Nhân dịp kết thúc Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Hoa Kỳ, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành cho báo chí Việt Nam một cuộc trả lời phỏng vấn.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Phóng viên (PV): Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ mời Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN sang lãnh thổ của mình bàn về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề an ninh trong khuôn khổ Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Hoa Kỳ. Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Trước đây, Hoa Kỳ từng gặp gỡ Bộ trưởng các nước ASEAN bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Nhưng đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ mời Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN đến Ha-oai thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ để bàn về vấn đề đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống cũng như hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và Hoa Kỳ. Đây là việc làm rất cần thiết vì ứng phó thảm họa, thiên tai rất cần sự hợp tác giữa các nước, nhất là những vụ việc lớn không thể một mình quốc gia nào có thể tự ứng phó. Có thể coi đây là cơ hội tốt để bàn các biện pháp hợp tác. Nhất là Hoa Kỳ, với vai trò là nước lớn, có nhiều lực lượng, phương tiện hiện đại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, càng cần tích cực đóng góp vào lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ cứu trợ thiên tai trong tình huống khẩn cấp. Chúng tôi đã tới thăm cơ sở nghiên cứu về đại dương và biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ ngày hôm trước và thấy rằng Hoa Kỳ là nước có năng lực về vấn đề này, có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các nước ASEAN nhằm tăng cường khả năng ứng phó thiên tai. Những thảm họa, thiên tai vừa qua như cơn bão Hải Yến tàn phá Phi-líp-pin hay vụ máy bay Ma-lai-xi-a mất tích… càng chứng tỏ cần có sự hợp tác tích cực giữa các nước trong lĩnh vực này.
PV: Một trong những vấn đề được các nước quan tâm là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Vấn đề này đã được thảo luận như thế nào ở hội nghị, thưa Bộ trưởng?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Đây là vấn đề nổi cộm trong ASEAN. Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã được bàn nhiều tại các hội nghị của ASEAN, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng. Tại hội nghị cũng có nhiều nước quan tâm và bàn tới vấn đề này. Các nước đều nhất trí rằng, cần phải gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông; đảm bảo môi trường an toàn cho người dân hoạt động đánh cá trong vùng biển chủ quyền của từng nước. Các nước cũng nhất trí khi xảy ra tình huống cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp, phải tích cực phối hợp với nhau để xử lý. Mọi biện pháp giải quyết tranh chấp phải dựa trên nguyên tắc ngoại giao, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố 6 điểm của ASEAN, tôn trọng các nguyên tắc duy trì nguyên trạng trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới việc ASEAN cùng Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam đã và đang tích cực tham gia trong quá trình này và thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, đó là duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam cùng với Phi-líp-pin sẽ tổ chức giao lưu giữa lực lượng đóng quân ở hai đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông vào tháng 6-2014. Đây chính là những biện pháp nhằm xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột.
PV: Vậy thưa Bộ trưởng, các nước ASEAN nhìn nhận thế nào về vai trò của Hoa Kỳ trong việc góp phần đảm bảo môi trường hòa bình ở khu vực Biển Đông?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Các nước ASEAN đã đặt vấn đề không chỉ Hoa Kỳ mà cả Trung Quốc và các cường quốc khác đều có lợi ích lớn ở Biển Đông. Hằng ngày có ít nhất cũng khoảng 200 tàu công-ten-nơ cỡ lớn, hàng trăm chuyến bay được thực hiện ở khu vực Biển Đông cũng như hàng nghìn tàu cá của các ngư dân tham gia đánh bắt, cùng các hoạt động nghiên cứu khoa học… nên rất cần có môi trường hòa bình và ổn định. Hoa Kỳ cũng có lợi ích lớn trong đó. Nên chúng tôi khẳng định rằng, trong chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ, để bảo đảm lợi ích của mình ở khu vực, Hoa Kỳ không chỉ tham gia để phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại, mà phải đóng vai trò tích cực để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đảm bảo an ninh, tự do hàng không, hàng hải và các hoạt động đánh bắt cá bình thường cho người dân.
PV: Bộ trưởng nói rằng, diễn đàn này có ý nghĩa với tất cả các bên để cùng trao đổi những vấn đề cùng quan tâm. Thực tế Hoa Kỳ và các nước ASEAN đã có nhiều diễn đàn như vậy. Vậy theo Bộ trưởng, diễn đàn này có gì khác so với những diễn đàn lần trước?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Những diễn đàn trước chỉ giữa các nước ASEAN với nhau hoặc ASEAN+8, với các nước đối tác, nhưng lần này khác là chỉ có ASEAN với một mình Hoa Kỳ, có thể nói là ASEAN +1. Tuy nhiên, dù là diễn đàn với quy mô và phạm vi như thế nào, ASEAN vẫn phải làm sao giữ được vai trò đoàn kết, vai trò trung tâm, vai trò động lực của ASEAN trong hợp tác với các đối tác bên ngoài ASEAN; làm sao ASEAN không trở thành công cụ đối đầu hay chia rẽ với các nước. ASEAN phải giữ được độc lập trong vai trò dẫn dắt trong hợp tác với các nước bên ngoài. Đó mới là vấn đề quan trọng.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
ĐÌNH THẮNG - QĐND
Comments[ 0 ]
Post a Comment