Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ- ASEAN lần đầu tiên diễn ra tại Mỹ (1-3/4) trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục leo thang tại Biển Đông.
Binh sỹ Philippines nhận hàng cứu trợ sau khi tàu tiếp tế vượt qua sự ngăn cản của tàu Trung Quốc.
Lần đầu tiên diễn ra tại Mỹ
Đây là lần đầu tiên một Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ASEAN được tổ chức trên đất Mỹ nêu bật quyết tâm xoay trục của nước này sang châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) - Chuẩn Đô đốc John Kirby cho biết, ưu tiên của Bộ trưởng Chuck Hagel chính là tăng cường và mở rộng quan hệ của Lầu Năm Góc với toàn bộ các thành viên ASEAN. Hội nghị lần này sẽ xác định các cách thức tăng cường hợp tác an ninh đa phương trong khu vực và xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa các cơ quan quân sự và dân sự để cải thiện công cuộc trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Theo nhận định của hãng tin AP, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ASEAN là một phần trong các nỗ lực không ngừng của Lầu Năm Góc nhằm tăng cường và mở rộng sự hiện diện cũng như hoạt động quân đội Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, theo ông Ernest Bower - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế CSIS, đây được xem là cơ hội để Mỹ tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước Đông Nam Á giữa những động thái leo thang về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines tiếp tục kiện Trung Quốc
Ngày 29/3 vừa rồi, tại bãi Cỏ Mây, tàu tiếp tế Philippines đã bị 4 tàu Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn suốt 2 tiếng đồng hồ nhưng bất thành, có lúc hai tàu chỉ cách nhau 50m. Chiếc tàu này ngoài việc tiếp tế còn làm nhiệm vụ luân chuyển binh sỹ; trên tàu còn chở theo nhiều phóng viên các hãng thông tấn quốc tế. Phóng viên Chiara Zambrano - hãng ABS CBN News cho biết, thuyền trưởng tàu Philippines đã điều khiển con tàu chạy qua chạy lại cho đến khi vào được vùng nước nông mà các tàu Trung Quốc lớn hơn không thể vào. Trước đó ngày 9/3, hai chiếc tàu dân sự Philippines chở hàng tiếp tế cho đơn vị này cũng đã bị hai tàu tuần duyên Trung Quốc có mặt tại chỗ cản đường và phải rút đi.
Một diễn biến khác, bà Abigail Valte - Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, khẳng định rằng chính quyền Manila vẫn tiếp tục xúc tiến các thủ tục tố tụng, theo đuổi vụ kiện Trung Quốc về các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông. Luận chứng cáo buộc Trung Quốc đã được đệ trình lên tòa án Liên hợp quốc về Luật Biển vào ngày hôm qua (30/3) như hạn định. Theo bản Luận chứng thì Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền phi lý trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Không chỉ phớt lờ các tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong vùng, từ Philippines, Việt Nam, cho đến Malaysia, Brunei, Bắc Kinh còn dùng sức mạnh lấn chiếm và giành quyền kiểm soát nhiều vùng biển đảo của nước khác, kể cả những khu vực trên nguyên tắc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ, rất xa bờ biển của Trung Quốc.
Mới đây, ông Hồng Lỗi - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cảnh cáo Philippines về khả năng quan hệ song phương bị sứt mẻ, nếu Manila vẫn tiếp tục các hành vi “sai trái”. Tuy nhiên, tuyên bố khẳng định tiếp tục vụ kiện là lời đáp trả của Manila. Theo bà Valte, chính quyền Philippines thừa hiểu là phán quyết của tòa án Liên hợp quốc có thể không có khả năng thực thi dù chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, một quyết định thuận lợi cho Philippines sẽ củng cố lập trường của Manila.
Theo Xã Luận
Comments[ 0 ]
Post a Comment