Đặc công Việt Nam luôn luôn sẵn sàng mọi tình huống
Wednesday, May 1, 2013
Bộ đội Đặc công là một lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Binh chủng Đặc công đều lập được nhiều chiến công hiển hách, đi vào huyền thoại.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Binh chủng Đặc công vẫn là một trong những lực lượng sẵn sàng chiến đấu, cơ động nhanh của Quân đội nhân dân Việt Nam, luôn xứng đáng với lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt. Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được…".Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Thiếu tướng Trần Xuân Hòe, Tư lệnh Binh chủng Đặc công về vấn đề này.
- Thưa Tư lệnh, trong những năm tháng chiến tranh, Binh chủng Đặc công đã lập được nhiều chiến công chói lọi, với cách đánh độc đáo, táo bạo “bí mật bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm” làm cho quân thù kinh hồn, bạt vía. Trong bối cảnh hiện nay, để phát huy truyền thống ấy, công tác huấn luyện của Binh chủng Đặc công được duy trì thế nào?
Thiếu tướng Trần Xuân Hòe. Ảnh: Vietnam+
Thiếu tướng Trần Xuân Hòe: Đặc công là một Binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để phát huy tốt truyền thống anh hùng trong chiến đấu, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong xây dựng, huấn luyện và công tác, những năm qua Binh chủng Đặc công đã tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển các lực lượng Đặc công theo hướng tinh, gọn, chất lượng cao.
Cùng với xây dựng lực lượng, chúng tôi rất coi trọng việc nghiên cứu khoa học và phát triển nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Đặc công. Binh chủng luôn phát huy trí tuệ của mọi cán bộ, chiến sỹ trong nghiên cứu, cải tiến, sáng chế một số mô hình học cụ, vũ khí trang bị kỹ thuật phục vụ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tham mưu cho Bộ mua sắm một số loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, đặc chủng phù hợp với cách đánh đặc công trong điều kiện mới.
Đặc biệt, chúng tôi luôn tổ chức huấn luyện bộ đội theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu theo nhiệm vụ, sát với đối tượng và địa bàn tác chiến (bảo đảm kỹ thuật, chiến thuật phải được huấn luyện đặc biệt thuần thục).
Hiện nay chúng tôi đã đào tạo, giáo dục, rèn luyện được lực lượng chiến đấu viên trung thành, dũng cảm, tinh nhuệ, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
- Được biết, Binh chủng Đặc công được giao nhiệm vụ tác chiến chống khủng bố. Bộ Tư lệnh đã làm gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ này?
Chống khủng bố là nhiệm vụ mới, lực lượng đặc công chưa có nhiều kinh nghiệm trong tác chiến đối tượng này. Tuy nhiên, với truyền thống quyết chiến quyết thắng, bất luận trong mọi điều kiện hoàn cảnh, cho dù nhiệm vụ được giao có mới, có khó khăn, phức tạp đến đâu chúng tôi cũng phải khắc phục cho kỳ được.
Đoàn đặc công biệt động 1 luyện tập chống khủng bố. Ảnh: Vietnam+
Do đó, trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Đặc công đã tập trung chỉ đạo cho các bộ phận chức năng nghiên cứu kỹ đối tượng tác chiến. Trên cơ sở đó xác định cách đánh, tổ chức xây dựng lực lượng chống khủng bố, xây dựng các phương án và thực hành huấn luyện chuyên sâu theo từng tình huống khủng bố có thể xảy ra. Cùng với đó, chúng tôi cũng nghiên cứu, biên soạn hệ thống tài liệu cho lực lượng chuyên trách chống khủng bố một cách đặc biệt hơn so với các lực lượng khác. Hiện nay, tất cả các đơn vị trong Binh chủng, các Quân khu… đều có lực lượng chống khủng bố. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chúng tôi đã đưa nội dung huấn luyện nhảy dù cho lực lượng làm nhiệm vụ tác chiến chống khủng bố trong toàn Binh chủng; tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện võ thuật, bắn súng, sử dụng thành thạo các loại vũ khí mới được trang bị.
Lực lượng chống khủng bố của Binh chủng Đặc công hiện nay đã đạt đến trình độ tinh nhuệ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
- Từ khi thành lập vào ngày 19/3/1967 đến nay, lực lượng đặc công có 210 cá nhân, 90 tập thể được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó còn nhiều chiến công thầm lặng, vậy việc tôn vinh những đóng góp ấy trong thời gian tới sẽ được Binh chủng tiến hành như thế nào, thưa Tư lệnh?
Thực tế vấn đề giải quyết chế độ, chính sách, đãi ngộ người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm.
Về phía mình, Binh chủng cũng đã làm tốt những công việc hết sức cụ thể, đặc biệt là đã chủ động tìm hiểu, phát hiện những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn, những mất mát trong cuộc sống hiện tại cũng như trong chiến đấu của nhiều trường hợp, qua đó đã có những hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần để phần nào cuộc sống của đồng chí, đồng đội đỡ khó khăn hơn.
Ngoài ra, trước đây lực lượng đặc công trong kháng chiến hoạt động rất bí mật, đặc biệt là lực lượng đặc công biệt động. Thậm chí, có những người trong thời chiến cùng chung một nhiệm vụ, một chiến hào mà đồng đội cũng không biết được nhau. Đến nay, chúng tôi cũng đã và đang tìm hiểu, xác minh, đề nghị, công nhận… để cho đồng đội mình được về với Binh chủng.
Bên cạnh đó, Binh chủng cũng sẽ phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan truyền thông để giới thiệu với đại chúng, với bạn bè trong và ngoài nước những tấm gương tiêu biểu trong lực lượng Đặc công. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, làm cho thế hệ trẻ thấy được lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần quyết chiến quyết thắng của Bộ đội đặc công trong mọi thời kỳ. Qua đó, góp phần khích lệ, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nêu cao ý thức cảnh giác cho thế hệ trẻ trước mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, chiến tranh nổ ra trên suốt dải biên giới từ Móng Cái tới Lai Châu.
Tháng 2 năm 1979, Bộ Quốc phòng lệnh cho Bộ tư lệnh Đặc công điều động Tiểu đoàn đặc công 45 phối thuộc cho bộ tư lệnh Quân khu 1 tham gia chiến đấu.
Tiểu đoàn đặc công 45 nhận nhiệm vụ chiến đấu đêm 17 tháng 2, đến 22 giờ ngày 19 đến vị trí tập kết. Tiểu đoàn lúc đầu do đại úy Phạm Xuân Trường chỉ huy, sau đó do thượng úy Hoàng Mạnh Thời chỉ huy. Cùng đi với tiểu đoàn có đồng chí trưởng phòng đặc công Quân khu 1, một số cán bộ phái viên của Bộ tư lệnh Đặc công và trợ lý đặc công quân khu.
Tại vị trí tập kết, khí thế của đơn vị thật sôi động, mọi người đều hăng hái, hồ hởi chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu sắp tới với quyết tâm chiến đấu rất cao. Tuy nhiên khi bước vào chiến đấu, đơn vị gặp nhiều khó khăn: Tiểu đoàn nhận lệnh chiến đấu gấp, đơn vị đang huấn luyện, phải cơ động hàng trăm ki-lô-mét nên sức khoẻ giảm sút; địa bàn tác chiến mới lạ, chưa quen địa hình, đồi tượng tác chiến mới nên ta chưa rõ trình độ và khả năng chiến đấu của đối phương. Hơn nữa, là đơn vị mới thành lập tiểu đoàn chưa tham gia chiến đấu trận nào nên chưa có kinh nghiệm.
5 giờ sáng ngày 20, toàn bộ lực lượng của tiểu đoàn đã vào vị trí chiến đấu, triển khai lực lượng đào hầm hố, công sự chiến đấu.
Đợt 1 từ ngày 20 tháng 2 đến ngày 4 tháng 3, tiểu đoàn đã chốt giữ kiên cường tại vị trí được phân công bằng cách đánh phòng ngự chốt giữ mục tiêu kết hợp với phản kích. Các trận chiến đấu của tiểu đoàn đã tạo được thế và địa bàn đứng chân cho toàn tiểu đoàn, chuẩn bị cho đợt hoạt động thứ 2 của tiểu đoàn.
Đợt hai từ ngày 8 tháng 3 đến ngày 14 tháng 3, tiểu đoàn tổ chức đi trinh sát ở 4 điểm, đánh 2 trận, 1 trận phục kích, 1 trận tập kích. Trong đợt hai, trận phục kích trên quốc lộ số 3 là trận đánh đạt hiệu suất cao.
Ngày 10 tháng 3 năm 1979, tiểu đoàn tổ chức phục kích nhằm tiêu diệt đoàn xe cơ giới của đối phương trên quốc lộ 3. Trong trận này thiếu úy Đào Văn Quân - chính trị viên phó đại đội vừa chỉ huy vừa trực tiếp chiến đấu, lập công xuất sắc. Trận đánh thắng lợi giòn giã. Tiểu đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; nhiều tập thể đại đội và cá nhân được tặng thưởng huân chương và bằng khen.
Tiếp đó tiểu đoàn tổ chức tập kích bí mật đối phương tại khu vực đường số 4.
Từ ngày 15 đến 17 tháng 3, tiểu đoàn tiếp tục bám trụ, đồng thời tổ chức lực lượng truy kích đối phương. Mặc dù đường hành quân xa, công tác bảo đảm khó khăn nhưng đơn vị vẫn kiên quyết chấp hành nhiệm vụ, hành quân liên tục suốt ngày đêm, đến các khu vực được phân công, sẵn sàng chiến đấu theo nhiệm vụ.
Tháng 4 năm 1979, Tiểu đoàn 45 tổ chức hội nghị tổng kết đợt hoạt động tác chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Tiểu đoàn nhận định: Từ ngày 20 tháng 2 đến ngày 19 tháng 3, tiểu đoàn tham gia chiến đấu ở khu vực được phân công, cùng với quân và dân địa phương bảo vệ vững chắc địa bàn ở hướng này. Tiểu đoàn đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, cơ động lực lượng nhanh, chuẩn bị chu đáo đến chiến trường bước vào chiến đấu ngay và lập nhiều chiến công vang dội.
Cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã nêu cao ý chí quyết - chiến quyết thắng, phát huy trí thông minh và lòng dũng cảm trong chiến đấu, bám trụ kiên cường trong phòng ngự, dũng mãnh trong tiến công bảo vệ vững chắc địa bàn được giao. Đơn vị đã phát huy được truyền thống của binh chủng, vận đụng các phương pháp và thủ đoạn chiến đấu linh hoạt, đạt hiệu suất cao, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho nhiệm vụ hoạt động chiến đấu bảo vệ biên giới của đặc công.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Tiểu đoàn 45 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, 4 đại đội và hơn 70 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công.- vnmilitaryhistory
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment