Chúng ta luôn xác định biển Đông là vấn đề phức tạp, lâu dài
Thursday, December 19, 2013
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị ngoại giao đang diễn ra tại Hà Nội (từ 16-20.12), Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác cùng phát triển trên biển Đông. “Nhưng hợp tác gì cũng phải phù hợp với luật pháp của Việt Nam, với luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và hợp tác gì thì cũng phải trên cơ sở quốc tế, hữu nghị, chứ không phải hợp tác chung chung” – Đại sứ Nguyễn Văn Thơ khẳng định.
Nguyên tắc làm việc từng bước, từ dễ đến khó
Theo đánh giá của Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, trong năm 2013, quan hệ hai nước có những bước phát triển tích cực. Đáng chú ý, hai bên đã nhất trí thành lập 3 nhóm công tác là nhóm Công tác trên biển, nhóm Công tác trên bộ và nhóm Công tác tài chính-tiền tệ. Hai bên cam kết sẽ thúc đẩy - đặc biệt là nhóm Công tác trên bộ, làm sao Trung Quốc có các dự án đầu tư vào Việt Nam, kết nối hạ tầng giao thông, hợp tác tài chính.
Vấn đề trên biển, hai bên thống nhất duy trì hòa bình, ổn định trong khi đàm phán để tìm các biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề biển Đông. Hai bên không làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy hợp tác các vấn đề ít nhạy cảm trên biển. “Vấn đề biển Đông được xác định là vấn đề phức tạp, lâu dài, tế nhị. Chúng ta tiếp tục tiến hành thương lượng với Trung Quốc trong vấn đề này” – Đại sứ nhận định.
Với nhóm Công tác trên biển, cụ thể hai bên sẽ làm việc với nhau thế nào, thưa Đại sứ?
- Hai bên cùng làm việc trên nguyên tắc tuần tự từng bước, từ dễ đến khó, bàn bạc, nghiên cứu khả năng hợp tác cùng phát triển tại biển Đông. Trước tiên, phải thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ, hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng, chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển…
Chúng ta luôn xác định vấn đề biển Đông là vấn đề phức tạp, lâu dài. Thiết lập nhóm công tác trên cũng là thể hiện tinh thần chủ động, tích cực, thiện chí của Việt Nam với mong muốn từng bước giải quyết ổn thỏa vấn đề biển Đông.
Đại sứ có thể cho biết về tiến độ của đường dây nóng Việt-Trung về hoạt động nghề cá?
- Vấn đề nghề cá là vấn đề rất quan trọng. Đường dây nóng đang được thúc đẩy, sẽ góp phần làm sao tạo ngư trường thuận lợi cho ngư dân Việt Nam đánh bắt, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước khi ngư dân đánh cá ở vùng truyền thống của Việt Nam.
Việt Nam xuất nông sản, nhập máy móc
Vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn đang là quan ngại lớn trong quan hệ thương mại song phương. Câu hỏi hiện nay là làm sao để Việt Nam có thể cân bằng phần nào cán cân thương mại với Trung Quốc, thưa Đại sứ?
- Nguyên nhân Việt Nam nhập siêu cao: một là do kinh tế thị trường, nhu cầu nhập khẩu – xuất khẩu tăng lên, hai là cơ cấu thương mại của Việt Nam có cải thiện nhưng rất chậm. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là mặt hàng nông sản, nguyên vật liệu nên giá trị gia tăng thấp. Việt Nam nhập siêu rất nhiều, từ thiết bị máy móc đến nguyên phụ liệu cho dệt-may. Nếu Việt Nam không cải thiện cơ cấu xuất-nhập khẩu, thì nhập siêu sẽ tiếp tục.
Trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, đặc biệt giữa lãnh đạo cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên cũng đề cập vấn đề này. Lãnh đạo Việt Nam rất thẳng thắn đề cập làm sao có những biện pháp để giảm nhập siêu. Lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận tìm ra biện pháp để giảm dần nhập siêu với Trung Quốc.
Những giải pháp đó là gì, thưa Đại sứ?
- Việt Nam chủ động đưa ra các mặt hàng để Chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện, để các mặt hàng đó sang Trung Quốc nhiều hơn, các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy-hải sản, giày dép, dệt-may. Trung Quốc luôn nói sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu sang. Việc này cần làm nhiều hơn. Đây là thách thức lớn, đặc biệt sắp tới Việt Nam tham gia TPP. Theo tôi điều này phải từng bước, không phải một chốc một lát chúng ta có thể cân bằng được cán cân thương mại.
Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam những năm gần đây phát triển rất mạnh, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 60 tỉ USD vào năm 2015. Mục tiêu đó là hiện thực.
- Xin cảm ơn Đại sứ!
Báo Lao Động
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment