Đảo chính ở Việt Nam hay hỗn loạn ở Trung Quốc?
Wednesday, December 11, 2013
Trong năm qua, nhà xuất bản "Văn học phương Đông" tại Matxcơva đã in tập 3 của bộ biên niên sử "Đại Việt sử ký toàn thư” bằng tiếng Nga. Trong tập này, bốn chương đầu của "Biên niên sử cơ bản” được in chung với các trích đoạn biên niên sử Trung Quốc cùng thời kỳ. Điều này cho phép người đọc so sánh cách viết của các sử gia Việt Nam và sử gia Trung Quốc về cùng một sự kiện. Ban biên tập của dự án gồm các chuyên gia hàng đầu của Nga về lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc, đôi khi đưa ra những cách lý giải mới mẻ về các sự kiện nhất định.
Ví dụ, biên tập viên điều hành của dự án, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử Andrei Fedorin bác bỏ quan điểm cho rằng sau khi Hoàng đế Lý Nhân Tông băng hà năm 1127 trong triều đình đã xảy ra một cuộc đảo chính ngầm. Ông hoàn toàn không đồng ý với ý kiến cho rằng vì cuộc cướp ngôi này mà tân hoàng đế Lê Thánh Tông không được phía Trung Quốc thừa nhận trong 4 năm liền.
Xin nhắc lại rằng năm Lý Nhân Tông qua đời là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử của nhà Tống. Giao tranh với nước Tấn, nhà Tống mất một nửa lãnh thổ, bao gồm cả thủ đô, quân đội đã bị đánh bại. Trên vùng biên giới giáp với Đại Việt đã lập ra triều đại Nam Tống, quan hệ với các nước láng giềng thật sự hỗn loạn. Chuyên gia về lịch sử VN Andrei Fedorin nói:
“Trong những điều kiện như vậy, Đại Việt không thể ngay lập tức hiểu được nên cử sứ đoàn tới gặp ai ở Trung Quốc và thương lượng với triều đình nào? Các nguồn sử Việt ghi nhận có hai đoàn sứ giả, nhưng điều này thường được hiểu như là hai thông tin về một sự kiện duy nhất. Chúng tôi đã chứng minh rằng thực sự có hai đoàn đi sứ với các thành phần tương tự. Các nguồn sử Trung Quốc cũng ghi lại như vậy.”
Đó là những sứ đoàn nào? Trước tiên Đại Việt chỉ nghe ngóng và thông báo một cách không chính thức cho Nam Tống biết về thay đổi trong triều đình. Sợ rằng Đại Việt lợi dụng sự suy yếu của họ và tấn công đế chế như Lý Thường Kiệt từng làm nửa thế kỷ trước, Nam Tống công nhận tân vương và cấp cho danh hiệu giống như người tiền nhiệm của ông. Điều đó đã xảy ra vào năm 1130. Tuy nhiên Đại Việt không vội vàng nhận tước hiệu đó. Trước tiên phải đảm bảo rằng Nam Tống là triều đình hợp pháp có đầy đủ thẩm quyền. Trong cùng năm đó Đại Việt chính thức cử người đi sứ tới Nam Tống lần thứ nhất. Hơn nữa, như đã nêu trong "Toàn thư" đây là chuyến thăm đáp lễ. Công thức này thường được áp dụng với nước đối tác ngang hàng, chứ không phải với nhà chúa. Rõ ràng, chuyến đi sứ đã không đáp ứng được mong muốn. Hai năm sau Đại Việt lại cử sứ thần sang Nam Tống. Lần này Nam Tống đã thuyết phục được các sứ thần về tính hợp pháp của mình. Đại Việt chấp nhận tước hiệu được phong.
Theo ông Andrey Fedorin, Nam Tống chậm công nhận Lý Thánh Tông không phải do nghi ngờ về tính hợp pháp trong chuyển giao quyền lực của Đại Việt, mà là do tình hình hỗn loạn trong nội bộ Trung Quốc .
Theo Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment