Cơn bão Haiyan tháng 11 năm ngoái cùng vụ chuyến bay MH370 mất tích đã liên tiếp đặt ra một số yêu cầu mới buộc phải tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa giữa quân đội các nước ASEAN, và với cả các nước đối tác bên ngoài ASEAN.
Philippines đã chủ động mời các nhà báo quốc tế lên tàu đi tiếp vận cho các binh sĩ đóng tại bãi Second Thomas (bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trong ảnh: các nhà báo quay phim, chụp ảnh tàu tuần duyên Trung Quốc bao vây đe dọa hôm 29-3 - Ảnh: Reuters
Nửa tháng trước cơn bão Haiyan, ASEAN đã tổ chức diễn tập ứng phó thảm họa khẩn cấp với trên 2.500 người tham gia cùng máy bay, tàu bè các loại. 15 ngày sau, siêu bão Haiyan ập đến, Philippines tự xoay xở, các nước khác giúp gì được thì giúp.
Ba tuần sau, họp rút kinh nghiệm với các nhận định sau: hải quân các nước ASEAN hầu như đã “vắng mặt” trong thảm họa này, tuy cũng đã ký với nhau thỏa hiệp xử lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp của ASEAN từ năm 2005; phải khẩn trương huy động lực lượng cứu hộ các nước dưới quyền kiểm soát của Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai và của Ban tổng thư ký ASEAN.
Thách thức tập thể đầu tiên đó xem ra dễ đáp ứng. Phía Indonesia đã chuẩn bị sẵn một bộ quy trình hành động cứu trợ chuẩn cho quân đội các nước, sẽ được đệ trình với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN trong hội nghị ở Hawaii bắt đầu hôm nay (1-4). Thế nhưng, đó vẫn là lý thuyết vì trong thực tế, hải quân các nước ASEAN thiếu khả năng cứu trợ nhân đạo do thiếu tàu đổ bộ lớn, xuồng đổ bộ và trực thăng vận tải chở hàng cứu trợ.
Chiếc BRP Ramon Alcaraz mới nhất của hải quân Philippines chỉ chở được 125 tấn hàng hóa cho chuyến cứu trợ đầu tiên thì hết hàng, phải quay đầu về bến vì là tàu chiến chứ không phải tàu cứu trợ thảm họa! Thế nhưng, khó khăn này là của hải quân từng nước, và chỉ nước đó tự quyết định trang bị gì cho mục đích cứu trợ thảm họa.
Thách thức tập thể thứ hai là từ vụ mất tích của chuyến bay MH370. Nó càng cho thấy cần một cơ chế ứng phó hàng không chung. Cả quá trình vừa qua cho thấy mạnh nước nào nước ấy “đến phiên”, tự huy động máy bay, tàu bè tìm kiếm! Thậm chí, Campuchia mấy ngày đầu tuyên bố không có khả năng và phương tiện kỹ thuật tham gia tìm kiếm, nhưng đến hôm 18-3 thì đột nhiên loan báo đã huy động bốn trực thăng, hai tàu đi tìm kiếm sau khi có tin MH370 có thể đã bay trên không phận Campuchia!
Không nước nào muốn bị trách móc. Nhưng cách đáp ứng “cá nhân” như thế một lần nữa cho thấy ASEAN bị động, không chuẩn bị phương án thể hiện chủ quyền tập thể trước sự trách cứ diễn ra hằng ngày ở Bắc Kinh.
Đó là chưa nói đến nguy cơ một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông vẫn còn treo lơ lửng và vẫn còn đó nguy cơ xung đột quân sự. Cách đây hơn hai tháng, hôm 26-1, một tàu đổ bộ và hai tàu khu trục Trung Quốc đã đến “tuần tra” gần bãi cạn James (mà Trung Quốc gọi là Tăng Mầu), chỉ cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia 80km, nằm trong vùng đặc quyền 200 hải lý của nước này, cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800km, và “được” Trung Quốc coi đó là điểm cực nam của “đường lưỡi bò”! Malaysia phải thay đổi ngay cách đối phó: hôm 18-2, Malaysia lần đầu tiên họp với Philippines và Việt Nam tại Manila về một giải pháp cho các vấn đề tranh chấp hàng hải và quy tắc ứng xử trên biển.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc lại cho thấy một sự kiềm chế “hình thức” ở dải Scarborough: tàu tuần duyên chỉ dùng súng phun nước xua đuổi ngư dân và bao vây tiếp tế chiếc tàu “cắm dùi” của Philippines ở đấy. Có phải do biển Đông nay đang bước vào một giai đoạn đối kháng mới là đưa nhau ra tòa, mà nguyên đơn đầu tiên là Philippines, và các láng giềng đã bày tỏ hậu thuẫn? Phải chăng cuối cùng Trung Quốc cũng nhận ra rằng “không thể làm càn” mãi được nữa? Liệu đây sẽ là tiền đề cho một sự khai thông đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vốn cứ đang ở giai đoạn gặp mặt bàn thảo mà chưa đi đến đâu?
Tất cả, và còn các chuyện khác nữa, sẽ là nội dung bàn bạc giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Hawaii.
DANH ĐỨC - BÁO TUỔI TRẺ
Comments[ 0 ]
Post a Comment