Với ngân sách quốc phòng lớn nhất, lượng tàu sân bay đông đảo nhất, kho vũ khí hạt nhân đồ sộ nhất, Mỹ tiếp tục được xếp số 1 thế giới về sức mạnh quân sự 2014, theo sau là Nga và Trung Quốc theo xếp hạng của Global Firepower.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng sở hữu nhiều máy bay nhất, các công nghệ đột phá, cùng một lực lượng lớn được huấn luyện tốt, chưa kể tới kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Lịch sử chiến tranh thế giới cho thấy, không phải lúc nào các chiến dịch quân sự cũng có phần thắng nghiêng về phía kẻ mạnh, mà cuộc chiến tại Việt Nam và Afghanistan là những ví dụ điển hình.
Dù vậy, sức mạnh quân sự vẫn là yếu tố cực kỳ quan trọng với bất kỳ quốc gia nào muốn giành lấy quyền lực, tăng cường ảnh hưởng. Việc có thể hoạch định và phô diễn sức mạnh đó cũng là một vũ khí ngoại giao then chốt.
Trang web quân sự Global Firepower mới đây đã công bố xếp hạng những đội quân hùng mạnh nhất thế giới, dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có nhân lực sẵn có, tổng lực lượng lao động và khả năng tiếp cận các vũ khí chiến lược. Năng lực hạt nhân không được tính đến trong xếp hạng này. Và sau đây là Top 10 đội quân được xếp hạng cao nhất.
1. Mỹ
Ngân sách quốc phòng của Mỹ hiện lên tới 612 tỷ USD. Bất chấp việc phải thắt chặt chi tiêu, Mỹ vẫn chi cho quân sự nhiều hơn cả 10 nước xếp liền sau cộng lại. Mỹ sở hữu tới 19 tàu sân bay, trong khi toàn bộ phần còn lại của thế giới chỉ có 12 chiếc. Những tàu sân bay khổng lồ cho phép nước này có thể lập căn cứ tác chiến ở bất kỳ đâu, và hoạch định sức mạnh khắp thế giới.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng sở hữu nhiều máy bay nhất, các công nghệ đột phá, cùng một lực lượng lớn được huấn luyện tốt, chưa kể tới kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
2. Nga
2 thập niên sau khi Liên Xô sụp đổ, sức mạnh quân sự Nga đang tăng trở lại. Kể từ năm 2008 đến nay, chi tiêu quân sự của nước này tăng gần 1/3, và có thể tăng 44% trong 3 năm tới. Hiện ngân sách quốc phòng của nước này là 76,6 tỷ USD.
Nga có 766.000 quân nhân thường trực, với lực lương dự bị 2.485.000 người. Hỗ trợ cho các binh sỹ này là 15.500 xe tăng - lực lượng xe tăng lớn nhất thế giới. Dù vậy một số thiết bị của Nga bị xem là đang già cỗi.
3. Trung Quốc
Trung Quốc đã luôn duy trì một chính sách chi tiêu quân sự mạnh mẽ, với ngân sách năm nay tăng so với năm ngoái là 12,2%, đạt 126 tỷ USD, nhưng thực tế có lẽ còn cao hơn. Quân đội nước này có quy mô khổng lồ, với 2.285.000 binh sỹ trực chiến và thêm 2.300.000 quân nhân dự bị.
Trung Quốc cũng đã có lịch sử đánh cắp được nhiều công nghệ quân sự nhạy cảm, mà gần đây là thông tin về mẫu chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ.
4. Ấn Độ
Chi tiêu quân sự của Ấn Độ được dự kiến sẽ tăng trong quá trình hiện đại hóa. Hiện ước tính nước này đang đầu tư chỉ 46 tỷ USD cho quốc phòng nhưng đến năm 2020 dự tính sẽ trở thành nước chi cho quân sự lớn thứ 4 thế giới. Hiện New Delhi đã là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất.
Ấn Độ có những tên lửa đạn đạo có tầm bắn bao phủ Pakistan và hầu hết lãnh thổ Trung Quốc. Chiến lược quân sự của nước này vốn vẫn bị chi phối bởi những xung đột âm ỉ lâu dài với Pakistan, dù trước đây đã từng xảy ra một vài đụng độ nhỏ với Trung Quốc.
5. Anh
Anh đã lên kế hoạch giảm 20% lực lượng vũ trang trong giai đoạn 2010 - 2018, với sự cắt giảm nhắm vào không quân và hải quân. Ngân sách quốc phòng của họ hiện là 54 tỷ USD. Dù thu hẹp quy mô, Anh vẫn được xem như có thể triển khai các lực lượng khắp thế giới.
Nước này hiện có kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, với khả năng mang 40 chiến đấu cơ F-35B vào biên chế trong năm 2020. Nhờ công tác huấn luyện và trang bị rất tốt, Anh vẫn giữ được lợi thế so với các cường quốc mới nổi như Trung Quốc.
6. Pháp
Trong năm 2013, Pháp đã đóng băng chi tiêu quân sự, trong khi giảm 10% nhân lực quốc phòng để tiết kiệm kinh phí cho các thiết bị công nghệ cao. Nước này chi khoảng 43 tỷ USD/năm cho quân sự, tương đương 1,9% GDP, dưới mức NATO đề ra cho các thành viên.
Dù chi tiêu quân sự giảm, Pháp vẫn rất có khả năng trong việc đưa lực lượng đi khắp thế giới, trong đó có nhiều đợt triển khai lớn tại cộng hòa Trung Phi, Chad, Mali, Senegal và nhiều nơi khác.
7. Đức
Sức mạnh quân sự của Đức dường như không tương xứng với sức mạnh kinh tế của nước này. Gần đây, Đức đã tính đến việc hỗ trợ quân sự cho NATO tại Đông Âu, và tích cực hơn trong các sứ mệnh quân sự quốc tế. Hàng năm, nước này chi khoảng 45 tỷ USD cho quân sự.
Sau Thế chiến II, nhân dân Đức nhìn chung chống lại chiến tranh. Do đó quân đội nước này từng bị giới hạn trong khuôn khổ lực lượng phòng thủ, trước khi tích cực hơn trong các sứ mệnh quốc tế. Đức chỉ có 183.000 quân thường trực và 145.000 quân dự bị.
8. Thổ Nhĩ Kỳ
Chi tiêu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 9,4% trong năm 2014, lên 18,2 tỷ USD. Những cuộc đụng độ quân sự tiếp diễn tại Syria, và khả năng đụng độ với người Kurd ly khai chính là lý do đằng sau sự gia tăng này.
Quốc gia thành viên NATO này đã gửi quân tham gia nhiều chiến dịch khắp thế giới, trong đó có tại Afghanistan cũng như gìn giữ hòa bình tại Balkan.
9. Hàn Quốc
Hàn Quốc đã không ngừng tăng chi tiêu quân sự do tăng cường mua sắm từ Nhật, Trung Quốc, và mối đe dọa thường trực từ Triều Tiên. Ngân sách hiện tại của nước này là 34 tỷ. USD.
Hàn Quốc có lực lượng quân đội khá lớn so với quy mô lãnh thổ, khi sở hữu 640.000 quân nhân thường trực và 2,9 triệu quân nhân dự bị. Họ cũng sở hữu 2346 xe tăng cùng 1393 máy bay. Quân đội Hàn Quốc nhìn chung được đào tạo tốt và thường tham gia diễn tập với Mỹ. Không quân Hàn Quốc hiện có quy mô lớn thứ 6 thế giới.
10. Nhật Bản
Lần đầu tiên sau 11 năm, Nhật đã tăng chi tiêu quân sự để đáp lại những tranh chấp ngày một tăng với Trung Quốc, đạt 49,1 tỷ USD, lớn thứ 6 thế giới. Họ cũng đã mở rộng quy mô quân đội lần đầu tiên sau 40 năm bằng cách lắp đặt căn cứ quân sự mới ở các đảo xa.
Quân đội Nhật được trang bị khá tốt, với 247.000 binh sỹ thường trực và 57.900 binh sỹ dự bị. Nước này cũng có 1.595 máy bay và 131 tàu chiến.
Việt Nam lọp top 25 cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới
Việt Nam đứng thứ 23 trong top 106 quốc gia trong danh sách chỉ số quân sự Global Firepower’s 2014 Power Index, đo lường sức mạnh quân sự của từng nước.
Trong báo cáo vừa được tung ra, Global Firepower thu thập thông tin của từng quốc gia trên 50 khía cạnh có yếu tố quyết định “khả năng đương đầu với chiến tranh theo kiểu truyền thống trên các mặt trận đất liền, trên biển và trên không”.
Tuy nhiên, những yếu tố như vũ khí hạt nhân hay chế độ lãnh đạo không được tính đến trong bảng xếp hạng, cho phép so sánh một cách cân bằng giữa những nước nhỏ nhưng có công nghệ tiên tiến với những nước lớn nhưng không đầu tư nhiều vào quân sự.
Ngoài ra, các yếu tố khác liên quan đến tài nguyên, tài chính, địa lý cũng được Global Firepower xem xét. Số liệu được trang web tổng hợp từ CIA, số liệu trực tuyến và các báo cáo truyền thông.
Điểm “PwrIndx” lý tưởng là 0,0000, với Mỹ là nước dẫn đầu danh sách với điểm sức mạnh bằng 0,2208, theo sau là Nga với 0,2355 và Trung Quốc tại 0,2594.
Việt Nam có điểm đánh giá với 0,8962 điểm xếp thứ 23, cao hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (24), Malaysia (38), Philippines (37) và Singapore (44), Campuchia (84) và Lào (102), Indonesia (19)...
Việt Nam có lượng quân số dự phòng khá lớn, với tổng dân hơn 92 triệu người, trong đó có hơn 41 triệu người phù hợp để phục vụ quân sự. Có khoảng 412.000 nhân sự đang trực tiếp phục vụ ở tiền tuyến và hơn 5 triệu nhân sự trợ giúp phía sau.
Cũng theo số liệu của Global Firepower, Lục quân Việt Nam đang sở hữu 3.200 xe tăng, 2.100 phương tiện có khả năng chiến đấu và 1.300 hệ thống rocket.
Không quân, Việt Nam có tổng cộng 413 phi cơ, bao gồm 209 máy bay chiến đấu, 141 máy bay lên thẳng.
Hải quân quân đội Việt Nam sở hữu 65 tàu chiến.
Hàng năm, chi tiêu ngân sách cho quốc phòng vào khoảng 3,4 tỷ USD.
Ngoài ra, nhiều yếu tố khác như diện tích đất liền, độ dài đường bờ biển, nợ công, vận tải, tài nguyên cũng được đưa vào danh sách để tính điểm xếp hạng.
Comments[ 0 ]
Post a Comment