Không một nước nào nên hy vọng là Trung Quốc sẽ nuốt viên thuốc đắng, chấp nhận nhường chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát riển của mình như một nhượng bộ.
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long
Đó là tuyên bố được ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đưa ra trong Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương hôm 23/4 ở Thanh Đảo. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo hải quân của hơn 20 nước.
Ông Phạm Trường Long cũng tìm cách làm dịu bớt những lo ngại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc hải quân sẽ đặt ra một mối đe dọa cho các nước khác.
“Một số nước lo ngại rằng, việc Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải đồng nghĩa với một quyền bá chủ hàng hải mới sẽ gây tổn hại cho sự ổn định của khu vực và hòa bình toàn cầu. Những lo lắng như vậy là hoàn toàn không cần thiết”, ông Phạm nói.
Theo Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, nước này sẽ không bao giờ đi theo con đường mà các cường quốc khác đã theo đuổi để đô hộ các nước khác hay bóc lột tài nguyên của họ.
Ông Phạm cũng nhấn mạnh rằng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa sẽ tham gia tích cực trong tinh thần hợp tác để thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm vì một đại dương hòa bình.
Trước đó, vào hôm 22/4, hội nghị đã thông qua một thỏa thuận về thông tin liên lạc hàng hải để giảm khả năng phát sinh những tình huống có thể dẫn đến xung đột trên các tuyến hàng hải bận rộn. Thỏa thuận quy định cách thức tàu chiến và máy bay các nước liên lạc và xử sự khi gặp nhau trên các tuyến hàng hải ngoài khơi Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Những nước tham gia ký thỏa thuận này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Malaysia.
Thỏa thuận vừa được thông qua được giới phân tích xem là một bước tiến tích cực, có khả năng làm giảm bớt nguy cơ xung đột ngoài ý muốn giữa Trung Quốc với các nước khác. Tuy nhiên, có hai vấn đề được nêu bật.
Trước hết, đây là một thỏa thuận không mang tính chất ràng buộc. Ngoài ra, AFP dẫn lời một quan chức cao cấp của Hải quân Trung Quốc cho biết, thỏa thuận đó không áp dụng cho các vùng đang tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông - nơi Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền căng thẳng với các nước láng giềng.
Linh Phương (theo Reuters, AFP)
Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment