Nihon Keizai Shimbun phân tích, 3 nguyên tắc mới đã mở rộng hợp tác bảo đảm an ninh giữa Nhật với các nước ngoài Mỹ, chủ yếu là Việt Nam, Indonesia...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe theo đuổi chính sách an ninh-quốc phòng mới
Báo Mỹ điểm những khách hàng tiềm năng của vũ khí Nhật Bản
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 8 tháng 4 dẫn tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 7 tháng 3 đưa tin, gần đây Chính phủ Nhật Bản đã thông qua "Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng", thay cho "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí" cũ, có ý đồ vươn ra thị trường vũ khí quốc tế, điều này đã gây sự chú ý của rất nhiều phương tiện truyền thông quốc tế.
Bài báo đã liệt kê ra một loạt vũ khí của Nhật Bản được bên ngoài quan tâm, thậm chí cho rằng, nguyên nhân hành động này gây lo ngại cho Trung Quốc và Hàn Quốc và Nhật Bản có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trên thị trường vũ khí quốc tế.
Theo bài báo, Nhật Bản cách đây không lâu đã "lễ phép" từ chối yêu cầu mua xe tăng chiến đấu mới Type 10 của Thổ Nhĩ Kỳ. Một nhà phân tích cho rằng, xét tới tính năng tiên tiến của xe tăng Type 10, những nước mới nổi khát vọng sở hữu loại xe tăng này.
Được biết, xe tăng Type 10 do nhà máy Sagamihara, tỉnh Kanagawa của công nghiệp nặng Mitsubishi chế tạo, nơi cung ứng xe tăng chiến đấu lâu dài cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, đặc sắc lớn nhất là đã trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống treo thủy lực kiểu chủ động tiên tiến.
Xe tăng Type 10 là xe tăng tiên tiến nhất của Nhật Bản
Ngoài ra, trọng lượng của xe tăng Type 10 chỉ 44 tấn, so với xe tăng chiến đấu hạng nặng của phương Tây thì Type 10 thích hợp với đường sá của phần lớn các nước.
Trước đây có nguồn tin tiết lộ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ còn quan tâm đến ký kết một thỏa thuận hợp tác phát triển động cơ xe tăng dựa trên động cơ xe tăng Type 10. Công nghệ loại động cơ này có thể giúp cho xe tăng Type 10 chạy về phía trước hoặc lùi với tốc độ 70 km/giờ.
Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị sử dụng động cơ này trang bị cho xe tăng Altay nội địa (xe tăng chiến đấu thế hệ thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang ở trong giai đoạn nghiên cứu chế tạo). Nhưng, đàm phán cuối cùng bị thất bại, vào tháng 3 thỏa thuận "đã nằm ngoài chương trình nghị sự".
Theo bài báo, các sản phẩm công nghiệp quân sự lục quân khác gồm có pháo tự hành 155 mm Type 99, bọc thép chuyên dụng, bộ cảm biến và công nghệ radar.
Còn trong lĩnh vực hàng không và tàu chiến, công nghệ động cơ của Nhật Bản cũng được quan tâm. Đặc biệt là tàu ngầm lớp Soryu trang bị hệ thống cung cấp động lực không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP). Australia đã đề xuất mua sắm loại tàu ngầm này.
Tàu tuần tra Nhật Bản
Được biết, tàu ngầm lớp Soryu là loại tàu ngầm thông thường đầu tiên của Nhật Bản sử dụng hệ thống AIP, nó có thể lặn dưới nước trong thời gian dài, giảm cơ hội bị lộ khi nổi lên mặt nước.
Bài báo cho rằng, Nhật Bản có thể xuất khẩu loại tàu ngầm tiên tiến này cho Australia, để thay thế cho tàu ngầm lớp Collins gặp nhiều vấn đề của Hải quân Australia.
Tờ "Tin tức Quốc phòng" cho rằng, hành động của Nhật Bản đã trở thành một vấn đề mang tính khu vực gây tranh cãi, Trung Quốc và Hàn Quốc lo ngại Nhật Bản đang đi con đường tái vũ trang, đồng thời kêu gọi Nhật Bản "minh bạch".
Học giả Jun Okumura, Viện nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Meiji cho rằng, quy định mới đã đại diện cho sự thay đổi quan trọng của Nhật Bản, "không phải là Nhật Bản đang tái vũ trang, mà là quyết định này kéo Nhật Bản gần hơn với Mỹ và đối tác hợp tác toàn cầu khác, đối với Trung Quốc, đây là một sự phát triển tình hình gây lo ngại".
Theo bài báo, Nhật Bản gần đây còn quyết tâm xây dựng một hệ thống giám sát, quản lý để xuất khẩu vũ khí, nhằm nâng cao vai trò của Tokyo trên thị trường vũ khí thế giới, "giúp triệt tiêu mối đe dọa Trung Quốc".
Máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K Nhật Bản
“Nhật Bản sẽ xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam”
Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 4 tháng 4 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua Ba nguyên tắc mới, nới lỏng mạnh việc xuất khẩu vũ khí.
Theo tờ “Nihon Keizai Shimbun” Nhật Bản, quyết định này nhằm ứng phó với sự thay đổi của môi trường bảo đảm an ninh như Trung Quốc vươn ra đại dương, thông qua xuất khẩu trang bị và cùng phát triển để thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh với các nước như Mỹ, ngoài ra còn giúp nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản.
Theo Ba nguyên tắc mới, nếu nhận định “có lợi cho hòa bình và tăng cường bảo đảm an ninh của Nhật Bản”, sẽ cho phép xuất khẩu vũ khí. Ngoài ra, cũng sẽ mở rộng hợp tác bảo đảm an ninh với các nước ngoài Mỹ.
Theo báo Nhật, “đối tượng hợp tác sẽ bao gồm Việt Nam, Philippines và Ấn Độ”. Những nước này đều “nằm trên tuyến đường giao thông trên biển có tàu chở dầu hoạt động từ Trung Đông đến Nhật Bản”, hơn nữa đối mặt với vấn đề chung – Trung Quốc tăng cường triển khai “chiến lược biển”.
Bài báo cho rằng, Nhật Bản cân nhắc xuất khẩu máy bay và tàu tuần tra có thể dùng cho cứu hộ trên biển và cảnh giới, giám sát biển. Để xuất khẩu thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ Biển, Nhật Bản sẽ triển khai tham vấn liên chính phủ với Ấn Độ.
Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản sản xuất
Ngoài ra, Australia đã bày tỏ quan tâm tới công nghệ tàu ngầm của Nhật Bản. Ngoài các nước trên các tuyến đường hàng hải, tháng 1 năm 2014, Nhật Bản đã tổ chức tham vấn 2+2 với Pháp, trong tương lai sẽ khởi động công tác lựa chọn trang bị triển khai hợp tác phát triển.
Trước khi Ba nguyên tắc mới được đưa ra, công nghiệp nặng Mitsubishi Nhật Bản bình luận cho rằng, nó “có lợi cho nâng cao cảm giác hiện diện quốc tế của Nhật Bản. Hy vọng đóng góp theo khả năng trong hợp tác quốc tế phát triển và sản xuất trang bị”.
Quy mô thị trường của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản là 1.600 tỷ yên, nhưng quy mô toàn cầu được cho là đạt 40.000 tỷ yên trở lên. Cơ hội giành được đơn đặt hàng ở nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng lên.
Bài báo cho biết, công nghiệp nặng Mitsubishi sản xuất máy bay chiến đấu và tàu chiến, công nghiệp nặng Kawasaki sản xuất máy bay vận tải và tàu tuần tra theo dõi tàu địch, còn NEC và Mitsubishi Electric thì sản xuất thiết bị radar để “bắt” máy bay địch.
Nếu mở rộng hợp tác sản xuất quốc tế trong các lĩnh vực như máy bay chiến đấu và máy bay do thám không người lái, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nhật Bản trong đó có hợp đồng nhận thầu sẽ mở rộng.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo, là một trong những loại tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới
Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 4 tháng 4 cho rằng, việc Nhật Bản thông qua “Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng” thay cho “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” đã cho thấy chính sách xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản đã có sự thay đổi quan trọng, nhưng bài báo đã “thay mặt” cộng đồng quốc tế tỏ ra lo ngại về “hậu quả nghiêm trọng” của chính sách này.
Theo bài báo, nhìn bề ngoài, chính quyền Shinzo Abe lấy lý do cho “cởi trói” là chính sách cũ không còn thích hợp với sự thay đổi của thời đại, nên tiến hành điều chỉnh, nhưng báo Trung Quốc cho rằng, nhìn vào nội dung thực tế của Ba nguyên tắc cho thấy, tư tưởng “chủ nghĩa hòa bình” sau Chiến tranh của Nhật Bản đã có sự thay đổi căn bản.
Tờ “Tokyo Shimbun” Nhật Bản cho rằng, cốt lõi của “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” là “cấm xuất khẩu vũ khí”, nhưng cốt lõi của “Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng” là “cho phép xuất khẩu vũ khí”.
Báo Trung Quốc phàn nàn, “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” ra đời trong bối cảnh lớn của Hiến pháp hòa bình, hiện nay muốn xuất khẩu vũ khí cho “một số khu vực có thể xảy ra xung đột”, đi ngược lại tư tưởng chủ nghĩa hòa bình.
Máy bay vận tải cỡ lớn C-2 do Nhật Bản chế tạo
Lữ Diệu Đông, chủ nhiệm Ban ngoại giao, Phòng nghiên cứu Nhật Bản, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng: "Nhìn về lâu dài, sửa đổi Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí là có liên quan đến chiến lược phát triển quốc gia của Nhật Bản. Nhật Bản muốn trở thành cường quốc quân sự, cho nên trong vấn đề vũ khí, họ thể hiện là một 'quốc gia bình thường', muốn thoát khỏi thể chế sau Chiến tranh".
Ngoài cân nhắc đến chiến lược quốc gia, kinh tế Nhật Bản suy thoái, xuất khẩu yếu cũng làm cho chính quyền Nhật Bản coi xuất khẩu vũ khí là biện pháp giải quyết.
Lữ Diệu Đông cho rằng, thực hiện điều chỉnh chiến lược tự thân, mở rộng doanh nghiệp công nghiệp quân sự - đây mới là mục đích thực sự ẩn giấu đằng sau lý do "đóng góp cho hòa bình" của ông Shinzo Abe.
Lữ Diệu Đông lại đại diện cho Trung Quốc và "quốc tế" tỏ ra lo ngại, cho rằng: "Nhật Bản đưa ra chính sách như vậy đem lại một số nhân tố bất ổn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương". "Nhật Bản hiện nay có thể căn cứ vào bảo vệ an ninh quốc gia tự thân xuất khẩu vũ khí, như vậy, vấn đề tranh chấp đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga có thể thông qua hình thức vũ lực để tiến hành phòng vệ, điều này không có lợi cho sự ổn định của toàn bộ khu vực".
Tháng 1 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thăm Ấn Độ
Theo bài báo, Nhật Bản muốn thông qua mở rộng xuất khẩu vũ khí để tăng cường quan hệ hợp tác an ninh với các nước có liên quan, có nghĩa là trong tương lai họ có thể lấy bao vệ an ninh hàng hải làm lý do, cung cấp các trang bị như tàu chiến, máy bay quân sự cho các "đồng minh" như Philippines.
Tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản cho rằng, đằng sau quyết định này có mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế nghiên cứu phát triển vũ khí và kiềm chế Trung Quốc, cụ thể là hợp tác với một số nước "tồn tại tranh chấp lãnh thổ" với Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu tiến hành xuất khẩu tàu tuần tra hoặc trang bị khác sẽ có thể đoàn kết chặt chẽ hơn với các nước này.
Tờ "Nihon Keizai Shimbun" phân tích, Ba nguyên tắc mới đã mở rộng hợp tác bảo đảm an ninh giữa Nhật Bản với các nước ngoài Mỹ, chủ yếu là Việt Nam, Indonesia, Philippines - những nước nằm trên tuyến đường vận chuyển dầu mỏ trên biển nối với Trung Đông.
Nhà nghiên cứu Lữ Diệu Đông lo ngại, việc làm này của Nhật Bản sẽ "mở rộng cạnh tranh và mối đe dọa vè quân sự, sẽ tạo thêm những nhân tố bất ổn cho môi trường lớn của khu vực".
Nhưng Lữ Diệu Đông đã quên rằng, vũ khí trang bị của Trung Quốc đang phát triển theo kiểu "giếng phun", chính dư luận chính thống Trung Quốc đã khẳng định như vậy, điều này không gây ra bất ổn khu vực?!
Ngày 16 tháng 9 năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thăm Việt Nam
Lữ Diệu Đông còn dẫn một cuộc "khảo sát" vào cuối tháng 3 cho rằng, có hơn 60% người dân Nhật Bản phản đối Ba nguyên tắc mới, thậm chí có số ít người dân đã tụ tập ở dinh Thủ tướng phản đối quyết định mới của chính quyền Shinzo Abe.
Theo bài báo thì những người này hiểu được hậu quả của chiến tranh, yêu chuộng hòa bình, lo ngại về một nước Nhật ngày càng phát triển sức mạnh quân sự, gây ra xung đột quân sự cho Nhật Bản và đưa Nhật Bản tới con đường "xâm lược".
Theo bài báo, để thoát khỏi thể chế sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi lên nắm quyền, ông Shinzo Abe đã có rất nhiều động thái về mặt an ninh.
Cuối tháng 12 năm 2013, ông đưa ra "Đại cương kế hoạch phòng vệ", "Kế hoạch điều chỉnh lực lượng phòng vệ trung hạn" và Chiến lược an ninh quốc gia - Ba văn kiện về chính sách bảo đảm an ninh có tính cương lĩnh.
Nhật Bản cũng đã thông qua Luật bảo vệ bí mật đặc biệt, đồng thời lập ra Hội đồng An ninh Quốc gia, “cung cấp đạn dược” cho Hàn Quốc… Hiện nay, Nhật Bản lại sửa đổi "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí". "Thế lực cánh hữu" Nhật Bản từng bước xóa bỏ trở ngại cho việc sửa đổi Hiến pháp và cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể.
Việt Nam-Nhật Bản nâng tầm quan hệ
Giáo sư Vương Bảo Phó, Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản nới lỏng toàn diện “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” chủ yếu là phối hợp với chiến lược “hướng Đông” của Mỹ, Nhật Bản muốn hợp tác với Mỹ nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị, duy trì khả năng sản xuất công nghiệp quân sự của Nhật Bản, duy trì công nghệ quân sự.
Do đó, đây không phải là sự điều chỉnh sách lược thông thường hoặc điều chỉnh cục bộ, mà là sự thay đổi mang tính căn bản.
Theo Vương Bảo Phó, hiện nay Nhật Bản “không còn là một nước theo chủ nghĩa hòa bình”, đã tăng tốc “hữu khuynh hóa”, hình tượng “quốc gia hòa bình” đã “hết”, điều này “gây ảnh hưởng tiêu cực cho an ninh, ổn định khu vực”.
Vương Bảo Phó nhận định và nói ra nói vào cho rằng, Nhật Bản sẽ xuất khẩu vũ khí cho một số nước, trong đó có Việt Nam, thông qua đó để “kiềm chế Trung Quốc”.
Bài viết thừa nhận, Nhật Bản muốn bảo vệ lợi ích an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, muốn mở rộng vai trò ảnh hưởng, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường vũ khí quốc tế.
Bởi vì Nhật Bản là một quốc gia có khả năng cạnh tranh rất mạnh, nhất là họ có công nghệ vũ khí tiên tiến. Do đó, khi tham gia xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản sẽ là một đối thủ cạnh tranh mới. Dựa vào đó, Nhật Bản sẽ cứng rắn hơn về chính sách ngoại giao, từng bước trở thành một quốc gia có khả năng quân sự.
BÌNH ĐÔNG - BÁO GDVN
Comments[ 0 ]
Post a Comment