Tổng thống Mỹ gia cố quan hệ liên minh Mỹ-Nhật
Wednesday, April 23, 2014
Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên và quan trọng nhất trong chuyến thăm châu Á một tuần của Tổng thống Mỹ Barack Obama, diễn ra từ ngày 22-28/4. Chuyến thăm này không bao gồm Trung Quốc, nhưng nhân tố Trung Quốc luôn hiện hữu trong các chương trình nghị sự.
Quan hệ Mỹ với các đồng minh truyền thống ở châu Á được đẩy lên hàng đầu: Tổng thống Obama chủ trì cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn bên lề Hội nghị hạt nhân tại La Hay, tháng 3/2014
Việc củng cố quan hệ Mỹ-Nhật trở nên cấp thiết vào lúc Mỹ xoay trục trở lại châu Âu nhưng lại không thể làm yếu việc tái cân bằng chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật trở thành nòng cốt của hệ thống liên minh châu Á của Mỹ để đối trọng và kiềm chế Trung Quốc, vào lúc Bắc Kinh ngày càng tự tin thách thức vai trò của Mỹ tại khu vực. Phía Mỹ đã nhiều lần phê phán mưu toan của Trung Quốc thay đổi nguyên trạng tại các vùng biển Đông Á.
Tại khu vực này đang diễn ra hai cặp quan hệ tay ba phức tạp: Quan hệ tam giác Mỹ-Trung-Nhật diễn ra vòng xoáy biến động. Trong khi quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga bắt đầu tác động đến kết cấu an ninh khu vực châu Á do cuộc xung đột Ukraine và việc Nga sáp nhập Crimea. Chính sách của Mỹ đối với châu Á thể hiện trên hai phương diện chủ yếu - xử lý mối quan hệ với Trung Quốc và với các đồng minh, đối tác của Mỹ.
Buộc phải đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ đã xác định mối quan hệ với Trung Quốc là nội dung trung tâm trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Một mặt Mỹ tiếp nhận sáng kiến thiết lập “quan hệ nước lớn kiểu mới” do Trung Quốc nêu ra. Mặt khác Mỹ đẩy mạnh tái bố trí lực lượng quân sự nhằm vào Trung Quốc, thực hiện chủ trương vừa hợp tác vừa cạnh tranh, vừa đối tác vừa đối tượng, coi việc ứng phó với những thách thức đến từ Trung Quốc là vấn đề hàng đầu.
Mỹ phải xử lý mối quan hệ này trong tình trạng đối đầu gia tăng trong quan hệ Trung-Nhật. Nhật Bản không phải không lo ngại việc rồi đây trong thời khắc quan trọng nhất của quan hệ Trung-Nhật, Mỹ có giao động chính sách, điều chỉnh trọng tâm chiến lược, giảm bớt sự cam kết tại khu vực, hoặc nhượng bộ Trung Quốc trong những vấn đề cốt lõi đối với Nhật Bản. Vì lý do đó, trong khi tiếp tục củng cố liên minh mạnh với Mỹ, Nhật Bản nhấn mạnh việc xây dựng năng lực tự chủ theo phương châm “đồng minh mạnh + quốc gia mạnh”. Nhật Bản đang dần dần tách ra khỏi sự trói buộc của lịch sử. Washington hoan nghênh việc Nhật Bản trở thành quốc gia bình thường, phối hợp chặt chẽ hơn làm cho quá trình ấy phù hợp với lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Để củng cố quan hệ Mỹ-Nhật, từ đầu năm đến nay, Mỹ và Nhật Bản tăng cường phối hợp chính sách an ninh, quân sự. Mỹ liên tục khẳng định ở cấp cao cam kết thực hiện nghĩa vụ hiệp ước liên minh nếu xẩy ra xung đột quân sự liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lập trường khá nhất quán của Mỹ đối với cuộc tranh chấp quần đảo trên biển Hoa Đông này vừa là để răn đe Trung Quốc, vừa là để kiềm chế Nhật Bản không được “nổ súng trước”. Đối với Nhật Bản, cam kết của Mỹ là thước đo quan trọng nhất của quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Việc thúc đẩy vấn đề di dời căn cứ ở Okinawa cuối cùng đã được giải quyết, được phía Mỹ đánh giá là “bước tiến quan trọng” trong việc Nhật Bản phối hợp thực hiện chủ trương tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.
Trong các cuộc trao đổi tại Tokyo lần này, Tổng thống Obama sẽ khẳng định lại các cam kết nghĩa vụ của Mỹ đối với an ninh Nhật Bản, cũng như quyết tâm của Mỹ thực hiện chính sách tái cân bằng ở châu Á. Nổi bật trong chương trình nghị sự còn có vấn đề đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản liên quan Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong những công trình trụ cột trong chiến lược “trở lại châu Á” của Chính quyền Obama. Tiến trình đàm phán song phương Mỹ-Nhật từ khi khởi động đến nay tiến triển không thuận lợi, chủ yếu khúc mắc ở các lĩnh vực nông sản, xe hơi… Các đối tác khác tham gia vòng đàm phán TPP do đó cũng giữ thái độ chờ đợi.
Sự chuyển động của mối quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Nga đã bắt đầu lộ diện qua hai sự kiện: Từ phía Nga, Tổng thống Nga Putin phê chuẩn việc bán cho Trung Quốc hệ thống tên lửa phòng không S-400 mà từ lâu Trung Quốc mong muốn mua được. Theo báo Thái Dương (Hong Kong) ngày 13/4, S-400 là trang bị mới nhất của Nga, Trung Quốc có được S-400 không những có thể kiểm soát được lãnh không của mình, mà hơn thế còn kiểm soát được tình hình trên không ở Đài Loan và đảo Điếu Ngư/Senkaku. Từ phía Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Daniel Russel bất ngờ tuyên bố Mỹ có thể điều chỉnh kế hoạch triển khai quân đội tại Đông Bắc Á với điều kiện Trung Quốc có các bước đi mạnh mẽ để Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Để đối phó với hai trận tuyến châu Á và châu Âu, quan hệ liên minh của Mỹ với các đồng minh truyền thống ở châu Á sẽ được đẩy lên hàng đầu. Mặc khác, rồi đây Mỹ còn phải ứng phó với các phương thức ngoại giao quyến rũ mà Trung Quốc sẽ đưa ra với các đồng minh truyền thống của Mỹ trong không gian địa-chính trị mới của lục địa Á-Âu./.
Người bình luận
ToQuoc.gov.vn
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment