideaki Kaneda, eo biển Malacca-Singapore là tuyến giao thông huyết mạch của các nước Đông Bắc Á, trở thành “gót chân Achilles” trong nền kinh tế thế giới. Do đó, cần có cái nhìn sắc bén về khái niệm một liên minh tay ba và sau đó là một liên minh an ninh nhiều bên nhằm bảo vệ các tuyến giao thông đường biển (SLOCs) và những vấn đề chung toàn cầu trong khu vực châu Á. Tầm quan trọng chiến lược của eo biển Malacca quá lớn, đến nỗi việc bảo vệ nó đã nổi lên thành tính toán chính yếu trong chiến lược của những nước bị đe dọa về lợi ích kinh tế. Nguy cơ cướp biển và chủ nghĩa khủng bố hàng hải luôn là trọng tâm trong những cân nhắc chiến lược của họ. Hàng năm có khoảng 50.000 tàu thủy quá cảnh qua eo biển Malacca và chuyên chở hơn 1/4 lượng hàng hóa của thế giới vận chuyển bằng đường thủy, đồng thời chiếm 1/2 toàn bộ khối lượng thương mại của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Khoảng 50% số tàu chở dầu của thế giới đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca-Singapore là tới ba nước ở Đông Bắc Á này. Yếu tố quan trọng đó đã nảy sinh sáng kiến đối thoại tay ba Ấn-Nhật-Mỹ. Mặc dù cuộc đối thoại đã chứng tỏ thành công, diễn đàn này phải gánh vác thêm trách nhiệm bằng cách tình nguyện tham gia bảo vệ SLOCs ở khu vực Đông-Tây Ấn Độ Dương. Điều này có nghĩa là sáng kiến ba bên phải hướng tới giai đoạn tiếp theo về xây dựng một đối tác hàng hải ba bên nhằm giải quyết vấn đề an ninh hàng hải.
Có sự khó chịu ngày càng tăng tại các nước châu Á về hành động leo thang hàng hải hiếu chiến của Trung Quốc, do đó, cần khẩn cấp thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước châu Á để đối phó với thách thức từ Bắc Kinh. Cũng có một số nước khác ở châu Á có thể tham gia sáng kiến này. Các nước như Việt Nam, Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei và các nước khác có quyền lợi bình đẳng trong bảo vệ thương mại hàng hải của họ. Tuy nhiên, không cần sự can thiệp tực tiếp của chính phủ và liên minh này không cần thiết một hiệp định, hiệp ước hoặc công ước quốc tế. Hệ thống đa phương này dựa trên sự tin cậy lẫn nhau có thể giải quyết vấn đề chung toàn cầu và do đó vấn đề an ninh hàng hải khu vực có thể được giải quyết một cách thích hợp.
Thương mại trên biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều nước châu Á. Tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ Dương có thể được giải mã từ thực tế rằng sự phát triển của khu vực gắn liền với vùng biển này. Các nước ven bờ Ấn Độ Dương có tới 2,6 tỷ người, chiếm gần 40% dân số thế giới. Ấn Độ Dương là vùng biển lớn thứ ba thế giới, đồng thời là nơi có nguồn năng lượng và tuyến giao thương hàng đầu thế giới. Lưu lượng thương mại lớn toàn cầu đi kèm với những vấn đề nổi lên như hoạt động khủng bố, cướp biển đã trở thành thách thức an ninh chung của tất cả các nước ven biển. An ninh của Ấn Độ Dương trở thành trung tâm của các nền kinh tế lớn ở châu Á vốn phụ thuộc vào an ninh của SLOCs. Do đó, họ phải hợp tác để tăng cường cấu trúc an ninh khu vực. Sự liên kết kinh tế thúc đẩy các nước lớn phối hợp với nhau về an ninh hàng hải. Ấn Độ Dương là tuyến hàng hải đường dài quốc tế quan trọng nhất của thế giới và nằm trong số các tuyến thương mại toàn cầu nhộn nhịp nhất. Có tới 70% số tàu chở dầu thế giới đi qua Ấn Độ Dương trên đường từ Trung Đông tới Thái Bình Dương; 50% số tàu container và 20% khối lượng thương mại của Australia đi qua Ấn Độ Dương.
Tỷ trọng cung ứng năng lượng thế giới đi qua các điểm giao thông quan trọng, trong đó có eo biển Malacca, eo biển Hormuz và kênh đào Suez Canal sẽ tăng trong những năm tới. Các nền kinh tế khu vực châu Á đã trở nên thịnh vượng nhờ thương mại trên biển, do đó họ cùng chung trách nhiệm bảo đảm cho các tuyến hàng hải thông thương. Bất cứ mối đe dọa nào đối với an ninh thương mại tại Ấn Độ Dương đều gây tổn thương chiến lược. Ấn Độ Dương đã trở thành trung tâm thương mại quan trọng đối với các nước lớn trên thế giới. Chẳng hạn 85% khối lượng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với nhiều nước ven biển này, coi như cách thức củng cố lợi ích thương mại, năng lượng và kinh tế của họ trong khu vực. Trung Quốc đang tăng cường vị trí của mình trong vấn đề an ninh và đẩy mạnh quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực. Song cách thức đó đã làm nổi lên những vấn đề khó chịu. Ngoài việc thể hiện tính hiếu chiến về vấn đề lãnh thổ, Bắc Kinh có vẻ hướng tới mục đích viết lại các nguyên tắc toàn cầu theo những điều khoản riêng của họ.
Khi các nền kinh tế khu vực tiếp tục phát triển, sẽ có sự cạnh tranh lớn hơn để giành các nguồn tài nguyên cho sự phát triển bền vững. Do đó, tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ Dương sẽ tăng thêm nhiều trong những năm tới. Nhiều thế lực hải quân lớn có thể tăng sự cạnh tranh về lợi thế chiến lược trong khu vực biển quan trọng này. Tăng trưởng kinh tế và chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng của Trung Quốc là nỗi lo sợ của những nước nhỏ hơn tại châu Á, khiến họ tìm bối cảnh chung để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Nhân tố Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các nước khác ở châu Á tìm kiếm sự ổn định khu vực và một trật tự an ninh dựa trên các nguyên tắc. Điều kiện tiên quyết cơ bản để bảo đảm trật tự an ninh có nguyên tắc là tôn trọng nguyên tắc về luật thương mại toàn cầu. Một môi trường hòa bình trên biển đã giúp các nền kinh tế khu vực phát triển liên kết kinh tế, đóng góp cho sự thịnh vượng của khu vực.
Vai trò của Ấn Độ
Ấn Độ là thế lực có ảnh hưởng nhất tại Ấn Độ Dương. Sự hiện diện hải quân của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương sẽ trấn an các nước láng giềng nhỏ hơn ở châu Á. Là nền dân chủ lớn nhất thế giới, Ấn Độ chia sẻ nhiều giá trị và hệ thống cơ bản chung với Nhật Bản và các nước khác, chẳng hạn như vấn đề tự do, dân chủ và kinh tế thị trường. Từ khi chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Ấn Độ đã có những bước nhảy vọt nhanh chóng, liên kết nền kinh tế của mình với kinh tế thế giới và đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao bằng cách khai thác công nghệ thông tin chất lượng cao và sức mạnh tri thức. Được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Ấn Độ đã tăng cường hoạt động ngoại giao nhiều mặt và do đó tăng cường sự hiện diện của mình trong cộng đồng quốc tế.
Trong khi theo đuổi chính sách “hướng Đông”, Ấn Độ đã có một kế hoạch tham vọng về phát triển sự kết nối đường bộ từ khu vực Đông Bắc nước này tới khu vực Đông Nam Á đi qua Myanmar. Đây là một dự án ưu tiên của Thủ tướng Manmohan Singh, song không đạt được nhiều tiến bộ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Do sự kém hiệu quả của dự án này nên Ấn Độ ngày càng phụ thuộc vào SLOC để đi tới các nước khác trong khu vực. Bất cứ sự rối loạn hoặc căng thẳng nào về an ninh hàng hải đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và an ninh của khu vực và Ấn Độ phải có trách nhiệm ngăn chặn.
Vai trò của Ấn Độ-Nhật Bản -Việt Nam
Với những bối cảnh như đã nêu trên, có nhiều điểm bổ sung trong lĩnh kinh tế và chiến lược giữa ba nước Ấn-Nhật-Việt và trong bối cảnh thách thức từ Trung Quốc, bắt buộc ba nước này phải xây dựng một đối tác chiến lược có mục tiêu mạnh mẽ. Thời điểm đã thích hợp bởi các lực lượng Mỹ tại Afghanistan và Iraq bắt đầu rút quân và Tổng thống Obama đã triển khai chính sách “trục châu Á” nhằm tái cân bằng quan hệ với các đối tác của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản hiện là những nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất châu Á, do đó có sự cạnh tranh và tranh giành về nguồn tài nguyên này và không có gì bảo đảm rằng cuộc cạnh tranh sẽ lành mạnh. Tại thời điểm quan trọng này của lịch sử, Mỹ cần phát triển năng lực lớn hơn để thể hiện vai trò chỉ huy trên các tuyến hàng hải và sẵn sàng hoạt động trong những khu vực tranh cãi (contested zones) sao cho giảm thiểu hoặc thậm chí tránh được đối đầu. Sáng kiến đối thoại tay ba Ấn-Nhật-Mỹ đã được triển khai; đối thoại Ấn-Nhật-Hàn ở cấp Track-2 đã bắt đầu; hiện cần triển khai sáng kiến đối thoại tay ba Ấn-Nhật-Việt, Ấn-Việt- Inđônêxia. Những sáng kiến như vậy có thể góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng lòng tin trong khu vực.
Trung Quốc có cái nhìn hằn học khi quan hệ Ấn-Mỹ được tăng cường. Tương tự như vậy, khi Ấn Độ và Nhật Bản củng cố quan hệ chiến lược và kinh tế, Bắc Kinh coi đây như một âm mưu chống lại Trung Quốc. Trong khi Nhật Bản trước đây và dưới thời Thủ tướng Abe đang đẩy mạnh quan hệ với ASEAN bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại, quan hệ của Ấn Độ với các nước ASEAN cũng được tăng cường. Liệu sự nổi lên của Trung Quốc có thúc đẩy Ấn Độ-Nhật Bản và Việt Nam xây dựng một đối tác ba bên hay không là điều không quan trọng, mà quan trọng là ba nước này có lợi ích chung để xây dựng một mối quan hệ đối tác góp phần thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của châu Á. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là cửa ngõ thích hợp để hướng tới sự can dự chiến lược lớn hơn với các nước ASEAN.
Trong bối cảnh hàng loạt vấn đề căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn ở châu Á, và cho dù Mỹ cam kết ủng hộ và bảo vệ các đồng minh của họ trong thời điểm khủng hoảng, hiện có vẻ một kiểu Chiến tranh Lạnh bắt đầu hình thành tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa một bên là Mỹ cùng đồng minh của Mỹ và bên kia là Trung Quốc. Mặc dù phát triển về kinh tế, thậm chí ngay cả khi kinh tế châu Âu giảm sút, khu vực châu Á chưa đoàn kết về mặt chính trị, do đó Trung Quốc có thể tìm môi trường thích hợp để khai thác và thực hiện ý đồ đã được xác định là lợi ích quốc gia của họ. Sự lựa chọn đối với Mỹ là duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc bởi Bắc Kinh nắm giữ nhiều trái phiếu Mỹ, do đó có khả năng đẩy nền kinh tế Mỹ vào khó khăn nếu họ quyết định rút khỏi thị trường trái phiếu hoặc tăng cường quan hệ chiến lược với các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam.
Với tình hình căng thẳng tăng lên ở châu Á do tuyên bố chủ quyền lãnh thổ về các vùng tranh chấp, dù có vẻ không thể xảy ra một cuộc xung đột ngay lập tức, song tình trạng khó chịu tiếp tục không phải là điều hay đối với lợi ích của bất cứ nước nào. Khi Ấn Độ tiếp tục hướng tới sự liên kết kinh tế với các nền kinh tế châu Á thông qua chính sách “hướng Đông”, thời điểm đã thuận lợi cho Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau thiết lập một khuôn mẫu hợp tác ba bên vì hòa bình châu Á. Sức mạnh quân sự của Việt Nam mặc dù không địch được khả năng quân sự của Trung Quốc, nhưng không bao giờ được đánh giá thấp. Cả hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã từng nổi danh trong đấu tranh chống các nước lớn và đánh bại các cường quốc. Ấn Độ không chỉ là một nước hạt nhân mà còn đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Hợp tác quốc phòng giữa ba nước Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam trên cơ sở song phương đã diễn ra. Trong bối cảnh những thay đổi môi trường chiến lược và an ninh đang diễn ra tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, “mối quan hệ tam giác” Ấn-Nhật-Việt là đòi hỏi khẩn cấp. Bắt đầu tiến trình này bằng việc thể chế hóa cuộc đối thoại tay ba ở cấp độ Track-2 sẽ là một sự khởi đầu lý tưởng.
Nếu sáng kiến này tạo nên sự khởi đầu tốt thì đây sẽ là một sáng kiến mạnh mẽ hướng tới việc xây dựng lòng tin trong khu vực. Trong giai đoạn sau, Mỹ có thể được mời với tư cách là quan sát viên, bởi Mỹ là nước duy nhất trên thế giới đã từng và sẽ tiếp tục đóng vai trò “bình ổn” tại châu Á trong những thập niên tới.
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment