Trong chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Philippines, bắt đầu từ ngày mai (28/4), có khả năng ông Obama sẽ ký một thỏa thuận an ninh với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Malaysia hôm 25/4
Hiệp định này sẽ cho phép tăng số binh sỹ Mỹ luân chuyển đến Philippines đồn trú và hỗ trợ quân đội nước này nâng cao khả năng phòng thủ, bảo vệ an ninh lãnh thổ, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, trong bối cảnh nước này và Trung Quốc đang tranh chấp hàng hải căng thẳng ở khu vực.
Tuy nhiên, Patricio Abinales - một chuyên gia Philippines tại Đại học Hawaii ở Honolulu và một số chuyên gia khác nghi ngờ rằng hiệp định này sẽ được ký kết trong chuyến thăm của ông Obama tới Philippines - điểm dừng chân cuối cùng trong tour công du bốn nước châu Á Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines dài 8 ngày của Tổng thống Mỹ.
Bởi hiện tại, chính phủ Philippines vẫn chưa hoàn thành hiệu chỉnh thỏa thuận, trong khi làn sóng biểu tình phản đối thỏa thuận của các đảng cánh tả và nhiều người dân Philippines vẫn đang diễn ra ở nước này. Hôm 24/4, cảnh sát Philippines đã phải sử dụng cả ống nước để ngăn chặn khoảng 100 người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Manila.
Theo Giáo sư Aileen Baviera, nhà nghiên cứu về châu Á tại Đại học Philippines, điều này không có gì ngạc nhiên mặc dù, đa phần người dân Philippines có cái nhìn thiện cảm với Mỹ (tỷ lệ là 85%, theo một cuộc điều tra của Trung tâm khảo cứu Pew Research) và mặc dù đất nước Philippines đang đối diện với những sức ép quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, mà gần đây nhất là vụ bao vây một tiền đồn của thủy quân lục chiến Philippines trên Bãi Cỏ Mây suốt tháng 3.
Thứ nhất, người Philippines ủng hộ việc chính phủ nước này đưa tranh chấp với Trung Quốc ra phân xử tại tòa án trọng tài quốc tế. Thắng lợi pháp lý tại tòa án trọng tài quốc tế sẽ nâng cao tinh thần Philippines, đồng thời giúp ích cho các nước khác cũng liên quan đến những tranh chấp tương tự với Trung Quốc.
Thứ hai, như tuyên bố của ông Renato Reyes, tổng thư ký Đảng Tân liên minh yêu nước (Đảng Bayan), những người phản đối thỏa thuận với Mỹ cho rằng, cách tốt nhất để Philippines có thể chống lại Trung Quốc hay bất kỳ kẻ xâm lược nước ngoài nào khác là làm sao để Philippines thật sự độc lập, thúc đẩy chương trình công nghiệp hóa đất nước, xây dựng khả năng kinh tế của chính mình. Một nền công nghiệp và kinh tế cứng cáp sẽ cho phép Philippines tăng cường năng lượng quân sự để tự vệ với bên ngoài.
Bên cạnh đó, phe cánh tả cũng nhấn mạnh đến tính hợp hiến của một thỏa thuận “Tăng cường hợp tác quốc phòng”, mà trong thực tế là “tăng cường sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ ở Philippines” như tên gọi trước đây của thỏa thuận này. Ông Reyes nhấn mạnh: “Vấn đề là họ cố tìm cách lách qua luật pháp của chúng tôi và tự đặt mình lên trên luật pháp Philippines và bằng cách đó họ vi phạm chủ quyền của chúng tôi”.
Thứ ba, không ít người Philippines tin rằng, Mỹ sẽ không “dại” gì đánh đổi mối quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc để mà đứng về phía đất nước của họ trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
Ngay trong cuộc họp báo trước chuyến công du 4 quốc gia châu Á lần này của ông Obama, các quan chức chính quyền Washington đã phủ nhận ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc. “Mỹ có một mối quan hệ thương mại song phương 500 tỷ USD với Trung Quốc. Làm sao mà chúng tôi lại có thể ngăn chặn như vậy được?” – Evan Medeiros, trợ lý đặc biệt cho Tổng thống về các vấn đề châu Á cho biết.
Mục tiêu chính chuyến thăm Philippines của ông Obama, theo khẳng định của Ben Rhodes – Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ chỉ đơn giản là “tái khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh của Philippines”.
Linh Phương-Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment