Hộ chiếu đường lưỡi bò 9 đoạn và tăng cường lực lượng hải quân là nhằm thực hiện tham vọng kiểm soát Biển Đông.
Trái với những tuyên bố tìm kiếm hòa bình, hợp tác “cùng thắng” với các nước láng giềng giáp biển, gần đây các hành động cho thấy Bắc Kinh tỏ ra cương quyết hơn về xác lập vị thế tại Biển Đông.
Biển Đông - trọng điểm Trung Quốc giành giật để thực hiện chiến lược biển
Tại hai vùng biển ở Đông Á, tranh chấp với Nhật Bản tại biển Hoa Đông trước hết là vì thể diện nước lớn. Điếu Ngư/Senkaku là cuộc xung đột lâu dài; Trung Quốc nói về nguy cơ chiến tranh với Nhật Bản là để thực hiện chiến tranh tâm lý, vì xét tổng lực, Trung Quốc chưa thể chọi được liên minh Nhật-Mỹ; gây chiến mà không thắng là thảm họa.
Bắc Kinh cho lưu hành tấm hộ chiếu mới cho công dân nước này trong đó in chìm bản đồ Trung Quốc bao gồm cả các vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông. Động thái này đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi ngoại giao của các nước liên quan trực tiếp và chỉ trích của dư luận quốc tế. Sự việc bất lợi cho Trung Quốc, nhưng xem ra Bắc Kinh chẳng hề sờn lòng.
Ba trang giấy trên hộ chiếu đã chỉ ra bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Cái đường đứt đoạn này đã trải rộng hàng nghìn kilômét xuống phía nam, tính từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, tới vùng nước ngoài khơi Borneo, Việt Nam và Philippines.
Bản đồ này bao gồm chuỗi quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đưa ra các các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan. Giáo sư nghiên cứu Đông Á Bruce Jacobs của Trường đại học Monash Australia nhận xét: “Bản đồ này khẳng định bản tính ngang ngược ngày càng tăng của Trung Quốc”.
Tàu chiến Liễu Châu loại 054A - chiến hạm đa năng và hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc được bổ sung vào hạm đội Nam Hải để tăng cường việc "thực thi" chủ trương từ 1/1/2013 ngăn chặn, khám xét và trục xuất tàu nước ngoài đi vào đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc áp đặt quyền kiểm soát
Bản đồ trong hộ chiếu mới của Trung Quốc không bao gồm những hòn đảo trên biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản thực tế kiểm soát từ hơn một thế kỷ nay. Điều quan trọng hơn cả, Nhật Bản là cường quốc biển duy nhất ở Đông Á có thể đối phó với lực lượng hải quân đang lớn mạnh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, các quốc gia có đặc quyền kinh tế đối với khu vực biển nằm trong bán kính 200 hải lý từ đường bờ biển. Vì rất nhiều hòn đảo (Minami, Ogasawara, Izu) nằm cách thủ đô Tôkyô 2.000 km, Nhật Bản do vậy có một khu vực đặc quyền trên biển rộng 4,5 triệu km2, lớn thứ 9 thế giới.
Trung Quốc với đường bờ biển dài hơn Nhật Bản, chỉ có 880.000 km2, đứng thứ 31 trên thế giới. Hơn thế nữa, Trung Quốc bị ngăn trở bởi các vùng biển của Mỹ (các quần đảo như Guam , Palau , Caroline…), Philippines và Hàn Quốc.
Trong khi Biển Đông là vùng gồm toàn nước nhỏ hơn; Mỹ chỉ đóng vai trò răn đe chứ không can dự trực tiếp vào xung đột. Cho nên Biển Đông là trọng điểm tranh chấp giành giật của Trung Quốc để có hơn 3 triệu km2 biển.
Bổ sung tàu chiến để Hạm đội Nam Hải thực hiện chủ trương 1/1
Trung Quốc mới đây đã đưa tàu chiến Liễu Châu loại 054A - tàu tác chiến hiện đại nhất của mình ra Biển Đông. Chiến hạm trên, được phiên chế vào hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc, đóng ở Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông. Đây là chiếc tàu thứ sáu thuộc kiểu 054A hiện diện trong khu vực.
Tờ China Times (Đài Loan) cho hay, tàu chiến loại 054A không phải là thiết kế mới nhưng chiếc Liễu Châu vừa bổ sung có công dụng đa năng, trang bị những công nghệ tiên tiến hàng đầu với một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách tới 50 km. Nhiệm vụ chính của tàu Liễu Châu là nhằm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước đó, ngày 27/12, Trung Quốc đưa một tàu tuần tra đại dương lớn có trang bị bãi đáp trực thăng ra Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tu sửa và chuyển giao 2 tàu khu trục và 9 tàu hải quân cũ được tân trang vào hạm đội hải giám hoạt động ở Biển Đông.
Những động thái trên đây khiến dư luận nghi vấn về điều mà Bắc Kinh tuyên bố đối với phạm vi thực thi quy định mới từ ngày 1/1/2013 về ngăn chặn, lục soát, trục xuất tàu nước ngoài trên Biển Đông bị cho là xâm nhập lãnh hải “bất hợp pháp”.
Trước khi năm 2012 kết thúc, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định phạm vi áp dụng những quy định của Hải Nam, được truyền thông nhà nước công bố hồi tháng 11/2012, không có gì thay đổi so với những quy định được thông qua năm 1999, theo đó giới hạn việc thực thi pháp luật trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển Hải Nam. Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là những quy định địa phương này được chính quyền tỉnh Hải Nam đặt ra để tăng cường kiểm soát biên giới đối với hoạt động quản lý biển và bờ biển. Mục đích nhằm đối phó với tội phạm trên biển và duy trì hòa bình ở những vùng biển này. Không có sự thay đổi nào về phạm vi áp dụng những quy định này so với quy định năm 1999”.
Đây chưa hẳn là hành động xuống thang của Trung Quốc sau tuyên bố ban đầu của nhà đương cục Đài Loan. Việc Trung Quốc tăng cường lực lượng cho hạm đội Nam Hải của họ không phải vì mục đích gì khác ngoài tăng cường năng lực thực thi quyền khám xét ở bất cứ nơi nào trong những vùng Biển Đông.
Nga chuẩn bị hoàn thành chiếc tàu ngầm thứ 2 cho Việt Nam, ảnh TTVNOL
Tuy nhiên, mưu đồ là một việc, còn thực hiện được đến đâu còn tùy thuộc vào cuộc đấu tranh trên dư luận và trên biển. Trong cuộc đấu tranh này, chính nghĩa và lẽ phải không phải thuộc về kẻ có nhiều tàu chiến máy bay hiện đại. Các nước liên quan sẽ không chấp nhận Trung Quốc một mình “múa gậy vườn hoang”.
Tiếp tục tung tín hiệu hù dọa láng giềngQuân đội Trung Quốc đã thực hiện một loạt những cuộc tập trận nhằm nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu tại ba vùng Thẩm Dương, Tế Nam và Tam Sa. Trích dẫn báo của quân đội Trung Quốc. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày hôm nay, 04/01/2013 đã tiết lộ tin về những cuộc thao diễn vừa được tổ chức hôm thứ Tư 02/01.
Nhật báo Hồng Kông đặc biệt chú ý đến cuộc diễn tập của binh lính thuộc Hạm đội Nam Hải đóng quân trên đảo mà Trung Quốc gọi là Sâm Hàng (Chenhang), trong nhóm đảo tên quốc tế là Duncan (Việt Nam gọi là Quan Hòa) trong quần đảo Hoàng Sa, nơi có đặt một sân bay.
Theo tờ báo của quân đội Trung Quốc, do việc đảo Sâm Hàng chiếm một vị trí chiến lược thuộc loại quan trọng nhất gần Tam Sa, đơn vị đồn trú tại nơi này đã được huấn luyện để luôn luôn đề cao cảnh giác, đặc biệt trong những dịp lễ tết. Các sĩ quan chỉ huy đã tăng cường lực lượng tuần tra vào những dịp này.
Riêng về thành phố Tam Sa mà Bắc Kinh đã quyết định thành lâp ngày 21 tháng Sáu 2012 để cai quản toàn bộ vùng Biển Đông mà Trung Quốc đòi chủ quyền, dân số thường trú tại đây chỉ khoảng 1.000 người, nhưng theo báo South China Morning Post, đơn vị quân đội đồn trú lên đến 6000 người.
Cùng ngày, các bài tập phòng không, chống khủng bố, đối phó với tình trạng khẩn cấp cũng diễn ra tại Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, và Tế Nam, thủ phủ của Sơn Đông. Tập trận cũng được thực hiện ở Chiết Giang, thủ phủ tỉnh Hàng Châu, vào đúng ngày đầu năm dương lịch.
Trả lời nhật báo Hồng Kông, ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), giám đốc Viện nghiên cứu về sức mạnh hải quân và chính sách quốc phòng tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật học ở Thượng Hải, cho rằng các cuộc tập trận nhằm cải thiện năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc đối phó với các cuộc tấn công bất ngờ, đặc biệt là từ quân đội Nhật Bản.
Nhìn chung, chuyên gia Trung Quốc này ghi nhận : « Tất cả các cuộc tập trận đều diễn ra ở các thành phố dọc theo Biển Đông và Hoa Đông, nơi mà các tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng vẫn chưa được giải quyết. Trong số các đối thủ, Nhật Bản là quốc gia đặt ra nhiều thách thức nhất trong biện pháp phòng ngừa vì họ đã nổi tiếng với các cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) năm 1941. »
Lưu Việt - Báo Tổ Quốc, Trọng Nghĩa - RFI
Comments[ 0 ]
Post a Comment