Khi tình hình Ukraine trở nên sôi động và Tổng Thống Yanukovych thân Nga bị phe đối lập lẫn quốc gia cực đoan lật đổ ngày 22/2/2014 với sự hỗ trợ của Mỹ và NATO… khiến Nga đem quân vào Crimea thì Ukraine trở thành điểm nóng của chính trị thế giới…khiến cuộc khủng hoảng ở Biển Đông trở nên mờ nhạt...nhất là đối với Mỹ.
Đã có lúc các chiến lược gia Hoa Kỳ báo động về sự phục hồi của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh và hối thúc ông Obama lại phải “Xoay Trục” tức dồn hết lực lượng về Âu Châu để đối phó với Liên Bang Nga - căng thẳng và nguy hiểm không kém gì thời Mỹ và Liên Bang Xô-viết. Trong khi cả thế giới ngơ ngác không biết phải theo “Ông Kẹ” nào, Nga hay Mỹ - thì nhức đầu nhất phải kể Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
1) Ấn Độ tuy hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ đề đối đầu với Hoa Lục nhưng lại nương tựa vào Nga để xây dựng sức mạnh quân sự cho nên đã thẳng thắn bác bỏ các biện pháp cấm vận của Mỹ đối với Nga…điều này chắc chắn khiến Washington buồn lòng. Nhưng có lẽ Washington cũng phải làm ngơ cho êm chuyện.
2) Nhức đầu không kém phải kể Thủ Tướng Abe. Nhật Bản cũng đang phải dựa vào Hoa Kỳ để bảo vệ nền an ninh cho mình trong khi tình hình tại Biển Hoa Đông mỗi lúc mỗi căng thẳng cho nên không thể làm phật lòng “Anh Hai Mỹ ”. Chính vì thế mà Nhật Bản phải lên án cuộc trưng cầu dân ý cũng như cuộc sát nhập Crimea vào Nga, đồng thời hối hả tuyên bố cho Ukraine vay 1 tỉ đô-la để cứu nguy nền kinh tế. Tuy nhiên Nhật khôn ngoan không dồn Nga vào chân tường bằng cách không đồng ý với những biện pháp cấm vận của Mỹ. Nguyên do: Những biện pháp cấm vận của Mỹ sẽ tác động tới dự án hàng chục tỉ đô-la để xây dựng hệ thống dẫn khí đốt từ Nga rồi xuyên qua lòng biển vào Nhật Bản và khối lương khí đốt hiện đang nhập cảng từ Nga. Hơn thề nữa, nếu Nhật Bản về hùa với Mỹ cấm vận Nga, ngòai việc tự hại mình, Nhật còn biến Nga trở thành kẻ thù trong khi đang căng thẳng với Hoa Lục. Thật là một thảm họa cho Nhật Bản nếu cùng lúc phải đối đầu với hai láng giềng khổng lồ là Trung Quốc và Nga. Mối giao hảo giữa ông Abe và ông Putin đang được vun đắp tốt đẹp bỗng nhiên gặp phải “Sao quả tạ Ukraine”. Nhật Bản xui tận mạng!
3) Hiện nay ảnh hưởng kinh tế, tài chính và ngọai giao của Trung Quốc bao trùm cả thế giới thế nhưng về mặt quân sự Trung Quốc không có một đồng minh nào trong khi kẻ thù tiềm tàng thì quá nhiều. Một đại cường mà Hoa Lục có thể nương tựa được hoặc có thể trở thành “đồng minh” trong tương lai chính là Nga. Thế nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy Trung Quốc vào thế kẹt. Nếu bênh Nga tức Trung Quốc chấp nhận nguyên tắc: Một cộng đồng hoặc một sắc tộc đang là một thể thống nhất của một quốc gia nào đó, nhưng bằng cuộc trưng cầu dân ý có thể tuyên bố độc lập hoặc sát nhập vào một quốc gia khác có cùng, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử vv…
Hiện nay Hoa Lục đang mắc phải ba cục xương dính trong cổ họng, đó là Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng. Nếu chấp nhận nguyên tắc này thì ba dân tộc trên có thể tuyên bố độc lập và tách khỏi Hoa Lục. Chính vì lo sợ một tai họa tiềm ần cho nên Hoa Lục lúc nào cũng tuyên bố gắn bó với nguyên tắc “lãnh thổ bất khả phân ly” và cuộc trưng cầu dân ý của Crimea trái với luật pháp quốc tế. Đây là một thông điệp rõ ràng cảnh báo Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan chớ có bắt chước Crimea để tuyên bố độc lập, tách rời khỏi Hoa Lục. Thế nhưng để lấy lòng Nga, Hoa Lục cùng lúc tuyên bố không đồng ý với những biện pháp cấm vận và hối thúc Hoa Kỳ phải giải quyết vấn đề Ukraine bằng phương thức ngọai giao. Chính vì thế mà Ô. Putin đã gọi điện thọai cám ơn Ô. Tập Cận Bình đã hỗ trợ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Dĩ nhiên Ukraine sụp đổ, thân Nga, phi liên kết hay trở thành biên cương mới của NATO không phải là mối bận tâm của Hoa Lục. Trong khi Hoa Kỳ gần như lên cơn sốt, dành hết tâm trí để đối phó với Nga thì Hoa Lục rảnh tay tiến hành kế họach lấn chiếm ở Biển Đông. Rõ ràng dù có sự can dự của siêu cường Mỹ trong nhiều năm qua, Hoa Lục vẫn không chùn bước, tình hình mỗi lúc mỗi căng thẳng thêm và lan rộng ra tới Indonesia, châu Úc, báo hiệu một điềm bất tường gì đó trong một tương lai rất gần. Sổ tay ghi lại những chuyển biến quan trọng từ Tháng Hai tới nay cho thấy rõ điều đó:
Những diễn biến trong Tháng Hai và Tháng Ba:
-Ngày 5/2/2014: Thủ tướng Abe và ông Tập Cận Bình cùng tham dự Thế Vận Hội Sochi 2014 để bày tỏ sự ủng hộ ông Putin và tăng cường ngọai giao với Nga. Ông Putin vui vẻ bắt tay cả hai, nhưng hai ông Abe và Tập Cận Bỉnh không hề nói chuyện với nhau.
-Ngày 5/2/2014: Phụ Tá Ngoại Trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Danny Russel nói rằng tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên Đường Chín Đoạn (Đường Lưỡi Bò) là không có cơ sở rõ ràng trong luật pháp quốc tế và Trung Quốc cần làm sáng tỏ điểu này.
-Ngày 7/2/2014 Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc viếng thăm Washington đã hội đàm với ngọai truởng John Kerry. Ngoại trưởng John Kery khẳng định, Mỹ có trách nhiệm bảo vệ Tokyo nếu bị tấn công, bao gồm cả vùng Biển Hoa Đông.
-VOA tiếng Việt ngày 7/2/2014: Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc gọi nhận xét của Mỹ (thông qua Phụ Tá Ngọai Trưởng Danny Russel) là “cực kỳ vô trách nhiệm, gây bất ổn và cáo buộc Hoa Kỳ gây nguy hại tới hòa bình và phát triển trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương ” và “những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đã hình thành và phát triển qua quá trình lịch sử lâu dài.”
-Ngày 12/2/2014: Theo AFP trong một cuộc thăm viếng Manilla, Đô Đốc Jonathan Greenert – Trưởng Phòng Hành Quân của Hải Quân Hoa Kỳ tuyên bố, “Hoa Kỳ sẽ giúp Phi Luật Tân trong trường hợp Trung Quốc tiến chiếm những hòn đảo đang còn tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông...và thái độ hung hăng trái với tiêu chuẩn quốc tế là đi ngược với trật tự tốt đẹp.”
-VOA tiếng Việt ngày 18/2/2014: “Phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai 17/2/2014, ông Kerry yêu cầu Jakarta tập trung năng lượng chính trị để đẩy mạnh tiến độ hướng đến việc đạt được một thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Ông Kerry nói tương lai nền hòa bình trong khu vực này phụ thuộc vào việc những tranh chấp Biển Đông có thể được giải quyết nhanh chóng ra sao, vì nếu một giải pháp hòa bình tiếp tục bị trì hoãn, nguy cơ xung đột vũ trang sẽ lớn hơn."
-Voice of Russia ngày 19/2/2014: “Hải quân Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên ngoài khơi bờ biển Australia. Cuộc tập trận gây ra phản ứng nghiêm trọng trên báo chí Australia và làn sóng tranh luận về việc nước này sẽ phải sống ra sao trong bối cảnh tiềm năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Theo ông Vasily Kashin, chuyên gia của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, chưa bao giờ có một cuộc biểu dương sức mạnh quân sự của Trung Quốc được thực hiện gần lãnh thổ Australia như vậy.”
-VOA tiếng Việt ngày 20/2/2014: “Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa khẳng định nước ông đã nhấn mạnh với Bắc Kinh rằng Jakarta sẽ không chấp nhận một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.” Đây là lời tuyên bố mạnh mẽ nhất của Indonesia về vấn đề Biển Đông, hai ngày sau chuyến viếng thăm của Ô. John Kerry.
-RFI ngày 20/2/2014: “Công du Philippines, ngày hôm nay, 20/02/2014, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuyên bố Canberra ủng hộ ASEAN xây dựng một bộ luật ứng xử, mang tính ràng buộc, nhằm làm giảm căng thẳng do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.” Lời tuyên bố này dù muốn dù không cũng tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc. Cho đến nay, quân đội Úc đã tham gia đào tạo quân sự cho Philippines, hỗ trợ về huấn luyện.
-Báo ANTĐ ngày 21/2/2014: Một ngày sau cuộc tập trận diễu võ giương oai của Hoa Lục, chính phủ Úc tuyên bố sẽ chi 4 tỷ AUD (tương đương 3.6 tỷ USD) để mua 8 máy bay tuần tra tối tân P-8A Poseidon chống tàu ngầm của Hoa Kỳ. Theo Thủ Tướng Tony Abbott các máy bay tuần tra mới này sẽ giúp Australia tăng cường khả năng giám sát và tuần tra vùng biển đặc quyền rộng trên 2.5 triệu km vuông của nước này, tương đương 4% diện tích đại dương trên thế giới, trong thập niên kỷ tới.
-Reuters ngày 21/2/2014 cho biết Philippines đã đạt được thỏa hiệp mua 12 phi cơ chiến đấu FA-50 của Nam Hàn trị giá 422 triệu đô-la. Cũng theo Reuters, Philippines hòan tòan không có chiến đấu cơ kể từ khi lọai bỏ phi cơ F5-A do Mỹ viện trợ quá cũ vào năm 2000.
-AFP ngày 24/2/2014 loan tin tàu hải giám có trang bị vũ khí của Trung Quốc lần đầu tiên phun vòi rồng vào tàu cá của ngư phủ Philippines tại Bãi Cạn Scaborougg và tiếp tục duy trì sự hiện diện tại đây. Bãi cạn Scarborough nằm cách Đảo Luzon của Philippines 220km và các Đảo Hải Nam của Trung Quốc 650km.
-Voice of Russia ngày 26/2/2014; “Nga dự định tăng số lượng các căn cứ quân sự ở nước ngoài và đang đàm phán với một số nước, trong đó có Việt Nam, Cuba, Venezuela, Nicaragua, Seychelles, Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với các phóng viên tại Matxcova hôm thứ Tư. “Chúng tôi có kế hoạch tăng số lượng các căn cứ quân sự. Ngoài Việt Nam và Cuba, chúng tôi dự định sẽ tăng thêm số lượng của chúng ở một số nước như Venezuela, Nicaragua, Seychelles, Singapore và những quốc gia khác”, bộ trưởng cho biết. Ông nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành và Nga đang gần với việc ký kết các văn kiện.”
Riêng đối với Việt Nam, ngòai việc ưu tiên về thủ tục để cho phép tàu chiến và tàu ngầm Nga vào Vịnh Cam Ranh để bảo trì, sửa chưa, tiếp liệu và binh sĩ nghỉ ngơi. Cũng theo Voice of Russia, hiện giờ Việt-Nga đang tiến hành đàm phán song phương về việc cho phép máy bay tiếp dầu của Nga sử dụng Phi Trường Cam Ranh để đảm bảo hoạt động tầm xa của không quân Nga - cho thấy Nga đang hình thành một chiến lược quân sự để ứng phó với những chuyển biến ở Biển Đông nói riêng và thế giới nói chung.
-RFI tiếng Việt ngày 28/2/2014: “Ngày 27/02/2014, Trưởng nhóm luật gia của Philippines đã đích danh kêu gọi Việt Nam và Malaysia cùng với một số nước có tranh chấp khác góp sức với Philippines trong vụ kiện các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp củaTrung Quốc tại Biển Đông.”
-PetroTimes ngày 3/3/2014: “Tướng Moeldoko – Tư Lệnh Lực Lượng Phòng Vệ Indonesia tuyên bố, Jakarta sẽ triển khai lực lượng bổ sung và tăng cường sự hiện diện của bộ binh và không quân xung quanh Quần Đảo Natuna, vốn nằm ở phía Nam, giáp với các vùng biển thuộc Việt Nam (ở phía bắc), Malaysia và Brunei (ở phía đông)," cho thấy Indonesia bắt đầu lo sợ về sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc tại vùng biển này.
-AFP ngày 5/3/2014: Trung Quốc chính thức công bố tăng ngân sách quốc phòng 12.2% tức 132 tỉ đô-la khiến Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ lo lắng. Điều trần trước Ủy Ban Quân Vụ Hạ Nghị Viện, Đô Đốc Samuel Locklear cho rằng còn lâu Trung Quốc mới có thể đe dọa ưu thế tuyệt đối về quân sự của Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc có thể làm trở ngại khả năng bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng. Sở dĩ vị đô đốc này lo lắng là vì số lượng hỏa tiễn Đông Phong 21D phòng thủ bờ biển với tầm bắn 2000km, hướng dẫn bởi vệ tinh là sát thủ tàu sân bay đáng gờm của Trung Quốc.
Tên lửa Đông Phong 21D của Trung Quốc
-VOA tiếng Việt ngày 6/3/2014: “Báo Inquirer dẫn lời Phó Tổng thống Jejomar Binay cho hay đại sứ Việt Nam tại Philippines, ông Trương Triều Dương, bày tỏ sự ủng hộ (Philippines trong tranh chấp Biển Đông) này trong một cuộc điện đàm với ông Binay hôm 4/3.”
- Reuters ngày 6/3/2014: Tàu tuần tra của Trung Quốc phun vòi rồng và xử dụng những phương tiện hung bạo để xua đuổi tàu đánh cá của Việt Nam và Philippines trong vùng biển tranh chấp.
-Reuters ngày 6/3/2014: “Phát ngôn viên của quân đội Philippines ngày 06/03/2014 cho biết Manila đầu tư 500 triệu peso, tức hơn 11 triệu đô la để nâng cấp căn cứ Ulugan Bay. Đây là căn cứ gần đảo Trường Sa nhất để nâng cao năng lực của một trong những lực lượng quân sự yếu nhất châu Á.”
- AFP ngày 9/3/2014: Tổng Thống Benigno Aquino tuyên bố Philippines cũng có quyền bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc giống như lời tuyện bố răn đe của Ngọai Trưởng Vương Nghị mới đây.
- PetroTimes ngày 13/3/2014 : “ Tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 8/3 của Ngoại trưởng Trung Quốc đang khiến dư luận quan tâm và bình luận sau khi ông Vương Nghị cho rằng, các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ không có chỗ cho sự thỏa hiệp với Nhật Bản và Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận yêu cầu “vô lý” từ các quốc gia nhỏ hơn! Điều này đồng nghĩa với việc, Trung Quốc quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của mình bằng mọi giá! “
-VOA tiếng Việt ngày 14/3/2014: “Các giới chức Philippines cho biết đã đạt được sự đồng thuận với Hoa Kỳ về một kế hoạch cho thiết lập những cơ sở tạm thời của quân đội Hoa Kỳ tại các căn cứ của Philippines.” Cũng theo VOA tiếng Việt, “Philippines loan báo Manila và đồng minh Hoa Kỳ đang gửi một thông điệp tới Trung Quốc bằng việc sắp ký khung thỏa thuận cho phép tăng cường sự hiện diện luân phiên của binh sĩ Mỹ tại Philippines.”
-VietnamNet ngày 16/3/2014: Ông Trương Tấn Sang cùng đòan tùy tùng hùng hậu đã viếng thăm Nhật theo lời mời của Nhật Hoàng Akihito. Ông và Bà Trương Tấn Sang đã hội kiến với Nhật Hoàng và hoàng hậu, dự quốc yến do Nhật Hoàng khoản đãi; hội đàm và dự chiêu đãi của Thủ tướng Shinzo Abe, đọc thông điệp trước lưỡng viện Quốc Hội Nhật. Theo tham tán công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki tại Hà Nội thì “Hàng năm, Nhật Bản đón hai chuyến thăm cấp quốc gia của nguyên thủ nước ngoài. Với tài khóa 2013, sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp François Hollande hồi tháng 6/2013, Nhật Bản chào đón chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai là của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.”
VOA tiếng Việt ngày 17/3/2014 đã tường trình về chuyến công du này như sau: “Chủ tịch nước Việt Nam tuyên bố Việt Nam tìm cách giữ gìn an toàn hàng hải-hàng không và duy trì hòa bình-ổn định thông qua hợp tác với những đối tác như Nhật và các nước Đông Nam Á.” Thông Cáo Chung Việt-Nhật nơi Khỏan 2 ghi như sau:“Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Sin-dô A-bê đã có cuộc Hội đàm cấp cao. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hai bên quyết định nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á. Hai nhà Lãnh đạo cho rằng việc nâng cấp quan hệ lần này thể hiện tin cậy về chính trị và phản ánh sự phát triển sâu rộng của quan hệ của hai nước trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. “ Trong diễn văn đọc trước lưỡng viện quốc hội Nhât, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã phát biểu:“Trên tinh thần đó, đối với những vấn đề tranh chấp trên biển, Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.”
-VOA tiếng Việt ngày 17/3/2014, “Trung Quốc khuyến cáo Philippines phải rời khỏi một bãi cạn có tranh chấp ở Biển Đông (có tên Second Thomas Shoal/ Bãi Cỏ Mây) sau khi Manila loan báo dự định gửi thêm đồ tiếp tế cho binh sĩ trú đóng tại đây bất chấp sự cản trở của Trung Quốc tại khu vực.”
-24/3/2014: Giới chức quân sự Mỹ cho biết nước này sẽ điều 1150 thủy quân lục chiến tới Australia trong Tháng Tư để tăng cường cho lực lượng gồm 200 người đã được triển khai tại Darwin. Đại tá Brad Bartelt, phát ngôn viên của lực lượng cho biết: "Việc triển khai quân này là minh chứng rõ ràng về cam kết kiên định của Mỹ đối với liên minh Mỹ - Australia, cũng như đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
-29/3/2014: Một tàu tuần duyên nhỏ của Philippines đã khéo léo lách qua hai tàu tuần duyên lớn của Trung Quốc đang ngăn chặn để tiếp tế lương thực và nước uống cho thủy quân lục chiến Phi đang đóng trên một chiếc tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây trước sự chứng kiến và cổ vũ của báo chí Philippines và quốc tế. Phát ngôn viên Bộ Ngọai Giao Trung Quốc tuyên bố “Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận việc Philippines chiếm cứ Bãi Nhân Ái (Second Thomas Shoal/Bãi Cỏ Mây) dưới bất cứ hình thức nào.” Tàu mắc cạn này có tên USS Harnett County là tàu đổ bộ chở chiến xa sản xuất từ Thế Chiến II sau đó Mỹ đem viện trợ cho Miền Nam và đổi tên thành Mỹ Tho. Ngày 30/4/1975 tàu di tản qua Phi Luật Tân, bị Phi lưu giữ và đổi tên thành Sierra Madre. Năm 1999 chính quyền Phi Luật Tân cố ý cho tàu mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây để làm chứng tích chủ quyền lãnh hải của mình. Bãi Cỏ Mây cách Đảo Palawan khoảng 120 dặm Anh. Theo AFP ngày 1/4/2014 Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ lên ánh hành động ngăn cản của Trung Quốc là có tính khiêu khích và gây bất ổn “a provocative and destabilizing action".
Nhận Định:
1) Việc ông Tập Cận Bình tuyên bố “Trung Quốc có lợi ích cốt lõi (quyền lợi sinh tử) ở Biển Đông” còn ông Vương Nghị tuyên bố “Những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đã hình thành và phát triển qua quá trình lịch sử lâu dài.” và “Trung Quốc sẽ bảo vệ từng tấc đất của mình” cho thấy Trung Quốc sẽ giành lấy và bảo vệ lãnh thổ khoanh vùng bởi Đường Lưỡi Bò bằng mọi giá. Những việc làm của Trung Quốc trong thời gian qua đã chứng minh điều đó. Chắc chắn không có gì lay chuyển được Trung Quốc, ngọai trừ một thất bại về quân sự.
2) Cuộc khủng hoảng Biển Đông không còn giới hạn ở vùng Biển Trường Sa bao gồm Việt Nam và Philippines mà bắt đầu lan rộng tới Indonesia và châu Úc. Cuộc tập trận bắn đạn thật mới đây của các chiến hạm Trung Quốc sát bờ biển châu Úc mà trong lịch sử chưa tùng có, khiến giới lãnh đạo Canberra kinh hoảng. Việc hối hả triển khai thêm 1150 thủy quân lục chiến Mỹ tới chau Úc phản ảnh mối lo đó.
Trung Quốc không có tranh chấp biển đảo với Indonesia và châu Úc nhưng Trung Quốc muốn bảo vệ hoặc không muốn bị Hoa Kỳ khống chế con đuờng chiến lược vận chuyển từ Trung Quốc tới Ấn Đô Dưong qua Eo Biển Malacka. Chắc chắn trong tương lai các chiến hạm của Hoa Lục sẽ có mặt thường xuyên tại vùng biển này.
3) Việc Philippines vừa đệ nạp thêm tài liệu chống lại Đường Lưỡi Bò lên Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển, thông qua một thỏa hiệp cho phép Mỹ tăng quân và thiết lập căn cứ quân sự cho thấy Philippines không thể thương thảo và tương nhượng Hoa Lục được nữa và chấp nhận chính sách đối đầu. Chắc chắn áp lực về quân sự, kinh tế và ngân sách quốc phòng sẽ mỗi ngày mỗi nặng nề thêm. Không biết về đường dài, Philippines có chịu đựng nổi hay không? Đi với Mỹ thì có thể giữ đuợc đất liền nhưng chưa chắc đã giữ được biển đảo. Một số chiến lược gia Hoa Kỳ đã nói rằng không thể vì một vài bãi cạn mà Hoa Kỳ mở cuộc chiến tranh tổng lực với Hoa Lục dù chúng ta có Hiệp Ứơc Phòng Thủ Chung với Philippines. Không biết sức mạnh quân sự siêu đẳng của Hoa Kỳ có ngăn cản được Hoa Lục tiến chiếm các bãi cạn của Philippines không? (*)
4) Qua việc viếng thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ngày 16/3/2014 vừa qua, Nhật Bản đã thiết lập được một đầu cầu trọng yếu tại Đông Nam Á với sách lược mà Nhật Bản cho rằng giúp Việt Nam mạnh lên về kinh tế lẫn quốc phòng thì Việt Nam sẽ trở thành phòng tuyến tự nhiên ngăn chặn Trung Quốc. Cả thế giới đều nhìn thấy nếu Việt Nam trấn thủ được Trường Sa thì ASEAN còn và hải lộ quốc tế thông qua Biển Đông bình yên. Nếu Trường Sa mất thì Trung Quốc sẽ làm chủ Biển Đông, ASEAN tan vỡ, Philippines mất và nguy cơ đã kề sát Hoa Kỳ. Khi đó nếu còn nuôi mộng bá chủ Á Châu, Hoa Kỳ phải mở cuộc chiến tranh tổng lực với Hoa Lục. Đó là cơn ác một của cả thế giới lẫn Hoa Kỳ.
5) Qua Cam Ranh và sự gắn bó lịch sử lâu đời với Việt Nam, và qua “niềm tin chiến lược” là Nga không bao giờ có ý định lật đổ Việt Nam dủ thể chế chính trị khác nhau, cho nên Nga đã thiết lập được một đầu cầu chiến lược vể cả không quân lẫn hải quân. Chưa biết sự xuất hiện diện trong tương lai gần của các máy bay và chiến hạm Nga tại Cam Ranh sẽ thay đổi cục diện Biển Đông như thế nào. Xin nhớ, qua cuộc khủng hoảng Ukraine người ta không còn đanh giá thấp Tổng thống Putin. Kế họach “Phát Triển Viễn Đông” do chính ông điều khiển chắc chắn không phải là chuyện lập ra để vui chơi.
6) Kể từ khi tuyên bố sách lược “Xoay Trục” vào năm 2012 rồi sau đổi thành “Tái Cân Bằng Lực Lượng” để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Á Châu, Hoa Kỳ đã có rất nhiều chuyến ngọai giao con thoi, công du, hội nghị thượng đỉnh, từ chính Ô. Obama tới các bộ trưởng quốc phòng, ngọai giao, tư lệnh Thái Bình Dương để trấn an, liên kết các đồng minh như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và các quốc gia Đông Nam Á. Ngòai những tuyên bố mỗi ngày mỗi trở nên cứng rắn hơn đối với Hoa Lục, hai chuyển động về quân sự mà mọi người phải ghi nhận là việc triển khai thêm 1150 thủy quân lục chiến tại Darwin, Úc và thỏa hiệp tăng quân, xây dựng căn cứ quân sự tại Philippines. Xây dựng căn cứ quân sự và tăng quân là dấu hiệu rõ nhất của chiến lược bao vây, ngăn chặn và tấn công đối phương.
Kết Luận:
Vì quyền lợi sinh tử của mình, Mỹ quay trở lại nơi mà Mỹ đã bỏ đi từ năm 1975. Các chiến lược gia thế giới nhận định rằng ai làm chủ được Biển Đông người đó là chủ Á Châu. Nếu Hoa Lục làm chủ được Á Châu thì địa vị siêu cường của Hoa Kỳ chỉ còn một nửa. Lúc đó Hoa Kỳ rớt xuống và chỉ còn là “cường quốc khu vực” (Regional Power) danh từ mà ông Obama dùng để mỉa mai Nga. Do đó không ai nghi ngờ về kế họach “Tái Cân Bằng Lực Lượng” của Hoa Kỳ nhưng Đông Nam Á và cả Nhật Bản hiện nay vẫn chưa yên lòng về quyết tâm và cách thức mà Hoa Kỳ đối phó với Hoa Lục. Quan hệ “Hợp Tác Chiến Lược” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nôm na có nghĩa là “chúng ta cùng hợp tác, phát triển, chia nhau thiên hạ để cùng hưởng chứ không lọai trừ nhau”.
Ngày 20/3/2014 bà Michelle Obama và hai con đã thăm Trung Quốc một tuần lễ, được đệ nhất phu nhân Trung Quốc là bà Tập Cận Bình tiếp đón long trọng, thăm trường trung học và nói chuyện với sinh viên đại học. Qua chuyển động này, Hoa Kỳ đã gửi cho Nhật Bản và các nước Đông Nam Á một “mixed signal” tức một tín hiệu, một thông điệp rất mù mờ. Làm tổng thống mà cho vợ con thăm viếng một quốc gia nào đó là dấu hiệu thân thiện ngọai giao rất cao.
Chuyến viếng thăm này sẽ khiến Nhật Bản và Đông Nam Á suy nghĩ về quyết tâm “Xoay Trục” để ngăn chặn Trung Quốc của Hoa Kỳ. Phải chăng Hoa Kỳ thực hiện quyết tâm “Xoay Trục” qua chiến thuật “vừa đấm vừa xoa” hay đây là một cách nói khéo với Trung Quốc, “tôi rất thân thiện với ông, xin ông dừng tay lại”. Riêng tôi, khi nghe tin bà Obama du lịch Trung Quốc giữa lúc tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông cực kỳ căng thẳng và rối beng…tôi nhức đầu quá và không hiểu ông Mỹ muốn gì. Thật sự thì cho tới bây giờ Hoa Kỳ còn đang dọ dẫm, tùy thời và chưa có một kế sách rõ ràng để đối phó với Trung Quốc tại châu Á. Thông thường, ngoai giao con thoi là để thỏa hiệp, còn tăng cường hiện diện quân sự là để răn đe và chuẩn bị tấn công. Tôi không hiểu để đối phó với một kẻ thù, cùng lúc thi hành hai giải pháp trái chống nhau là “vừa răn đe, vừa thỏa hiệp” liệu có thành công hay không?
Đào Văn Bình
(California ngày 2/4/2014)
(*) Một số bãi cạn mà Philippines tuyên bố chủ quyền cũng còn nằm trong vòng tranh chấp với Việt Nam
Theo Sách Hiếm (Sachhiem.net)
Comments[ 0 ]
Post a Comment