Các nước đua sắm vũ khí, tiền vào túi ai?
Thursday, April 24, 2014
Đối với các công ty quốc phòng phương Tây trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang cắt giảm, châu Á đã trở thành thị trường chính của họ.
Mới đây, trước khi nghỉ hưu, Thomas Culligan - cựu lãnh đạo mảng kinh doanh quốc tế của Raytheon - công ty quốc phòng của Mỹ, đã thẳng thắn nói về những yêu tố chi phối doanh số bán hàng hệ thống phòng thủ Patriot, dùng để bắn hạ tên lửa của đối phương.
Theo ông Thomas Culligan, "Khi Bắc Triều Tiên trở thành mối đe doạ, điều này giúp doanh số bán hàng của chúng tôi tăng lên". Vào thời điểm Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa năm ngoái, Quốc hội nhận được nhiều sự quan tâm từ các quốc gia có ý định mua hoặc nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot.
Bắc Triều Tiên là một trong những mối đe dọa làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á, có lợi cho các nhà thầu quốc phòng phương Tây như Raytheon, nhà cung cấp ngoài phương Tây như Nga, và một số đối thủ cạnh tranh đang nổi như Singapore và Hàn Quốc.
Sự cạnh tranh trong khu vực cùng với việc phải giữ cho tuyến đường biển mở, các tranh chấp về khu vực lãnh thổ giàu tài nguyên, và việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự đã góp phần khiến châu Á bạo tay chi tiêu quốc phòng - khi mà các quốc gia trong khu vực này càng trở nên giàu có.
Đối với các công ty quốc phòng phương Tây trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang cắt giảm, châu Á đã trở thành thị trường chính của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không nằm trong danh sách tiềm năng này, do Mỹ và EU vẫn áp dụng lệnh trừng phạt hạn chế bán vũ khí cho Bắc Kinh kể từ năm 1989.
Trong năm 2013, châu Á đã chi 322 tỷ USD cho ngân sách quân sự, tăng từ 262 tỷ USD vào năm 2010, mà phần lớn là của Trung Quốc. Chi tiêu quân sự ở Trung Quốc đã tăng 43,2% từ năm 2008 đến 2013, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).
Viện nghiên cứu này đã cảnh báo trong Đánh giá hàng năm về cán cân quân sự thế giới rằng: chi tiêu của châu Á "đang thúc đẩy mua sắm quân sự cao trong một khu vực tồn tại nhiều yêu sách lãnh thổ, xung đột cũng như điểm nóng lâu dài".
Các nhà phân tích cho biết, tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông đã là một chất xúc tác cho cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là việc mua sắm các tàu tuần tra, tàu chiến và tàu ngầm.
Năm 2011, sau khi tàu tuần tra Trung Quốc tấn công tàu thăm dò dầu khí Việt Nam và hải quân Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật gần quần đảo Trường Sa, Tổng thống Phillippines - Benigno Aquino - đã nói với người đồng sự Trung Quốc: "Khi chúng ta có sự cố quân sự, điều này không phải sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực sao? Và khi xảy ra cuộc chạy đua vũ trang ấy, chẳng lẽ không có nguy cơ xung đột gia tăng?"
Dù phải thừa nhận rằng Phillippines không phải đối thủ của Trung Quốc, Bengino Aquino cũng cảnh báo rằng các sự cố quốc tế xung quanh các đảo có thể buộc Manila nâng cấp vũ khí của mình. Tuy nhiên, chi tiêu quân sự của nước này chỉ tăng 4% từ năm 2011 đến 2012.
Theo HIS Jane's và các nhà phân tích, châu Âu và Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong doanh số bán hàng quốc phòng nói chung. Nhưng họ đặc biệt là chiếm ưu thế là nhà cung cấp thiết bị tinh vi, với ba phần tư thị trường châu Á về các thiết bị công nghệ cao như radar, thiết bị quét sonar (dùng sóng âm thanh dội lại để dò tìm và xác định vị trí của một vật ở dưới nước), hệ thống thông tin liên lạc và vũ khí phức tạp.
Giám đốc điều hành và các nhà phân tích của các công ty quốc phòng tại Mỹ và EU luôn mong đợi sự thống trị này sẽ tiếp tục để bù đắp cho doanh số bán hàng trong nước đang suy giảm. Tuy nhiên, trên con đường này luôn có đối thủ cạnh tranh, và họ cũng đang làm việc cật lực để cung cấp những thiết bị tinh vi hơn và có giá trị hơn.
Trung Quốc và Ukraine đang xâm nhập trong các lĩnh vực như xe đặc chủng, trong đó 2/3 ngân sách quốc phòng Đông Nam Á đã chảy vào túi các nhà cung cấp ngoài phương Tây từ năm 2008 - 2012.
Việc Hàn Quốc bán máy bay phản lực KAI T-50 cho Philippines, và công ty công nghệ Singapore cung cấp các hệ thống thông tin liên lạc quân sự cho Thái Lan cho thấy đây là hai trong số những mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống trị thiết bị quân sự phương Tây ở châu Á. Các nước châu Á cũng đang buộc các nhà cung cấp gia tăng thêm lợi ích kinh tế khi mua thiết bị quân sự.
"Những ngày hưởng lợi ích kèm theo bằng cách dựa vào thương mại đối lưu có giá trị thấp, như máy bay khu trục kèm theo tàu sân bay và hoa hồng khi mua tàu ngầm - đã thực sự chấm dứt", theo Guy Anderson, một nhà phân tích tại IHS Jane. "Khách hàng ở Đông Nam Á đang yêu cầu, và ngày càng nhận được các mối quan hệ đối tác trong phát triển thiết bị quân sự".
Chính phủ châu Á đang sử dụng con đường này để tiếp cận bí quyết công nghệ giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển. Và nếu họ tiếp cận cách thức này đúng đắn trong dài hạn, các công ty quốc phòng của họ cũng được hưởng lợi từ các mối đe dọa như tên lửa của Bắc Triều Tiên và tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.
Như Nguyệt (theo FT) -Tuần VietNamNet
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment