Phiên bản mới của “ba bước tiến hai bước lùi” từng được áp dụng ở Biển Đông.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: Trung Quốc chiếm và xây dựng đảo này thành tiền đồn bành trướng Biển Đông
Dư luận đã quen thuộc với chiến thuật “ba bước tiến hai bước lùi” được các nhà cầm quyền Bắc Kinh áp dụng tại Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc thực hiện một cách hệ thống quá trình lấn chiếm và bành trướng: Thực hiện ba bước, khi gặp sự phản đối hoặc đáp trả mạnh từ phía đối phương, tạm lùi hai bước, kết cục vẫn lợi một bước. Một phiên bản mới của nó là “tích tiểu thành đại” trên diện rộng hơn.
Trên trang mạng Warontherocks.com, một trang điện tử tư nhân tại nước Anh về các vấn đề quân sự, số mới đây đã đăng bài của John Mearsheimer nêu rõ ý đồ của Trung Quốc theo đuổi việc thiết lập quyền bá chủ khu vực. Để theo đuổi mục tiêu đó, trên biển Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục tìm cách lấn chiếm lãnh thổ từng chút một theo chiến thuật “tích tiểu thành đại”. Tác giả cho rằng việc tích lũy dần dần những thay đổi nhỏ, không hành động nào trong số đó có thể một mình dẫn tới biến cố gây ra chiến tranh, nhưng theo thời gian sẽ tích tụ thành một thay đổi đáng kể trong bức tranh chiến lược. Bằng cách sử dụng các chiến thuật này ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc không cần phải lựa chọn giữa trao đổi thương mại với phần còn lại của thế giới và hoàn thành một vành đai an ninh mở rộng ở Tây Thái Bình Dương bất lợi cho các nước láng giềng của Trung Quốc.
“Chiến lược cải bắp”
Chiến thuật “tích tiểu thành đại” của Trung Quốc đã được đẩy nhanh trong vài năm qua, với một số bước cụ thể sau đây:
Năm 2012, Trung Quốc thành lập “Thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, một hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm từ miền Nam Việt Nam vào năm 1974. Trung Quốc tuyên bố rằng Thành phố Tam Sa sẽ là trung tâm hành chính của tất cả tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông, kể cả các đảo trên quần đảo Trường Sa. Các đơn vị đồn trú quân sự và bán quân sự nhỏ của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thực hiện nhiệm vụ củng cố hình ảnh hợp pháp về chủ quyền mà Trung Quốc đang cố gắng thiết lập. Trong tháng 1/2014, Trung Quốc đã bố trí thường trực một tàu tuần tra bán quân sự nặng 5.000 tấn ở đảo Phú Lâm.
Chiến lược “tích tiểu thành đại” về lãnh thổ chống lại Philippines cũng đang được ráo riết tiến hành. Vào tháng 4/2012, lực lượng thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc và các tàu bảo vệ bờ biển Philippines đã bắt đầu một cuộc đối đầu kéo dài liên quan đến Bãi đá ngầm Scarborough, nằm cách đảo Luzon khoảng 239 km được Philippines tuyên bố chủ quyền. Thiếu nguồn lực vật chất để duy trì sự hiện diện liên tục, tàu bảo vệ bờ biển Philippines cuối cùng đã rút lui, để Trung Quốc kiểm soát bãi đá này. Giới chức Trung Quốc sau đó đã chăng dây rào bãi đá và ngăn cản ngư dân Philippines quay trở lại.
Với việc Bãi đá Scarborough bị chiếm đóng, cuộc cạnh tranh không cân bằng giữa Trung Quốc và Philippines đã chuyển sang đảo Ayungin ở quần đảo Trường Sa, cũng được biết đến là Bãi ngầm Second Thomas. Một bài báo vào tháng 10/2013 trên tạp chí New York Times đã mô tả thế đối đầu giữa một đội tàu thực thi luật pháp trên biển hiện đại của Trung Quốc và một nhóm lính thủy đánh bộ Philippines. 8 lính thủy đánh bộ này sống trong một tình trạng dường như hậu tận thế, kiểu phim “Mad Max”, trên một con tàu đổ bộ gỉ sét, vỡ vụn từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai mà Chính phủ Philippines cố tình đặt trên đảo, đem lại một chỗ đặt chân cuối cùng của Philippines trong khi Trung Quốc bao vây hòn đảo.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Trung Quốc vào tháng 5/2013, Thiếu tướng Trương Thiệu Trung của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã mô tả “chiến lược cải bắp” mà Trung Quốc đang triển khai ở Biển Đông. Theo Tướng Trương Thiệu Trung, “chiến lược cải bắp” bao gồm việc bao quanh một hòn đảo tranh chấp những vòng trong vòng ngoài tàu đánh cá, tàu ngư chính, tàu thực thi luật pháp trên biển và tàu chiến Trung Quốc khiến “hòn đảo bị bọc từng lớp một như một bắp cải”. Về việc chiếm đoạt lãnh thổ từ Philippines, Tướng Trương Thiệu Trung cho biết: “Chúng ta nên làm nhiều việc như vậy hơn trong tương lai. Đối với những hòn đảo nhỏ này, chỉ một vài tàu chở quân có thể đồn trú tại đó, nhưng không có thực phẩm hay thậm chí nước uống tại đó. Nếu chúng ta thực hiện “chiến lược cải bắp”, người ta sẽ không thể gửi thực phẩm và nước uống đến các đảo. Không có tiếp tế trong 1 hoặc 2 tuần, các tàu chở quân đóng tại đó sẽ tự mình rời các đảo. Một khi các tàu này đã rời đi, chúng sẽ không bao giờ có thể quay lại”.
Ở biển Hoa Đông, bất đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã nóng lên trong vài năm. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các vụ xâm nhập của tàu Chính phủ Trung Quốc vào các vùng lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku đã bắt đầu tăng nhanh vào cuối năm 2012 và trung bình có 5 cuộc xâm nhập mỗi tháng kể từ đầu năm 2013.
Vào ngày 23/11/2013, Trung Quốc đột ngột tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên phần lớn biển Hoa Đông, gồm cả quần đảo Senkaku.
Ngày 5/12, ở Biển Đông, một tàu chiến Trung Quốc gần như đã va chạm với tàu tuần dương mang tên lửa điều khiển USS Cowpens, một dấu hiệu cho thấy sự bất bình về việc tàu tuần dương đang quan sát các cuộc chạy thử nghiệm trên biển tàu sân bay mới của Trung Quốc. USS Cowpens sau đó đã hủy bỏ nhiệm vụ của mình, các quan chức Mỹ dường như không sẵn sàng mạo hiểm đụng độ. Cuối cùng, vào tháng 1/2014, một quan chức chính quyền địa phương Trung Quốc ở đảo Hải Nam đã ra lệnh bắt buộc các tàu đánh cá nước ngoài hoạt động ở phần lớn Biển Đông (trên các vùng biển cách xa vùng đặc quyền kinh tế được công nhận hiện tại của Trung Quốc) phải có giấy phép đánh cá từ văn phòng của ông này.
Một ví dụ khác về nỗ lực của Trung Quốc thiết lập nhận thức về chủ quyền trên Biển Đông là sự cố gắng của nước này phát triển kinh tế trong khu vực. Tháng 6/2012, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một nhà phát triển dầu lửa khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước, đã mời các công ty thăm dò dầu lửa nước ngoài đấu thầu các lô trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam trước đây đã đem cho thuê các lô này. Tương tự, Trung Quốc và Philippines đã bất đồng sâu sắc về các quyền khoan thăm dò dầu lửa và khí tự nhiên gần đảo Palawan.
Ba mục tiêu
Với loạt biện pháp “tích tiểu thành đại” này, Trung Quốc đang nỗ lực đạt được 3 mục tiêu:
(1) Sử dụng những lợi thế vật chất của các tàu dân sự, bán quân sự và quân sự để tạo ra hình ảnh sự hiện diện vượt trội và lâu dài, so với các địch thủ yếu hơn của mình như Việt Nam và Philippines. Mục tiêu ở đây là tạo ra một ấn tượng về tính hợp pháp duy nhất và, theo thời gian, về chủ quyền.
(2) Hy vọng xác định những chỉ dấu truyền thống về quyền lực nhà nước. Chúng bao gồm việc tuần tra liên tục của các tàu lực lượng thực thi luật pháp bán quân sự và hải quân, thành lập các cơ quan chính quyền ở những nơi như đảo Phú Lâm, thành lập các căn cứ và đơn vị đồn trú quân sự và bán quân sự, ban hành các mệnh lệnh và quy định hành chính và xây dựng các hoạt động của những tập đoàn sở hữu nhà nước như CNOOC.
(3) Những sự kiện như việc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông và suýt nữa va chạm với tàu USS Cowpens được đưa ra nhằm cố ý gia tăng rủi ro cho những hoạt động của Mỹ và đồng minh trong khu vực, với mục tiêu khiến các hoạt động đó hao tiền tốn của hơn và ít thường xuyên hơn. Khi Mỹ và đồng minh giảm dần sự hiện diện thường xuyên, ảnh hưởng của Trung Quốc và tính hợp pháp của những yêu sách của nước này dường như sẽ gia tăng.
Chiến thuật “tích tiểu thành đại” đặt các địch thủ, đặc biệt là các địch thủ có xung đột, vào một vị trí không dễ chịu. Chính các địch thủ của nước thực hiện chiến thuật này bị buộc cuối cùng phải vạch ra những giới hạn đỏ và tiến hành “chính sách bên miệng hố chiến tranh” đối với những hành động mà từng nước khác sẽ coi là ít quan trọng và còn lâu mới tạo ra biến cố gây chiến tranh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đang hy vọng vào sự lưỡng lự như vậy, một tính toán mà cho tới nay đang đem lại cho họ kết quả tốt.
Các biến số
Không có sự phản kháng những hành động của nó, chiến thuật “tích tiểu thành đại” của Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục. Các hành động tương lai của Trung Quốc có thể bao gồm:
- Các cuộc tuần tra của máy bay do thám không người lái Trung Quốc trên quần đảo Senkaku.
- Các vụ đổ bộ lên quần đảo Senkaku của người dân Trung Quốc phản kháng.
- Việc máy bay chiến đấu Trung Quốc ngăn chặn và hộ tống công khai các hãng hàng không Nhật Bản quá cảnh ở ADIZ trên biển Hoa Đông.
- Tuyên bố về một ADIZ của Trung Quốc trên một phần nào đó của Biển Đông.
- Việc khám xét và bắt giữ các tàu đánh cá Việt Nam hay Philippines vì không tuân theo các chính sách đánh bắt cá của Trung Quốc.
- Ngăn cản việc tái tiếp tế hay thay thế đơn vị đồn trú Philippines trên đảo Ayungin hoặc các đơn vị đồn trú khác trên quần đảo Trường Sa.
- Việc các tàu và máy bay Trung Quốc quấy nhiễu thêm nữa các tàu chiến và máy bay tuần tra Mỹ và Nhật Bản.
Với những hành động này và những hành động tương tự, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ hy vọng dần tạo ra “những thực tế mới trên thực địa” và gia tăng nhận thức về rủi ro trong tâm trí các nhà hoạch định chính sách Mỹ và đồng minh, tất cả được tính toán để diễn ra mà không gây ra một cuộc đối đầu quân sự.
Khi những biến cố nhỏ tích hợp lại thành một vấn đề an ninh lớn đối với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN, ai đó có thể vạch ra một giới hạn đỏ ở đâu đó./.
Hoài Nam (gt) - ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment