Chính biến ở Kiev đã qua, tương lai của Crimea cũng đã định nhưng sóng ngầm vẫn dữ dội khi Washington đang “ngã giá” với Bắc Kinh để cô lập Moscow.
Trung Quốc hiện đang là mục tiêu lôi kéo của Mỹ để chống lại Nga
Trung Quốc có thể là con bài sáng giá trong hậu trường?
Tuy tiếng nói của Trung Quốc không có giá trị gì trong các sự kiện chính trị ở Ukraine và vấn đề Crimea cùng với Sevastopol sáp nhập vào Liên bang Nga, nhưng các quan điểm và động thái của Bắc Kinh có ý nghĩa quan trọng đối với Moscow, Washington và Brussels trong tạo lập thế bao vây, cô lập đối thủ của mình. Đây mới chính là cuộc đấu khốc liệt nhất, hồi chính của vở kịch nhưng lại xảy ra trong… hậu trường.
Các chuyên gia địa chính trị và các nhà quan sát trung lập đang đau đầu trả lời câu hỏi, liệu Trung Quốc có sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine trong các kế hoạch khu vực và toàn cầu của họ, hay sẽ giữ vị trí đứng ngoài cuộc? Còn các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ và EU thì quan tâm đến chuyến công du châu Âu của ông Tập và giải đáp câu hỏi: Làm thế nào “đứng chung mặt trận” với Trung Quốc, tạo lập thế bao vây, cô lập Nga?
Vị thế của Trung Quốc có thể được thấy rõ một phần qua chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới châu Âu, qua cuộc hội đàm của Chủ tịch Trung Quốc với Tổng thống Hoa Kỳ trong khuôn khổ “Diễn đàn The Hague” về an ninh hạt nhân, diễn ra trong 2 ngày 24-25 tháng 3, cũng như các cuộc tham vấn với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Ở đây, không thể không nhắc tới sự lập lờ trong lập trường của Trung Quốc về chính biến ở Ukraine và Crimea. Liệu ông Putin và ông Obama có hiểu được sự khó xử của ông Tập trong xác định lập trường ủng hộ Nga hay ủng hộ Mỹ? Nếu ủng hộ Nga thì sợ tạo thành tiền lệ xấu cho chủ nghĩa li khai ở Tân Cương, Tây Tạng; còn nếu ủng hộ Mỹ thì phải giải quyết thế nào với mối quan hệ “đồng minh bằng mặt” với Nga?
Rõ ràng là trong quan điểm chính thức của Trung Quốc tồn tại tính chất hai mặt. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về sự hiện hữu "những đặc thù lịch sử của hoàn cảnh Crimea" hoặc tuyên bố “Nga có quyền bảo vệ công dân của mình ở Ukraine”, mặt khác - Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc lại bỏ phiếu trắng cho dự thảo nghị quyết chống Nga trong vấn đề bán đảo Crimea và Ukraine, thay vì ủng hộ quyền phủ quyết mà Nga thực hiện.
Nga hiểu rằng, Trung Quốc không thể bước xa hơn, khi họ sở hữu những lợi ích kinh tế đáng kể ở Ukraine và quan hệ kinh tế ràng buộc chặt chẽ với Hoa Kỳ. Tháng 12 năm 2013, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Viktor Yanukovych đã ký các hợp đồng đầu tư trị giá nhiều tỷ USD, bao gồm cả vấn đề xây dựng cảng biển nước sâu của Trung Quốc ở Crimea. Giờ đây, nó đã là một phần lãnh thổ của Nga, chắc chắn Moscow sẽ không để Bắc Kinh “cắm chốt” trên bán đảo này.
Bắc Kinh cũng đã triển khai kế hoạch thuê đất của Ukraine để phát triển ngành nông nghiệp và chăn nuôi nước mình ở bên… nước khác. Tháng 9-2013, Ukraine đã cho Trung Quốc thuê 3 triệu ha đất canh tác nông nghiệp ở vùng Dnipropetrovsk ở phía đông nước này.
Theo thỏa thuận kéo dài 50 năm, Trung Quốc sẽ được phép sử dụng khoảng 3 triệu ha, chiếm 9% đất canh tác của Ukraine và tương đương diện tích của Bỉ hoặc bang Massachusetts (Mỹ), chủ yếu để trồng màu và nuôi lợn.
Ngoài ra, Trung Quốc còn hàng loạt các dự án hợp tác về công nghiệp quốc phòng với Ukraine như: Động cơ máy bay huấn luyện-tiêm kích L-19, động cơ máy bay vận tải hạng nặng Y-20, máy bay ném bom H-6, tàu đổ bộ đệm khí, cải tiến máy bay vận tải Il-76 thành máy bay tiếp dầu Il-78… Trước đó, Kiev cũng có công lớn trong vấn đề hỗ trợ Bắc Kinh sở hữu tàu sân bay đầu tiên.
Tuy nhiên, Nga cũng là một bạn hàng rất tiềm năng của Trung Quốc. Hãy xem Bắc Kinh muốn mua gì của Moscow: Máy bay chiến đấu Su-35, tàu ngầm AIP Amur-1650, hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa S-400, máy bay vận tải thế hệ mới nhất Il-476, máy bay tiếp dầu cỡ lớn Il-478, các loại tên lửa chiến thuật phóng từ trên không như Kh-31, Kh-58, Kh-59…, hàng ngàn động cơ máy bay chiến đấu AL-31F, RD-93…
Ngoài ra, nếu Washington và EU cấm vận Moscow lâu dài, Nga sẽ quay sang cung cấp cho Trung Quốc. Dầu mỏ và khí đốt là nguồn năng lượng mà Bắc Kinh luôn chào đón để phục vụ cho nền kinh tế phát triển quá nóng, đang rất khát nhiên liệu, lại chủ yếu phụ thuộc vào con đường vận tải biển có thể bị Mỹ phong tỏa bất cứ lúc nào. Vì vậy, Nga xứng đáng là bạn hàng lớn, là đối tác trên tầm của Ukraine.
Quay lại với Washington, việc để mất Sevastopol và Crimea là khởi đầu của thất bại địa - chính trị nghiêm trọng trong cuộc đối đầu với Moscow. Hoa Kỳ đưa ra con bài “Maidan” Ukraine và khoanh tay chờ đợi ngày tổ chức tái thiết các cơ sở quân sự ở Crimea và Sevastopol thành các bệ phóng tên lửa và căn cứ hải quân chĩa sang Nga. Đột nhiên vào một ngày “không đẹp trời”, ông Putin làm đảo lộn tất cả các kế hoạch của Mỹ. Không thể loại trừ khả năng, để chữa cháy cho thất bại chiến lược này, Hoa Kỳ sẽ tìm cách đặt cược vào Trung Quốc.
Cái giá của Mỹ: Nhắm mắt trên biển Đông và biển Hoa Đông?
Phương Tây nhận thấy có một thứ "bàn đạp chính trị" mà từ đó có thể tiếp tục phát triển quá trình lôi kéo Trung Quốc vào cuộc chiến chống Moscow. Ví dụ như về các hợp đồng khí đốt tương lai mà Moscow và Bắc Kinh có nhiều khả năng sẽ ký trong tháng 5 nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Trung Quốc. Phương Tây sẽ tìm cách "thuyết phục Bắc Kinh" không ký bất kỳ văn kiện năng lượng nào, nhằm giúp họ đánh bật "át chủ bài khí đốt" khỏi tay ông Putin.
Mỹ muốn dùng Trung Quốc để đánh bật "át chủ bài khí đốt" của Nga
Quan hệ Trung-Mỹ là sự tổng hòa của 2 xu hướng đối lập: Sự ràng buộc lẫn nhau ngày càng tăng trên thế giới và sự cạnh tranh. Cho nên, vấn đề đau đầu nhất trong chuyến thăm châu Âu của nhà lãnh đạo Trung Quốc là cuộc đàm phán với ông Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh hạt nhân The Hague. Quan hệ đối tác Nga - Trung Quốc ngày nay có những định hướng rõ ràng nhằm cản trở bước tiến của NATO về phía đông nên Chủ tịch Trung Quốc đang ở trong tình thế rất khó xử.
Trong những ngày qua, dư luận và các chuyên gia Trung Quốc đang có những ý kiến trái ngược. Nhiều chuyên gia hàng đầu cho rằng, hiện nay Moscow và Bắc Kinh đang tạo thành một "vùng đệm chiến lược" chống lại sự bành trướng của phương Tây.
Về quân sự, hiện NATO đang chuẩn bị cho Ukraine "một cuộc cách mạng màu" tiếp theo, đưa NATO tiến sát biên giới nước Nga, nhiệm vụ của Trung Quốc là phải hỗ trợ Nga, nếu không, sẽ có ngày Bắc Kinh cũng rơi vào tình trạng “cô độc” như vậy.
Ngược lại, một số ý kiến đề xuất với lãnh đạo Trung Quốc nên duy trì quan điểm trung lập, tận dụng lợi thế của đụng độ giữa Mỹ và Nga. Các đại diện của ý kiến này đã viện dẫn chiến lược thành công của Mao Trạch Đông trong thời kỳ đối đầu Trung-Xô.
Trung Quốc đã khéo léo vận dụng chiến lược “ngoại giao bóng bàn”, dùng "lá bài Mỹ" chống Liên Xô, đẩy hai siêu cường vào sự đối địch gay gắt, góp phần không nhỏ vào sự sụp đổ của lá cờ đầu của khối Warszawa, biến Trung Quốc thành nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất và mạnh nhất.
Như vậy, ở Trung Quốc có những luồng ý kiến khác nhau về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Hiện nay, "luồng chính thống" đang biểu hiện thái độ ủng hộ Moscow trong các động thái ở Crimea, cũng như trong đối đầu với phương Tây.
Tuy nhiên, vấn đề cần xét đến ở đây là liệu Mỹ sẽ chìa cho Trung Quốc “củ cà rốt” nào để có thể đánh bật tư tưởng ủng hộ Nga, quay sang ủng hộ Mỹ hoặc chí ít cũng giữ trung lập?
Nói cách khác, kết quả bí mật của cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ dường như là một phép thử, kiểm tra độ bền vững của quan hệ đối tác chiến lược Moscow - Bắc Kinh. Tuy “mối tình” Nga - Trung có vẻ thân thiết hơn so với quan hệ Trung - Mỹ nhưng không thể loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ có sự “hy sinh” khi tính toán thực tế đến lợi ích toàn cầu của mình.
Để lôi kéo Trung Quốc, có thể Mỹ sẽ ngoảnh mặt làm ngơ trước tình hình biển Đông và biển Hoa Đông
Hiện nay, theo đánh giá của báo chí phương Tây, Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đang xây dựng những kế hoạch to lớn nhằm "lôi kéo lãnh đạo Trung Quốc" về phía họ để bao vây, cô lập Nga.
Các phương tiện truyền thông phương Tây hớn hở tuyên bố, vấn đề sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc "gần như đã được quyết định" và chỉ còn chờ đợi vài “thủ tục nhỏ”.
Không những vậy, lập trường của phương Tây được các phương tiện truyền thông mô tả là “rất tốt đẹp”.
Trong các cuộc gặp chính thức, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ cần tái khẳng định cam kết trung thành với các nguyên tắc "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", kiên trì năm nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại Bắc Kinh và tất nhiên là đừng quên là những rắc rối của các khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng của Trung Quốc, hoàn toàn có thể biến thành một “Crimea thứ 2”.
Để lôi kéo Trung Quốc, rất có thể Mỹ sẽ còn “nhắm mắt làm ngơ” trước sự thống nhất nhanh chóng của Đài Loan với Trung Quốc hay thỏa hiệp với lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Không phải ngẫu nhiên mà sau các liên lạc của Mỹ với Trung Quốc về Ukraine, nhiều tờ báo Nhật Bản và một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về "mối đe dọa phải một mình đối mặt với Trung Quốc ở châu Á".
Brussels và Washington không nhận thức được rằng, Moscow chỉ đáng sợ khi lợi ích của họ bị xâm phạm, điều này có thể thấy rõ qua các sự kiện Gruzia năm 2008 và Syria năm 2013. Còn về bản chất, Bắc Kinh mới là đối thủ lớn nhất của phương Tây, với tham vọng bá chủ luôn hừng hực cháy.
Bởi vậy, kế hoạch dựng "bàn đạp chung với Trung Quốc" của Mỹ và châu Âu rất dễ biến thành thảm họa đối với các đồng minh của họ và các nước có liên quan trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Comments[ 0 ]
Post a Comment